Độ thị không thể mặc chiếc áo pháp lý nông thôn

TTCT - TP.HCM vẫn được coi là một “siêu đô thị” với trên 10 triệu dân, chưa kể khoảng 80.000 người nước ngoài thường xuyên sống và làm việc. Nhưng nó vẫn phải khoác trên mình chiếc áo pháp lý nông thôn khiến việc quản trị luôn gặp phải những ách tắc không đáng có.

Phóng to
Nhiều ý kiến cho rằng những thành phố lớn như TP.HCM cần có mô hình quản lý khác, hiệu quả hơn (ảnh chụp trụ sở UBND TP.HCM) - Ảnh: Minh Đức

Quản đô thị khác nông thôn

Đô thị là sản phẩm của công cuộc công nghiệp hóa, đô thị là nơi tập trung đông đúc dân cư, chủ yếu là lao động phi nông nghiêp, cư dân có lối sống thành thị, phong cách sống khác nông thôn với những đặc trưng như: có nhu cầu giải trí đa dạng, nhanh chóng và có khuynh hướng dễ tiếp thu nền văn minh của nhân loại, thậm chí tội phạm cũng khác và phức tạp hơn nhiều so với vùng nông thôn... Vì thế, đương nhiên phải có một nền quản trị tương thích.

Trong xu thế toàn cầu hóa, các thành phố lớn với vùng đô thị mở rộng sẽ là đơn vị kinh tế vùng đô thị, sẽ cạnh tranh và hợp tác với nhau vượt ra ngoài phạm vi biên giới hành chính quốc gia để giành quyền cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho thị trường thế giới. Dự đoán vùng kinh tế đô thị với TP.HCM là trung tâm sẽ trở thành một trong những đơn vị kinh tế vùng châu Á với nhiều lợi thế cạnh tranh, một điểm nút của mạng lưới kinh tế toàn cầu.

Do vậy cần nhận rõ sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Kiến nghị trong chương X dự thảo Hiến pháp, phần chính quyền địa phương, cần có quy định những điều cơ bản về chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm tạo điều kiện xây dựng các luật cần thiết cho quá trình thực thi hiến pháp.

Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho TP.HCM và sau này là những thành phố lớn khác xây dựng mô hình chính quyền đô thị từ thực tế đổi mới. Hiến pháp đề ra tiêu chí phân loại đô thị sẽ mở đường cho việc xây dựng một đạo luật về đô thị. Có như vậy việc quản lý từng địa phương theo đặc thù vùng, miền mới hiệu quả.

Kiến nghị sửa đổi khoản 2 điều 116 quy định ủy ban hành chính, thay cho UBND, là cơ quan hành chính ở địa phương, và bổ sung chức danh người đứng đầu thành phố trực thuộc trung ương là thị trưởng, cũng như hình thành mô hình chính quyền đô thị hai cấp.

Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy các đô thị lớn chủ yếu tổ chức chính quyền đô thị có hai cấp, gồm cấp chính quyền hoàn chỉnh ở cấp thành phố và cấp hành chính thừa hành, ở nước ta sắc lệnh 77 (22-1-1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mỗi thành phố chỉ có ủy ban hành chính thành phố và ủy ban hành chính khu phố. Tuy nhiên đối với thành phố lớn hay cực lớn trên 10 triệu dân kinh nghiệm trên thế giới cho thấy còn có mô hình thành phố trong thành phố, do vậy bên cạnh cấp thừa hành còn có cấp hoàn chỉnh thuộc cấp thành phố.

Mạnh dạn phân cấp

Các thành phố hiện đang đấu tranh với ba xu hướng: toàn cầu hóa, đô thị hóa và phân cấp, phân quyền hóa. Toàn cầu hóa đã giúp chúng ta hội nhập ngày càng nhiều trong nền kinh tế thế giới. Đô thị hóa là không tránh khỏi, các thành phố là động lực phát triển kinh tế. Phân cấp, phân quyền đề cập những nỗ lực nhằm thay đổi cán cân quyền lực từ cấp chính quyền trung ương đến các cấp chính quyền địa phương. Nó liên quan đến khuôn khổ thể chế cho việc quản lý hành chính và chính trị trong một đất nước, đến vai trò và mối quan hệ giữa thể chế trung ương và địa phương.

Bốn mục tiêu chính thường gắn với việc phân cấp, phân quyền là: (i) để nâng cao năng lực quản lý và hiệu suất quản lý, (ii) để nâng cao năng lực hoạt động tài chính thông qua các quyết định về tăng nguồn thu và chi tiêu hợp lý, (iii) tạo ra môi trường tốt hơn và khả năng đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của địa phương, (iv) để cải thiện mối quan hệ giữa chính trị và dân chủ.

Trên thế giới hiện nay đã có định chế tự quản đô thị, nhưng chưa có tiền lệ trong hệ thống điều hành chính quyền của Nhà nước ta. Tuy nhiên nó cũng có những nền móng ban đầu về chủ trương phân cấp mạnh về thẩm quyền của chính phủ cho các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn có vị trí quan trọng cho sự phát triển của đất nước hay một vùng, một khu vực.

Do đối tượng quản lý đối với khu vực nông thôn và khu vực đô thị có nhiều đặc thù khác nhau nên nhiều năm qua xuất hiện nhu cầu phải quản lý đô thị khác với nông thôn. Rõ ràng việc tổ chức quản lý cào bằng đối với hai khu vực này là không phù hợp với khoa học về tổ chức quản lý.

Nhà nước từng ban hành pháp lệnh về thủ đô và nghị định 93/2001/NĐ-CP phân cấp một số lĩnh vực quản lý cho thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên sự phân cấp này chưa đủ tầm, chưa phát huy hết nguồn lực của hai thành phố lớn và có thể nới rộng ra cả hệ thống đô thị của cả nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận