Mong phố Tây có khách… tây

VŨ THỦY 24/09/2020 23:09 GMT+7

TTCT - Các bar, pub, quán ăn… ở khu Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (quận 1, TP.HCM) đã từ lâu không còn cảnh khách du lịch Tây, ta dập dìu, ngồi tràn ra cả lề đường. Các địa điểm kinh doanh chỉ đang hoạt động cầm chừng, không ít khách sạn, spa đã đóng cửa im ỉm nhiều tháng nay.

Du khách vui chơi tại phố Tây Bùi Viện, Q.1, TP.HCM thời điểm chưa có dịch COVID (2019). Ảnh: T.T.D.
Du khách vui chơi tại phố Tây Bùi Viện, Q.1, TP.HCM thời điểm chưa có dịch COVID (2019). Ảnh: T.T.D.

“Nhìn khu phố tối thui mà chảy nước mắt”

Đến tận 20h, bà chủ của quán ăn Taj Mahal ngay đầu khu phố Tây vẫn ngồi không, một lúc sau mới có 3 người khách ghé vào ăn tối. Chỉ thế thôi mà một người quen ghé qua đã thốt lên: “Nhìn chị như thế này là tôi mừng rồi, sống rồi”.

Nhưng đó chỉ là một đêm may mắn hiếm hoi. “Trước kia một đêm bán thu 14-15 triệu, giờ chỉ lai rai 2-3 bàn, được chừng hơn triệu. Khách của quán tới 80% là người nước ngoài, họ về hết thì đâu có khách.

Đợt dịch đầu vậy chứ không thê thảm như hiện tại vì lúc đó khách còn kẹt lại nhiều. Sau đó họ tìm cách về nước hết. Lần thứ 2 này mới thực sự là vắng” - chị Đặng Thị Minh Phượng, chủ quán ăn đã mở 5 năm ở phố Tây Bùi Viện này, than thở.

Ngoài nhà hàng mở dưới tầng trệt, ở phía trên chị có 5 phòng lưu trú, hiện 3 phòng đang để trống, “2 phòng khác do họ thuê tháng ở lại làm việc”. Chỉ ra con phố đi bộ ngày thường nêm kín người qua lại giờ lác đác người, chị Phượng nói: “Đến người đi ngoài đường còn không có. Bar đối diện bên kia vẫn có DJ mix nhạc ầm ầm như mọi khi nhưng có khách nào đâu.

Nhân viên người nào không phải giờ làm việc cũng lên ngồi bàn để nhìn cho có người”. Không phải đóng cửa nhưng chị Phượng cho biết những tháng qua doanh thu của quán đã giảm khoảng 70%, “giỏi lắm chỉ đủ trả chi phí”.

“Lúc đóng cửa hồi tháng 3, tối ra đường đứng nhìn cả khu phố tối thui tôi chảy nước mắt. Tôi sinh ra, lớn lên và làm ăn ở đây đã hơn 50 năm mà chưa bao giờ khu phố này vắng như thế” - bà Văn Minh Thủy, người kinh doanh ở khu phố Tây, chia sẻ.

Những ngày này, quán của bà cũng lèo tèo vài ba khách. “Tôi kinh doanh bằng mặt bằng nhà, không tốn tiền thuê mà còn chịu không nổi. Hồi xưa không mở hàng (không có người khách vào) hiếm lắm. Giờ thì tuần có 2-3 ngày không mở hàng là bình thường. Xưa cái quán ăn bán gần 20 triệu tiền bia mỗi ngày, giờ chỉ cần doanh thu bằng 40% so với trước là mừng”, bà Thủy nói thêm.

Nằm ngay đầu đường Bùi Viện, khu nhà hàng, pub có tên Yolo cũng không có mấy mặt khách. Hơn 10 ngày cho phép hoạt động trở lại lần 2 này, lượng khách chừng 40-60% so với trước.

Thứ năm, thứ sáu, thứ bảy còn thoáng bóng khách, ngày thường lại vắng ngắt. Một số quán bar tại đây không chịu được chi phí đã sang, bán mặt bằng hoặc cầm để vay ngân hàng.

Anh Quang Hùng, đại diện hệ thống kinh doanh giải trí Kingdom, cho biết: “Thời gian tạm đóng cửa, doanh thu bằng 0 nhưng chi phí về nhân sự, mặt bằng... vẫn phải trả. Từ đầu năm đến nay đã gần 9 tháng, nhưng 2 cơ sở bar và pub của Kingdom tại khu phố Tây chỉ hoạt động được chưa đầy 4 tháng”.

Khu phố Tây vắng hoe vì nhiều khách Tây đã về nước. Ảnh: VŨ THỦY
Khu phố Tây vắng hoe vì nhiều khách Tây đã về nước. Ảnh: VŨ THỦY

Các tháng gần đây khi được hoạt động trở lại, doanh thu vẫn giảm 50%. “Thời điểm thiệt hại nặng nhất là đợt giãn cách xã hội vào tháng 3 khi phải đóng cửa toàn bộ karaoke, nhà hàng, club, bar, pub” - anh nói thêm.

Chủ nhà hàng kiêm phục vụ

Doanh thu giảm sâu, người kinh doanh ở khu phố Tây tìm mọi cách xoay xở suốt nhiều tháng liền. Ở nhà hàng Taj Mahal, chị Minh Phượng giờ phải kiêm tất cả các công việc. “Trước đây nhà hàng có 5 người, 2 bếp với 3 nhân viên phục vụ, nhưng nay phục vụ nghỉ hết vì tôi không còn tiền trả.

Giờ chạy bàn là tôi, bưng bê là tôi, tính tiền, chạy xe giao hàng và đến cả chùi toilet cũng là tôi. Cũng may là khi không có khách nước ngoài thì quán có thêm nhiều khách VN ghé”, chị Phượng nói. Đang trông quán nhưng có khách đặt đồ ăn, chị vội vã chạy xe máy đi giao.

Chị kể: “Nhân viên còn lại là đầu bếp nước ngoài, dịch họ không về được, mà mình cũng không thể cho nghỉ được. Giờ cũng chỉ lo cho họ ăn, ở cho qua mùa dịch chứ không có tiền trả lương”.

“Chúng tôi cắt giảm nhân sự 60-70%, hầu hết là nhân viên phục vụ. Chỉ giữ lại ban quản lý, nhân viên văn phòng và giảm 50% lương. Đồng thời đàm phán với chủ nhà giảm 30% chi phí thuê mặt bằng. Chúng tôi cũng giảm các hoạt động marketing, truyền thông, giải trí, ăn uống...

Nhân viên phục vụ phải nghỉ việc chờ khi nào kinh doanh lại thì cơ sở sẽ mời về làm việc”, đại diện Yolo cho biết. Khi cho mở cửa lại thì các quán bar, club tại khu vực phố Tây, trong đó có Yolo đã chủ động thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi thời gian hoạt động. Trước đây mở cửa từ 20-21h thì nay mở từ 17h để đón khách văn phòng, doanh nghiệp tan giờ làm.

“Chúng tôi thay đổi menu ăn uống và giá cả cho phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn vì hiện đa số doanh nghiệp làm ăn không tốt, thu nhập của nhân viên giảm”, đại diện Yolo nói thêm.

Nhà hàng và bar Bollywood (Bùi Viện) đang bán đồ ăn qua 5 app giao hàng kèm nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá bán để lôi kéo thêm khách.

“Tôi hầu như không đóng cửa suốt đợt dịch. Nhà hàng không mở cửa nhưng bếp vẫn hoạt động, nhân viên vẫn làm việc để bán hàng online. Khách của chúng tôi trước đây 80% là người nước ngoài nhưng giờ chủ yếu là khách VN. Đợt dịch này họ đến quán của chúng tôi nhiều hơn” - Raj, chủ quán người Ấn Độ, cho biết.

Khách phố Tây giờ hầu hết là người Việt.   -Ảnh: VŨ THỦY
Khách phố Tây giờ hầu hết là người Việt. -Ảnh: VŨ THỦY

Cầm cự và hi vọng

Suốt thời gian qua, Raj không cho nghỉ bất kỳ nhân viên nào mà chỉ giảm lương. “Họ là nhân viên của tôi. Giờ họ nghỉ cũng không tìm được việc làm. Mọi người cùng cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sắp tới VN mở lại nhiều đường bay, tôi hi vọng sẽ có nhiều khách từ Trung Quốc, Thái Lan… tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn”, Raj nói.

Anh cho rằng VN đang kiểm soát dịch rất tốt nên rất hi vọng phố Tây sẽ sớm trở lại như trước. “Hiện tại chúng tôi hoạt động cầm chừng để nhân viên có việc làm. Mở ra đã khó, mà nếu ngưng thì khi dịch qua đi, mở lại cũng không dễ.

Ở đây tôi có sự ủng hộ của tất cả mọi người, từ nhân viên phục vụ đến khách hàng và cả người cho thuê mặt bằng. Người cho thuê nhà đã giảm giá thuê 5 tháng liên tiếp”, anh chia sẻ.

Trong khi nhiều nơi đóng cửa thì Lu (28 tuổi) và người bạn của anh lại “khởi nghiệp” ở phố Tây ngay mùa dịch. Quán Mr Hiu Food (đường Đề Thám) của anh mở ngay mặt bằng của một spa massage đã dẹp vì gặp khó khăn do dịch.

“Quán mới mở chừng gần 2 tháng sau đợt dịch thứ nhất. Chúng tôi đều có công việc làm ăn khác nhưng mùa dịch cũng thê thảm nên mở ra cái quán này”, anh kể. Tối thứ năm, đã 20h mà hơn chục bàn của quán đều trống. “Ế lắm. Hôm nào có bạn bè đến chơi mới có khách ngồi, không thì buồn lắm”, anh nói.

Hỏi về doanh thu, Lu không giấu giếm: “Làm gì có doanh thu, không lỗ là may rồi. Thức ăn của quán do người nhà tự chế biến đem đến bán, không thuê bếp, còn mặt bằng của người quen biết. Họ biết mình không có lời nên không lấy tiền, chỉ thu cho có lệ, nhờ vậy mới sống được đến bây giờ”.■

Cơ sở kinh doanh giảm còn phân nửa

Theo thông tin từ cán bộ quản lý kinh tế tại UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM), trước dịch chỉ riêng khu vực đường Bùi Viện có khoảng 350 cơ sở kinh doanh mặt tiền. Nhưng khi dịch bùng phát lần 2 thì số cơ sở kinh doanh giảm mạnh, hiện dao động 100-200 cơ sở.

Tuy nhiên, với các cơ sở kinh doanh đang hoạt động, doanh thu đều giảm sâu, có nơi lên tới 75%. Hiện phường đang rà soát các cơ sở để tiếp tục cập nhật tình hình kinh doanh ở khu vực này. Đồng thời tìm hiểu, thống kê nhu cầu vay vốn của các cơ sở kinh doanh, hỗ trợ lập hồ sơ, kết nối với các ngân hàng để vay vốn ưu đãi theo gói hỗ trợ phục hồi sau dịch của Chính phủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận