Nhất thiết phải làm cho được

TTCT - Để bảo vệ người tiêu dùng và hạn chế nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất, nhiều nước đã đặt hàng rào kỹ thuật như yêu cầu sản phẩm không phát hiện dư lượng hóa chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khá nghiêm ngặt.

Và trong xu thế tự do mậu dịch thì nhà nhập khẩu càng đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, truy nguyên được nguồn gốc.

Phóng to
Cà phê Việt đã vươn ra thị trường toàn cầu từ rất lâu, nhưng để chinh phục người tiêu dùng quốc tế còn rất nhiều việc phải làm - Ảnh: L.N.M.

Vì vậy sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP tạo được sự tin tưởng ở nhà nhập khẩu, ở người tiêu dùng nên chắc chắn tiêu thụ thuận lợi hơn, tất nhiên giá bán cũng phải cao hơn. Thế nhưng thực tế vừa qua khâu tiêu thụ vẫn còn hạn chế và giá bán nông sản, thủy sản được sản xuất theo Global GAP vẫn còn bấp bênh.

Vẫn còn tự phát

Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp (DN) chưa đảm bảo được khâu tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên cũng nhìn nhận rằng trong đó cũng có nguyên do sản lượng nông sản Global GAP của chúng ta chưa nhiều. Ở mỗi loại sản phẩm như lúa, trái cây, cá tra hiện chỉ mới được vài trăm hecta nên DN chưa chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường và thế giới cũng chưa biết đến, chú ý đến.

Về lúa gạo, ngay cả Công ty ADC dù tự bỏ ra chi phí cấp chứng nhận Global GAP cho nông dân và đã thành công ban đầu với gạo Tứ Quý ở HTX Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nhưng vẫn không thể mở rộng thêm vùng nguyên liệu. Bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc... cũng vậy. Sản lượng thấp nên khi nhà nhập khẩu đặt mua số lượng lớn thì không thể đáp ứng.

Từng xảy ra việc khách hàng đặt mua mỗi tháng 20 tấn bưởi Năm Roi nhưng chúng ta không đủ cung ứng. Mình sản xuất không có tổ chức, làm Global GAP còn thụ động theo kiểu tự phát, chưa gắn kết với nhu cầu của thị trường. Nói tóm lại ta chưa chủ động được thị trường và cả nguồn nguyên liệu.

Phải sản xuất lớn

Sản xuất theo GAP là hướng đi tất yếu xuất phát từ đòi hỏi của thị trường trong xu thế kinh tế hội nhập, cũng là nền tảng để tiến tới một nền nông nghiệp hàng hóa lớn và xây dựng thương hiệu sản phẩm tạo điều kiện cho nông thủy sản VN thâm nhập thị trường thế giới. Do đó dù khó khăn cách mấy cũng phải cố gắng thực hiện, bởi làm như vậy mới tiết giảm chi phí sản xuất, vừa gia tăng được giá trị lợi nhuận, nông dân mình mới hi vọng khá lên.

Nếu hông làm từ bây giờ thì mãi mãi chúng ta sẽ không bao giờ có sản phẩm GAP để đáp ứng khi thị trường cần. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao đảm bảo được khâu tiêu thụ ổn định để duy trì và phát triển nó.

Để giải quyết tốt khâu tiêu thụ thì DN cũng nên sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm chứ đừng làm theo công đoạn và xuất bán sản phẩm thô như hiện nay. Chẳng hạn như trái cây, một mặt chúng ta xuất trái cây đạt Global GAP, một mặt cần làm và bán các sản phẩm giá trị gia tăng như đóng hộp hay nước ép trái cây. Thông tin tôi biết, nhu cầu ở các nước như Nga, Đông Âu... khá lớn.

Lúa gạo cũng vậy, cứ xây dựng vùng nguyên liệu để có thể vừa tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, nhà hàng vừa tích cực tiếp thị để khi có hợp đồng xuất khẩu thì có ngay đủ lượng hàng cung ứng.

Chúng ta cứ mạnh dạn xây dựng các vùng nguyên liệu GAP với việc quy hoạch diện tích sản xuất tập trung, không để nông dân nuôi trồng riêng lẻ, manh mún như vừa qua. Nhà nước cần thực hiện chính sách khuyến khích nông dân tham gia như cho vay vốn ưu đãi, miễn các khoản thuế phí; hỗ trợ thành lập HTX, tổ sản xuất để có vùng nguyên liệu đồng nhất, đặc biệt phải tổ chức sản xuất có sự liên kết chặt chẽ giữa DN với nông dân.

Mặt khác nên đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại giúp DN chủ động phát triển thị trường, tạo điều kiện cho họ trong thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận