Trashpacker Việt Nam - Những dấu chân đẹp

VŨ THỦY 17/04/2019 21:04 GMT+7

TTCT - Nếu backpacker là một từ đã khá quen thuộc để chỉ những người du lịch bụi thì trashpacker nôm na để chỉ những người nhặt rác. Ở VN, trashpacker là những người kỳ lạ trong mắt người khác: mê nhặt rác và di chuyển khắp nơi để nhặt rác.

*** Error ***
Trashpacker Giang Thị Kim Cúc (áo đỏ) tham gia dọn rác ở ngã tư Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: VŨ THỦY

Mới 7h sáng cuối tuần ở ngã tư Thủ Đức (TP.HCM) nhưng trời đã nắng chang chang, chị Giang Thị Kim Cúc (31 tuổi) cùng hơn 50 bạn trẻ đã có mặt ở chân cầu để chuẩn bị nhặt rác. Túi nilông bay khắp nơi, mẩu thuốc lá, chai nhựa, ly nhựa, hộp xốp đóng thành tảng lẫn với đất... Cả đoàn cắm cúi nhặt chẳng để ý đến ánh mắt tò mò từ những dòng xe cộ. 

Cùng nhặt rác với chị Cúc là các bạn học sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân gần đó, các bạn sinh viên của ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM... và cả một cô bé lớp 3 được mẹ dắt tới.

Những trashpacker thế hệ đầu tiên

Đó chỉ là một trong hàng chục chuyến nhặt rác mà chị Kim Cúc và người chị gái Giang Thị Kim Yến (36 tuổi) đã tham gia từ tháng 8-2018. Họ là những trashpacker tại VN đầu tiên của cộng đồng trashpacker thế giới. “Năm ngoái trong một chuyến du lịch ở Brunei, tôi tình cờ gặp anh Tijmen Sissing, người sáng lập của cộng đồng trashpackers. Anh ấy mê du lịch bụi nhưng có thêm thói quen là đi đến đâu anh ấy cũng nhặt rác. Tôi đã được truyền cảm hứng từ câu chuyện của anh ấy” - chị Kim Yến kể.

Anh chàng người Hà Lan chia sẻ với Yến rằng anh rất thích đi du lịch ở Đông Nam Á, “cảnh đẹp, đồ ăn ngon, người dân tốt”, chỉ có điều anh thấy tiếc là rác khắp nơi. “Tijmen Sissing không đổ lỗi, chê bai vì cho rằng điều đó chẳng giúp thay đổi gì cả. Thay vào đó, anh nhặt rác ở những nơi anh đi qua. Thấy ai xả anh sẽ nhặt và bằng một cách nói hài hước anh bảo họ là lần này tôi giúp bạn nhưng lần sau bạn tự nhặt nhé” - chị Yến kể.

Sau chuyến đi đó, chị Yến bắt đầu đi nhặt rác ở rất nhiều nơi và “đồng minh” đầu tiên của chị là em gái Kim Cúc. Dấu chân của họ bắt đầu in khắp nơi: Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, TP.HCM.

Họ cũng làm như Tritsch: đi đến đâu cũng nhặt rác dù ít, dù nhiều và cố gắng “rủ rê” thật nhiều người cùng làm. Thay vì “du lịch chụp hình”, họ chọn “du lịch văn minh” và trải nghiệm.

“Bọn mình cũng “chiêu trò” lắm. Chuẩn bị nhặt rác ở khu vực nào là mình lần mò vào các trang của các nhóm địa phương, cả các kênh bán hàng online để kêu gọi mọi người cùng nhặt. Mình cố gắng làm cho ồn ào, đeo khăn rằn cho thật nổi, cố tình nhặt rác trước mặt nhiều người... Đôi khi nghĩ mình làm lố quá nhưng sự thật là một người dọn thì 99 người xả. Mình chẳng cần nổi tiếng nhưng mình đâu có dọn rác của cả hành tinh này được nên càng nhiều người biết càng tốt. Họ giúp mình một tay nhặt rác hoặc ngưng xả, xả ít đi cũng tốt” - Cúc hài hước chia sẻ.

Một trong những cuộc dọn rác lớn nhất của hai chị em là bãi rác bờ biển Vĩnh Lương, Nha Trang hồi tháng 2-2019 với gần 300 tình nguyện viên là học sinh, công chức địa phương, tình nguyện viên nước ngoài... Liên lạc với chính quyền địa phương, họ đã nhận được sự hỗ trợ ngoài mong đợi với cả xe xúc, xe ben. Bảy ngày ròng rã từ sáng tới tối mịt, cuối cùng họ đã dọn sạch bãi rác dài vài cây số với hàng trăm tấn rác.

Trashpacker Kim Yến tạo dáng trên con kênh ở chợ Lộc Ninh (Bình Phước) trước và sau khi dọn rác. Ảnh: Trashpackers VN
Trashpacker Kim Yến tạo dáng trên con kênh ở chợ Lộc Ninh (Bình Phước) trước và sau khi dọn rác. Ảnh: Trashpackers VN

Buồn vui của trashpacker Việt

Những lần đầu xắn tay dọn rác, các trashpacker cũng rất sợ hãi bởi cảm giác bẩn thỉu, mùi hôi hám, rác thì đủ loại từ túi nilông đến xác động vật, bơm kim tiêm, mảnh chai, mảnh sành... “Làm riết thì mình gan dạ hơn. Đến giờ rác ở đâu mình cũng nhặt. Điều khiến tụi mình buồn là nhiều người còn buông ra những lời lẽ miệt thị việc tụi mình đang làm” - chị Kim Yến nói.

Ở nhiều nơi các chị đi qua, nhiều người nói họ là “mấy con khùng”, là không có công ăn chuyện làm. Người thì bảo rằng bán ve chai chắc được nhiều tiền lắm nên các chị mới đi nhặt rác. Để cho người khác đừng nhầm tưởng chị là bà ve chai, những lần chỉ có một mình hoặc đi với 1-2 người khác, chị Yến ăn mặc đẹp, mặc đồ thể thao khỏe mạnh. Thế nhưng làm thế nào người ta cũng nói được. Có người nói mấy chị làm màu, làm thì ít mà khoe mẽ thì nhiều...

“Có lần tôi mặc đồ thể thao đi nhặt rác dưới cầu Thủ Thiêm. Rất nhiều người đàn ông đang ngồi uống cà phê nhưng không một ai phụ một tay. Tôi tủi quá post lên mạng để mọi người thấy họ đang thờ ơ với chuyện rác rưởi như thế nào thì nhận được vô số những lời mỉa mai, thậm chí xúc phạm. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi bị chửi mắng nhiều như vậy” - chị Yến kể.

Nhưng nếu chỉ có nỗi buồn, những trashpacker như chị Yến chẳng thể nào tiếp tục hết chuyến nhặt rác này đến chuyến nhặt rác khác. Suốt tháng 3-2019, trend (trào lưu) nhặt rác đã rất rầm rộ trên mạng xã hội với hình ảnh dọn rác của rất nhiều người trẻ được chia sẻ, trong đó có cả những trashpacker.

Họ không phải là những người nhặt rác theo trend nhưng nhờ trend, công việc của họ đang dần được thấu hiểu hơn và họ tìm được nhiều “đồng minh” là những trashpacker mới. Ngay lúc trào lưu đang được rất nhiều bạn trẻ VN ủng hộ, các trashpacker đã tận dụng thời cơ để tổ chức dọn một con kênh chợ ngập rác ở Lộc Ninh (Bình Phước) trong suốt một tuần. “Mình ghét rác khủng khiếp, đoạn kênh ấy mình canh me từ lâu lắm rồi vì nó ở quê mình” - Kim Cúc kể.

Ban đầu Cúc và Yến lôi kéo được vài chục người cùng dọn rác trên bờ và vài khu vực xung quanh. Nhưng đến khi các chị quyết định xuống kênh thì mọi người bỏ chạy hết, chỉ còn hai chị em và một bạn tình nguyện viên từ Hà Nội. Cuối cùng họ đã dọn sạch con kênh rác và còn vẽ tranh tường trên dãy bờ kè dưới hông chợ.

“Đến giờ thì tụi mình có nhiều “đồng minh” lắm. Các em học sinh ở gần đó thấy ai chuẩn bị vứt rác là la làng lên liền. Có hôm các em thấy một chú ném một bịch rác xuống liền nhất quyết bắt xuống nhặt lên” - chị Yến cho biết.

Để duy trì thành quả, ở một số nơi sau khi nhặt rác xong các trashpacker biến thành sân chơi cho trẻ em bằng những vật dụng đơn giản như lốp xe cũ, xích đu... “Bờ biển Vĩnh Lương (Nha Trang) được cải tạo thành một sân chơi nhỏ. Các em nhỏ thích lắm và rất để ý chăm sóc nó. Có một bé học sinh thường hay gửi ảnh chụp cho mình mỗi khi thấy rác. Con bảo rằng cô Yến ơi, con nhìn thấy có rác ở sân chơi, bây giờ con sẽ nhặt nè” - Yến hạnh phúc kể.

Từ trào lưu đến những trashpacker mới

Đã vài tuần trôi qua sau trend “nhặt rác”, ngày càng có thêm nhiều nhóm bạn trẻ tiếp tục tổ chức nhặt rác vào mỗi cuối tuần và trở thành những trashpacker mới. Nhóm Trashpacker Cát Lái, Q.2 đã được Tiến Đạt (19 tuổi) lập ra sau hai lần Đạt tham gia nhặt rác cùng với các trashpacker khác. Nhóm cũng đã bắt đầu buổi dọn rác đầu tiên với 4 thành viên. Group Dọn rác làng đại học trên Facebook, sau lần đầu nhặt rác với nhóm 5 người thì trong tuần thứ hai đội hình nhặt rác đã có khoảng 25 người.

Đây là nhóm dọn rác mà Đoàn Phùng Gia Huy (sinh viên năm 2 ĐH Bách khoa TP.HCM) lập ra để dọn rác ở khu vực làng đại học tại Q.Thủ Đức - nơi có một loạt ngôi trường thuộc khối ĐH Quốc gia TP.HCM và hai khu ký túc xá có hàng chục ngàn sinh viên. Suốt ba tuần qua, group đều đặn tổ chức đi nhặt rác vào mỗi cuối tuần và ngày càng thu hút nhiều sinh viên vào group.

Rất nhiều nhóm hoạt động về môi trường cũng đưa nhặt rác thành hoạt động định kỳ. Trên các mạng xã hội, mỗi cuối tuần lại có những status mời gọi nhặt rác của các nhóm bạn trẻ. Đều đặn ba tuần nay, nhóm Go Green VN ơi ở TP Vinh (Nghệ An) đã tổ chức nhặt rác ở đê Hưng Hòa.

Lê Minh Tân (30 tuổi, founder của dự án) cho biết trước đó Go Green xây dựng các video về ô nhiễm môi trường biển và phát động các thử thách cho sinh viên như 30dayschallenge (không sử dụng túi nilông khi mua sắm trong vòng 30 ngày) để thay đổi thói quen đi chợ, mua sắm, sử dụng các vật dụng thay thế như lọ thủy tinh, túi vải thay vì sử dụng túi nilông.■

Ông Peter Cornish - quản trị fanpage Clean Up Vietnam, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường - cho biết tổ chức này đã hoạt động hơn 4 năm ở VN, hỗ trợ hàng ngàn người nhặt hàng ngàn bao rác từ Sa Pa cho tới Phú Quốc.

“VN là một trong những quốc gia thải rác nhựa ra ngoài đại dương nhiều nhất thế giới. Nhiều người đúng khi nói rằng hôm nay người ta nhặt rác và ngay ngày hôm sau rác có thể đã quay lại nhưng việc nhặt rác sẽ nâng cao ý thức và lôi kéo sự chú ý của mọi người vào vấn đề rác thải. Dọn rác là hoạt động trước mắt nhưng sẽ dẫn đến những thay đổi về hành vi mang tính lâu dài. Đây chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề rác thải” - ông chia sẻ.

Theo ông, lâu nay hoạt động dọn rác ở VN hầu hết do người nước ngoài khởi xướng. Thời điểm này là cơ hội để người VN đóng vai trò chủ nhà, cùng hành động để tạo ra sự thay đổi, để thế hệ sau được kế thừa một đất nước đẹp đẽ hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận