TTCT - Có phải văn chương đang chết, khi mọi người đều viết và chẳng ai buồn đọc? Đại dịch hiện nay có thể nói điều gì? TTCT giới thiệu góc nhìn của nhà văn Nga nổi tiếng Yevgeny Vodolazkin với nhà báo “Echo-Msk” Mark Nuzhdin và Maxim Andreyev. Tranh siêu thực của họa sĩ Anh Jonathan Wolstenholme M. Nuzhdin: Cho tôi bắt đầu bằng những dòng thô ráp về đời sống: văn học Nga hiện đại đã chết? Bởi vì nhìn quanh, than ôi, không thể so sánh nó với thời hoàng kim - cuối thế kỷ 19, hoặc với thời kỳ yêu thích của tôi - những năm 1920 và đầu những năm 1930, thậm chí với những năm 1960...Ye. Vodolazkin: Anh biết đấy, mối hồ nghi rằng văn học đã chết là đặc điểm của mọi thời đại, không có ngoại lệ. Mỗi thời đại dường như là cuối cùng, bởi tất cả những gì vĩ đại đều đã qua rồi, còn phía trước là sương mù và vô vọng. Nhưng đâu phải vậy. Thực tế là sau này, chừng 20 - 30 năm nữa, chúng ta hiểu rằng văn học là tuyệt vời ở mỗi thập niên, hầu như không có ngoại lệ, và những gì anh cảm nhận chỉ là sự khiêm tốn của mỗi thời đại, khi không nhìn thấy chính mình. Có thể như thế cũng tốt. Nhưng nền văn học của chúng ta vẫn sống, nó cảm thấy khá ổn, và những đồn thổi về sự kết thúc của nó chỉ là phóng đại. Hơn nữa hiện nay, theo quan điểm của tôi, và không chỉ của tôi mà của những người, như người ta thường nói, nằm trong quá trình này, thì văn học đang thuận buồm xuôi gió. Nên tôi nghĩ mọi thứ đều ổn.Nhưng mặt khác, chúng ta đang nói về văn học với người đọc... Ừ thì, mọi thứ với tác giả đều ổn. Nhưng rõ ràng mọi chuyện với người đọc chẳng hề ổn, vì cá nhân tôi có cảm giác mọi người đều đang viết nhưng cùng lúc chẳng ai đọc cả.Không, không hẳn vậy. Có nghĩa là có thể số người viết đang dư thừa, nhưng sự thừa thãi này đặc trưng cho bất cứ thời đại nào. Thử lấy số bản in của cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chẳng có bao nhiêu. Số phát hành ít, chỉ vài ba ngàn, nhưng trong khi đó chúng ta lại nói đã có một nền văn học vĩ đại và nhà văn vĩ đại, bởi tất cả đều thảo luận về chúng. Còn bây giờ số phát hành đã nhiều hơn, và độc giả rất tuyệt, nên sẽ là tội lỗi nếu bạn phàn nàn về những người đọc như vậy. Tại sao lại có ấn tượng như thế, tôi cũng không hiểu. Có lẽ vì bây giờ Internet (hầu như tất cả các hiểu biết của chúng ta hiện nay đều rút ra từ Internet) liên quan tới người đọc lẫn người không đọc. Nếu trước kia chỉ có những người đọc mới có tiếng nói của mình, thì bây giờ những người không đọc cũng phát biểu ý kiến, nên tạo ra cảm giác là không ai đọc cả. Đâu phải thế.Nhưng đồng thời hãy nhìn xem, nếu chúng ta dừng lại trên Internet lâu hơn một chút, sẽ thấy hóa ra trên mạng xã hội, trên các blog có những tác phẩm xứng đáng là văn chương. Thế nhưng các tác giả của chúng không coi mình là nhà văn. Họ chỉ viết như nó được viết. Ông có cảm thấy rằng điều này đang xóa mờ cả các ranh giới, và đặc biệt là giá trị của việc viết lách?Không, việc thừa thãi những bài viết dở không làm lu mờ sự hiện hữu của những bài viết tốt. Bối cảnh có ý nghĩa, và chúng ta vẫn có thể phân biệt văn học với phi văn học trong bất kỳ bối cảnh nào. Và tai họa không phải ở chỗ hiện nay nhiều người chuyển sang chủ động xuất bản các bài viết của họ. Cũng như họ nhận được những gì mà những văn bản ấy xứng đáng, cả tích cực lẫn tiêu cực, bởi dẫu sao đa số các văn bản xuất bản trên Internet đều chưa hoàn hảo. Nhưng không phải tất cả. Internet đã mở ra cho chúng ta những nhà văn tuyệt vời, như Ksenya Buksh (nữ nhà văn trẻ Nga, đoạt giải thưởng “Sách bán chạy quốc gia” năm 2014 ) - được nhà văn A. Zhutinsky tìm thấy đúng là trên Internet. Do đó không cần phải lo lắng gì ở đây.Nay đã đến lúc mà ranh giới giữa chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp dường như bị xóa nhòa. Bất kỳ ai đăng bài viết của mình lên trang (văn xuôi) Proza.ru đều có thể coi mình là nhà văn và ai sẽ phản bác họ chứ? Trước đây mỗi nhà văn tìm cách đạt được sự thừa nhận về chất lượng: hoặc đó là tư cách thành viên hội nhà văn, hoặc được in trên các tạp chí dầy uy tín hay ở một nhà xuất bản. Còn giờ thì không nhất thiết theo cách thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba, và trong ý nghĩa này, dân chủ hóa văn học đã bắt đầu. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng nhận được sự hài lòng từ quá trình dân chủ hóa này. (Ảnh: Literature Academic) Tôi có vài câu hỏi từ trả lời trên của ông. Bắt đầu từ việc (theo tôi, có thể ông sẽ cho rằng tôi sai) trên Internet truyện ngắn đang thống trị. Rõ ràng là tiểu thuyết không có chỗ trên Internet, không ai đọc phần tiếp theo nếu giả định các bài dài phải đăng nhiều kỳ. Tất cả đều chỉ quan tâm những câu chuyện nhỏ nào đó. Cùng lúc chẳng ai đọc thơ. Vì thế nếu chúng ta nói về truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca, thì thứ bậc ở đây hoàn toàn rõ ràng. Theo ông, tôi nói đúng không?Đúng, anh nói đúng. Sự phong phú của các văn bản ngắn là điều dễ hiểu. Thực tế, anh đang nói về việc: ai sẽ đọc tiểu thuyết của một tác giả vô danh, ngay lập tức lãng phí thời gian cho nó, đắm chìm suốt tuần vào một văn bản không nổi tiếng? Truyện ngắn là những câu chuyện đọc một hơi. Người ta tò mò, muốn đánh giá tác giả. Thường thì một truyện ngắn là đủ để hiểu cách viết của tác giả, văn phong của anh ta... Nhưng mặt khác, truyện ngắn, với những ngoại lệ hiếm hoi, không phải là thứ đưa người ta vào văn học. Ví dụ, những nhà xuất bản có uy tín, mà có thể nói bất kỳ nhà xuất bản nào cũng ngại xuất bản truyện ngắn. Chưa kể các giải thưởng thường được trao cho những cuốn sách lớn. Không nhất thiết phải là tiểu thuyết, mà là những cuốn sách lớn. Và cuối cùng, truyện ngắn, thơ và kịch là những thứ mà các nhà xuất bản ngại nhận, vì chúng bán không chạy. Để người ta đọc truyện ngắn theo cách bán hết vèo sách, bạn phải là Chekhov, O'Henry, tôi không biết còn ai nữa.Thành ra các nhà xuất bản thì thích tiểu thuyết, còn khán giả đại chúng lại mê truyện ngắn. Phải chăng từ đó mà các giải thưởng hoàn toàn tách rời khỏi thiện cảm của những người đọc bình thường, vốn được gọi là những độc giả bình dân, và chúng ngự trị trên những đỉnh cao nào đó, không thực sự giao thoa với khán giả?Không, tôi sẽ làm rõ câu hỏi của anh theo nghĩa khác, rằng không phải độc giả thích truyện ngắn. Chỉ tình hình là thế này: với một người không quen biết anh chỉ đọc nhiều nhất là một truyện ngắn của anh ta, chứ chắc chắn không đọc một thiên sử thi ba tập. Đây là hệ quả của hoàn cảnh. Trên thực tế, độc giả sẵn lòng đọc tiểu thuyết cũng như những truyện ngắn được viết hay. Nhưng nếu nói về Internet, thì thật sự nếu đọc tác giả không quen, người ta chỉ đọc truyện ngắn. Còn với người nổi tiếng, người ta có thể đọc cả truyện ngắn, lẫn tiểu thuyết.Bây giờ đến phần thứ hai của câu hỏi, liên quan đến giải thưởng. Giải thưởng được trao cho cả truyện ngắn, như tôi nhớ, các tập truyện ngắn của một số tác giả xuất sắc cũng nhận được giải thưởng. Nhưng đấy vẫn là một ngoại lệ, bởi vì các giải thưởng muốn khuyến khích không chỉ là một văn bản cụ thể, mà còn là một khuynh hướng. Chúng muốn làm nổi bật một trào lưu. Mà truyện ngắn hiếm khi phát lộ xu hướng hay là phong vũ biểu cho những thay đổi trong văn học, đây vẫn là đặc quyền của tiểu thuyết. Và do đó, tiểu thuyết chắc chắn chiếm ưu thế trong việc lựa chọn giải thưởng của hội đồng giám khảo.... Vậy ông hãy cho biết liệu văn học có nên nhìn vào thực tế từ trên cao một chút, hay nhà văn hiện đại phải đưa ra một thứ gì đó cực kỳ cấp thiết, giống như những gì mà truyền hình hoặc điện ảnh dù chậm trễ một chút, hay mạng xã hội, đang phản hồi?Không, tôi tin chắc rằng văn chương không nên đổi vai với chính luận. Tôi tôn trọng chính luận, nhưng chính luận có ngóc ngách riêng, khoảng đất riêng, còn văn học có dư địa của riêng mình. Về việc nhà văn phải phản hồi... Tôi nhớ lại liên quan đến từ “phản hồi”... Có lần một nữ nhà báo hỏi tôi trong một cuộc phỏng vấn: “Vậy nhà văn có nên phản hồi những sự kiện thời sự không?”. Tôi đáp: “Tôi không biết, tôi không chắc việc này lắm”. Cô ấy nói: “Sao lại thế? Đấy, có một sự kiện, và cần có phản ứng?”. Tôi nói: “Có lẽ là cần thiết, nhưng điều quan trọng là không biến thành con chó của Pavlov”.Anh thấy đó, “phản hồi” hạ văn học xuống mặt đất. Văn học phản ứng bằng cách nó nhìn sự việc từ độ cao của chim bay và thấy con đường. Nó cất cao trên cánh rừng, trong khi nhóm những người lao động, trong đó có cả những nhà chính luận, đang ở trong cánh rừng. Họ viết rằng có rất nhiều cây cối, các tổ kiến, không thấy con đường, chỉ có một lối mòn nhỏ nào đó. Nhưng có một người nào đó, có thể cất cao lên trên ngọn núi và thấy lối mòn nhỏ đó dần lớn hơn và dẫn tới, chẳng hạn như, đường xe lửa.Hoặc ngược lại, thật không may.Hoặc ngược lại, vâng. Ở đây có thể có những thứ khác nhau. Anh biết đấy, nhà tiên tri cũng phạm sai lầm. Nhưng ít ra đó là tầm nhìn về tương lai, và đấy là công việc của văn học. Nếu văn học chỉ đề cập đến những cái cây, chúng sẽ không thấy những cánh rừng.Phan Xuân Loan trích dịchTHẾ GIỚI ĐÃ MỆT MỎI VỚI TOÀN CẦU HÓATất cả chúng ta vẫn còn bị sốc về cách mà coronavirus đã thay đổi cuộc sống của mình ngay lập tức: thói quen, cách sống. Với tư cách là một nhà văn đã tìm đến chủ đề này, ông chiêm nghiệm gì về nó?- Tôi thậm chí đã đưa ra một trong những câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi này qua vở kịch “Y tá của bốn người”. Đúng hơn, tôi đã đặt ra các câu hỏi trong vở kịch này, khá gay gắt - ngay cả về hình thức. Vở kịch này thuộc loại kịch phi lý. Đối với tôi, dường như tất cả mọi thứ xung quanh đại dịch coronavirus hiện tại này đều bị bao trùm bởi sự phi lý.Tôi đã có rất nhiều câu hỏi. Tôi không hiểu làm thế nào mà một căn bệnh có thể so sánh với bệnh cúm - dù tôi lưu ý, cúm cũng là loại bệnh nguy hiểm - lại buộc cả thế giới phải đóng cửa. Mặc dù ngay cả những trận dịch khủng khiếp nhất như dịch hạch hay “cúm Tây Ban Nha” vào đầu thế kỷ 20 cũng không gây ra hậu quả như vậy. Tôi không cho rằng đây là sự thật cuối cùng, nhưng tôi nghĩ thế giới đã mệt mỏi với toàn cầu hóa. Và đại dịch này là lý do để đóng cửa.Nếu không có các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể đã không biết về bất kỳ loại coronavirus nào: các xác chết không nằm trên đường phố, ví dụ như ở Pskov thời Trung cổ vào thế kỷ 15, khi một nửa thành phố bị xóa sổ bởi bệnh dịch. Tôi không nói rằng đại dịch này không nguy hiểm: nó nguy hiểm, nhưng các bệnh khác, cùng là bệnh cúm, cũng đâu kém nguy hiểm. Và đột nhiên một căn bệnh như vậy, có thể so sánh với cúm và viêm phổi, lại đóng cửa mọi thứ chỉ trong chớp mắt: quốc gia, thành phố, câu lạc bộ, nhà hát, trường học, nhà thờ.Liên quan đến đại dịch hiện nay, ở mỗi nước, mỗi thành phố và mỗi câu lạc bộ làng đều treo một ổ khóa. Một suy đoán táo bạo nảy sinh: có thể, vấn đề không phải là virus? Vấn đề là ở cái ổ khóa. Có lúc phải mở, và có lúc phải khóa. Có thể toàn cầu hóa đã đạt tới mức mà tất cả đều chờ một cái cớ để đóng cửa?(Nguồn: livelib.ru) Yevgeny Vodolazkin Anh TASS Yevgeny Germanovich Vodolazkin - nhà văn, nhà nghiên cứu, tiến sĩ ngôn ngữ học, tác giả hơn 100 công trình khảo luận, từ điển và nghiên cứu văn học Nga cổ đại nổi tiếng. Hầu hết các tiểu thuyết của ông đều giành các giải thưởng lớn của Nga. Tiểu thuyết lịch sử Solovyev và Larionov xuất bản năm 2009 vào chung kết giải thưởng “Sách lớn” 2010. Tiểu thuyết tiếp theo, Lavr (2015) đoạt giải “Sách lớn” và giải Yasnaya Polyana cùng năm, được The Guardian xếp vào “1 trong 10 tiểu thuyết hay nhất thế giới về Chúa trời”. Aviator (xuất bản 2016, về nhì giải thưởng “Sách lớn” 2016). Tiểu thuyết Brisban đoạt giải “Cuốn sách của năm” (2019)... Tags: Tiểu thuyếtVăn chươngVăn học thời internetĐại dịch và văn chương
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Chính sách cho nhân sự tinh gọn phải hợp lý, hài hòa, thấu đáo THẢO LÊ 26/12/2024 Ngày 28-12 tới đây, Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức phiên họp mở rộng cho ý kiến về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận THANH HIỀN 26/12/2024 Đại sứ Nga tại Việt Nam khẳng định với năng lực hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hạt nhân, Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân.
Nhiễu động ngoài biển đang vào đất liền, thời tiết TP.HCM khả năng mưa cuối năm LÊ PHAN 26/12/2024 Trong những ngày tới vùng nhiễu động ngoài biển sẽ hình thành và di chuyển vào đất liền Nam Bộ gây mưa tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam.
Báo Tuổi Trẻ đầu tư làm mới tòa soạn chuyển đổi số HOÀNG GIÁM 26/12/2024 Báo Tuổi Trẻ vừa chính thức đưa vào hoạt động tòa soạn chuyển đổi số theo phong cách hiện đại, đa năng và sáng tạo.