Đài Loan và cuộc chuyển giao ở Washington

HỮU NGHỊ 23/12/2024 14:40 GMT+7

TTCT - Taiwan News 16-12 loan tin: "Sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan trong hai năm qua là động lực chính khiến phải tăng ngân sách quân sự. Ngân sách quân sự của Đài Loan dự kiến ​​sẽ đạt 3% GDP vào năm tới".

Đài Loan và cuộc chuyển giao ở Washington - Ảnh 1.

Chuyến "quá cảnh" Hawaii của ông Lại Thanh Đức đã gây nhiều sóng gió. Ảnh: AFP

Trước đó, CNN 10-12 đã cho biết: "Đài Loan thông báo đã trong tình trạng báo động cao sau khi ông Lai Ching-te (Lại Thanh Đức) khiến Bắc Kinh tức giận vì dừng chân không chính thức ở Hawaii và lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ trong các chuyến bay vào đầu tháng 12 này".

Nổi cơn thịnh nộ

Trung Quốc phản ứng ngay với sự kiện đó. Tựa bài viết trong chuyên mục Chính trị của Global Times (Hoàn Cầu Thời báo) 11-12: "Cảnh cáo nghiêm khắc chính quyền Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) hãy từ bỏ ảo tưởng tìm kiếm "độc lập cho Đài Loan" bằng cách dựa vào các thế lực bên ngoài". 

Global Times trích lời Zhu Fenglian (Chu Phượng Liên), người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, tại một cuộc họp báo: 

"Thách thức lớn nhất đối với quan hệ xuyên eo biển hiện nay là việc chính quyền DPP liên tục theo đuổi "độc lập cho Đài Loan", thông đồng với các thế lực bên ngoài và liên tục thực hiện các hành động khiêu khích nhằm tìm kiếm "độc lập"".

Bà Chu đưa ra những phát biểu này để đáp lại việc lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức gọi đại lục là "thách thức lớn nhất" và hứa hẹn tăng cường "năng lực phòng thủ" của hòn đảo trong bài phát biểu khi "quá cảnh" ở Hawaii. 

Bà Chu nói động thái của ông Lại là thúc đẩy nghị trình "độc lập cho Đài Loan", gây hiểu lầm dư luận quốc tế và lừa dối người dân Đài Loan, đồng thời lưu ý Trung Quốc đại lục kiên quyết phản đối mọi hình thức tương tác chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, và phản đối mạnh mẽ "cái gọi là hoạt động quá cảnh" của ông Lại ở Hoa Kỳ "dưới bất kỳ lý do hay hình thức nào".

Quả thực, chuyến quá cảnh của ông Lại không chỉ là dừng chân thông thường. Sáng 1-12, trên đường đến Cộng hòa quần đảo Marshall, Tuvalu và Cộng hòa Palau tại Hawaii, ông Lại đã nói chuyện qua điện thoại với Chủ tịch danh dự Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. 

Chưa hết, sáng 5-12, ông lại nói chuyện qua điện thoại và có hội nghị truyền hình với lãnh đạo lưỡng đảng Hoa Kỳ, gồm Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries và thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Roger Wicker, để "trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề", theo thông cáo báo chí từ văn phòng của ông ngày 6-12.

Bà Pelosi, từng gây rất nhiều sóng gió với chuyến thăm chính thức Đài Loan năm 2022, đã chào đón ông Lại đến Hoa Kỳ, chúc mừng ông về chiến thắng trong cuộc bầu cử và chúc ông có chuyến đi suôn sẻ trong chuyến thăm các đồng minh Thái Bình Dương của Đài Loan. 

Bà còn bày tỏ ủng hộ Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế, cũng như "tham gia các vấn đề quốc tế". Trong "cuộc trò chuyện thân mật" kéo dài khoảng 20 phút, bà Pelosi cũng trao đổi với ông Lại về các chủ đề gồm ngành công nghiệp bán dẫn, AI, hiệp định tránh đánh thuế hai lần Mỹ - Đài Loan và mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.

Đài Loan và cuộc chuyển giao ở Washington - Ảnh 2.

Bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan năm 2022. Ảnh: Reuters

Bằng cách giảm rào cản do đánh thuế hai lần giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, thỏa thuận mới dự kiến sẽ thúc đẩy đầu tư giữa hai bên. Điều này tất nhiên chọc giận Bắc Kinh, vốn đã cực kỳ khó chịu với nhân vật Pelosi. 

Ngày 2-8-2022, chính bà đã dẫn đầu phái đoàn gồm năm thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đi Đài Loan, bất chấp lời khuyên của Tổng thống Joe Biden. Chỉ ít phút sau khi đặt chân đến Đài Loan, bà Pelosi tuyên bố chuyến thăm là dấu hiệu về "cam kết kiên định của Hoa Kỳ trong ủng hộ nền dân chủ năng động của Đài Loan". 

Lần này cũng thế, trong điện đàm với ông Lại, bà tiếp tục khen ngợi "người dân Đài Loan vì lòng can đảm, sự gắn bó với dân chủ và phát triển kinh tế thành công".

Phản ứng dứt khoát

Lần trước, sau khi bà Pelosi rời Đài Loan, Trung Quốc bắt đầu tập trận quân sự vây quanh hòn đảo, trong những ngày từ 4 đến 7-8-2022. 

Sau đó, Trung Quốc thông báo thêm những cuộc tập trận quân sự "thường xuyên" ở vùng biển Hoàng Hải và Bột Hải, lần lượt đến ngày 15-8 và 8-9-2022. Lần đó, Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo, một số trong đó bay qua Đài Bắc, và mô phỏng các cuộc tấn công trên biển và trên không ở vùng trời và vùng biển xung quanh.

Reuters cho biết tàu hải quân và máy bay chiến đấu Trung Quốc đã hoạt động ngoài khơi cả bờ biển phía đông và phía tây Đài Loan và khu vực gần đường trung tuyến - vùng đệm không chính thức ở eo biển Đài Loan. 

Đài Loan đã điều động máy bay và tàu đến khu vực này để theo dõi tình hình. Chính phủ Trung Quốc trước đó cũng đã gửi cảnh báo qua kênh ngoại giao với Chính phủ Hoa Kỳ, nên có thể hiểu rằng bà Pelosi lần đó đã bất chấp cảnh cáo của Bắc Kinh.

Lần này, ông Lại chủ động tiếp xúc với bà Pelosi cùng các nhân vật trọng yếu lưỡng đảng Hoa Kỳ khác trên đường quá cảnh Guam. 

Theo văn phòng của ông, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Johnson nhấn mạnh với ông Lại rằng có sự đồng thuận lưỡng đảng mạnh mẽ tại Quốc hội Mỹ về việc ứng phó với thách thức và mối đe dọa từ Trung Quốc, rằng an ninh của Đài Loan là vấn đề cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và Mỹ đang sử dụng Đạo luật Ủy quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) hằng năm để tăng cường phản ứng với Trung Quốc và giúp Đài Loan củng cố năng lực phòng thủ.

Cả ông Johnson và lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện Jeffries đều nhấn mạnh rằng Đạo luật Khoản phân bổ bổ sung cho an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 4-2024, là cực kỳ quan trọng trong việc giúp Đài Loan và các đồng minh khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực".

Đài Loan và cuộc chuyển giao ở Washington - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Phản ứng của Trung Quốc lần này có vẻ không mạnh mẽ như lần trước. 

Căn cứ các báo cáo cập nhật hằng ngày của Cơ quan quốc phòng Đài Loan, cao điểm của phản ứng là từ 6h sáng 10-12 tới 6h sáng 11-12, với tổng cộng 53 máy bay không quân, 11 tàu hải quân và 8 tàu công vụ hoạt động quanh Đài Loan, trong đó 23 máy bay đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển và đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía bắc, tây nam và đông Đài Loan. 

Qua ngày hôm sau, giảm bớt xuống 34 máy bay, 16 tàu, 22 máy bay vượt qua đường trung tuyến. Tới thứ ba 17-12, chỉ còn 10 máy bay, 7 tàu hải quân, gồm 4 máy bay vượt qua đường trung tuyến. 

Những con số này thấp hơn nhiều so với đợt triển khai - tập trận Hợp Kiếm-2024A của Trung Quốc, diễn ra trong hai ngày 23 và 24-5-2024, tức ngay sau khi ông Lại nhậm chức. Lúc đó, Trung Quốc đã huy động tổng cộng 111 máy bay, 46 tàu hải quân quanh Đài Loan, gồm 82 máy bay vượt qua đường trung tuyến, theo Global Taiwan.

Phản ứng này ắt là có tính tới thực tế Mỹ sắp có một chính quyền mới trong không đầy một tháng nữa, với tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11-12, người phát ngôn Mao Ninh cũng đã nói rõ: 

"Tôi muốn nói rằng vấn đề Đài Loan là lằn ranh đỏ đầu tiên không thể vượt qua trong quan hệ Trung - Mỹ và đây luôn là lập trường của chúng tôi. Duy trì nguyên tắc một Trung Quốc là chìa khóa để đảm bảo hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận