TTCT - "Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm... Đây cũng là mùa hạnh phúc nhất", bài hát kinh điển về mùa lễ hội của Andy Williams đã ngợi ca như thế. Nhưng có đúng vậy không? Ảnh: Yahoo!Mùa lễ cuối năm chắc chắn là khoảng thời gian vui vẻ đối với nhiều người, nhưng áp lực của mùa lễ đôi khi đẩy chúng ta đến mức chỉ muốn mọi thứ kết thúc nhanh chóng. "Mùa lễ hội mang đến cả niềm vui lẫn căng thẳng" - tiến sĩ Ellen Braaten, phó giáo sư tâm lý học tại Trường Y Harvard, viết trên bản tin của trường.Theo khảo sát Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (APA) với trên 2.061 người Mỹ trưởng thành vào tháng 11-2023, 89% người cảm thấy quá tải với ngày lễ, với nỗi lo về việc không đủ tài chính, nên chọn quà Giáng sinh gì cho phù hợp người nhận, nhớ mong người thương không ở bên hay phải đối mặt với mâu thuẫn gia đình. Những lăn tăn tưởng chừng bình thường lại biến thành nỗi căng thẳng khi kỳ vọng vào một ngày lễ đủ đầy.Thậm chí, nếu có ai nói "vừa chết vài tế bào não sau kỳ nghỉ lễ" thì đó cũng không phải là nói quá hay đùa vô nghĩa. Vẫn theo bản tin của Trường Y Harvard, trách nhiệm trong những ngày lễ thường nhiều hơn so với những ngày êm ả đều đặn, vỏ não trước tăng năng suất đến quá tải. Mức độ quá cao có thể dẫn đến giảm trí nhớ, tế bào não mới bị ngừng sản xuất và tế bào hiện tại chết đi. Thật tai hại làm sao. Đôi lúc những phiền muộn ngày lễ, hay gánh nặng trách nhiệm của chúng ta lại bắt đầu từ sự võ đoán của chính mình. Chúng ta lo rằng bạn bè cũ không muốn nghe tin từ mình, trong khi thực tế họ sẽ rất vui mừng khi được hỏi thăm. Chúng ta e ngại việc thể hiện lòng biết ơn sẽ gây khó xử, nhưng điều đó thường được đón nhận một cách nồng nhiệt. Chúng ta nghĩ rằng người lạ sẽ không sẵn lòng trò chuyện hay giúp đỡ, nhưng trên thực tế, họ thường lịch sự và thân thiện hơn nhiều so với chúng ta tưởng. Cũng vậy, khi mùa liên hoan tới, ta cứ ngỡ từ chối lời mời ăn tiệc sẽ làm buồn lòng người tỏ ý, nhưng không phải thế. Nghiên cứu của Julian Givi, phó giáo sư marketing tại Đại học Tây Virginia, cho thấy cứ quẳng thêm cái gánh lo này đi.Trong một thử nghiệm, Givi để những người tham gia tưởng tượng theo hai hướng: người từ chối và người bị từ chối. Người vào "vai ác" sẽ được yêu cầu dự đoán các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra nếu họ từ chối lời mời. Ví dụ, chủ tiệc sẽ buồn đến mức nào? Họ sẽ thất vọng ra sao? Họ sẽ cảm thấy buồn hay tức giận không? Liệu họ có còn mời người đó tham gia vào một dịp khác trong tương lai không? Những người vào vai bị từ chối cũng sẽ trả lời cùng những câu hỏi đó nhưng đánh giá dựa trên cảm nhận của chính mình. Khi so kết quả, Givi nhận thấy khi bạn từ chối lời mời, người mời ít bị ảnh hưởng hơn so với tưởng tượng của bạn. Hóa ra, muộn phiền này lại do chính chúng ta tự chọn lấy.Tất nhiên cảm xúc của người bị từ chối tệ đến đâu còn tùy vào cách nói không của người được mời. Givi khuyên hãy từ chối lời mời một cách tử tế, nhẹ nhàng với một lời giải thích hoặc đề nghị gặp nhau vào dịp khác, và phải nói sớm chứ đừng đợi phút chót mới cáo lỗi. Đó là cách tốt nhất cho cả hai, thay vì miễn cưỡng nhận lời chỉ vì muốn làm đẹp lòng chủ tiệc để rồi không thoải mái với hàng chục người xa lạ xung quanh.Ngay cả khi những ngày lễ kết thúc, ta lại có khả năng mắc phải hội chứng "hậu nghỉ lễ" (post-holiday blues) - cảm giác tiêu cực mọi người mắc phải sau khi đã trải qua một kỳ nghỉ dài. Tùy theo thời gian nghỉ lễ của mỗi nước mà từng nước sẽ xuất hiện triệu chứng vào thời điểm khác nhau: nỗi buồn sau nghỉ lễ của Hàn Quốc thường xảy ra sau ba ngày nghỉ Trung thu Chuseok hoặc năm mới, còn "bệnh tháng 5" ở Nhật Bản diễn ra sau tuần lễ vàng với bốn ngày lễ trong vòng bảy ngày nghỉ, khiến người Nhật cảm thấy mất ngủ, uể oải, chán ăn…Ở Mỹ, hội chứng "hậu nghỉ lễ" cũng thường xảy ra sau kỳ nghỉ dài của Giáng sinh và năm mới. Theo nghiên cứu tại Mỹ của Hiệp hội tâm lý học nước này, có tới 68% người dân được hỏi cho biết họ từng mắc hội chứng "hậu nghỉ lễ". Ở ta thì chắc phải sau Tết Nguyên đán.Dù muốn hay không, ngày nghỉ lễ đã và đang là một phần không thể thiếu gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Thay vì tránh né, hãy đơn giản đối mặt với ngày lễ với một tâm hồn bình thản và thoải mái; thiếu sót một chút vào ngày lễ cũng không thể khiến chúng ta xui xẻo cả năm. Nói cho cùng, nghỉ lễ là để thư giãn và dành nhiều thời gian hơn cho bản thân cùng những người thân yêu, vậy đây nên là thời gian mang lại điều tích cực cho bạn, chứ chẳng phải những bộn bề lo toan.Thêm một chút trấn an từ tiến sĩ Braaten: căng thẳng mùa lễ là một dạng căng thẳng đặc biệt: phản ứng cấp tính trước một mối đe dọa tức thời. Con người thường có khả năng ứng phó tốt hơn với dạng "áp lực thời vụ" này. "Khi mùa lễ kết thúc, chúng ta sẽ có cách để thư giãn. Áp lực của mùa lễ rồi cũng sẽ qua đi" - bà nói. Tất nhiên mùa được nghỉ mà toàn tiêu cực thì đâu ai gọi đó là thời đẹp nhất trong năm. Về sức khỏe tinh thần, trong ngày nghỉ, mọi người có thể cảm thấy thư giãn và cởi mở hơn, từ đó tăng sự thấu hiểu đối với mọi người xung quanh và làm bền chắc hơn các mối quan hệ. Thời gian nghỉ xả hơi giúp chúng ta tránh khỏi những thứ ám ảnh gần như mỗi ngày: tin nhắn "ting ting" không dứt từ khách hàng, KPI từ sếp, những cuộc họp liên tục không nghỉ ngơi từ đồng nghiệp, nỗi căng thẳng kéo dài từ công việc được giao… Theo một nghiên cứu, người lao động cứ nghỉ thêm mỗi 10 tiếng ngày lễ, hiệu suất cuối năm cải thiện 8% và những ai thường nghỉ lễ lại ít muốn nghỉ làm hơn. Tags: Quà Giáng sinhGiáng sinhNghỉ lễLễ hộiLễ tết
Cắt hầu bao các báo, đài công ở Mỹ: Khi khái niệm "của dân" được bảo vệ... NGUYỄN VŨ 13/05/2025 1336 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm kể tội 'ông đấu thầu' THÀNH CHUNG 17/05/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ với đấu thầu thuốc như đấu giá thì người bệnh Việt Nam không có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ trên thế giới.
Đại gia Việt ‘bắt tay’ Tập đoàn Trump làm dự án tỉ USD: Tiền về ‘ồ ạt’, lãi ngàn tỉ sau lỗ BÌNH KHÁNH 17/05/2025 Quý 1-2025, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm ghi nhận kết quả kinh doanh hồ hởi với nguồn thu dồi dào.
Hàng chục ngàn người về chùa Tam Chúc chiêm bái xá lợi Phật trong ngày đầu tiên THIÊN ĐIỂU 17/05/2025 Ngày đầu tiên xá lợi Phật tôn trí tại chùa Tam Chúc, hàng chục ngàn người từ khắp mọi nơi đã về đây chiêm bái trong thành kính và trật tự.
Vợ chồng Đoàn Di Băng thu bộn tiền cỡ nào từ bán sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe phụ nữ? BÔNG MAI 17/05/2025 Hai vợ chồng Đoàn Di Băng và Nguyễn Quốc Vũ liên tục xây dựng hình ảnh giàu sang trên mạng xã hội, từ đó quảng cáo và bán chạy hàng loạt sản phẩm gắn liền với sắc đẹp và sức khỏe của phụ nữ.