100 năm ngày sinh danh họa Dương Bích Liên (1924-2024): Bức tranh HÀO

LÊ THIẾT CƯƠNG 27/07/2024 13:50 GMT+7

TTCT - Bức Hào của danh họa Dương Bích Liên là một cách hiểu khác về chiến tranh, duy nhất và độc đáo. Chất phản biện của trí thức - nghệ sĩ Dương Bích Liên không tuyên bố bằng ngôn từ mà thông qua tác phẩm.

Tháng 12-1972, B52 trút bom xuống Hà Nội, bãi An Dương, Bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên. Cả Hà Nội đi sơ tán. Bùi Xuân Phái bám trụ, đào hầm trú ẩn ngay trong nhà để vẽ bức Gia đình họa sĩ dưới hầm.

Dương Bích Liên cũng không về quê Khoái Châu, Hưng Yên để trốn bom, nhà ông ở gác 2 không thể đào hầm như Phái, ông "trốn" vào hội họa. Ngồi lỳ trong nhà để vẽ.

Từ trái qua: họa sĩ Dương Bích Liên, nhà thơ Đặng Đình Hưng, nhà thơ Trần Dần và họa sĩ Nguyễn Sáng tại tư gia ông Đặng Đình Hưng. Ảnh: Hà Tường - 1988.

Từ trái qua: họa sĩ Dương Bích Liên, nhà thơ Đặng Đình Hưng, nhà thơ Trần Dần và họa sĩ Nguyễn Sáng tại tư gia ông Đặng Đình Hưng. Ảnh: Hà Tường - 1988.

Hào ra đời trong những ngày đạn bom ác liệt đó. Từ nhà ông ở phố Bà Triệu, đường chim bay đến phố Khâm Thiên chắc chừng non cây số. Trong trường hợp này, chất lánh đời và nhập đời ở Liên là một.

Trong thực tế thì hào tức là giao thông hào, ở trường học thì hào nối từ các lớp ra hầm trú ẩn (thường là hầm chữ A). Ở các đơn vị cao xạ phòng không thì hào nối từ doanh trại ra ụ pháo, tên lửa. Hình ảnh này rất quen thuộc.

Dương Bích Liên đã chắt lọc, tạo hình lại các chiến hào bằng các hình gần như kỷ hà, khỏe khoắn, hạn chế đường cong uốn lượn. Màu của Hào nâu hạt dẻ, đậm nhạt ít thay đổi, tạo cảm giác chắc nịch.

Bố cục của Hào khúc chiết chia đôi hai phần trên dưới, trời - đất. Phần mặt đất là chủ yếu (mảng lớn) với những giao thông hào ngang dọc, ước lệ, tương phản về độ đậm với màu vàng thổ của nền và trắng ngà của bầu trời. Tức là chỉ có ba màu, rất kiệm.

Vẫn là điểm nhìn ước lệ, khi ông vẽ những dáng người đeo súng, lom khom đi trong hào, chìm trong hào, quay lưng lại, không rõ mặt, không có mặt. Họ không đội mũ sắt hoặc mũ cối, có lẽ không phải bộ đội chính quy, họ chỉ là những người dân, tự vệ, du kích như của các công trường nhà máy? Điều đó cũng là bình thường trong một cuộc chiến được gọi là "cuộc chiến tranh nhân dân".

Đứng ở điểm nhìn nghệ thuật thì ngôn ngữ hội họa của Hào rất "chiến tranh", bố cục chia cắt mảng miếng lớn, tạo hình và tương phản đậm nhạt chắc khỏe, nhưng vào thời điểm nó ra đời vẫn bị hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật cho là hơi buồn bã và không có khí thế cách mạng.

Chiến tranh có nhất thiết lúc nào cũng phải "mang khuôn mặt" đằng đằng sát khí, hô hào xung phong, đao to búa lớn, gào thét và những bàn tay nắm lại hình quả đấm giơ thẳng lên trời cao. Có nhất thiết phải vẽ thêm vào hai quả tên lửa ở góc trên bên trái theo gợi ý của nhà văn Nguyễn Tuân hay không?… Ấy là chưa kể trong nghệ thuật thì kẻ thù nguy hiểm nhất là cách biểu đạt giống nhau.

Hào của Dương Bích Liên là một cách hiểu khác về chiến tranh, duy nhất và độc đáo. Chất phản biện của trí thức - nghệ sĩ Dương Bích Liên chính là không tuyên bố bằng ngôn từ mà thông qua tác phẩm.

Hào - Dương Bích Liên. Bức tranh thuộc sở hữu của ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa.

Hào - Dương Bích Liên. Bức tranh thuộc sở hữu của ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa.

Tiếng máy bay B52, bom đạn, tiếng gầm rú của pháo phòng không, tên lửa, tiếng còi hú báo động và xe cứu thương, tiếng khóc gào... suốt ngày đêm vọng vào căn phòng - xưởng họa của Dương Bích Liên để ông sáng tạo lại, cô đọng lại, dồn nén lại thành "âm thanh cuồng nộ", âm thanh của… im lặng trong Hào. Im lặng sấm sét.

Chợt nhớ một câu trong bài Anh có nghe không của Văn Cao: "Bây giờ không còn những tiếng nổ to/ nhưng còn những tiếng rạn vỡ", tiếng rạn nứt trong lòng cuộc chiến mới là những tiếng nổ không to nhưng âm ỉ, dai dẳng kéo sang nhiều năm nữa của thời hậu chiến, đến nay đã gần nửa thế kỷ mà tiếng rạn nứt ấy chắc gì đã hết...

Hào, sơn dầu trên vải, kích thước 147x200cm, sáng tác năm 1972, tham gia Triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam 1973 nhưng không được treo.

Có nhiều chuyện quanh cuộc đời của Dương Bích Liên, ông sống một mình và tránh xa vòng danh lợi.

"Cuộc đời" của Hào cũng nhiều chuyện ly kỳ. Hào đã trải qua một cuộc bể dâu gần nửa thế kỷ từ lúc sinh ra (1972) và mãi gần đây mới dừng bước tại phòng tranh Apricot Hà Nội, chính thức ra mắt công chúng lần đầu tiên tại triển lãm Khởi nguồn tháng 12-2016.

Tranh cũng như người. Dương Bích Liên và Hào đều chìm nổi, bổng trầm, âu cũng là cái số của người tài, người đẹp. Nghiệp của Dương Bích Liên là thế và Hào cũng có số phận của riêng mình.

Và nếu nhìn rộng ra thì Hào không những rất chiến tranh, rất sâu lắng, khái quát để không chỉ nhìn mà còn để thấy. Hào cũng rất "lạc quan". Tất cả các giao thông hào dọc ngang ấy đều đi về và gặp nhau ở đường chân trời là một khoảng màu sáng nhất trong tranh, ở trên cùng. Cũng như những nhân vật đều đang đi về phía trời sáng ấy, đường chân trời ấy.

Tháng 12-1972, khi vẽ Hào tất nhiên Dương Bích Liên không thể biết sẽ có ngày 27-1-1973, ngày mà Hiệp định Paris được ký. Hào là dự cảm về kết thúc tươi đẹp sắp đến?

Một đặc điểm nghệ thuật rất rõ, dễ nhận biết trong sáng tác của Dương Bích Liên tạm gọi là "mỹ cảm khoảng trống lớn", điểm sơ qua những tác phẩm tiêu biểu của ông như: Ngày mùa, 1954; Chiều biên giới, 1968; Dĩ vãng, 1970; Hồ Chí Minh ở Việt Bắc, 1979… đều có bố cục là những khoảng không gian mênh mông.

Nhưng chỉ ở Hào, cái khoảng không quý giá rất Dương Bích Liên ấy mới được là nó, không bị nệ thực, tả kể, khoảng không trong Hào thiên hẳn sang ước lệ, nhiều chất đồ họa. Nó là vẽ thế nào chứ không còn là vẽ gì. Không mà lại có.

Hào là tác phẩm lớn nhất cả về kích thước và nghệ thuật của Dương Bích Liên. Chỉ cần một tác phẩm này cũng đủ làm cho những nhà phê bình còn nghi ngại về vị trí của ông trong bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái phải im bặt.

Hào là một tác phẩm đẹp nhất về 12 ngày đêm Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội, "Hào một tột" như cách Trần Dần nói về Hào. Hào luôn nằm trong top những tác phẩm đinh, những tác phẩm lớn về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận