TTCT - Tôi cố gắng nhìn bằng cặp mắt của người Đức, và xin dẫn chiếu một kết quả thăm dò dư luận của nhật báo Abendzeitung: 48% dân Đức không gọi nổi tên một bộ trưởng nào trong nội các hiện tại của Thủ tướng Angela Merkel, 33% từng nghe tên Olaf Scholz, phó của bà Merkel kiêm bộ trưởng tài chính liên bang; và ngay cả trong đại dịch Covid-19, cũng chỉ một trong năm người Đức biết đến ông Bộ trưởng Y tế Jens Spahn. Nhưng chắc chắn cả nước Đức biết bác sĩ Christian Drosten. Dân Đức đang đòi đưa ông Drosten lên làm thủ tướng. Ảnh: Der Tagesspiegel Bởi bác sĩ Christian Drosten chỉ cho Chính phủ Đức hướng đi dập dịch và lên sóng mỗi ngày chừng nửa tiếng để khai trí cho người dân - không chỉ ở Đức - đang hoang mang trước cơn lũ lịch sử, cho đến hôm nay đã quét đi hơn 16.000 mạng sống và dường như còn lâu mới có thể khống chế được. Cái khẩu trang và thái độ ngạo mạn Tôi viêm họng ở Hà Nội vào những ngày đầu tháng 1 và nghe bác sĩ kê đơn cho mình nói bâng quơ gì đó về dịch cúm bên Trung Quốc. Những ngày đó dòng thông tin là số không từ Vũ Hán. Ngay giới chuyên môn cũng không mường tượng tới mấy tuần sau, châu Âu sẽ ngạt thở trong Luật hạn chế lưu thông vì con virus corona quái quỷ chưa rõ hình hài. Đến mức một nhân vật khả kính như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte không giữ nổi bình tĩnh khi kêu gọi quốc dân đừng tích trữ hàng hóa một cách vô lý, để rồi khi cùng nhân viên đi thị sát một siêu thị, trước ống kính quay phim, ông kêu lên với đám đông đang giành giật nhu yếu phẩm trong một siêu thị: “Chúng ta có đủ giấy vệ sinh để đi ị mười năm liền mà!”. Tôi rời nước Đức ngay trước khi chính bà Merkel bị cách ly tại gia 14 ngày do tiếp xúc với bác sĩ của bà - người đã có kết quả xét nghiệm dương tính. Lúc ấy quả đất đã bắt đầu u ám trong nỗi lo âu mang tên Covid-19 - con virus đã biến thể xoành xoạch và chưa có vũ khí nào áp chế nó một cách hữu hiệu, nói gì đến vaccine. Tại sao tôi kể những chi tiết trên? Trong khi cả thế giới náo loạn đi tìm từng cái khẩu trang thô sơ che bụi, chính những nhà cung cấp lớn nhất thế giới như Amazon hay Alibaba không thể xuất hàng trước bốn tuần, thì hình ảnh ở Paris hay Frankfurt tương phản đến khó hiểu: không ai đeo khẩu trang, không sân bay nào có camera tầm nhiệt, không một tờ rơi nào nhắc nhở người dân trước đại họa rình rập. Nghe nói họ còn ghét ra mặt những ai đeo khẩu trang ra đường ở thời điểm ấy!? Có thể châu Âu quá tự tin về tiềm lực và hạ tầng y tế, dẫn đến ngạo mạn? Chỉ cần vài tuần sau bùng phát, dịch bệnh hạ sát gần 3.300 người Trung Quốc, 6.000 người Ý, 860 người Pháp…, dân Âu châu mới cuống cuồng đi tìm khẩu trang và cồn rửa tay. Đó là thời điểm tôi được người bản xứ nhắc nghe bài nói chuyện mỗi ngày của bác sĩ Drosten. Bằng vài câu dễ hiểu, ông giải thích về sự vô dụng của khẩu trang chống bụi mà nay chỉ để cho người đã bị bệnh hoặc nhân viên y tế, ai khỏe mạnh chỉ cần kéo cái khăn cổ cao lên là đủ. Dĩ nhiên không ai đeo mặt nạ phòng độc của binh chủng hóa học ra đường để có được sự bảo vệ tuyệt đối trước virus, nhưng mấy câu của ông Drosten ngăn được cảnh giẫm đạp đi kiếm hộp khẩu trang mà ngày thường giá vài đồng. Các cơ quan y tế cả châu Âu đổ xô đến xin kết quả nghiên cứu và lời khuyên của nhóm nhà khoa học dưới quyền ông. Mối đe dọa với cả thế giới Hôm nay chỉ còn Nam Cực và Bắc Cực là vắng bóng virus. Phần còn lại đang rên xiết dưới hiểm họa. Thủ tướng Merkel trong 15 năm tại vị mới có một bài nói chuyện với đồng bào mình, nhưng mấy ngày vừa rồi đã phải ra trước ống kính tivi hai lần liền vì đại dịch. Và sau mỗi biện pháp liên tục được cập nhật của nhà nước như hạn chế đi lại, đóng hết cửa hàng, sân bay, nhà máy…, đều có bóng dáng ông Drosten. Trong lúc Hoa Kỳ lạc quan chỉ phải giảm tốc độ sản xuất hai tháng và Nhật Bản vẫn gửi giấy mời dự Thế vận hội, bác sĩ Drosten cảnh báo cả châu Âu phải tính đến một năm tình trạng thiết quân luật ở nhiều mức độ, bóng đá Bundesliga không thể chơi đến giữa năm 2021. Các nhà chuyên môn khá thống nhất một nhận định rằng nước Đức nhờ sớm đưa ra biện pháp ngăn chặn mà có tỉ lệ tử vong rất thấp (tới ngày 24-3 là 123 nạn nhân) so với láng giềng Ý hay Pháp. Dễ hiểu là cả thế giới đang vào cuộc chạy đua tìm thuốc đặc hiệu và vaccine, đây là cuộc cạnh tranh không chỉ thuần túy nhằm cứu mạng người mà còn có ý nghĩa kinh tế khủng khiếp. Cũng dễ hiểu là mỗi cách điều trị triệu chứng (mò mẫm kiểu sờ chân voi chứ không phải tấn công có chủ đích) đều được tung ngay lên báo như ánh sáng cuối đường hầm. Tổng thống Donald Trump, dù vì lý do gì, chăm vào mạng xã hội hơn mọi tổng thống trước ông và tuyên bố đã có thuốc chống sốt rét quen thuộc Chloroquin, kết hợp với vài dược phẩm khác để trị corona! Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bác sĩ Drosten, và không chỉ mình ông, chỉ ra lỗi cơ bản trong nghiên cứu của Hoa Kỳ: người Mỹ đếm virus corona ở họng, trong khi ổ bệnh là phần dưới của phổi, và những “báo công” vô trách nhiệm kiểu ấy chỉ gây ra cảnh ào ào đi mua mấy loại dược phẩm chưa được thực nghiệm đầy đủ, nói cách khác là tương đối vô dụng, thậm chí lợi bất cập hại. Còn quá sớm để nói “thời thế tạo anh hùng”, nhưng sự tín nhiệm của chính quyền Đức, các láng giềng châu Âu, và nhất là của người dân, với bác sĩ Drosten và Viện Nghiên cứu các dạng virus mới của ông là có cơ sở, điều càng quan trọng bởi mỗi quyết định sai đúng lúc nước sôi lửa bỏng này liên quan trực tiếp đến tính mạng của hàng trăm hàng ngàn người. Trong mấy ngày tôi ở Đức, báo chí chuyển tải các cuộc tranh luận nảy lửa về việc đóng trường học và vườn trẻ, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của phụ huynh và các gia đình hạt nhân, vốn sinh hoạt khác cảnh tam đại đồng đường, hay ít ra là ông bà ở gần con cháu, ở các nền văn hóa khác. Kiến nghị của bác sĩ Drosten đã giúp chính quyền Đức đưa ra quyết định lâu dài trên lĩnh vực này, dù sao cũng giúp các gia đình bớt bị động và rơi vào cảnh phải ngồi chờ thay đổi từng tuần, nhờ thế có kế hoạch dài hạn hơn. Đặc biệt là bên lập pháp có điều kiện đưa ra luật mới về phụ cấp cho công nhân bị buộc làm việc nửa ngày (và nửa lương), luật chống cắt hợp đồng lao động, hoặc bắt chủ nhà không được vô hiệu hóa hợp đồng thuê nhà nếu không nhận được tiền thuê nhà ba tháng liền. Chính phủ sẽ hỗ trợ phần nào các tổn thất để người thuê nhà trả nợ dồn sau này, và hứa sẽ kéo dài hiệu lực của quy định trên đến 31-7-2021. Tôi trực tiếp gặp nhiều đồng bào Việt Nam ở thế yếu vì làm các nghề dịch vụ khá bấp bênh và nay không thể trả tiền thuê nhà, tiền điện và lò sưởi. Thật yên tâm ở một nước quen tin tưởng vào các chính sách an sinh xã hội như Đức, khi nhà nước đứng đằng sau các lời hứa nói trên. Luật thời chiến hãy còn chưa được nhắc đến, nhưng nếu cần, các nước như Ý và Đức sẽ ấn định giá điện và dầu, vốn bình thường do tư nhân tự quản - một dạng “quốc hữu hóa” tạm thời để bình ổn giá và khống chế đầu cơ, lạm dụng tình hình khó khăn. Quan điểm khác? Thú thực là tôi rối trí trong những ngày đầu đại dịch, khi người Việt Nam xung quanh tôi đi khuân gạo - mặt hàng không bao giờ hiếm ở Đức, và cá hộp thịt hộp. Họ còn mua khẩu trang và cồn xịt tay để gửi về nhà hoặc cho bạn bè ở các nước châu Âu khác. Hoặc do lời cảnh báo khẩn thiết của bà Merkel, hoặc do ký ức từ những ngày đi sơ tán chạy bom Mỹ vẫn chưa phai mờ, hoặc cả hai chăng? Người Đức thì tự tin đến thái quá. Có lẽ họ không tin rằng sau 70 năm hòa bình, trên toàn châu lục lại có nguy cơ nào đe dọa được họ. Một người bạn của tôi, tiến sĩ Horst Sommer, gửi mấy câu tâm huyết lên mạng xã hội sau khi đọc được dòng tâm sự chứa nhiều thất vọng của tôi về các đặc tính Đức đã phai nhạt ít nhiều: “Tôi không rõ các đặc tính ấy thất truyền khi nào. Tôi chỉ ngộ ra sau 25 năm sống ở nước ngoài (trong đó có nhiều năm là chuyên gia về đổi mới hệ thống dạy nghề ở Việt Nam - chú thích của tôi): tất cả đổ vỡ, biến mất. Sự vô tri, ngạo mạn, phét lác, tính thiếu chuyên nghiệp cả trong xã hội lẫn chính trường đã lan tỏa quá rộng. Cho dù vẫn còn nhiều điểm tích cực. Sự thật là nước Đức không đủ kiên cố trước tình thế biến chuyển”. Tôi tin những lời “mạt sát” trên hàm chứa nỗi lo lắng chân thành cho quê hương ông, và chắc chắn trong đó có nhiều sự thật, bởi bạn tôi vốn lịch duyệt giang hồ. Đó chính là lý do khiến tôi bắt chuyện với dân địa phương để cố hiểu tâm tư của họ. Sau những lần tâm sự, tôi không hẳn bi quan hay tức giận như tiến sĩ Sommer, vì tôi nhận ra một điểm tích cực mang tên “quan điểm khác” mà tôi phải lý giải cho rõ. Chính bác sĩ Drosten, khi tư vấn đối sách cho Chính phủ Đức cũng như EU, đã nói đại ý là ông rất mừng khi những người có trách nhiệm rất quan tâm lắng nghe luận cứ do giới khoa học nêu lên, và “quan điểm khác” có lẽ là một uyển ngữ để khỏi làm mích lòng người hàng xóm Ý vốn ít áp tai vào cái hàn thử biểu khoa học. Từ những ngày ăn học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, tôi đã được biết các báo cáo thường niên của Bộ Kinh tế, các văn kiện đại hội đảng hay báo cáo chính trị sau một năm hoạt động trước Quốc hội đều phải mời các triết gia danh tiếng tham vấn, thậm chí chấp bút, và nhóm biên tập luôn đủ đại diện các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Bất kể cái “quan điểm khác” ấy nặng cân đến đâu, trong đại dịch chưa thấy hồi kết này, tôi - một kẻ gần như ngoài cuộc - vui mừng cho một quan điểm đáng trân trọng như thế. Và thế giới sẽ cảm ơn hàng triệu bàn tay góp sức thắng đại dịch, trong đó có bác sĩ Drosten. Người Đức hôm nay đã hân hoan đề nghị ông thế chỗ luôn bà Merkel! Có lẽ đó là biểu hiện của lòng tin mang ít nhiều cảm tính ở thời kỳ gian khó. Riêng tôi mong ông ở lại vị trí khoa học sáng láng của mình. Không có nhiều nhà khoa học tinh hoa đem lại đột phá như ông. Chứ chính trị gia thì thời nào cũng sẵn - và như ai đó từng nói, như tã lót, cứ phải thay liên tục!■ Bác sĩ Christian Heinrich Maria Drosten sinh năm 1972, là nhà nghiên cứu các chủng virus mới và giáo sư Đại học Bonn. Từ năm 2017, ông là giám đốc Viện Virus thuộc Bệnh viện Charité. Năm 2003, ông thuộc nhóm chuyên gia đầu tiên phát hiện ra virus SARS-CoV và cùng phát triển quy trình chẩn đoán SARS trước cả Trung tâm phòng chống dịch Atlanta, Hoa Kỳ. Ngay từ đầu ông đã phân phát kết quả nghiên cứu miễn phí trên mạng. Từ năm 2012, nhóm của ông cũng nghiên cứu cả virus MERS-CoV. Khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện tháng 12-2019, nhóm của ông phát triển bộ thử và cung cấp cho cả thế giới từ tháng 1-2020. Bác sĩ Drosten luôn cổ xúy việc minh bạch rộng rãi các kết quả nghiên cứu khoa học, do đó ông chỉ viết cho các tạp chí chuyên ngành như Eurosurveillance, với 100% nội dung miễn phí trên Internet. Tags: Nước đụcChính phủ ĐứcDịch COVID-19Bác sĩ Christian Drosten
Tin thế giới 27-11: Israel và Hezbollah ngừng bắn; Nga tiến nhanh, tiến mạnh trên đất Ukraine THANH HIỀN 27/11/2024 Mỹ, Pháp môi giới thành công thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah; Nga kiểm soát thêm 235km² ở Ukraine trong tuần qua.
Đắk Nông thuê tư vấn đánh giá hiệu quả khai thác bô xít tại các dự án cấp bách TRUNG TÂN 27/11/2024 UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo ngành chức năng thuê tư vấn có chuyên môn đánh giá hiệu quả việc khai thác bô xít tại 37 dự án cấp bách vướng quy hoạch để triển khai đầu tư.
Chủ khách sạn xây vượt tầng 'tố' bị lực lượng cưỡng chế tự ý bán tài sản, chính quyền nói gì? NGUYỄN HOÀNG 27/11/2024 Chủ khách sạn xây vượt tầng ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) phản ánh UBND phường Lộc Thọ (TP Nha Trang) đã tự ý bán tài sản của khách sạn khi cưỡng chế.
Tin tức sáng 27-11: Đề nghị thiết kế chỉ tiêu lợi nhuận Vietlott thấp hơn xổ số miền Nam 500 tỉ đồng TUỔI TRẺ ONLINE 27/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Vinhomes tiết lộ giá thương vụ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam; BIM Group có chủ tịch mới; Một công ty chứng khoán bị phạt nặng...