Anti-fandom: Hôm nay "vì công lý", ngày mai "ghét cho vui"

MI LY 20/08/2023 06:21 GMT+7

TTCT - Việc theo dõi và say sưa xem nội dung của những người mình ghét là cách để chúng ta "so sánh đi xuống", nói cách khác là "nhìn xuống" để thấy những người đó tồi tệ hơn mình.

Ảnh: dazeddigital.com

Ảnh: dazeddigital.com

Một nữ ca sĩ bị căm ghét sau một tin đồn thất thiệt, bị hàng nghìn người rủa "tàn đời". Một bộ phim dở tệ thu hút hàng chục triệu lượt xem vì cảm giác được chế giễu nó thật sự rất thú vị. Anti-fandom, cũng như sự căm ghét, ngày càng có nhiều biểu hiện đa dạng trong vài năm gần đây.

Năm 2019, tác giả Melissa A. Click xuất bản quyển Anti-Fandom: Dislike and Hate in the Digital Age, một bản nghiên cứu khá thời sự về tình trạng căm ghét và thù ghét trong thời đại số. 

Taylor Swift là ví dụ được đưa ra đầu tiên, thông qua ca từ của ca khúc Shake It Off mà cô gửi đến các "hater" (kẻ căm ghét) của mình: ai ganh ghét thì cứ mãi ganh ghét thôi, tôi sẽ rũ bỏ hết.

Cuốn sách ghi nhận "niềm vui mà chúng ta có được từ sự căm ghét", nhìn thẳng vào những hành vi "anti" phổ biến trên Internet hiện nay như châm chọc, chế giễu, hay xem thứ mà mình căm ghét, tức hate-watch - một từ đã được đưa vào từ điển Oxford Dictionaries năm 2014.

Rũ bỏ căm ghét

Năm 2017 là giai đoạn đen tối nhất trong sự nghiệp của Taylor Swift, đến mức cô chủ động biến mất khỏi ống kính truyền thông và dư luận trong nhiều tháng trời. Không một lời giải thích nào, đơn giản là cô biến mất. Thậm chí Swift từng phải di chuyển trong vali để tránh ống kính săn ảnh.

Nữ ca sĩ được cả triệu người yêu mến hôm nay từng phải giấu mình theo cách đó, vì vấp phải làn sóng thù ghét từ rất nhiều người sau khi cô bị cặp vợ chồng cũ Kanye West và Kim Kardashian tố nói dối. Băng ghi âm cuộc gọi điện thoại giữa Taylor và Kanye do Kim Kardashian tung lên Snapchat đã bị cắt gọt, khiến hàng triệu người tin rằng Taylor là kẻ thủ đoạn.

Nhưng ở thời điểm sự việc ồn ào (2016-2017), nữ ca sĩ đã không thể giải thích và chấp nhận trở thành đối tượng chính của một làn sóng anti-fandom mạnh mẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khó có thể nói các anti-fan của Taylor Swift năm đó đã làm sai. Họ chỉ đơn giản hành xử theo cách họ nghĩ là công bằng.

Lúc đó, với lời tố cáo một chiều của Kim Kardashian, một bộ phận dư luận đã "kết tội" và "thi hành án" với cô như một cách đấu tranh cho công lý. Nhưng vào năm 2020, khi đoạn video đầy đủ của sự việc được tung lên mạng, Taylor mới công khai chia sẻ đối với cô, quãng thời gian bốn năm từ 2016 đến 2020, là "như sống trong địa ngục".

Làn sóng căm ghét, đối với Taylor, "là một cơn bão đang diễn ra xung quanh bạn, nhưng bạn không việc gì phải mở cửa sổ ra và nhìn nó". Tuy nhiên có lẽ đã nhiều lần cô không thể ngăn bản thân nhìn vào cơn bão ấy, bằng chứng là cô nhớ như in rất nhiều lời bình luận độc địa nhắm vào mình và biến chúng thành ca từ, hoặc lời thoại trong các MV mang tính tự giễu, tự trào của mình.

Xem để ghét, ghét mới xem

Hate-watch là hành vi khá đặc biệt và ngày càng phổ biến nhờ thời đại streaming, chỉ việc một người say sưa xem những bộ phim hoặc chương trình truyền hình, trực tuyến mà bản thân căm ghét nhưng với thái độ rất thích thú vì được thoải mái cười nhạo, chê bai nó. Đây chính xác là một hành vi "anti để giải khuây", và với nhiều người là có tính giải trí rất cao.

Loạt phim trực tuyến Emily in Paris hay chương trình truyền hình 18+ Too Hot to Handle là những ví dụ điển hình của các nội dung được, hoặc bị, hate-watching nhiều nhất. Điều này không hề khó hiểu: hàng triệu khán giả thừa biết hai chương trình này dở tệ với những nhân vật rất nóng bỏng diễn xuất gượng gạo, nội dung khiên cưỡng và đôi khi xúc phạm trí thông minh của người xem. 

Ấy vậy mà chính họ - người xem - vẫn cống hiến cho hai chương trình lượng view khổng lồ đủ để chúng luôn nằm trong danh sách ăn khách nhất Netflix mỗi khi có mùa mới. Lý do rất đơn giản, như trang Vice tổng kết, vì "căm ghét thật là vui, và gây nghiện".

Từ hate-watch còn có biến thể, tùy nền tảng. Nếu bạn cực kỳ căm ghét một TikToker nhưng lại không thể ngừng xem những video nhảm nhí trên kênh của người này, và vừa xem vừa không ngần ngại phủ kín phần bình luận bằng những lời chửi rủa và mỉa mai họ? Bạn đang hate-follow (theo dõi người mình ghét) đấy. Và có cả hate-read: đọc nguồn tin trái với quan điểm của mình, để thấy ta mới là kẻ đúng, hay đơn giản là tìm đọc mọi thứ viết xấu về kẻ mình ghét, để khoan khoái trong lòng.

Ảnh: UNESCO

Ảnh: UNESCO

Vice trích lời JR Ilagan, một nhà tâm lý học lâm sàng ở Manila, Philippines nhận định về mặt tâm lý, con người luôn muốn so sánh chính mình với người khác. Việc theo dõi và say sưa xem nội dung của những người mình ghét là cách để chúng ta "so sánh đi xuống", nói cách khác là "nhìn xuống" để thấy những người đó tồi tệ hơn mình. Tâm lý này giống như khi con người ta nhìn một vụ tai nạn, theo Ilagan, họ thấy đau lòng nhưng đồng thời cũng thở phào nhẹ nhõm: "May mà không phải mình".

Về mặt xã hội, căm ghét là một trải nghiệm mang tính gắn kết những người có chung niềm căm ghét đó. Xem Emily in Paris xong và ghét bộ phim tận xương tủy ư, bạn có thể ngay lập tức lên Twitter, Reddit hay Facebook để tìm kiếm những người có chung quan điểm, trên đó có thể đã tràn ngập những bình luận chế giễu về bộ phim đó để bạn đọc trong sự gật gù, hả hê. Đó là đất sống của những hội nhóm anti. 

"Thật vui khi cùng nhau ghét ai đó, khi có một kẻ thù chung" - Ilagan nói. Nhưng chuyên gia này cũng thừa nhận việc nói xấu về một đối tượng chung hay thói ngồi lê đôi mách là một chất keo gắn kết cần thiết cho cộng đồng.

Lằn ranh tốt xấu

Bài viết này không nhằm khẳng định anti-fandom hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Cũng như fandom, nó có nhiều mặt, tùy thuộc vào tâm tính hay hành vi của cộng đồng đó.

Nhà tâm lý học JR Ilagan nhận định nếu một người bắt gặp một nội dung thực sự xấu, độc hại và ghét nội dung đó với mục đích mong muốn nó được cải thiện, nhằm mang lại giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng, thì sự căm ghét đó là "có cơ sở".

Còn ở trường hợp thứ hai, khi bạn luôn có xu hướng tìm kiếm một thứ hay một người nào đó để ghét bất kể lý do là gì, thì rất cần xem lại động cơ của chính bạn.

Hãy đặt câu hỏi: Liệu người đó, thứ đó có xấu xa thật hay bạn chỉ đang cần cảm thấy tốt đẹp hơn về bản thân? Liệu bạn mong muốn người đó, thứ đó cải thiện những điểm xấu và trở nên tốt đẹp hơn, hay bạn chỉ khao khát xóa sổ họ khỏi mạng xã hội, tước đi danh dự của họ, như cách nhiều người đã đẩy trend hashtag #taylorswiftisoverparty (Taylor Swift tàn đời rồi) trong làn sóng tẩy chay nữ ca sĩ những năm 2016-2017? Việc căm ghét hay góp ý của bạn đang giúp đối tượng lắng nghe và trở thành một người đáng yêu hơn, hay chỉ biến bạn thành một người đáng ghét hơn? Bạn vẫn đang bình luận một cách lý trí và lập luận thuyết phục hay đã bắt đầu tung ra những lời thù ghét thiếu cơ sở?

Có lẽ, khi trả lời được những câu hỏi đó, mỗi người cũng tự đánh giá được hành động "anti" của mình với một đối tượng nào đó là tốt hay xấu, nên làm hay không nên làm.

Các bài báo chỉ trích Taylor Swift trong đỉnh điểm làn sóng tẩy chay.

Các bài báo chỉ trích Taylor Swift trong đỉnh điểm làn sóng tẩy chay.

Ngoài ra, trang Inc.com dẫn quan điểm của tác giả Jay Baers (chuyên gia về trải nghiệm khách hàng, có nhiều đầu sách bán chạy trên New York Times) trong cuốn sách Hug Your Haters (tạm dịch: Hãy ôm kẻ ghét bạn), trong thời đại mạng xã hội, cần nhìn nhận hai dạng thể hiện sự căm ghét/phản đối khác nhau, và điều đáng lưu ý là dạng thứ hai đang ngày càng trở nên đông đảo.

Dạng thứ nhất là những người căm ghét một cách thầm lặng và kín đáo. Đặc điểm của nhóm này là luôn thể hiện sự phản đối, góp ý một cách trực tiếp và riêng tư đến thẳng đối tượng cần tiếp nhận, như gọi điện thoại, gửi email, tin nhắn riêng, tìm gặp... Và khi liên lạc qua hình thức này, những lời phàn nàn cũng không quá gay gắt và tập trung vào mục đích mong muốn sự việc được cải thiện.

Dạng thứ hai, không có gì bất ngờ, chính là thói căm ghét một cách công khai, ồn ào và có thể thu hút thêm nhiều bình luận căm ghét khác. Đây cũng là cách nhiều anti-fandom hoạt động trên các nền tảng mạng hiện nay. Biểu hiện của họ chính là thể hiện sự căm ghét, phản đối, "bóc phốt" ở những nơi công cộng và đông người: mạng xã hội, trang web đánh giá công khai, diễn đàn thảo luận hoặc nhóm cộng đồng... 

Nhóm này trẻ hơn nhóm thứ nhất và có thói quen dùng mạng xã hội nhiều hơn. Họ cũng có xu hướng phàn nàn nhiều hơn và gay gắt hơn, vì chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và khả năng gõ chữ tốc độ cao.

Ngày nay, đối với các doanh nghiệp hay người nổi tiếng, dạng phản đối thứ nhất vẫn phổ biến hơn. Nghĩa là, theo nghiên cứu của Jay Baers, những khách hàng chọn cách khiếu nại thầm lặng và riêng tư vẫn chiếm đa số. 

Nhưng điều đáng quan tâm là "cán cân quyền lực" đang dần nghiêng về những người bày tỏ sự căm ghét và phản đối công khai, đặc biệt là những người có thói quen không ngần ngại đăng bài "bóc phốt" trên mạng xã hội. 

Trong kinh doanh, các công ty cần phải có tâm lý sẵn sàng giải quyết các khiếu nại công khai để thúc đẩy đáng kể sự ủng hộ của khách hàng.

Anti-fan cũng là một dạng "fan"

Tác giả Jonathan Gray, trong cuốn sách New Audiences, New Textualities: Anti-Fans and Non-Fans đã đưa ra cách nhìn nhận thú vị: fan và anti-fan không hề đối lập như chúng ta vẫn nghĩ.

Ông viết: "Khoái cảm và bất mãn, hoặc fandom và anti-fandom, có thể được định vị ở hai đầu đối lập của một phổ, nhưng có lẽ cách nhìn nhận chính xác hơn là chúng tồn tại trên một dải Mobius. Nhiều hành vi và cách thể hiện của người hâm mộ và anti-fan lại giống hệt nhau, nếu không muốn nói là sao chép nhau".

Nếu quan sát các nhóm anti, có thể thấy anti-fan còn biết về người nổi tiếng còn nhiều hơn fan, vì dành hết thì giờ, công sức để "nghiên cứu đối tượng". Nhà nghiên cứu truyền thông này cho rằng lòng căm ghét, cũng như lòng yêu thích một ai đó, đều là những cảm xúc mãnh liệt thúc đẩy những hành động, cách nhận dạng, ý nghĩa, hiệu ứng mạnh mẽ tạo nên một cộng đồng hoặc một tiểu văn hóa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận