Áp dụng thẻ xanh vaccine: Những thực tế và lựa chọn khác nhau

HỒNG VÂN 28/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Nhiều nước Đông Nam Á đã chuyển hướng từ chiến lược kiểm soát không có ca nhiễm sang sống chung an toàn với COVID-19 sau khi áp dụng các biện pháp hạn chế kéo dài nhưng không hiệu quả. Và thẻ xanh vaccine là một trong những yếu tố quan trọng được xem xét.

 
 Nhà hàng, quán ăn ở Malaysia chỉ đón người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ảnh: Shafwan Zaidon

 Chứng nhận vaccine 

Ngày 30-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo chính phủ sẽ điều chỉnh các biện pháp hạn chế với COVID-19 do tình hình dịch bệnh ở phần lớn các địa phương trên đảo Java đã xuống dưới mức cảnh báo số 4, mức dịch bệnh nghiêm trọng nhất, khi tỉ lệ giường bệnh đang sử dụng trên toàn quốc giảm xuống dưới 30%. 

Để mở cửa trở lại, Chính phủ Indonesia đẩy mạnh việc giám sát tiếp xúc qua ứng dụng từ điện thoại thông minh. Nhưng ngay cả khi áp dụng mức giãn cách tối đa, các biện pháp hạn chế của Indonesia vẫn dễ thở cho người buôn bán nhỏ - huyết mạch của nền kinh tế. 

Khi ở mức kiểm soát số 4, người bán hàng trên đường phố, cửa hàng thực phẩm... được mở cửa hoạt động đến 20h hằng ngày và tuân thủ biện pháp 5M (tương tự 5K của Việt Nam). Quán, tiệm ăn nhỏ... được mở cửa cho tối đa 3 khách trong 30 phút. Nhà hàng, quán cà phê được mở cửa đến 20h với tối đa 25% công suất, 2 người một bàn trong 30 phút.

Theo quy định mới, cửa hàng ăn trong các trung tâm mua sắm được mở cửa phục vụ tối đa 50% công suất (so với 25% trước đây). Từ ngày 7-9, các điểm du lịch trên đảo Java mở cửa lại dần và thực khách có thể ngồi ăn tại bàn trong vòng 1 giờ. Người dân phải mang theo chứng nhận vaccine (trên điện thoại) để vào trung tâm mua sắm, di chuyển trên đường như đi lại liên tỉnh hoặc nội thành bằng máy bay, xe buýt, tàu lửa, xe cá nhân. 

Indonesia không yêu cầu người bán hàng thực hiện các xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.

Ở Malaysia, để mở cửa lại theo kế hoạch phục hồi quốc gia theo lộ trình 4 giai đoạn, chiến lược chung cho người dân và doanh nghiệp là dựa vào vaccine. Theo Nikkei Asia, dự kiến đến cuối tháng 10-2021, 80% người trưởng thành ở Malaysia sẽ tiêm đủ liều vaccine, bước vào giai đoạn xem COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu để chung sống. 

Tân Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết kế hoạch quản lý COVID-19 trong dài hạn còn liên quan đến các trụ cột: thường xuyên xét nghiệm, đeo khẩu trang bắt buộc và cách ly tại nhà với người nhiễm COVID-19.

Để vào quán, thực khách phải chứng minh đã tiêm đủ vaccine, quét ứng dụng truy vết, đo thân nhiệt, chỉ được ngồi 3 người 1 bàn. Họ được dẫn con dưới 17 tuổi chưa tiêm vaccine đi ăn cùng vì hiện chỉ người từ 18 tuổi trở lên ở Malaysia mới được tiêm vaccine. Để thu hút khách, nhiều quán ăn treo biển thông báo toàn bộ nhân viên của họ đều đã tiêm vaccine.

Không giam người chưa tiêm

Mặc dù chính quyền mong muốn càng nhiều người tiêm vaccine càng tốt nhưng thực tế có những người, với cơ địa dị ứng với các thành phần của vaccine nên không thể tiêm. Nếu quy định việc tiêm vaccine và chứng nhận xét nghiệm âm tính thường xuyên sẽ rất khó khăn cho cuộc sống hằng ngày của nhóm người này.

Tại bang New South Wales (Úc), số ca nhiễm COVID-19 còn cao (1.257 ca cộng đồng trong tổng số 1.655 ca cả nước ngày 13-9), chính quyền địa phương vẫn dỡ bỏ một số hạn chế để cân bằng giữa yêu cầu về y tế cộng đồng và đời sống tinh thần người dân. 

Ở 12 vùng có dịch nặng nhất, người sống cùng nhà được ra ngoài dã ngoại, giải trí... tối đa 2 tiếng trong bán kính 5km, những người khác được tụ tập ngoài trời tối đa 2 người. Ở các khu vực khác, được tụ tập tối đa 5 người lớn ngoài trời, không tính trẻ em dưới 12 tuổi, trong phạm vi 5km quanh nhà với điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi.

Tại Anh, nói chuyện với báo chí ngày 12-9, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tiết lộ chính phủ sẽ không yêu cầu hộ chiếu vaccine hay chứng nhận tiêm chủng làm điều kiện để người dân có thể tham dự các sự kiện lớn. Cá nhân ông còn muốn bỏ luôn quy định phải có xét nghiệm PCR âm tính với du khách càng sớm càng tốt vì gây tốn kém cho dân. Theo ông, chính phủ vẫn thận trọng với COVID-19 nhưng chương trình vaccine, xét nghiệm, giám sát, các phương pháp điều trị mới... là những bức tường phòng ngự trước COVID-19.

Tại Philippines, dù mới khoảng 14,9% dân số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, chính quyền cũng nới lỏng các biện pháp cách ly cộng đồng, các dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại và các buổi lễ tôn giáo được tổ chức với quy mô còn 10% so với bình thường.

Tại Campuchia, sạp hàng tại các chợ lớn của tỉnh, thành phố được phép mở cửa từ ngày 15-6 và phải tuân thủ các quy định: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay diệt khuẩn, quét mã QR trên ứng dụng “Stop COVID” trước khi vào chợ. 

Từ ngày 3-8, Campuchia đã cho phép nhà hàng, kể cả nhà hàng trong khách sạn hoạt động với quy định phải đảm bảo giãn cách và theo nhóm nhỏ. Nhà hàng đảm bảo có thông gió đủ tiêu chuẩn, bàn cách bàn 1,5m. Quản lý, nhân viên nhà hàng phải đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt, kiểm tra thân nhiệt, quét mã QR và đảm bảo các biện pháp an toàn, được cơ quan chức năng chứng nhận. Quán ăn không đảm bảo các điều kiện trên thì vẫn được bán mang đi. Campuchia không yêu cầu người bán hàng phải xét nghiệm âm tính thường xuyên.

Tại Singapore, 81% người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine, từ ngày 10-8, nhà hàng, quán ăn được đón khách theo nhóm tối đa 5 người nếu tất cả đã tiêm đầy đủ. Với người chưa tiêm, được ngồi ăn tại bàn nhưng chỉ được đi theo nhóm 2 người để giảm khả năng lây bệnh. 

Nhà hàng có trách nhiệm kiểm tra tình trạng đã tiêm vaccine hay chưa của khách. Trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine có thể có mặt trong nhóm 5 người cùng gia đình. Người chưa tiêm vaccine nhưng có xét nghiệm âm tính còn giá trị hoặc người đã nhiễm COVID-19 khỏi bệnh được xem ít có rủi ro và được tập trung nhóm 5 người.

Các khu ẩm thực đường phố, quán cà phê được ngồi theo nhóm 2 người, không xét tình trạng tiêm vaccine. Theo Bộ Y tế Singapore, những nơi này bán thức ăn, đồ uống tiện lợi, giá cả phải chăng cho cộng đồng và hoạt động ngoài trời rất thông thoáng nên không yêu cầu thực khách phải chứng minh tình trạng tiêm vaccine. 

Bằng chứng đã tiêm vaccinen của người dân Singapore được thể hiện trên ứng dụng TraceTogether hoặc HealthHub. Người dân trình chứng nhận, truy cập bằng điện thoại thông minh khi được hỏi.

Tranh cãi ở Thái Lan

Tại Thái Lan, bình thường mới đã trở lại từ ngày 1-9, các siêu thị, nhà hàng, quán ăn đều đông đúc nhưng đóng cửa sớm, từ 19h30 - 20h, tùy từng ngành hàng. Nhiều khu chợ hoạt động lại với điều kiện người bán hàng phải tiêm đủ vaccine, tuy vậy họ không kiểm tra hay yêu cầu tình trạng tiêm vắc xin của người đi chợ.

 Tại cổng ra vào chợ, người dân phải đo thân nhiệt và quét mã QR trên ứng dụng Thaichana. Trong tháng 9-2021, quán ăn, nhà hàng không yêu cầu thực khách phải có xác nhận đã tiêm đầy đủ hay xét nghiệm âm tính với COVID-19 để vào quán. 

Nhưng từ ngày 1-10, chỉ những người đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính mới được ngồi ăn uống tại chỗ tại các tỉnh thành diện “đỏ đậm” (áp dụng các biện pháp hạn chế tối đa).

 
 Người dân xếp hàng vào chợ cuối tuần Chatuchak ở Bangkok, Thái Lan ngày 12-9. Ảnh: Phan Thị Thùy Tiên

 Theo Bangkok Post, quy định chủ các cửa hàng ăn uống phải vệ sinh tất cả các bề mặt tiếp xúc thường xuyên mỗi 1 - 2 tiếng, vệ sinh máy lạnh 3 tháng/lần và không để tụ tập đông người là hợp lý. Tuy nhiên, quy định nhân viên được tiêm vaccine đầy đủ, hoặc khỏi COVID-19 trong vòng 1 - 3 tháng trở lại, phải xét nghiệm nhanh âm tính mỗi 7 ngày và điền phiếu đánh giá rủi ro COVID-19 trên ứng dụng điện thoại hằng ngày chẳng khác gì đánh đố. 

Tương tự là quy định khách hàng phải đánh giá rủi ro COVID-19, có bằng chứng đã tiêm vaccine 2 liều, có xét nghiệm nhanh âm tính trong 7 ngày hoặc bằng chứng đã khỏi COVID-19 cũng gây tranh cãi vì giảm đáng kể số cửa hàng có thể hoạt động và số người có thể sử dụng dịch vụ.

Quy định này càng bất khả thi khi Thái Lan mới có khoảng 16,7% người đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vaccine (khoảng 11,6 triệu người). Dù phần lớn người dân ở Bangkok (vùng đỏ đậm) đã tiêm mũi 1, rất nhiều người buôn bán chưa tiêm đủ 2 liều vaccine do chính phủ không có chương trình tiêm vaccine nào phục vụ cho lộ trình mở cửa này, nhất là quy định đủ 2 liều còn kèm thời gian 2 tuần để phát sinh miễn dịch sau liều thứ hai. 

Chưa hết, lời lãi thế nào chưa rõ, chủ cửa hàng phải cung cấp xét nghiệm nhanh COVID-19 cho nhân viên mỗi tuần trong bối cảnh thu nhập của họ đã thiệt hại nghiêm trọng nhiều tháng qua do các biện pháp hạn chế. 

Ý kiến đăng trên Bangkok Post cho biết quy định của cơ quan chức năng “dường như đá trách nhiệm sàng lọc COVID-19 cho người chủ lao động” và hy vọng sớm thay đổi những bất hợp lý này. 

Trung tâm thương mại Mega Bangna ở Bangkok, Thái Lan rộn rịp khách mua sắm ngày 12-9. Ảnh: Phan Thị Thùy Tiên

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận