TTCT - Rốt lại thì chuyện vua Gia Long và bà Phi Yến là sao, và có phải "chính sử" lúc nào cũng là khuôn vàng thước ngọc? Năm đó trong lúc bôn tẩu, cung quyến thất lạc tứ tán, cạnh Nguyễn Vương chỉ còn bà Phi Yến cùng hoàng tử nhỏ. Giặc đuổi gấp, sợ vướng bận chưn tay vương, nên phi xin chạy rẽ lối khác, một mặt cũng nhằm đánh lạc hướng địch. Nguyễn Vương lúc ấy khó có thể nghĩ nhiều, vội đưa tín vật rồi nói OK vậy đi, mẹ con nàng ráng bảo trọng, sau này ta nhứt định quay lại đón, nhứt định. Tuy mẹ con bà thoát hiểm nhưng vài tháng sau hoàng tử nhỏ bị tai nạn qua đời, rồi sau đó bà Phi Yến quá u sầu cũng lâm bịnh mà thác. Ảnh: DeMilkedDân trong vùng lúc chôn cất bà thấy được tín vật biết là người chốn cung thất, mới lập miếu thờ, trận bão năm Thìn thổi bay ngôi miếu xưa, tín vật cũng mất, từ đó chỉ lưu truyền sự tích. (Kể lại theo Hư lục, chứ không phải Thực lục à nha!)Nếu truyền thuyết về bà Phi Yến lành như vậy thì liệu hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc có ra quyết định “không thừa nhận” bà? Cho nên, suy cho tới thì Nguyễn Ánh có ra Côn Đảo hay không chẳng phải lý do chánh. Nếu câu chuyện về bà Phi Yến đừng quá sốc, thì lễ giỗ gì đó có thành di sản văn hóa hay không chắc cũng chẳng có ai phản đối. Vấn đề ở đây là một sự cố phản tuyên truyền, bởi nói Nguyễn Ánh quăng ném con bỏ rơi vợ là nói xấu bậc quân chủ hùng tài đại lược. Chuyện dài Gia Long tẩu quốc vốn gắn với những huyền thoại thoát hiểm ly kỳ. Một ví dụ: có lần nọ vương bị Tây Sơn đuổi rát, chạy tới bờ sông, thời may có con trâu nằm sẵn bên bờ, bèn chở vương lội qua sông, đến giữa dòng thì đuối sức, bỗng có con cá sấu đến nưng lên đưa vô bờ, thoát nạn. Đại Nam thực lục chép vụ này xảy ra hồi năm 1783. Nói rằng đây là chuyện dóc cũng chưa chắc, bởi có thể có trường hợp cá sấu mới ăn no, không thể ăn thêm và cũng muốn tiêu bớt calo cho đỡ ách bụng, mới tìm cách vận động, đương lúc ấy thì gặp trâu và vương sắp chìm.Rồi còn chuyện thuyền Nguyễn Vương bị Tây Sơn đuổi, chạy trên biển 7 ngày đêm, hết nước uống, chúa tôi sắp chết khát, bỗng trước mũi thuyền có luồng nước ngọt phún lên, quân sĩ uống đã đời còn hứng thêm được 5, 6 chum để dành, rồi luồng nước ngọt mới ngưng. Chuyện này cũng chép trong Đại Nam thực lục và được các sử quan nhấn nhá: “Vua dẫu còn ở trong vòng mờ tối, mà những việc gió núi nước biển, điềm ứng rất nhiều, kẻ thức giả ai cũng cho là có chân mạng đế vương” (ĐNTL Chánh nhứt, q.2). Tuy sử quan có vẻ hơi dị đoan, nhưng chuyện nước ngọt phun giữa biển cũng chưa chắc là nói dóc, vì những vùng cửa sông lớn đổ ra biển cũng dám có chuyện này.Gia Long đúng là vị vua hùng tài đại lược, nhưng ông không phải bực thánh vương cày ruộng được nhường ngôi, lại nữa, hễ đua chen tranh đoạt quyền lực thì khó nói chuyện đạo lý. Chuyện bà Phi Yến vì can ngăn Nguyễn Ánh đưa con nhỏ làm tin đi cầu viện người Pháp khiến ông tức giận quăng con xuống biển và bỏ rơi bà trên đảo lưu truyền hiện nay chẳng rõ thật hư. Nhưng người đặt ra hay kể lại cốt truyện này cũng có cái lý của họ. Phàm con người, trong những cảnh ngộ như vừa bể hợp đồng, thua bài, chủ nợ nhì nhằng, trễ giờ ăn bụng kêu đói…, thì vợ con đừng có xớ rớ càm ràm. Đằng này, không phải lúc Nguyễn Ánh nằm võng đọc Đường thi mà đương bị đuổi ví vô đường cùng, không phải mới thua vài ván bài mà là mất cả cơ nghiệp mấy trăm năm của tổ tiên, mấy bà phi tần tuổi gì mà lèm bèm bàn ra chuyện kế phục quốc, cho nên máu Thục Phán có nổi lên thì ôi thôi, cũng khó trách lắm.Lại nữa trong thuật tuyên truyền thời phong kiến, để xây dựng hình ảnh chơn mạng đế vương, ghi chép điềm triệu như thiệt, bất chấp thực hư, thì không phải tới sử quan nhà Nguyễn mới có. Bởi vậy, lỡ như chuyện bà Phi Yến lan truyền trong dân gian có sai trật, thì có thể coi đó như một cú phản tuyên truyền xui rủi vậy. Thời nay kêu là quản trị rủi ro truyền thông chưa giỏi.Có người nói chuyện bà Phi Yến sử không chép, nên không đáng tin; nhưng lại có kẻ cho rằng, sử dẫu có chép thì trúng trật cũng hên xui, nếu vậy thì liệu có nên cắt bỏ mấy đoạn sử chép mờ mờ ảo ảo ở trên về vua Gia Long trong Đại Nam thực lục không?Lại nữa, nếu cứ căn chính sử thì từ trước tới giờ không biết bao nhiêu đền thờ miếu mạo, bao nhiêu lễ hội địa phương, bao nhiêu tập tục tín ngưỡng dân gian phải đem ra xét lại hết. Cũng có người nói sợ con cháu lầm lẫn lịch sử khoa học với thờ phụng dân gian mà xúc phạm vua Gia Long, nhưng thời buổi này rồi, phải chăng cũng đã tới lúc tin tưởng ở sự trưởng thành của xã hội nói chung, học giới nói riêng?■ Tags: Lịch sửGia LongPhi YếnNguyễn ÁnhĐại Nam thực lục
Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? HỒ QUỐC LỰC (cựu chủ tịch VASEP - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) 07/06/2023 1882 từ
Ngày cuối thi lớp 10 tại TP.HCM: Sáng thi toán, chiều thi môn chuyên TRỌNG NHÂN 07/06/2023 Sáng nay 7-6, thí sinh dự thi lớp 10 tại TP.HCM sẽ làm bài thi toán, buổi chiều thi môn chuyên.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ, nhà thầu kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế BẢO NGỌC 07/06/2023 Một số nhà thầu cao tốc Bến Lức - Long Thành kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore do dự án đình trệ nhiều năm.
Tập đoàn Đèo Cả mở đường xuyên rừng: Rừng tự nhiên hay rừng sản xuất? TRẦN MAI 07/06/2023 Quảng Ngãi đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ thông tin liên quan vụ việc phá rừng tự nhiên tại thị xã Đức Phổ khi thi công dự án cao tốc Bắc - Nam.
Nhà Trắng: Nếu Nga sợ F-16 thì hãy rút quân khỏi Ukraine DUY LINH 07/06/2023 Đó là tuyên bố của người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 6-6, đáp trả lại cảnh báo của Nga về việc cung cấp F-16 cho Ukraine.