Bà Trần Tố Nga: “Đường Trần” tôi chọn

PHẠM VŨ 03/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT- Quá xinh đẹp để được an yên, quá thông minh, sắc sảo để an phận, quá cá tính để chọn một chỗ dựa, ngần đó đã đủ để làm nên cuộc đời dông bão của một cô gái.

Bà Trần Tố Nga -Ảnh: Tự Trung
Bà Trần Tố Nga -Ảnh: Tự Trung

 Ấy thế mà cô gái ấy còn sinh ra, lớn lên và sống trong những biến động dữ dội của lịch sử đất nước, dân tộc mình. Ấy thế mà cô gái ấy còn chọn con đường đấu tranh để đất nước được hòa bình, thống nhất, nhân dân được hưởng hạnh phúc, công lý, tự do.

Nay đã vào tuổi 75, những chặng đường, bước đi nhọc nhằn, đầy hi sinh vẫn tiếp tục. Cô gái ấy, người phụ nữ ấy là Trần Tố Nga, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng, người đang “một mình một vụ kiện da cam” (Tuổi Trẻ từ ngày 24 đến 28-7-2014) đối đầu với 19 công ty hóa chất Mỹ.

Và con đường chông gai song hành với lịch sử, thấm máu, thấm tuổi trẻ, sắc đẹp, ước mơ, hạnh phúc, lý tưởng của bản thân, của ông bà ngoại, cha mẹ, chồng con bà vừa được bà nhìn lại và tự tay chấp bút trong cuốn tự truyện Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt (NXB Trẻ tháng 9-2017).

Không thể khác được

Suốt cuốn sách này là con đường dài dặc mà gia đình bà và bản thân bà đã đi qua, đúng hơn là vượt qua, đồng hành cùng cuộc cách mạng của lịch sử đất nước, cho đến tận hôm nay vẫn còn tiếp tục. Vậy tại sao lại là “Đường Trần”?

- Bà Trần Tố Nga: Đường Trần, với chữ Trần viết hoa có thể được hiểu là đường trần của Trần Tố Nga. Đúng là như thế, đây trước hết là con đường của chính tôi, cuộc đời của chính tôi, nhưng lại cũng là con đường của thế hệ tôi, của gia đình, bạn bè, đồng chí.

Tôi dùng chữ “trần” của “trần gian”, “trần ai” để người đọc, nhất là các bạn ở thế hệ sau hiểu được những gian nan, gập ghềnh, khúc khuỷu của con đường này. Chúng tôi đã đi, đã trả giá, đã sống, đã hi sinh.

Không có từ ngữ, bút mực nào có thể diễn tả hết, nhưng tôi vẫn cố gắng viết một cách thật trung thực, không tô hồng, không bôi đen.

Cuốn sách là sự tri ân của tôi với tổ tiên đã cho tôi một cuộc đời và cho tôi biết đâu là lẽ phải, với những người cùng thế hệ đã cùng với tôi theo đuổi giá trị mà mình xác tín, đi một đường trần đầy gian nan, thử thách với những vui - buồn, vinh quang - cay đắng...

Đọc Đường Trần thấy buồn nhiều hơn vui, cay đắng nhiều hơn tự hào, đau đớn nhiều hơn những đền đáp, những thất vọng, oan trái cũng đến rất sớm, bước ngoặt trở thành học sinh miền Nam tập kết hóa ra lại đến từ một sự tình cờ trẻ con... Bà viết: “Đường đời mỗi chúng ta không chỉ do từng người tự quyết định mà tùy thuộc rất nhiều vào thời đại mà chúng ta sống. Hạnh phúc và may mắn thay cho những ai đến cuối đời có thể tự nhủ: Nếu được đi trở lại, tôi sẽ lại đi đường này”. Có thể hiểu như thế nào về ý ấy?

- Vâng, vì đánh mất một bài tập may mà con bé 12 tuổi là tôi lúc ấy đã sợ không dám đến lớp sáng hôm ấy, đã mè nheo mẹ phải mua vé máy bay cho ra Hà Nội sau chuyến tàu tập kết hụt ở Chắc Băng (Cà Mau).

Đưa tôi ra Bắc học tập là ý muốn của mẹ nên mẹ đã chiều tôi như thế. Từ một nữ sinh trường Tây, thoắt cái tôi trở thành một học sinh miền Nam tập kết.

Thế nhưng đó có lẽ chỉ là một cú hích ngẫu nhiên chứ không phải là bước ngoặt. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Tú (liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, nguyên hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN, tên của bà được TP.HCM đặt cho một con đường ở Q.Bình Tân - PV).

Nếu hôm ấy tôi đã dũng cảm hơn để đến trường thì có lẽ cũng chỉ một vài năm sau sẽ tiếp tục đi theo con đường cách mạng của mẹ, cũng sẽ làm giao liên nội thành, sẽ vào cứ, sẽ bị bắt bị tù.

Các em gái tôi ở lại Sài Gòn cũng đã đều đi đường ấy. Đó là con đường vì độc lập, thống nhất đất nước mà thời đại chúng tôi đã sống yêu cầu chúng tôi lựa chọn. Không thể khác được.

Nếu được bắt đầu lại, tôi vẫn sẽ đi đường này dù rằng không mấy hạnh phúc, vui vẻ đâu vì đường ấy gian nan lắm. Nhưng đừng quên: “đường trần” còn có “ngọn lửa không bao giờ tắt”.

Trách nhiệm của thế hệ tôi

Một thực tế cũng không mấy vui vẻ là đến hôm nay, thực trạng đất nước, xã hội vẫn chưa được như mong muốn. Nhiều người thuộc thế hệ của bà đã tỏ ra sốt ruột, chán nản, thậm chí bất mãn và không ít người trong giới trẻ cũng vậy...

- Lịch sử càng lùi xa, ta càng có điều kiện nhìn lại một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn. Đã có những hi sinh và phản bội, đã có những quyết định đúng đắn và sai lầm, đã có những mục tiêu cao đẹp và những ảo tưởng...

Hòa bình của chúng ta đúng là không giống với những gì chúng tôi đã tưởng tượng, đã ước mơ trong chiến tranh, không giống với lý tưởng mà chúng tôi đã lựa chọn.

Bao nhiêu năm đấu tranh, xây dựng, chúng ta đã có độc lập, hòa bình, nhưng nền độc lập, hòa bình ấy vẫn luôn bị đe dọa... Chúng ta đã có thống nhất lãnh thổ nhưng vẫn còn thiếu thống nhất trong lòng người.

Chúng ta vẫn còn những tấc đất của Tổ quốc chưa lấy lại được, chúng ta lại đang phải chứng kiến những niềm tin bị mai một. Trên đất nước còn rất nhiều người, nhiều gia đình chưa được hưởng hạnh phúc, thậm chí là chưa được no ấm.

Lại có nhiều người, kể cả những chiến sĩ năm xưa đã trở thành quan chức, trở thành kẻ bóc lột, áp bức nhân dân, đeo “mặt nạ” cách mạng... Tôi nói “chúng ta” tức là tôi cảm thấy có một phần trách nhiệm của mình trong ấy.

Bà có bao giờ cảm thấy nuối tiếc?

- Không bao giờ. Tôi cũng như mẹ tôi, như bà ngoại (bà mẹ VN Anh hùng Lê Thị Mẹo - PV), mong muốn mình được làm một người phụ nữ được sống cuộc đời yên bình cho mình, cho gia đình. Bạn bè tôi cũng thế.

Nhưng rồi chúng tôi bắt buộc phải cầm súng khi dân tộc, đất nước bị đặt vào thế mất còn. Cũng có những dân tộc đã giành được độc lập mà không phải đổ nhiều xương máu.

 Lý tưởng, truyền thống, sức mạnh... tất cả đều từ con người mà ra. Hòa giải hay chia rẽ, đúng đắn hay sai lầm cũng là do con người. Cùng với nhau, chúng ta sẽ làm được tất cả.

Bà Trần Tố Nga

Chúng tôi không có cái may mắn đó. Trong hoàn cảnh chúng tôi, nếu ngồi chờ may mắn thì sẽ mất hết.

Tôi nhớ mẹ tôi. Trong những bức thư gửi cho tôi từ miền Nam, giữa bom đạn, giữa lao tù, chuồng cọp, mẹ bao giờ cũng dặn: “Cố gắng học cho ngày hòa bình”.

Khi tôi tốt nghiệp đại học, vượt Trường Sơn vào chiến trường gặp lại mẹ, nằm dưới hầm mà mẹ cứ nói về ước mơ “Ngày hòa bình, mình sẽ...” với tất cả những điều tốt đẹp.

Mẹ tôi đã không được chứng kiến hòa bình như tôi. Nếu có mặt ngày hôm nay, chắc mẹ sẽ còn đau lòng, day dứt, buồn phiền hơn cả tôi khi chứng kiến những chuyện trái tai gai mắt.

Tôi không cho phép mình rơi vào bất mãn vì như thế là rất có lỗi với mẹ tôi, những bạn bè tôi đã ngã xuống cho ngày hòa bình đẹp đẽ. Tôi phải tiếp tục đi con đường này, con đường thế hệ mình đã đi một cách thật vững vàng.

Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã vạch cho tôi hướng đi trên đời bằng chính cuộc đời mình, và đến lượt tôi mong rằng sẽ mang lại được cho các bạn trẻ thêm một chút niềm tin bằng nhiệt tâm của cuộc đời mình.

Dẫu chưa được như mong muốn, cuộc sống của mỗi chúng ta đều đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, những cựu thù đã trở thành bạn bè, những con đường đến tương lai đã rộng mở.

a
 

 Nếu không phải chúng ta, thì là ai?

Bà nghĩ thế nào khi có một số bạn trẻ coi đó là những lý thuyết đã lỗi thời, và họ đòi hỏi đất nước phải cho họ những điều kiện khác?

- Thật ra, trên thế giới cũng hiếm có nhân dân nào hoàn toàn bằng lòng với chính phủ của mình. Điều đầu tiên các bạn trẻ cần phải tin chắc: chính bản thân mình là tương lai của đất nước.

Nếu chính các bạn không trang bị cho mình đủ tri thức, đủ lòng tin, đủ nhiệt tình, đủ lòng can đảm để đi tới, để xây dựng nên cuộc đời mình, nên tương lai của đất nước, dân tộc thì điều chắc chắn thứ hai sẽ đến: chúng ta sẽ mất độc lập, mất nước, và thế là sẽ rất có tội với tổ tiên, với cha anh.

Tôi nói những điều này không phải bằng lý thuyết mà bằng chính cuộc đời mình.

Thời chiến tranh khi còn là một cô gái vừa rời giảng đường đại học, lội trên đường Trường Sơn trăm ngàn gian khó, tôi nhớ mãi một câu nói của một bà mẹ Quảng Bình, cái túi hứng bom đạn những năm ấy: “Đây là đất nước mình. Mỹ mà có thua, họ về nước họ. Mình mà thua thì biết đi mô?”.

Lời nói chân chất của bà mẹ quê thúc giục bước chân chúng tôi hơn cả những bài giảng về lý tưởng.

Hòa bình rồi, nhiều người Việt lại đang tìm cách định cư nước ngoài. Ngay cả tôi, cuộc sống cũng đang chia đôi giữa VN và Pháp. Quốc tịch Pháp đến với tôi như một cơ duyên khi tôi hoạt động như một gạch nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Cũng quốc tịch ấy đã tạo điều kiện cho tôi tiếp tục theo đuổi vụ kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ với danh nghĩa một nạn nhân của chất độc da cam trên đất Pháp, khi mà vụ kiện của các nạn nhân da cam VN tại Mỹ đã bị ba cấp tòa bác bỏ.

Cơ hội cho cuộc chiến đấu vì công lý cuối cùng rơi vào tôi, và tôi sẽ phải đi đến đích, hoặc đi đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

Một mình một vụ kiện, chỉ có sức mạnh từ truyền thống, lý tưởng của bản thân, của gia đình, của thế hệ là đủ cho bà?

- Tôi không hề đơn độc. Người Việt ở VN, người Việt và Pháp ở Pháp, người Việt và người Mỹ ở Mỹ, những cựu chiến binh quân đội VN, VN cộng hòa, Pháp, Mỹ đều chấm nước mắt khi nghe tôi nhắc về cuộc chiến tranh VN, về những hậu quả thảm khốc của chất độc da cam.

Họ thu thập chữ ký, quyên góp tài chính, mua sách, tổ chức mittinh, biểu tình để ủng hộ vụ kiện... Với họ, cái tên Trần Tố Nga không còn là tên của tôi mà là tên của vụ kiện đòi công bằng, công lý cho nạn nhân da cam VN.

Nếu ở VN, chúng ta thường nghe “hòa hợp, hòa giải dân tộc” với những giải pháp, hoạt động ở tầm vĩ mô, thì với tôi, tôi cảm nhận được sự hòa hợp dân tộc ngay trong câu chuyện của mình, trong những cái nắm tay, những giọt nước mắt đồng cảm.

Lý tưởng, truyền thống, sức mạnh... tất cả đều từ con người mà ra. Hòa giải hay chia rẽ, đúng đắn hay sai lầm cũng là do con người. Cùng với nhau, chúng ta sẽ làm được tất cả. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận