Bài toán tài chính giáo dục đại học Việt Nam: Trông cả vào học phí?

TTCT - Hai nguồn thu chủ yếu đối với các trường ĐH Việt Nam là tài trợ của Nhà nước và học phí. Trong đó, sự lệ thuộc vào nguồn thu từ học phí là rất rõ: 54,4%.

 

Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia trên thế giới đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo dục đại học (GDĐH) với những chiến lược khác nhau.

Nhìn chung, có ba nội dung chính thường được đề cập: Một là, cải cách GDĐH gắn liền với các chương trình nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu của các trường ĐH. Ví dụ triển khai các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh tại các nước không nói tiếng Anh, các chương trình gửi giảng viên đi học sau đại học tại các nước đang phát triển hoặc trao đổi khoa học ở nước ngoài, các chương trình đầu tư vào các nhóm nghiên cứu trọng điểm ….  

Hai là, cải cách GDĐH gắn liền với các cải cách về quản trị ĐH. ví dụ sáp nhập các đại học nhỏ thành một đại học lớn, trao quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình cho các trường đại học. 

Và ba là, cải cách GDĐH gắn liền với các cải cách về mặt tài chính, ví dụ cải cách hệ thống học phí, cơ chế cấp ngân sách nhà nước, giới thiệu các chương trình tín dụng sinh viên...

Tại Việt Nam, kể từ khi Chính phủ ban hành nghị quyết 14/2005/NQ-CP năm 2005 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH, một loạt chương trình, chính sách cụ thể đã được triển khai. Nhưng nhìn lại quá trình này, các cải cách GDĐH gắn liền với cải cách tài chính dường như ít được quan tâm nhất.

GS Phạm Phụ (ĐHQG TP.HCM) trong một nghiên cứu cách đây 10 năm (Ðầu tư và chia sẻ chi phí trong GDĐH ở Việt Nam, 2010) đã lên tiếng về sự thiếu quan tâm đúng mức tới cải cách tài chính GDĐH. Vào thời điểm đó, ông ước tính và đưa ra một số nhận định quan trọng:

- Nguồn lực tài chính của các cơ sở GDĐH Việt Nam còn quá hạn hẹp. Muốn ĐH Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh thì phải có suất đầu tư thỏa đáng cho GDĐH. Suất đầu tư này được biểu thị qua một chỉ số gọi là “Chi phí đơn vị” (Unit cost) - nghĩa là chi phí cho một sinh viên trong một năm.

Ông dẫn ra con số của năm 2009 theo báo cáo của Bộ GD-ĐT: mức chi phí đơn vị ở ĐH công lập là 9,54 triệu/năm, tương đương 500-550 USD/sinh viên/năm. Để so sánh: mức chi phí đơn vị bình quân ở Mỹ đã là 22.000 USD, các nước OECD 12.000 USD, Đài Loan 7.000 USD (tính từ năm 2004 - 2005)...

- Việt Nam cần triệt để áp dụng cải cách tài chính trong GDĐH theo tinh thần “hai cao”, nghĩa là học phí cao, hỗ trợ nhiều. Học phí cao để đảm bảo chi phí trên đầu sinh viên đủ lớn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, hỗ trợ nhiều (học bổng, tín dụng) để đảm bảo an sinh, công bằng xã hội.

Với các số liệu mới nhất có được, chúng tôi ước lượng mức chi phí đơn vị trung bình đủ để các cơ sở GDĐH Việt Nam có thể đạt được chất lượng cạnh tranh với thế giới vào khoảng 61 triệu đồng/sinh viên/năm (tính theo bối cảnh năm 2018).

So với mức cần này thì phần lớn mức chi phí đơn vị tại các trường ĐH Việt Nam là thấp hơn rất nhiều (trung bình một ĐH công lập ở Việt Nam hiện nay thu học phí 10-15 triệu đồng/năm/sinh viên).

“Chi phí đơn vị” cần nâng cao để đảm bảo chất lượng đào tạo, song nhà nước không đủ nguồn lực để hỗ trợ, học phí thì leo thang, người học có đủ khả năng học nhưng lại không đủ khả năng chi trả... một tình cảnh như vậy khiến GDĐH lại làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng, trong khi lẽ ra nó cần là công cụ để xóa nhòa bất bình đẳng, tạo điều kiện đổi đời cho người nghèo.

Bối cảnh ấy đòi hỏi phải tìm ra được những giải pháp hữu hiệu và bền vững hơn cho cơ chế tài chính ĐH. Ví dụ cơ chế “hai cao” (học phí cao - hỗ trợ cao), trong đó học phí cao để bù đắp phần thiếu hụt mà ngân sách nhà nước không đáp ứng được. Hỗ trợ cao là để sinh viên nghèo cũng đủ khả năng chi trả cho việc học ĐH của mình (hiểu ở cả hai kênh học bổng và tín dụng).

Với học bổng, cũng cần chia làm hai loại. Loại thứ nhất là học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc nhóm yếu thế (ví dụ người khuyết tật, người dân tộc thiểu số). Với một số quốc gia, các quỹ học bổng này thường do chính phủ trung ương hoặc chính phủ địa phương quản lý. Sinh viên có thể đăng ký hồ sơ xin học bổng trực tiếp với chính phủ. Loại học bổng thứ hai thường là học bổng xuất sắc dành cho sinh viên có thành tích cao, thường do nhà nước cấp ngân sách và các trường quản lý.

Tín dụng sinh viên tương tự như loại học bổng thứ nhất, cũng do nhà nước quản lý. Phần đông sinh viên có thể vay tiền từ quỹ tín dụng này đủ để chi trả học phí và sinh hoạt phí ở mức tối thiểu trong suốt 3, 4 năm học, chỉ phải trả lại sau khi đã tốt nghiệp và đi làm. Tại một số nước như Úc hay Thái Lan, chính phủ áp dụng một cơ chế chi trả có lý có tình: người vay chỉ phải bắt đầu chi trả sau khi đã đi làm và có mức lương cao trên một ngưỡng nhất định (gọi là mô hình tín dụng tùy theo thu nhập).

Việt Nam, về lý thuyết, có đầy đủ các mô hình hỗ trợ này. Nhưng nhìn vào đó, đặt vào bối cảnh tăng học phí mới, rất nhiều câu hỏi hiện lên. Với học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc nhóm yếu thế, chính sách miễn giảm học phí cho nhóm này có được duy trì và có được điều chỉnh tăng tương ứng?

Ngay cả với quy định dùng 8% nguồn thu học phí của trường ĐH cho quỹ học bổng dành cho sinh viên giỏi, xuất sắc cũng làm hiển thị một bất công: đây chính là việc lấy học phí của sinh viên này trả cho sinh viên khác, trong khi nhà nước cần là đơn vị chính đứng ra chi trả. Với chính sách tín dụng sinh viên hiện hành thì bài toán đã rõ: nó thậm chí không đủ cho mức học phí trung bình hiện nay, càng lạc hậu trong bức tranh tăng học phí đang tới.

Hai nguồn thu chủ yếu đối với các trường ĐH Việt Nam là tài trợ của Nhà nước và học phí. Trong đó, sự lệ thuộc vào nguồn thu từ học phí là rất rõ: 54,4% (xem bảng dưới).

Cơ cấu nguồn thu của 99 trường đại học công lập tại Việt Nam, tính trung bình giai đoạn 2015-2017 (Nguồn: khảo sát của nhóm tác giả)

Nếu nhìn vào cơ cấu nguồn thu của các trường ĐH Mỹ (khảo sát từ 31 ĐH nghiên cứu của Mỹ năm 2012, bảng dưới), sẽ thấy họ có nguồn thu đa dạng (6 nguồn), không quá phụ thuộc vào một nguồn cụ thể và thu từ học phí chỉ chiếm 23%.

Cơ cấu nguồn thu của 31 đại học nghiên cứu tại Mỹ năm 2012 (Nguồn: www.documentcloud.org)

Như vậy, vấn đề của các đại học Việt Nam có lẽ còn nằm ở việc phải có được các nguồn thu khác, chẳng hạn từ chuyển giao công nghệ, từ hiến tặng, và từ các nhà tài trợ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận