Bằng chứng... đây

THIÊN DI 07/09/2013 05:09 GMT+7

TTCT - Vẫn cứ phải dùng bốn chữ cái tiếng Anh này - CCTV, viết tắt của cụm từ Closed-circuit television, để chỉ một công cụ mà cả thế giới đã và đang sử dụng rất phổ biến trong công tác giám sát.

Đó là hệ thống truyền hình khép kín từ các camera ghi hình đặt tại nơi công cộng, cửa ra vào, cửa hàng, kho hàng... dẫn đến bộ phận giám sát hoặc bộ chỉ huy giám sát công cộng...

Phóng to
Công cụ CCTV không chỉ giúp bắt trộm mà còn mang tính răn đe rất cao

Đây không phải là một thứ gì xa xỉ. Ngay tại Việt Nam, tư nhân cũng trang bị và sử dụng từ lâu: các chủ tiệm kim hoàn, các buồng ATM..., có khi để giám sát cả một số con đường như ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Một hình thức “của thay người” giúp từ xa, dùng rất ít người mà vẫn giám sát trọn vẹn, đầy đủ mục tiêu, địa bàn cần giám sát trong an toàn và thuận tiện hầu như tuyệt đối.

Tính răn đe

London (Anh) đã đi trước thế giới bằng hệ thống CCTV thay thế các nhân viên cảnh sát nổi tiếng là không - đeo - súng khi tuần tra, chỉ cần một tổng hành dinh dán mắt vào các màn hình là có thể tung ngay lực lượng phản ứng nhanh khi hữu sự. Với CCTV, người ta có thể giám sát trong thời gian thực lẫn sau đó như là tàng thư video...

TP.HCM cũng đang có kế hoạch lắp đặt cả ngàn cái CCTV giám sát giao thông. Nghe nói một vài đại học ở ta cũng đã trang bị hệ thống giám sát này. Trước đây, Trường Taberd - Saigon từng giám sát các lớp học bằng hệ thống interphone. Đà tiến hóa chung của nhân loại là như thế.

Trong tầm nhìn của các camera CCTV, mọi thứ đều trở nên công khai, minh bạch bất luận đêm ngày, và có giá trị răn đe. CCTV hữu ích vì bắt trộm cướp một, răn đe đến mười. Răn đe để những ai đang định vi phạm chùn tay, theo sát cùng một nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “phòng hỏa hơn cứu hỏa”.

Răn đe kẻ định cướp bóc hay vượt đèn đỏ để bảo vệ an ninh xã hội, an toàn giao thông mới chỉ là phần nổi của công dụng răn đe. Một hệ thống CCTV đúng nơi, đúng chỗ sẽ còn khiến cho xã hội sạch đẹp hơn, khống chế được từ thói phóng uế đến cả thói “làm luật”...

Sợ gì không có bằng chứng

Với đà tiến hóa và mức độ phổ biến của công nghệ thế giới, dân chúng sử dụng điện thoại chụp, ghi hình để làm bằng chứng là điều rất thường tình. Khi xảy ra một vụ đụng xe, ngày nay các “khổ chủ” thường rút điện thoại ra chụp hiện trường tai nạn từ đủ mọi góc...

Bảo hiểm đến làm biên bản cũng sử dụng điện thoại chụp hình làm bằng chứng. Đó là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho luật pháp. Từ đó, người dân có sử dụng điện thoại chụp, ghi hình khi phải tiếp xúc với nhân viên công lực cũng là chuyện bình thường. Nếu có gì bất bình thường thì là khi nhân viên công lực trong cuộc chủ ý vi phạm luật pháp...

Cho đến nay, khi nói đến phòng chống tham nhũng vẫn nghe lắm than vãn rằng bắt tham nhũng khó quá do không có bằng chứng... Vì vậy, càng nên nhìn đến các phương tiện kỹ thuật số, từ điện thoại có máy chụp/ghi hình đến CCTV do chính Nhà nước lắp đặt ở các nơi công cộng, từ các ngã tư đến phòng văn thư, tiếp dân... như những công cụ hỗ trợ phòng chống tham nhũng.

Tư nhân làm được, Nhà nước làm được, miễn là gọi thầu và đấu thầu minh bạch. Có hao tốn quá không? Xin thưa, ở những nước sử dụng CCTV thay nhân viên cảnh sát tuần tra, như người viết bài đã chứng kiến từ giữa thập niên 1990, người ta đã tính ra rằng chi phí lắp ráp, vận hành, bảo trì chừng đó cái CCTV bao phủ một khu vực dân cư diện tích là chừng đó, ngóc ngách nguy hiểm là như vậy, còn rẻ hơn trả lương cho vô số cảnh sát lơ là chức trách hoặc “yếu bóng vía”...

Vấn đề duy nhất còn lại là làm sao ở tổng hành dinh, việc dán mắt qua màn hình là 24/24 giờ, người trực ban kiên quyết, đội ngũ can thiệp luôn sẵn sàng.

Ngược lại, các CCTV cũng răn đe người dân với những tấm bảng ghi “khu vực, cửa hàng… này được CCTV giám sát”. Giáo dục răn đe cả hai phía. Thành ra, CCTV không chỉ làm nhiệm vụ canh gác thay người, mà còn làm cả nhiệm vụ giáo dục mọi người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận