Bầu cử Tổng thống Indonesia: Trận đấu thế hệ

DANH ĐỨC 17/07/2014 08:07 GMT+7

TTCT - Vai trò của quân đội Indonesia vẫn còn đó với ứng viên của mình ở cuộc bầu cử tổng thống Indonesia ngày 9-7 vừa qua.

Poster hai ứng viên bầu cử tổng thống Indonesia: Prabowo Subianto và Joko “Jokowi” Widodo trước một cuộc tranh luận trên truyền hình - Ảnh: Reuters

Dẫu sao, so với 16 năm trước, sau khi chế độ độc tài Suharto sụp đổ sau 31 năm cai trị, Indonesia cũng đã tiến một bước dài với sự xuất hiện của ứng viên là nhà quản lý đương đại.

Cuộc tranh luận lần thứ năm và cuối cùng giữa hai ứng viên tổng thống Joko “Jokowi” Widodo và Prabowo Subianto trực tiếp trên truyền hình tối thứ bảy 5-7 cho thấy không chỉ sự khác biệt thế hệ mà còn là giữa hai thể chế chính trị.

Tuổi tác chênh nhau chỉ 10 tuổi lại là một dị biệt lớn: cựu tướng tư lệnh lực lượng đặc biệt Prabowo (63 tuổi) trưởng thành dưới trào Suharto, tức trào của giới quân nhân cầm quyền, trong khi thống đốc Jakarta Jokowi trưởng thành từ sau khi trào Suharto chấm dứt cùng với sự vươn lên của một thế hệ chính khách dân sự.

Ngay chính vai trò cầm trịch cuộc tranh luận do giáo sư Sudharto P. Hadi, viện trưởng Viện đại học Diponegoro, đảm nhận cũng đủ để biểu thị cho sự vươn lên đó.

Những đề tài thiết thân

Các cuộc tranh luận tranh cử này có thể bị cho là thủ tục “màu mè”, song cũng biểu hiện cho tinh thần chấp nhận và khuyến khích dị biệt. Ít nhất 187 triệu cử tri cũng có quyền được biết họ bỏ phiếu cho ai, vì điều gì, cho dù có thể họ chỉ được nghe “hứa voi”. Ở cuộc tranh luận thứ năm này, ông Jokowi tỉ thí với trung tướng hồi hưu Prabowo về năm lĩnh vực: an ninh lương thực, an ninh năng lượng, môi trường, giá thịt và tệ “ăn cắp” trong bộ máy nhà nước.

Các đề tài tranh luận lần cuối cùng này rất thiết thân đối với cuộc sống của 240 triệu công dân Indonesia, trong đó còn đến 32 triệu người thuộc diện nghèo.

Đó là những đề tài thiết yếu có thể được đặt ra trong bất cứ cuộc họp chính phủ ở một thời điểm nào đó, tỉ như trong tháng Ramadan hiện nay khi mà bữa tối hằng ngày là những bữa ăn thịnh soạn bù cho cả ngày nhịn ăn, giá cả thực phẩm leo thang, nhất là giá thịt; hay một tầm nhìn giải quyết bài toán éo le là chăn nuôi gia súc có thừa ở Tây Nusa Tenggara, song phí vận chuyển đến thủ đô Jakarta thì đắt hơn là chở từ nước Úc đến!

Và cũng là những vấn đề muôn thuở tại Indonesia hay ở các nước tương tự: làm sao đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng chứ không cậy vào tài nguyên dầu khí vốn không là vô tận, làm sao phát triển mà không tàn phá rừng nói riêng và môi trường nói chung, làm sao trị bớt được tham nhũng đang rỉa rói khi Indonesia đang đứng thứ 144/177 trong bảng xếp hạng PCI 2013.

Thế hệ nhà quản lý đương đại

Ở Surakarta, ông Jokowi đã thành công trong việc biến thành phố nửa triệu dân này thành một trung tâm văn hóa - du lịch, một trung tâm hội nghị, triển lãm và khoản đãi (MICE), thậm chí những công việc tỉ mỉ như quy định chặt chẽ hơn về việc tỉa bớt cây dọc theo các đường phố chính của thành phố.

Cái việc tưởng chừng như nhỏ xíu này lại là điều mà người dân hằng ngày chứng kiến ở một nước mà từ những năm 1980 đã tai tiếng với nạn phá rừng, đồng thời thể hiện một sự chăm chút và kiên quyết của một chính quyền đô thị không để cho tình trạng buông thả kéo dài vô tội vạ.

Ông cũng đã chấn chỉnh việc phát triển bằng cách yêu cầu các nhà đầu tư phải tham gia vào trách nhiệm đối với cộng đồng, chứ không trải thảm đỏ bằng mọi giá.

Ông Jokowi đã phổ biến điều gọi là “văn hóa blusukan” bằng cách thường xuyên đến thăm các khu vực khó nghèo để trò chuyện với mọi người về các vấn đề như giá lương thực, khó khăn về nhà ở, nạn lũ lụt ở địa phương và giao thông, chứ không chỉ đợi báo cáo. Một trong những thành quả từ việc đi vào lòng dân này là đã thực hiện xong chương trình bảo hiểm y tế cho tất cả cư dân Surakarta.

Chẳng bao lâu, ông Jokowi nổi bật lên ở cấp quốc gia. Năm 2008, ông được tạp chí Tempo chọn vào danh sách các “lãnh đạo của năm”, đến năm 2010 được nhật báo Republik chọn là “Người tạo đổi thay của năm”. Năm 2012, danh tiếng ông vươn ra tầm quốc tế, với vị trí thứ ba giải “Thị trưởng thế giới” (World Mayor Prize) cho thành tích “Chuyển một thành phố tội phạm hoành hành thành một trung tâm nghệ thuật và văn hóa khu vực và một thành phố hấp dẫn du khách”.

Nếu biết rằng tháng 5-1998 tại Surakarta đã xảy ra vụ bạo động đẫm máu với đủ màn đập phá các ngân hàng, công sở và hôi của các siêu thị trước khi biến thành xung đột sắc tộc nhắm vào người gốc Hoa, thì giải ba “Thị trưởng thế giới” quả là một tưởng thưởng xứng đáng.

Trong cương vị thống đốc Jakarta, ông Jokowi được tạp chí Foreign Policy xếp vào nhóm “Các nhà tư tưởng hàng đầu thế giới năm 2013”. Năm 2014, ông được tạp chí Fortune đưa vào danh sách “50 nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của thế giới” (The World's 50 Greatest Leaders). Điều đáng chú ý là từ Surakarta đến Jakarta, ông đều cấm gia đình ông dự thầu các dự án của thành phố.

Nhà văn Tresno Legowo gốc đảo Java giải thích việc ông Jokowi đã đi vào lòng dân như sau: “Thời gian gần đây, từ “blusukan” đã trở nên phổ biến sau khi Jokowi, thống đốc Jakarta, cũng sử dụng từ này trong khi trực tiếp xem xét các công việc liên quan đến dân chúng, từ các khu ổ chuột, bãi rác, sông bị ô nhiễm, thậm chí đi vào hệ thống cống rãnh để tận mắt nhìn thấy các đường ống dẫn nước ở trung tâm của thành phố”.

Trong tranh luận ngày 5-7, ông Jokowi đã nhắc lại: “Mọi người đang chờ đợi một chính phủ ra tay hành động chứ không phải một chính phủ chỉ ban hành các quy định cùng các dự án phát triển. Chúng ta không còn có thể chỉ phun ra những lý thuyết. Thiếu sót của chúng ta là trong thực hiện”.

Thế hệ "di sản"

Trong khi đó, cựu tướng Prabowo lại là hiện thân sự thừa kế truyền thống của mấy trào quân đội đảo chính cầm quyền: bản thân ông Prabowo từng là con rể của ông Suharto, và nay bà vợ cũ Siti Hediati “Titiek” Suharto vẫn đang cùng gia đình vận động tranh cử cho ông này.

Song nếu “xét lý lịch” kiểu đó thì cũng phải nhắc lại rằng tướng Prabowo là con của một trong những kinh tế gia uy tín nhất Indonesia là Sumitro Djojohadikusumo, và em gái tướng Prabowo cũng đã kết hôn với thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, trong bối cảnh môn đăng hộ đối rất thường tình ở các xã hội thượng lưu.

Ông Prabowo đã đóng vai trò tiên phong trong cuộc “bình định” Đông Timor sau năm 1976 trên cương vị một đại đội trưởng trẻ thuộc lực lượng chiến lược Kopassus. Năm 1985, ông sang Mỹ thụ huấn tại trung tâm huấn luyện biệt động quân Fort Benning, trước khi lãnh đạo chiến dịch săn lùng phong trào nổi dậy Đông Timor.

Năm 1990-1991, tướng Prabowo nổi lên như là tranh chấp quyền lực với tướng Wiranto, người “buông rèm” sau các tổng thống Habibie, Megawati, song thua cuộc...

Những “dích dắc” của lịch sử sau này đã biến các chiến tích này thành những cáo buộc vi phạm nhân quyền và bị khước từ visa nhập cảnh Mỹ cùng với tướng bộ trưởng quốc phòng Sjafrie Sjamsoeddin, trong đoàn tùy tùng tổng thống Bambang sang Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009.

Song, nay những “dích dắc” của lịch sử đã thay đổi, cựu tướng Prabowo đang nổi lên như là “lá chắn” trước những đe dọa từ bên ngoài ngày càng lớn sau khi từng là một “lá chắn” trong những rối loạn năm 1998, trong đó có vấn đề Hoa kiều.

Cuộc bầu cử tổng thống Indonesia giữa tuần này quan trọng với những vấn đề cũ, cả đối nội và đối ngoại, với những tên tuổi cũ và mới. Vài ngày trước bầu cử, ông Prabowo tuyên bố việc đầu tiên ông làm sau khi đắc cử là “nói chuyện” lại với Úc, sau khi hai nước bị trục trặc vì những tiết lộ ly gián của Snowden rằng Úc đã nghe lén Indonesia.

Dẫu sao thì Indonesia cũng đã và đang đóng một vai trò then chốt trong các vận động ngoại giao ở Đông Nam Á, từ sáng kiến Hội nghị hòa bình Paris chấm dứt nội chiến Campuchia, đến các hội nghị ASEAN về biển Đông hiện nay, đồng thời cũng là nước đông dân nhất Đông Nam Á nằm ở cuối biển Đông đang dậy sóng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận