Hồi sinh động vật tuyệt chủng: Ảo mộng và triển vọng

LÊ MY 08/05/2025 03:53 GMT+7

TTCT - Ngay cả khi khoa học có thể tái sinh những loài vốn đã biến mất vĩnh viễn trên Trái đất, câu hỏi thật sự là: có phải lúc nào cũng "cũ thì quý", và phải chăng nhân loại đang dùng nguồn lực có hạn của mình cho một thế giới tốt hơn?

động vật tuyệt chủng - Ảnh 1.

Ảnh: IFLScience

Một điều mà nhà văn George R. R. Martin đã nói đi nói lại trong vô số cuộc phỏng vấn, nhưng có lẽ phải đến hôm 7-4 mới có người tin: con sói trắng hung dữ của Jon Snow trong Trò chơi vương quyền là một loài động vật có thật và đã tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm.

Colossal Biosciences, một công ty ở Mỹ, cho biết họ đã hồi sinh loài này thành công với sự ra đời của ba sói con lông xù mới coong. Nghe như phim Công viên kỷ Jura đã trở thành hiện thực. (Đúng vậy, bộ phim về cái công viên khủng long phát đạt, nơi mọi người đều vui vẻ và "không có gì bất ổn" ấy mà).

Chén Thánh của công nghệ sinh học

Đưa một loài tuyệt chủng trở về từ cõi chết (thuật ngữ mỹ miều là "de-extinction") có thể xem là "chén thánh" trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ bảo tồn.

Về lý thuyết, ta có thể xây dựng lại bộ gene của loài đã mất nếu sở hữu một "bản đồ" hoàn chỉnh. 

Nhưng trong thực tế, "bản đồ" đó có thể trải dài cả triệu trang giấy, tỉ như thư viện bộ gene người là một giá sách cao ngất ngưởng với 109 cuốn sách lớn chứa tổng cộng 3 tỉ chữ cái nhỏ xíu đặt ở Wellcome Collection nước Anh. 

Vì vậy, một số phòng thí nghiệm ưa chuộng phương pháp "nhẹ đô" hơn: chỉnh sửa bộ gene của họ hàng còn sống gần nhất của một loài đã tuyệt chủng.

Suốt nhiều thập kỷ chật vật, công nghệ "đảo ngược sự tuyệt chủng" có dấu ấn đầu tiên năm 2003, khi các nhà khoa học Tây Ban Nha và Pháp đã "Ctrl + Z" để xóa dấu chấm hết cho loài dê núi Pyrenees (còn gọi là bucardo), dù chỉ để chứng kiến nó tuyệt chủng một lần nữa.

động vật tuyệt chủng - Ảnh 2.

Bucardo (Capra pyrenaica pyrenaica) là một loài vật to lớn, đẹp đẽ với cặp sừng dài và cong nhẹ. Suốt hàng ngàn năm, trên dãy núi Pyrenees chia cắt Pháp với Tây Ban Nha, chúng leo trèo dọc theo các vách đá, gặm lá cây và chiến thắng những mùa đông khắc nghiệt. 

Nhưng súng của thợ săn đã tiêu diệt dần dần quần thể bucardo, cho đến khi chỉ còn lại một cá thể trên Trái đất: cô nàng Celia xui xẻo, chết vào năm 2000 vì bị một cái cây đổ đè bẹp.

Nhưng các tế bào của Celia vẫn tiếp tục sống trong phòng thí nghiệm. Trong vài năm tiếp theo, các nhà khoa học đã loại bỏ ADN trong tế bào trứng của dê thường, cấy nhân của tế bào dê bucardo vào đó, rồi cấy trứng vào dê cái mang thai hộ. 

Chỉ duy nhất bản sao của Celia phát triển đủ tháng và ra đời, nhưng chỉ sống được vẻn vẹn 10 phút với một lá phổi biến dạng. Vậy là loài bucardo tuyệt chủng lần thứ hai trong 3 năm!

Tham vọng của Colossal

Cùng với loài chim dodo không bay, chó sói túi Tasmania và cá heo sông Trường Giang… dê bucardo nằm trong danh sách dài các loài động vật bị con người làm cho tuyệt chủng, đôi khi là cố ý.

Năm 2024, Sách đỏ thế giới của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã xác định gần 18.000 loài động vật đang bị đe dọa. "Nạn tuyệt chủng là một vấn đề to lớn mà thế giới đang phải đối mặt. 

Và công ty Colossal sẽ sửa chữa chuyện đó" - startup công nghệ sinh học này tuyên bố trên trang web của mình, với một giao diện gợi nhớ đến các phim siêu anh hùng, thế giới khủng long và chương trình "Em yêu khoa học".

Vậy họ đã "sửa chữa" như thế nào? Công ty này trích xuất ADN từ xương tai trong của một con sói dữ (Aenocyon dirus) 72.000 năm tuổi và một chiếc răng sói dữ 13.000 năm tuổi, kết hợp nó với tế bào của loài sói xám (Canis lupus), chỉnh sửa gene để làm cho sói xám to lớn hơn và cơ bắp hơn, đưa các tế bào thu được vào trứng của chó nhà (Canis lupus familiaris). Dĩ nhiên là cần đến những cô chó mang thai hộ.

Đâu vào đấy, 3 "bé" sói dữ đã chào đời. Chỉ sau 6 tháng, chúng đã to lớn hơn sói xám cùng tuổi, nặng 36kg và dài gần 1,2m. Nếu trưởng thành hoàn toàn, chúng có thể nặng đến 68kg và trở thành một trong những loài ăn thịt lớn nhất hành tinh ngày nay.

động vật tuyệt chủng - Ảnh 3.

Ảnh: ANDREW ZUCKERMAN/COLOSSAL BIOSCIENCES

Nhưng có một lỗ hổng trong kịch bản này: sói con của Colossal không phải là loài sói dữ, mà có thể chỉ được xem là sói xám bị biến đổi gene, qua lai tạo và được thai nghén trong bụng chó nhà. Không có sự tuyệt chủng nào được đảo ngược ở đây. 

"Một con sói xám với 20 chỉnh sửa trên 14 gene, ngay cả khi đó là những khác biệt quan trọng thì vẫn là một con sói xám chánh hiệu" - nhà cổ sinh vật học Nic Rawlence thuộc Đại học Otago (New Zealand) nói với Vox.

Hiện nay, giới khoa học ngày càng đồng ý rằng "de-extinction" là chuyện không thể, nếu ta không thể hồi sinh chính xác toàn bộ các bản năng, hành vi, khả năng học hỏi, lãnh thổ... của một loài động vật. 

Nhưng việc lai tạo các giống loài mới mang kiểu hình hay thế mạnh tương tự các loài đã tuyệt chủng có thể là việc hữu ích. Hoặc không.

Tranh luận về sự ưu tiên

Theo Sergey Zimov, một nhà sinh thái học Bắc Cực nổi tiếng, cách đây 12.000 năm voi ma mút đã giúp chăm sóc thảo nguyên Siberia bằng cách xáo trộn đất và bón phân cho đất. Khi chúng biến mất, Siberia đã trở thành một lãnh nguyên rêu kém màu mỡ như ngày nay. 

Những phiên bản "bắt chước" các loài đã tuyệt chủng có thể giúp thiết lập lại mối quan hệ quan trọng giữa cây cỏ, côn trùng và thú lớn.

Có lẽ thay cách gọi sẽ đổi góc nhìn. IUCN vào năm 2014 đã phát triển một bộ nguyên tắc cho công cuộc hồi sinh loài tuyệt chủng. 

Theo đó, thuật ngữ de-extinction "đang gây hiểu lầm", và bằng một cách cẩn trọng, họ mô tả quá trình đó là việc tạo ra "sự thay thế sinh thái" hoặc "sinh vật ủy quyền".

động vật tuyệt chủng - Ảnh 4.

Nhiều loài đã tuyệt chủng khiến các nhà sinh vật học say mê, nhưng không phải loài nào cũng phù hợp với các nỗ lực hồi sinh. Trong hình (theo chiều kim đồng hồ từ góc trên bên trái) là các loài đã tuyệt chủng: thylacine (sói Tasmania), quagga (ngựa vằn đồng bằng), chuột đảo Christmas và chim dodo - tất cả đều đã tuyệt chủng. Nguồn ảnh (Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới): Proceedings of the Zoological Society of London; Iconographia Zoologica; Smithsonian Libraries; Proceedings of the Zoological Society of London, 1887.

Bỏ qua chuyện Colossal vẫn cố chấp sử dụng từ "de-extinction" để nói về các thành tựu và kế hoạch của mình, công ty này đang dọn đường cho sự trở lại của voi ma mút lông xoăn - nói chính xác hơn là một loài voi sẽ được/bị "ma mút hóa". 

Để chống lại biến đổi khí hậu, những bước chân nặng nề của chúng sẽ giẫm đạp tầng đất đóng băng vĩnh cửu (permafrost), đảm bảo lượng khí nhà kính khổng lồ bên dưới không thể nào thoát ra - Colossal giải thích trên trang con mang tên "Một thế giới tốt đẹp hơn".

Nhưng có thể sẽ mất hàng thập kỷ hoặc hơn để nhân giống đủ số lượng voi ma mút để tạo ra tác động đáng kể đến lớp đất đóng băng vĩnh cửu, nếu ta xét đến quá trình sinh sản chậm của chúng.

Trong một email gửi cho Vox vào năm 2023, nhà triết học về phúc lợi động vật Heather Browning của Đại học Southampton cho rằng: Việc đưa một loài vật đã tuyệt chủng từ lâu trở lại có vẻ không phải là cách tốt nhất để giảm lượng khí thải methane. 

Nếu con người đủ sáng tạo để đưa voi ma mút trở lại, chắc chắn chúng ta cũng đủ sáng tạo để tìm ra những cách khác để đối phó với lớp đất đóng băng vĩnh cửu.

Điều đáng lo ngại hơn cả là các động vật mới có thể bị bóc lột trong các mô hình cũ. Nhà di truyền học George Church của Harvard, người đồng sáng lập Colossal, từng nói rằng voi ma mút của họ có thể được sử dụng cho "du lịch, thịt, lông (khai thác theo mùa như cừu) và có thể là ngà voi hợp pháp".

Mặt khác, không thể phủ nhận những nỗ lực nhuốm màu khoa học viễn tưởng này đang thúc đẩy sự phát triển của công nghệ chỉnh sửa gene và nhân bản, giống như việc hạ cánh trên Mặt trăng đã từng thúc đẩy sự phát triển của máy tính và định vị vệ tinh.

Cùng với thông báo về loài sói dữ, Colossal tiết lộ rằng họ đã sử dụng các kỹ thuật tương tự để nhân bản loài sói đỏ Bắc Mỹ vốn chỉ còn ít hơn 20 cá thể trong tự nhiên. 4 chú sói đỏ con ra đời là tin tức hữu ích đấy chứ (nhưng đã không nóng dẻo bằng 3 chú sói trắng). 

Tuy nhiên, một người thực dụng có thể đặt câu hỏi: sao không trực tiếp nghiên cứu trên sói đỏ, thay vì phải cố gắng hồi sinh loài sói dữ - một tuyến nhân vật không liên quan gì đến mâu thuẫn con người và sói đỏ thời hiện đại?

Cuối cùng là lo ngại rằng công nghệ này sẽ cho con người một cái cớ để tiếp tục làm tổn thương các loài khác, vô tư tin rằng chúng có thể được hồi sinh khi nào ta muốn. Trong số người hồn nhiên nghĩ vậy có Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ Doug Burgum. 

Ngay sau công bố của Colossal, ông Burgum nói với nhân viên của mình trong một buổi phát trực tiếp: "Nếu có lúc đau khổ vì mất đi một loài thì bây giờ chúng ta có cơ hội để đưa chúng trở lại… Hãy chọn loài yêu thích của bạn và gọi cho Colossal" - The Washington Post đưa tin.

động vật tuyệt chủng - Ảnh 5.

Bản sao của voi ma mút lông xoăn được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia British Columbia. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS

Để tạm khép lại cuộc tranh luận, xin kể mẩu chuyện nhỏ về linh dương sừng kiếm Ả Rập, được tái thả ở miền trung Oman vào năm 1982, để rồi bị bọn săn trộm tiêu diệt gần hết. Hay sói xám ở Ý, trên bờ tuyệt chủng vào thập niên 1970, trải qua các biện pháp bảo vệ và bảo tồn nghiêm ngặt, hiện nay đã có hơn 3.000 cá thể. Một lần nữa, chúng mang đến nỗi sợ cho bầy gia súc, và nông dân đang tự giải quyết vấn đề bằng cách đầu độc các bầy sói.

Thay vì hỏi: Liệu những công nghệ "hồi sinh" hiện đại này có giúp ích cho ngành bảo tồn và thiên nhiên, chúng ta nên hỏi: Liệu con người có thay đổi chính mình để giúp các loài động vật được hồi sinh có thể tiếp tục sống sót trong tự nhiên hay không?

Khác với Celia xấu số hay 3 sói con đang là tâm điểm của thế giới, có 810 con bò khổng lồ đang thong thả gặm cỏ ở châu Âu. Chúng có thân hình đen như than, cặp sừng hướng về phía trước, vai và cổ đầy đặn cơ bắp, cặp chân dài mạnh mẽ, và một sọc lông vàng chạy dọc sống lưng - tất cả đặc điểm gợi nhớ đến loài bò rừng aurochs (Bos primigenius) đã tuyệt chủng vào năm 1627.

Hồi sinh động vật tuyệt chủng: Ảo mộng và triển vọng - Ảnh 5.

(Trái) Hình vẽ bò đực aurochs đã tuyệt chủng và (phải) hình chụp bò đực tauros. Nguồn: RICHMOND ET AL/GRAZELANDS REWILDING

"Khi nhìn chú bò đực gặm cỏ trên cánh đồng ở Hà Lan vào một chiều tháng ba xám xịt, tôi nghĩ về hình vẽ trên các vách hang động ở Chauvet. Nếu đảo ngược sự tuyệt chủng thật sự khả dĩ, tôi hẳn đang nhìn vào nó" - cây bút Christopher Preston viết trên trang Yale E360 hôm 9-1-2025.

Oscar Campana Cardenas, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Grazelands Rewilding (Hà Lan), gọi những con bò kỳ vĩ này là "tauros", cố ý phân biệt chúng với loài bò rừng "aurochs" quá cố. Bởi vì tổ chức này tin rằng: tuyệt chủng là mãi mãi.

Grazelands Rewilding kết hợp công việc trong phòng thí nghiệm và phương pháp lai tạo truyền thống. Họ lập bản đồ bộ gene của bảy giống gia súc hoang dã trước khi sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo và lai tạo nhiều lần để tạo ra một con bò có ADN giống với bò rừng châu Âu. Đến nay, thế hệ bò tauros thứ tám có hơn 99% gene giống với bò aurochs, nhưng họ khẳng định chúng không bao giờ trở thành aurochs.

Grazelands Rewilding tin rằng trọng lượng khổng lồ của tauros, hình dạng hàm của chúng và hành vi xã hội phức tạp đều có giá trị về mặt sinh thái. Bò rừng aurochs - tổ tiên của bò nhà - đã hiện diện khi cảnh quan châu Âu "tiến hóa" để đa dạng như ngày nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận