Ba đồng một mớ đồ trang trí

THANH NHI 07/05/2025 15:41 GMT+7

TTCT - Ở thời đại mọi thứ phải nhanh chóng, tiện lợi và dễ thay đổi theo xu hướng, bạn có thể chọn mọi thứ theo phong cách "mì ăn liền".

trang trí nhà cửa - Ảnh 1.

Ảnh: The Telegraph

Ở thời đại mọi thứ phải nhanh chóng, tiện lợi và dễ thay đổi theo xu hướng, bạn có thể chọn mọi thứ theo phong cách "mì ăn liền". Ăn uống có fast food, làm đẹp có fast beauty, và cần trang trí nhà cửa thì không thể thiếu fast homeware: ngành công nghiệp sản xuất đồ trang trí nhà cửa giá rẻ.

Từ những chậu cây tinh nghịch có hình dạng vòng ba hấp dẫn, đến ngọn nến như một người đàn bà không đầu, chiếc đèn lồng giấy màu đỏ một ngàn đồng nhan nhản trên mạng... tất cả đều đáp ứng nhu cầu hợp thời trang mà không tốn nhiều chi phí. Nhưng mặt hàng này cũng có mặt trái y hệt những thứ "fast" khác.

Dễ mua dễ vứt

Khó có thể xác định chính xác thị trường đồ gia dụng bắt đầu từ thời điểm nào, nhưng điểm sáng đầu tiên phải kể đến là vào những năm sau Thế chiến thứ hai, khi Ercol - thương hiệu sản xuất đồ nội thất tồn tại hơn 100 năm của Anh - bắt đầu mở rộng sản xuất những mặt hàng giá cả phải chăng. 

Đến 1970, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất Ikea đã mở rộng trên toàn cầu. Thị trường tiềm năng đến mức cả những chuỗi thời trang nhảy vào cuộc chơi và bổ sung thêm mảng đồ gia dụng như Zara Home, H&M Home...

Ngay cả trên các kệ hàng ở siêu thị, dễ bắt gặp vài món gia dụng cho căn bếp như nam châm tủ lạnh, móc treo khăn hay cả kệ đựng đồ. Tại Anh, bước vào bất kỳ một siêu thị lớn nào, giữa các gian hàng đồ ăn cho cả người và động vật, người mua sắm chắc chắn sẽ thấy và bị quyến rũ bởi các món hàng gia dụng thời thượng với giá cả hợp lý.

Nếu các đơn vị kinh doanh truyền thống bắt kịp xu thế nhanh chóng, những sàn thương mại điện tử nhanh nhạy tất nhiên không thể bỏ qua một cơ hội lớn như vậy. Khi mua sắm trực tuyến lên ngôi, những nền tảng như Temu hay Shein mang đến hàng loạt món đồ tiện dụng với giá cả vô cùng phải chăng: dây đèn trang trí chớp tắt đủ màu sắc, đồng hồ điện tử để bàn kèm báo thức, khay đựng ly tách hình sông núi hữu tình... Danh mục sản phẩm được cập nhật nhanh chóng và hợp xu thế, giúp người mua không bỏ lỡ bất kỳ một phút nào trong cuộc đua thời thượng với một túi tiền nhỏ.

Dù thị trường đầy rẫy những sản phẩm gia dụng hấp dẫn với người tiêu dùng, Helen Gordon, thành viên của ủy ban bền vững thuộc Viện Thiết kế nội thất Anh, đưa ra một lời khuyên sâu sắc trên The Guardian: "Chúng ta cần chậm lại và bắt đầu suy nghĩ về cách chúng ta định giá mọi thứ - tại sao chúng ta mua một món đồ, nó đến từ đâu và ai đã làm ra nó".

Ba đồng một mớ đồ trang trí - Ảnh 2.

Ảnh: Facebook/ExtremeCouponingAndBargainsUK

Người tiêu dùng chỉ mất một vài phút để mua một món hàng rẻ hơn cả một ly nước mang đi, nhưng những sản phẩm này có mang lại giá trị bền vững cho xã hội? Là nhà thiết kế nội thất và chủ doanh nghiệp, Gordon đã chứng kiến mặt tối đằng sau vẻ hào nhoáng của thị trường này. 

Khi đặt chân đến các nhà máy ở Trung Quốc trong vai người mua hàng, Gordon bàng hoàng thấy những người công nhân sống trong ký túc xá chung, không có điện sau 9 giờ tối, chỉ được gặp gia đình duy nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Dù mọi thứ vẫn tuân theo tiêu chuẩn đạo đức và chất lượng, cô vẫn cảm thấy khó khăn khi đối diện với sự thật này.

Có thể, sự bấp bênh của ngành hàng gia dụng giá rẻ chưa được quan tâm đúng mức, một phần vì chưa có một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ. Nhưng sự tương đồng với ngành thời trang nhanh cho thấy những rủi ro có thể xảy đến cho ngành hàng gia dụng nhanh. 

Khó có thể quên được thảm kịch Rana Plaza xảy ra vào năm 2013 ở Bangladesh, khi tòa nhà 8 tầng có ít nhất 4 nhà máy may mặc bị sập, khiến 1.134 người chết. Đây không phải một tai nạn không thể phòng tránh, vì những vết nứt trên tòa nhà đã được phát hiện nhưng các ông chủ nhà máy đã yêu cầu các công nhân tiếp tục làm việc bất chấp cảnh báo.

Tưởng chừng tác động tiêu cực sẽ không ảnh hưởng lên những nhà sáng tạo "nắm đằng cán" với những bản thiết kế tạo xu hướng, nhưng thực tế lại không trải đầy hoa hồng. Vào năm 2018, Sarah Wilton, một thợ gốm đến từ Bristol, đã cay đắng phát hiện thương hiệu toàn cầu Urban Outfitters bán các sản phẩm "có vẻ" sao chép từ những bộ sưu tập độc quyền của cô dành cho cửa hàng cao cấp Liberty. 

Bộ sản phẩm của cô được làm hoàn toàn thủ công, thậm chí đã được đăng trên "kinh thánh của thời trang cao cấp" American Vogue. Mỗi sản phẩm "có một không hai" này có mức giá khoảng 55-100 bảng Anh, trong khi người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 1/3 giá đó cho những sản phẩm được sản xuất hàng loạt tại nhà máy của Urban Outfitters, với giá từ 15-30 bảng Anh.

Sau khi Sarah tạo nên làn sóng phản đối trên mạng xã hội, Urban Outfitters đã tuyên bố loại bỏ những chiếc bình gây tranh cãi khỏi kho hàng. Dù vậy, cô tin rằng nhãn hàng đã tiếp tục bán các sản phẩm này ngay cả sau khi tranh chấp ban đầu được giải quyết, nhờ một số người theo dõi vụ việc. 

Urban Outfittter cũng không cung cấp bất kỳ biên lai nào về số lượng sản phẩm được sản xuất hay số hàng bị tiêu hủy. Cuối cùng, Sarah phải chấp nhận rằng vụ việc đã không được giải quyết hoàn toàn theo cách cô mong muốn.

Tác động môi trường

"Sự ám ảnh của chúng ta với mấy món đồ giá rẻ để trang trí nhà cửa không giúp ích gì cho hành tinh này" - tác giả Katie Rosseinsky viết trên tờ The Independent (Anh).

Khi tác động tiêu cực của ngành hàng "gia dụng nhanh" đối với con người còn chưa có con số thống kê chính xác thì tác động với môi trường càng ít được quan tâm hơn. Khảo sát của tổ chức British Heart Foundation (BHF), có 4/10 người được hỏi không quan tâm đến tác động của việc mua sắm đồ gia dụng đến môi trường. 

Trên thực tế, thương hiệu gốm Denby ước tính được mỗi năm, 70 triệu đồ gia dụng bị bỏ đi ở Anh. Báo cáo của tổ chức WRAP cho thấy đồ gia dụng chiếm gần một nửa trong 900.000 tấn sản phẩm dệt may bị chuyển ra bãi rác.

Các vật liệu tạo ra hàng gia dụng khá đa dạng, một số chất độc hại được sử dụng trong quá trình sản xuất, dẫn tới phần lớn mặt hàng này không thể tái chế. Ví dụ bọt xốp polyurethane (PU) nhồi trong ghế sofa, có nguồn gốc từ tài nguyên không tái tạo là dầu mỏ, có quá trình tái chế phức tạp và tốn năng lượng. Hay keo và nhựa trong các sản phẩm nội thất từ gỗ MDF có thể phát thải chất độc hại khi tái chế.

Bất chấp những tác hại đó, điều gì khiến cho hàng gia dụng nhanh lại quyến rũ như vậy? Những lý do chính khiến mọi người thường mua đồ gia dụng mới là để giữ phong cách trang trí nhà luôn mới mẻ, tạo tâm trạng tích cực và chạy theo xu hướng, theo thông tin từ British Heart Foundation.

Những nhà bán lẻ đã nắm bắt cơ hội bán hàng, khi tạo ra những mặt hàng cho mọi cơ hội mua sắm: từ những dịp lễ như Giáng sinh, Valentine, Halloween... đến các mùa trong năm. Mùa thu sẽ là cơ hội của nến thơm, mùa xuân với bình hoa và những quả trứng đủ sắc màu, còn mùa đông sẽ gọi về những chú tuần lộc kết hợp cùng đồ trang trí Noel.

Khá rõ ràng, việc thay đổi đồ gia dụng theo mùa này phần lớn được dẫn dắt bởi mạng xã hội. Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường YouGov chỉ ra: có 39% người tham gia khảo sát được truyền cảm hứng bởi những influencer, còn 37% chịu tác động từ những bài đăng trên mạng xã hội của các nhà bán lẻ.

Thật khó có thể cưỡng lại sức hút từ việc mua đồ theo xu hướng mà không tốn quá nhiều chi phí. Như ý kiến của Ellie Fenlon - một influencer về nội thất, cô thích ý tưởng mọi người có thể mua sản phẩm họ ưng ý với phiên bản giá rẻ hơn, dù hiểu rằng việc sao chép thường bị lên án. 

Khi sản phẩm bền vững đã và đang dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn, các thương hiệu lớn không thể "ngó lơ" những tác động lên môi trường. Để minh bạch hơn với người dùng, Ikea đang từng bước chuyển đổi sang mô hình kinh doanh hoàn toàn bền vững mà vẫn có lợi nhuận cho đến năm 2030. 

H&M đã đưa thông tin chi tiết về chuỗi cung ứng của từng sản phẩm trên trang web từ năm 2019 và tạo ra dòng sản phẩm bền vững Meet the Maker kết hợp với các nghệ nhân quy mô nhỏ trên khắp thế giới.

Thay vì mua những mặt hàng gia dụng giá rẻ để vứt đi mỗi lần chuyển nhà, chúng ta có thể chọn phương án thuê những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Những món đồ thủ công nội địa có thể đắt tiền hơn đồ gia dụng sản xuất hàng loạt, nhưng lợi nhuận chúng mang lại có thể giúp phát triển các làng nghề nội địa, bảo vệ và lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo. Chúng ta sử dụng đồ đạc lâu hơn, giá trị cảm xúc nhận lại được càng nhiều hơn. 

Đừng để đến một lúc nào đó, thứ chúng ta để lại cho con cháu chỉ còn là một căn nhà rỗng, bởi chẳng còn đồ dùng gì mang giá trị lưu truyền nữa.

Cứ mỗi bốn người thuộc thế hệ Millenials và Gen Z (từ 20 - 39 tuổi), có một người đã chuyển nhà từ 10 lần trở lên kể từ khi rời gia đình, theo Spareroom. Khi không có một ngôi nhà cố định, người ta sẽ ít nghĩ đến việc mua đồ gia dụng chất lượng tốt. Nói cho cùng, bạn cũng không thể chuyển tất cả mọi thứ trong một cái nháy mắt, và chắc gì những đồ dùng đã mua lại vừa vặn trong căn nhà tiếp theo của bạn?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận