Bệnh đường hô hấp... xô lệch hàm răng

TTCT - * Hàm răng con tôi không được đều đặn bình thường, khi cắn răng dưới chìa ra ngoài chứ không khớp với hàm trên. Xin bác sĩ cho biết có thể điều chỉnh được không?

Phóng to
Nên đưa trẻ đến bác sĩ để sớm phát hiện những lệch lạc của răng và can thiệp phù hợp - Ảnh: Thanh Đạm

Thông thường phụ huynh sẽ đưa con đến gặp nha sĩ để tham vấn khi thấy răng trẻ mọc lệch lạc, không đều, hoặc trẻ biểu hiện kiểu mặt hô hoặc móm khá rõ ràng. Tuy nhiên, có một số tình trạng khác cũng là biểu hiện của sai khớp cắn mà phụ huynh cần phát hiện để có thể đưa bé đến nha sĩ kịp lúc.

Hàm răng mất trật tự

Quan sát bên ngoài, một hàm răng có khớp cắn đúng thường có những đặc điểm sau:

1. Khớp cắn bình thường: cung răng trên phủ ngoài cung răng dưới.

Nếu các răng cửa dưới nằm ngoài răng cửa hàm trên gọi là tình trạng cắn ngược. Nếu các răng cửa dưới nằm đối đầu với răng cửa trên gọi là cắn đối đầu. Cả hai loại khớp cắn này đều không tốt cho sự phát triển của xương hàm, cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt.

2. Độ phủ của răng trên so với răng dưới:

Khi hai hàm cắn lại: thông thường răng cửa trên phủ bên ngoài răng cửa dưới theo chiều trên dưới khoảng 1-2mm. Nếu độ phủ này nhiều hơn 3mm gọi là tình trạng cắn sâu. Ở một số trường hợp cắn sâu trầm trọng có thể thấy răng cửa dưới cắn vào nướu của hàm trên. Ngược lại, nếu răng cửa trên và răng cửa dưới không tiếp xúc nhau, tình trạng này gọi là cắn hở.

Cắn sâu hoặc cắn hở đều là những khớp cắn không sinh lý, có thể gây những tác hại về lâu dài.

3. Độ cắn chìa của răng cửa trên so với răng cửa dưới:

Nếu răng cửa có tiếp xúc, bình thường, răng cửa trên thường ở trước răng cửa dưới một khoảng 2-3mm. Khoảng cách này gọi là độ cắn chìa. Nếu khoảng cách này lớn hơn 3mm là độ cắn chìa quá mức hay còn gọi là hô.

Phóng to
Cắn ngược ở răng cửa

Nhiều nguyên nhân

Một số nguyên nhân của sai khớp cắn:

Số lượng răng nhiều hay ít hơn bình thường, hoặc hình dạng răng nhỏ bất thường, là một nguyên nhân gây xáo trộn khớp cắn. Bằng mắt thường, ba mẹ cũng có thể nhận ra những hình dạng hoặc kích thước bất thường của các răng dư trên hàm răng của trẻ.

Thời kỳ trẻ thay răng (7-12 tuổi) cũng là thời điểm trẻ tăng trưởng về xương hàm, các đặc điểm của sự phát triển xương hàm theo di truyền sẽ được thể hiện rõ. Sai khớp cắn có thể xảy ra do sai lệch kích thước giữa xương hàm trên và xương hàm dưới, hoặc kích thước răng không hài hòa với kích thước xương hàm. Một số thói quen không tốt như cắn bút, mút ngón tay, đẩy lưỡi... nếu có sẽ gây ra những tác hại xấu cho khớp cắn và biểu hiện rõ ở giai đoạn này.

Thêm một lưu ý nữa, tình trạng sức khỏe toàn thân cũng có thể là một nguyên nhân góp phần gây sai khớp cắn cho trẻ. Ví dụ, trẻ thường xuyên bị các bệnh đường hô hấp, không thở mũi đều, làm cho trẻ thở miệng kéo dài sẽ dẫn đến việc kém phát triển của xương hàm trên, từ đó đưa đến những sai lệch của khớp cắn. Bác sĩ chỉnh nha có thể vô tình giúp bạn phát hiện những bệnh lý mũi họng này. Thông thường điều trị chỉnh nha có thể tiến hành song song hoặc sau khi trẻ điều trị ổn định các bệnh lý liên quan.

Theo Hiệp hội Chỉnh nha Mỹ (ADA), 7 tuổi là độ tuổi thích hợp đưa trẻ đến khám ở bác sĩ chỉnh nha. Việc thăm khám lâm sàng và chụp phim toàn cảnh sọ nghiêng sẽ giúp bác sĩ phát hiện các bệnh bé đang gặp phải sai khớp cắn nếu có, cũng như thấy rõ khuynh hướng phát triển của răng, xương hàm để kịp thời tư vấn hoặc đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận