TTCT - Bernard Werber (1961) là một trong những nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất trên thế giới, nổi tiếng nhất với bộ ba kiến với hơn 15 triệu bản sách đã bán, được dịch ra 37 thứ tiếng. Bộ ba bao gồm Kiến, Ngày của kiến, Cách mạng kiến xây dựng vô cùng tỉ mỉ hai thế giới song song: của người và của kiến, với những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm và những vụ án đầy cuốn hút. Hai thế giới ấy trải qua những giai đoạn được tác giả thiết kế khéo léo: không hề biết đến sự tồn tại của nhau, lần đầu tiếp xúc, đương đầu và cuối cùng là tìm hiểu lẫn nhau. Viết, xây dựng những thế giới khác trở thành niềm vui (và hẳn nhiên là công cụ kiếm sống), đem lại cho Werber những trải nghiệm mới, đồng thời cũng là nơi để ông truyền tải những suy ngẫm về xã hội loài người. Cuộc phỏng vấn dưới đây được thực hiện ngay khi ông đặt chân đến Hà Nội vào ngày 17-3-2024 theo lời mời của Viện Pháp Việt Nam, nơi ông chia sẻ không chỉ quan điểm viết mà còn cả vai trò của nhà văn như một nhà triết học viễn tưởng, giúp độc giả nhận ra luật chơi lớn đầu tiên của thế giới chúng ta: luôn luôn phức tạp hơn.Nhà văn Bernard Werber tại Hà Nội tháng 3-2024. Ảnh: Minh AnhTại sao ông lại viết về thế giới loài kiến?Tôi viết về kiến vì thường người ta nghĩ đây không phải là đề tài hay. Vì thế, tôi tự nhủ nếu tôi viết về kiến, một thứ rất lạ, mà thu hút được người đọc thì tôi cũng sẽ hoàn toàn có thể cuốn hút được độc giả của mình bằng bất kỳ đề tài nào.Hơn nữa, tôi nghĩ tất cả con người chúng ta đều có một điểm chung: một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải gặp một con kiến, hay có một con kiến bò trên tay.Và câu hỏi đầu tiên khi chúng ta gặp một con kiến là: con kiến, bé như vậy, sẽ nghĩ gì về tôi, và tôi sẽ nghĩ gì về nó? Chúng ta chẳng cần phải đi gặp người ngoài hành tinh đâu, mà chúng ta phải gặp những loài vật sống cùng với chúng ta trên hành tinh này, trong đó có loài kiến.Các con kiến có đặc thù là chúng sống trong những thành phố lớn. Vì thế chúng ta có thể dễ dàng so sánh chúng với con người, những chủ nhân của các thành phố lớn, với đường sá, các phương tiện. Và các thành phố lớn của con người cũng phải trải qua chiến tranh. Kiến là loài đã xuất hiện trước chúng ta: chúng đã có mặt trên hành tinh từ 120 triệu năm nay, trong khi con người chỉ mới có 3 triệu năm thôi. Kiến có cả một nền nông nghiệp và cả một nghệ thuật chiến tranh. Ngoài ra, kiến còn có kiến thức về hóa học: chúng có thể tự sản xuất ra kháng sinh để điều trị cho mình. Chính vì thế tôi muốn hiểu về sự khác biệt giữa loài kiến và loài người, giữa một loài có trước và một loài có sau.Ông đã từng chia sẻ rằng quá nhiều người hiểu nhầm về tác phẩm Kiến, tưởng ông là một chuyên gia về kiến, nên ông phải viết tập tiếp theo là Ngày của kiến để cho thấy ông muốn thông qua kiến để nói về con người. Vậy thế giới kiến của ông có ý nghĩa tượng trưng như thế nào khi được xây dựng một cách đầy tỉ mỉ, song song thế giới con người?Lúc còn bé, tôi đã quan sát loài kiến rất lâu và tôi suy ngẫm về vị trí của con người trong thiên nhiên. Tất cả những gì diễn ra trong bộ ba tiểu thuyết này được tổng hợp từ những quan sát của tôi về loài kiến và đã được kiểm nghiệm bằng khoa học.Chỉ có một khác biệt duy nhất: tôi đã nhân cách hóa cho các con kiến, để cho chúng cất tiếng nói thể hiện suy nghĩ của mình. Đây là điều duy nhất tôi đưa thêm vào. Còn những yếu tố còn lại: kiến xây dựng quân đội, kiến có những phát kiến, kiến tự xoay xở trong cuộc sống của mình, đều là sự thật mà chúng ta có thể kiểm chứng.Trong tác phẩm của tôi, tầm nhìn của kiến về con người đã được thay đổi sau một sự gặp gỡ, dù sự gặp gỡ này có thể là kết thúc cuộc đời của một vài con kiến, vì kiến bị chúng ta giẫm lên bằng gót giày của mình. Chúng ta cũng nhiều lần đá vào tổ kiến, nhiều khi chỉ để đùa thôi phải không? Thử tưởng tượng có những người ngoài hành tinh khổng lồ đến và phá đạp thành phố của chúng ta chỉ để vui thôi. Nếu các bạn đặt câu hỏi này thì khi các bạn gặp tổ kiến các bạn sẽ có ứng xử khác. Khi viết về kiến, tôi hy vọng chúng ta suy ngẫm đến thân phận con người, để có một tầm nhìn khác. Đây không phải là khoa học viễn tưởng mà là triết học viễn tưởng, đem lại một cái nhìn khác với những vấn đề mà con người hiện nay đang phải đối mặt. Viết truyện ngắn đầu tay từ tuổi lên 8 về một con bọ chét, sáng tác và làm tạp chí ở trường cấp III, theo học ngành báo chí và trở thành nhà báo khoa học, Werber luôn dành cho sáng tác văn chương và các loài động vật mối quan tâm đặc biệt. Với kỷ luật viết lách nghiêm ngặt, trung bình 4-5 tiếng mỗi ngày từ 8h sáng, duy trì từ tuổi 16 đến tận bây giờ, Werber so sánh việc viết lách như tập cơ bắp, càng làm nhiều thì càng trở nên xuất sắc, với mục tiêu là hằng năm cứ vào tháng 10, ông lại cho ra đời một tác phẩm mới. Trong tiểu sử online của ông, ông viết mình không quan tâm đến thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng thông thường với robot, tên lửa, laser, mà muốn đi sâu vào cấp độ ý tưởng và đạo đức. Ông còn gọi thể loại tiểu thuyết của mình là "tiểu thuyết triết học" chứ không phải "tiểu thuyết khoa học viễn tưởng", ông hãy giải thích thêm về thể loại này. Ông nhắm tới những ý tưởng và vấn đề đạo đức nào?Ngày xưa, vào thời Jules Verner của thế kỷ 19, người ta nghĩ rằng máy móc có thể cứu vớt con người và thay đổi thế giới. Người ta nghĩ rằng với hệ thống tàu ngầm, tên lửa, vũ trụ… thì cuộc sống con người có thể hạnh phúc hơn. Nhưng rồi Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai xảy ra, ta nhận ra tất cả những phát minh của con người nếu không sử dụng đúng cách sẽ dẫn tới sự hủy diệt của nhân loại. Như vậy, máy móc không thể cứu rỗi chúng ta, bởi máy bay hay tàu ngầm chỉ là công cụ thôi, mọi thứ phụ thuộc rất nhiều vào tâm thế của những con người sử dụng các công cụ này. Có thể dùng lửa để nấu ăn, nhưng cũng có thể dùng lửa để thiêu rụi ngôi nhà. Có thể dùng búa để xây nên một công trình, nhưng cũng có thể dùng búa để đập vỡ sọ của một người. Nguyên tử có thể để tạo ra điện nguyên tử nhưng cũng có thể để tạo bom nguyên tử. Hay thời nay trí tuệ nhân tạo giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và nghĩ được xa hơn, nhưng cũng khiến chúng ta trở thành nô lệ của khoa học công nghệ. Như vậy, công cụ không thay đổi được điều cốt lõi, mà quan trọng là ý thức của con người. Không có công nghệ tốt hay xấu, chỉ có người sử dụng công nghệ để làm việc tốt hay việc xấu.Như vậy, để đạt được tiến bộ cho nhân loại không phải là những cải tiến máy móc mà là thay đổi trong tâm thức cũng như ý thức của con người. Chúng ta phải thoát khỏi một chiều kích nhìn nhận thế giới hẹp để hướng tới một tầm nhìn rộng mở về nhân sinh. Chính vì thế tôi sử dụng hình ảnh con kiến, một loài động vật có mặt từ lâu đời, và có nhân sinh quan rất rộng. Kiến không hủy hoại thiên nhiên, hoàn toàn có thể hy sinh thân mình vì con kiến khác, và kiến có thể cảm thấy hạnh phúc khi một bầy kiến đều hạnh phúc.Ông từng nói tác giả truyện khoa học viễn tưởng chịu trách nhiệm dự đoán tương lai khi họ thay thế vai trò của nhà chiêm tinh học, pháp sư, những người làm công việc này trong các nền văn hóa của nhiều thế kỷ trước. Cụ thể là dự đoán thế nào?Vai trò của người viết truyện khoa học viễn tưởng khác nhà chiêm tinh học ở chỗ: có nhầm thì không sao. Chúng tôi không phải là nhà chiêm tinh học để nói tương lai sẽ như thế nào, mà chỉ nói rằng tương lai có thể diễn biến theo chiều hướng như vậy, có thể, chứ không nhất thiết. Và nhiều khi chúng tôi có vai trò cảnh báo: nếu chúng ta không cẩn thận thì sẽ có những thảm họa trong tương lai. Và nhờ chúng tôi cảnh báo nên thảm họa không xảy ra. Công việc của chúng tôi đơn giản hơn các nhà chiêm tinh học hay pháp sư. Có những chuyện tôi đã viết trong sách của mình và cuối cùng đã trở thành sự thực. Trong tác phẩm Vương quốc thiên thần (L'Empire des anges) tôi đã nói đến hiện tượng có máy bay đâm vào tòa tháp, hai năm trước năm 2001. Và trong cuốn Nhân loại thứ ba (Troisième Humanité), tôi cũng đã kể về Covid 5 năm trước khi nó xuất hiện. Vào năm 1991, tôi đã nói đến một cỗ máy có thể đối thoại với loài vật, thì năm năm sau cỗ máy này xuất hiện.Trông mặt tôi tưng tửng thế này thôi, nhưng có những cái mà tôi viết mấy năm sau nó trở thành thực tế. Chính vì thế, có nhiều chuyện tôi định viết nhưng không dám viết, vì sợ nó xảy ra (cười).Nhà văn Bernard Werber ảnh do Pascal Goetgheluck chụp. nguồn: Science photo libraryÔng bảo rằng ông không viết theo lối nghệ thuật vị nghệ thuật, tức đầu tư vào phong cách văn chương, mà thường viết đơn giản với câu chuyện phức tạp. Tại sao lại thế?Truyền thống mà tôi đang theo đuổi là truyền thống sáng tạo văn học của người kể chuyện. Kể chuyện này giống như kể chuyện cổ tích, ngồi cạnh lò sưởi. Và như vậy nó là một chuyên ngành nghệ thuật sống. Ở Pháp tôi còn diễn kịch nữa: tôi xây dựng kịch bản và đích thân diễn trên sân khấu. Đây là một chiều kích thể hiện rõ nhất nghề viết văn của tôi. Tôi không bao giờ nghĩ mình viết văn là cố gắng đầu tư vào cách viết nghệ thuật vị nghệ thuật. Bởi vì cái quan trọng đối với tôi trong việc viết là phải tạo ra được cảm giác kịch tính, giữ chân được khán giả. Và như vậy, chức năng của sách là làm thế nào cho người đọc thoát khỏi thế giới hiện tại của họ và bước vào một thế giới khác.Cuộc sống của độc giả vốn không dễ dàng, sách giúp họ thư giãn, họ có cảm giác hạnh phúc sau khi đọc xong. Mục tiêu của một nhà văn là làm sao có một tác phẩm hay như bộ phim, mà phim thì có lợi thế hơn vì có nhạc và hình ảnh. Cái khó của nhà văn khi dùng từ ngữ là ngôn ngữ phải có nhạc điệu và phải gợi mở được những hình ảnh để giúp người đọc hình dung. Tác phẩm của tôi được dịch ra 37 thứ tiếng, không phải do tôi tìm cách đánh bóng phong cách viết văn của mình, mà cái chính là do truyện của tôi hấp dẫn, nhờ thế dịch cũng dễ hơn. Tôi có nói chuyện với các dịch giả tiếng Việt của mình, biết rằng trong tiếng Việt rất khó dịch ngôi con kiến, vì trong xưng hô tiếng Việt các đại từ nhân xưng khác biệt nhau. Chẳng hạn con kiến trẻ hay già, địa vị xã hội của nó ra sao, việc phải chọn ngôi nhân xưng tương ứng rất khó. Việc truyền tải ngôn ngữ hình ảnh thay đổi theo từng ngôn ngữ của các nước. Dẫu câu chuyện vẫn như thế thôi, nhưng khi kể bằng tiếng Việt thì nó vẫn sẽ khác với câu chuyện được kể bằng một ngôn ngữ khác.Điểm đặc biệt thấy thú vị ở bộ ba Kiến là cách ông lồng ghép vào dòng tự sự phần Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối của Edmon Wells với các kiến thức khoa học được cung cấp khi nghiêm nghị, khi hài hước. Những mẩu chuyện trong bộ bách khoa này, chẳng hạn chuyện về loài rệp đồi bại với dương vật khổng lồ và rệp trinh mang bầu, như một công cụ chơi đùa với độc giả. Từ đâu mà ông nghĩ ra được một yếu tố mang đầy tính hậu hiện đại như thế? Và vai trò của Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối trong tác phẩm là gì?Trước đây tôi là nhà báo khoa học, tôi đã tích lũy được rất nhiều tri thức khá là đặc biệt và hài hước. Tôi nghĩ chìa khóa của ý thức là sự tò mò. Khi chúng ta không còn cảm thấy tò mò với gì nữa, có lẽ chúng ta đã già mất rồi. Lúc đấy thì sẽ chỉ còn nghỉ hưu và chờ chết thôi. Khi chúng ta còn tò mò, vẫn còn muốn học, tức là chúng ta vẫn còn trẻ. Cuốn Bách khoa toàn thư được coi là những cái kẹo be bé khiến độc giả muốn tiếp tục ăn, muốn tiếp tục ngon miệng. Tôi rất mong truyền lời tới độc giả của mình rằng: những chuyện này các bạn vốn không biết, giờ các bạn biết rồi thì các bạn có thấy thích không, khi thích rồi thì các bạn có muốn kể cho người khác nghe không? Như vậy, kiến thức có thể truyền bá từ người này tới người khác. Và nếu các thông tin được kể một cách hài hước, độc giả sẽ càng muốn kể cho người khác nghe hơn.Ông từng chia sẻ rằng nhà văn phải giống như một kiến trúc sư, phải biết áp dụng cấu trúc viết truyện như một chuyện đùa hay trò ảo thuật. Ông có thể nói rõ hơn không?Khi bắt đầu viết sách, tôi viết luôn cốt truyện với mở đầu, thân bài, kết truyện ra một trang. Tôi nghĩ cốt truyện đóng vai trò trọng yếu, và việc phải dẫn độc giả tới một cái kết bất ngờ trong bố cục truyện là rất quan trọng. Tôi bao giờ cũng có một dàn bài, trên cơ sở dàn bài ấy tôi bắt đầu xây dựng thêm các câu chuyện, thêm tình tiết, như một cái cây, bổ sung cành, lá, hoa.Thường thì xương truyện của tôi giống như một cái khung thiết kế một nhà thờ. Nhìn từ trên cao, một nhà thờ chánh tòa có cấu trúc rất cơ bản, cấu trúc này được khéo léo đưa vào truyện. Dù có chuyện này chuyện khác thì cấu trúc vẫn như thế, các chi tiết được bổ sung khéo léo để che bộ xương nhà thờ này. Bản thân người đọc, mặc dù không chú tâm để xem cốt truyện, cái xương, kịch bản được xây dựng như thế nào, nhưng lại cảm thấy sự hài hòa. Giống như tranh thời Phục hưng, đằng sau bức tranh ấy, trước khi họa sĩ vẽ hình, đi nét, thì đã phải có một cấu trúc rất mạch lạc rồi. Tôi cũng làm như thế.Một số nhà văn thì không đi theo cách này, họ cứ xây dần, đến đâu hay đến đấy, cứ xong một viên gạch rồi lại bổ sung. Với tôi, quan trọng nhất, kết truyện phải ngạc nhiên. Làm mỗi kiến trúc sư thôi thì không đủ, phải là ảo thuật gia nữa, vì chỉ thế kia thôi thì nhàm chán. Kết truyện phải làm sao rút từ mũ của ảo thuật gia ra một con thỏ.Cả ba tác phẩm trong bộ Kiến đều có những vụ giết người, và có thể đọc các tác phẩm như những cuốn trinh thám đi tìm tội phạm. Tại sao ông luôn dùng câu chuyện trinh thám để làm khung cho tác phẩm của mình?Trinh thám là thể loại rất cổ điển: chúng ta đi tìm thủ phạm, và luôn có cuộc chạy đua giữa tác giả và người đọc, liệu người đọc có tìm thấy thủ phạm trước nhà văn không. Tôi sử dụng nhiều tình tiết trinh thám khi viết bộ ba này để cuốn hút độc giả hơn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, đặt mình vào góc độ của người đọc để xem họ muốn như thế nào.Tôi cho rằng một cuốn sách hay là một trò chơi mà nhà văn có thể đề xuất với người đọc. Ngoài cái hay, cái đẹp ngôn từ, chúng ta có thể vui với nhau qua câu chuyện. Ngay ở đầu cuốn Kiến, tôi tạo ra một trò chơi: làm cách nào tạo ra 8 hình tam giác từ 6 que diêm, để gây tò mò cho độc giả. Chìa khóa trong mọi tác phẩm là thúc đẩy người đọc hiểu và phát triển một tầm nhìn khác với những cái mà họ thường có, để họ hiểu vấn đề mà bình thường ta không để ý. Chìa khóa của ý thức là sự tò mò. Khi chúng ta không còn cảm thấy tò mò với gì nữa, có lẽ ta đã già mất rồi. Khi chúng ta còn tò mò, vẫn còn muốn học, tức là chúng ta vẫn còn trẻ.Bernard Werber Tiểu thuyết, với tôi, phải là sự mở mang, bắt đầu một ý tưởng cho độc giả. Độc giả có thể thấy mình đặt ra câu hỏi và tìm ra giải pháp cho chính mình qua mỗi cuốn tiểu thuyết. Tiểu thuyết không phải chỉ để kể một câu chuyện, một việc đơn giản thôi, mà câu chuyện đó phải làm cho chúng ta suy ngẫm về một vấn đề gì đó, làm cho chúng ta thay đổi cách nhìn thế giới, và truyền cảm hứng.Trong tiểu thuyết của tôi, tôi muốn đặt ra những câu hỏi mới, những vấn đề mới, làm sao để đánh thức độc giả ở một khía cạnh nào đó, đặc biệt là về mặt tâm lý, ý thức.Trong quá trình đọc một cuốn tiểu thuyết sẽ có một kinh nghiệm song hành: tác giả có kinh nghiệm của chính mình để truyền đạt cho người đọc, bản thân người đọc cũng chia sẻ với kinh nghiệm đấy của tác giả. Như vậy chúng ta có một tấm gương, và độc giả đôi khi tự thấy hình ảnh của mình trong đó. Chúng ta thấy một phần của mình trong các nhân vật của câu chuyện, hoặc chúng ta khác như thế nào, và giống với khác như vậy đem lại hiệu quả gì. Khi cùng sống cuộc phiêu lưu với các nhân vật trong các tác phẩm, chúng ta có sự cọ xát với chính kinh nghiệm của mình.Trong Kiến có một cái hầm, một cầu thang hình ốc xoáy, những ai đi xuống đó thì bị biến mất. Độc giả bị cuốn hút theo cái câu chuyện này. Khi một nhân vật đi xuống cái hầm, anh ta đối diện với chính quá khứ của mình. Đây chính là ý nghĩa của câu chuyện của tôi, độc giả hoàn toàn có thể quay lại quá khứ của mình.Ông tạo ra vô số các nhân vật không phải là con người trong một thế giới với đầy đủ những tổ chức, vấn đề, những trải nghiệm về thời gian… rất khác biệt với con người, mà trước nay con người không để ý hay quan tâm tới. Ông muốn gửi gắm gì qua việc xây dựng một thế giới không lấy con người làm trung tâm?Thông điệp mà tôi muốn truyền tải là chúng ta cũng chỉ là những con vật thôi. Hành tinh này không phải của riêng chúng ta, mà còn của tất cả các loài vật, trong đó có kiến. Hiện nay chúng ta đang đến một bước ngoặt lịch sử, những gì mà chúng ta làm sẽ quyết định tới tương lai và vận mệnh của chúng ta. Chúng ta hành xử trên thế giới như thể tất cả những của cải vật chất hay tài nguyên là của riêng chúng ta. Ví dụ con kiến đến trong bếp của ta, ta sẽ bảo chúng ăn trộm thức ăn của chúng ta. Nhưng như các bạn thấy, kiến làm gì có quyền sở hữu. Tại sao một quả chuối trong thiên nhiên lại thuộc về con người, chứ không phải thuộc loài vật khác?Chúng ta là người đã xây dựng nên các quy định về quyền sở hữu. Thông qua cuốn sách của mình, tôi muốn có một cái nhìn khác. Tầm nhìn của chúng ta, nếu chỉ nhìn bằng mắt con người thì mọi việc sẽ như hiện nay, nhưng nếu chúng ta có một tầm nhìn thấp hơn nữa, đặt ngang với tầm nhìn của các loài vật khác, thì cái nhìn về thế giới sẽ khác. Nếu có chiến tranh hạt nhân thì kiến có cơ hội sống sót nhiều hơn con người. Chúng ta nên có tâm thế khiêm nhường, rằng mình không được mạnh mẽ bằng những con vật nhỏ bé. Chính vì vậy, tất cả những gì tôi đang viết ở đây là việc làm của một nhà triết học: tìm ra một sự hài hòa đối với bản thân mỗi con người cá nhân, sự hài hòa giữa cá nhân và toàn bộ loài người, và sự hài hòa giữa loài người với tất cả các dạng thức và hình thái của các sinh vật sống khác trên thế giới.■(Cuộc phỏng vấn được thực hiện với sự trợ giúp phiên dịch của Quốc Vinh) Tags: Bernard Werber
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".