Biến đổi khí hậu đang nhanh hơn nỗ lực khắc phục

QUẾ VIÊN 04/10/2014 17:10 GMT+7

TTCT - Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh khí hậu 2014 ngày 23-9 tại New York, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã đề nghị các nhà lãnh đạo có mặt đem đến những “thông báo táo bạo và hành động”.

Tuần hành bên ngoài hội nghị biến đổi khí hậu ở New York - Ảnh: Reuters
Tuần hành bên ngoài hội nghị biến đổi khí hậu ở New York - Ảnh: Reuters

Nhưng trên thực tế nỗi hoài nghi vẫn treo lơ lửng...

Hơn 120 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ đã thảo luận trong một ngày về kế hoạch hành động cấp quốc gia của họ. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh khí hậu lớn nhất kể từ Hội nghị khí hậu Copenhagen 2009. 

Từ “không còn khả năng hạn chế”...

Trong năm quốc gia đứng đầu về lượng khí thải CO2, theo dữ liệu từ năm 2010 của Cục Năng lượng Hoa Kỳ, chỉ có Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham gia hội nghị. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cử đại diện tham dự. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không có mặt.

Đứng thứ nhất về khí thải CO2 là Ấn Độ, thứ hai là Hoa Kỳ, thứ ba là Trung Quốc và thứ tư là Nga. Hội nghị thượng đỉnh khí hậu 2014 được tổ chức sau khi có bản báo cáo của Ủy ban liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.

Theo đó, thế giới đang phải đối diện với nguy cơ là gần như không còn khả năng hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu so với thời kỳ tiền công nghiệp, cùng lời cảnh báo của nhiều nhà khoa học là sự gia tăn    g của nhiệt độ Trái đất hiện nay đang dẫn tới các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn. 

Địa điểm tổ chức là thành phố New York, bị siêu bão Sandy tàn phá năm 2010, cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho tác động của thiên tai. Tám “lĩnh vực hành động” mà các đại biểu đàm phán tại hội nghị New York là nông nghiệp, thành phố, năng lượng, tài chính, rừng, công nghiệp, khả năng phục hồi và chuyên chở.

Tuy nhiên theo Keith Stewart - người phát ngôn Tổ chức Hòa bình xanh (Canada), sự kiện này không hẳn là một cuộc đàm phán chính thức về biến đổi khí hậu mà là một “cuộc họp bất thường để cố gắng khởi động lại toàn bộ sự việc và đưa nó trở lại đường ray”.

Stewart cho biết vấn đề biến đổi khí hậu đã bị loại khỏi chương trình nghị sự của một số quốc gia trong vài năm qua, và Hội nghị thượng đỉnh New York là một nỗ lực để đặt nền móng cho Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Lima, Peru, vào tháng 12 năm nay. 

Bản thân hội nghị Lima là sự chuẩn bị cho Hội nghị Paris 2015 với mục tiêu đạt được một thỏa thuận toàn cầu mới về môi trường.

Các ràng buộc pháp lý của Nghị định thư Kyoto năm 1997 về giảm các chỉ tiêu khí thải đã hết hạn từ năm 2012, nhưng Hội nghị biến đổi khí hậu Copenhagen 2009 đã không đưa đến một thỏa thuận ràng buộc nào về một thời gian biểu để giảm lượng khí thải dài hạn. 

Điểm nổi bật của Hội nghị New York là Trung Quốc lần đầu tiên hứa sẽ hành động cụ thể về biến đổi khí hậu. Lượng khí thải của Trung Quốc, hiện cao nhất thế giới, sẽ sớm đạt đỉnh. 

Phó thủ tướng Trương Cao Lệ cũng cho biết Trung Quốc sẽ làm cho nền kinh tế nước này trở nên hiệu quả hơn về khí thải CO2 vào năm 2020. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ hướng tới mục đích giảm lượng khí thải carbon trên mỗi đơn vị GDP là 45% so với mức năm 2005. 

Tổng thống Barack Obama phát biểu rằng biến đổi khí hậu đã “di chuyển nhanh hơn so với những nỗ lực để giải quyết nó”, Mỹ và Trung Quốc có trách nhiệm dẫn dắt các quốc gia khác.

Tổng thống Pháp François Hollande đã hứa chi 1 tỉ USD để giúp các nước nghèo đối phó với những tác động của nhiệt độ tăng cao, trong khi Na Uy cam kết giúp Liberia 147 triệu USD (90 triệu bảng) để chấm dứt tình trạng phá rừng vào năm 2020.

...Đến nỗi hoài nghi

Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến hoài nghi. Nhà kinh tế Jeffrey Sachs, một cố vấn cho ông Ban Ki Moon, nói với BBC: “Hội nghị này [tự thân] sẽ không giải quyết các vấn đề. Hội nghị này là để nâng cao nhận thức”. 

Một số ý kiến khác lại cho rằng biến đổi khí hậu không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của thế giới.

Bjørn Lomborg - phó giáo sư, giám đốc Trung tâm đồng thuận (Consensus) Copenhagen -  lập luận rằng thế giới có những việc bức thiết hơn là giải quyết những tác động của biến đổi môi trường khi thế giới còn khoảng 1,2 tỉ người phải sống dưới mức nghèo khổ và cần tới sự phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống.

Mỗi năm các chính sách về môi trường của khối EU đã ngốn mất 209 tỉ euro. Tới cuối thế kỷ 21 sẽ tốn khoảng 18.000 tỉ euro mà chỉ giảm được độ tăng nhiệt độ Trái đất có 0,05 độ C. 

Một điều đáng chú ý nữa, theo kết quả khảo sát của chương trình “The World We Want” của Liên Hiệp Quốc, hơn 4 triệu người được hỏi tại nhiều quốc gia đã xếp theo thứ tự ưu tiên các lĩnh vực được quan tâm nhất là: cải thiện nền giáo dục, y tế, giảm tham nhũng, nhiều việc làm hơn, giá thực phẩm thấp hơn... Vấn đề Trái đất nóng lên chỉ đứng thứ 16. 

Khảo sát của UNDP thực hiện trong 193 quốc gia thành viên, thực hiện từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 cũng cho thấy các lĩnh vực được quan tâm nhất là giáo dục, y tế, chính quyền trong sạch và việc làm. 

Thế nên điều mà người ta mong chờ nơi lãnh đạo các nước hẳn không phải là những lời hứa hay con số mà là những biện pháp cụ thể và hợp lý để vừa giảm được lượng khí thải, vừa đảm bảo phát triển giáo dục, y tế, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo... 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận