TTCT - Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật định hướng dư luận trên mạng xã hội, từ kiểm duyệt sang cho phép chỉ trích, nhưng sẽ can thiệp theo kiểu “bẻ lái” khi cần thiết. Theo báo cáo về định hướng dư luận trên mạng xã hội tại 28 quốc gia (TTCT số 32 ra ngày 20-8-2017) của ĐH Oxford (Anh), lực lượng binh đoàn mạng (những nhóm định hướng dư luận có tổ chức) ở Trung Quốc lên đến 2 triệu người, trong đó có một nhóm do chính chính phủ tổ chức. Báo cáo cho biết có bằng chứng cho thấy có nhiều văn phòng phụ trách việc tuyên truyền ở cấp cơ sở, chuyên theo dõi và định hướng dư luận về các vấn đề địa phương, khắp Trung Quốc. Cấp cơ sở có thể phối hợp với văn phòng cấp vùng và quốc gia khi cần thiết. Các binh đoàn mạng do Chính phủ Trung Quốc bảo trợ sẽ nhận được danh sách các vấn đề hay ý kiến có thể sẽ được thảo luận trên mạng mỗi ngày để “tác chiến”. Ngũ Mao Đảng: chỉ “bẻ lái”, không tranh cãi Năm 2016, một nhóm ba nhà nghiên cứu đến từ các đại học uy tín hàng đầu của Mỹ (Harvard, Stanford và UC San Diego) tiếp cận được một lượng lớn các trao đổi bằng email của các thành viên ở thành phố Cám Châu (tỉnh Giang Tây) của Ngũ Mao Đảng (Đảng 5 Hào), một trong những binh đoàn mạng được biết đến nhiều nhất ở Trung Quốc. Sau khi phân tích các tài liệu này, kết hợp với phối kiểm nguồn tin và phỏng vấn thành viên Ngũ Mao Đảng, các học giả công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí American Political Science Review, thông tin chi tiết về cách hoạt động của Ngũ Mao Đảng, làm sáng tỏ nhiều đồn thổi không đúng về binh đoàn mạng này (chẳng hạn 5 hào là số tiền các chiến binh mạng nhận được cho mỗi bình luận ủng hộ chính phủ). Nhóm tài liệu mà các nhà nghiên cứu có được gồm hơn 43.000 bài viết trên mạng của các thành viên Ngũ Mao Đảng được gửi qua email, như một hình thức báo cáo “chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” cho cấp trên, kèm theo các thông báo, văn bản chỉ đạo từ văn phòng tuyên truyền hoặc lãnh đạo cấp cao hơn. Từ đây, các nhà nghiên cứu mới biết được giữa rừng bình luận trên mạng, cái nào là do binh đoàn mạng viết, còn bài nào mới là của người dùng bình thường. Trước khi phân tích email và bài viết của nhóm Ngũ Mao Đảng ở Cám Châu, nhóm nghiên cứu cũng tin rằng binh đoàn mạng này gồm những công dân bình thường, song có tư tưởng ủng hộ chính phủ mạnh mẽ, được trả tiền để tranh cãi với những kẻ chống chính quyền, “kích động quần chúng”. Vậy nhưng, kết quả nghiên cứu cho thấy thành viên Ngũ Mao Đảng, theo những gì thể hiện trong các email bị rò rỉ, thực chất là những người làm việc trực tiếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc nhiều cơ quan khác nhau thuộc chính phủ mà việc bình luận trên mạng nhiều khả năng chính là công việc chính thức của họ. Nhận định này khớp với báo cáo của ĐH Oxford kể trên. Một chi tiết khác với “phiên bản lời đồn” của Ngũ Mao Đảng, theo nhóm nghiên cứu, là thành viên binh đoàn mạng này không tranh cãi hay phản bác lại các ý kiến chỉ trích chính phủ trên mạng hay kích động căm ghét ngoại bang (đặc biệt là Mỹ). Trái lại, thành viên Ngũ Mao Đảng được chỉ đạo phải “thúc đẩy đoàn kết và ổn định thông qua thông tin tích cực” và “tích cực định hướng dư luận khi có sự cố khẩn cấp xảy ra”. “Sự cố khẩn cấp” được định nghĩa là sự kiện có khả năng kích động quần chúng. Vũ khí của Ngũ Mao Đảng không phải cãi nhau mà là kiểu bình luận mà nhóm học giả gọi là “cổ võ” hay khích lệ (cheerleading), tức chỉ bày tỏ thiện chí và tin tưởng vào chính phủ và đường lối của nhà nước. Chiến thuật này nhằm dùng tin tốt lấn át tin xấu và làm loãng tranh luận, “bẻ lái” chủ đề thảo luận sang chuyện khác. Margaret Roberts (ĐH UC San Diego), một trong những tác giả của nghiên cứu, giải thích rõ hơn về kiểu bình luận cổ vũ chính quyền này trong bài phỏng vấn trên VOX ngày 2-8. Roberts cho rằng nội dung của loại bình luận này không phải là tin giả mà là “các câu chuyện có thể khơi gợi lòng ái quốc để mọi người cùng nói về nó, chẳng hạn như “được sống ở Trung Quốc tuyệt vời ra sao, nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại đến mức nào”, để lấy lòng chế độ và đất nước”. Chiến thuật “bình luận khích lệ” cũng giúp Chính phủ Trung Quốc định hướng dư luận mà không cần ra mặt. Người ngoài không thể chỉ trích chính quyền bịt miệng hay cứng rắn với những người bất đồng chính kiến bởi các bình luận từ binh đoàn mạng, với vỏ bọc là tiếng nói từ người dân chứ không phải chính quyền, không hề nhằm phản bác lại và bảo vệ chính phủ. “Mục đích chính là để dư luận ít chú ý hơn đến vấn đề chính mà nhà nước muốn dập tắt” - Roberts giải thích thêm. Theo The Atlantic ngày 27-1, chiến thuật khiến mạng xã hội “ngập lụt” với bình luận khích lệ tinh thần được áp dụng triệt để khi xảy ra các sự kiện mà Chính phủ Trung Quốc không muốn dân tình bàn tán trên mạng như bạo loạn Tân Cương tháng 7-2013 hay vụ nổ tại thành phố Urumqi năm 2014. Các phân tích chỉ ra binh đoàn mạng do chính phủ chống lưng tạo ra đến 448 triệu bình luận kiểu “cổ võ” mỗi năm, và “cứ 178 bình luận trên các trang web không do chính phủ điều hành thì có một là do người của chính phủ ngụy tạo”. Khi báo cáo của nhóm Roberts công bố tháng 5 năm ngoái, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận bằng tiếng Trung Quốc, khẳng định “xã hội Trung Quốc nói chung chấp nhận việc định hướng dư luận”. Theo The Atlantic, bài báo không phủ nhận bất kỳ thông tin nào trong nghiên cứu, kể cả nội dung các email được rò rỉ. “Xem như chúng tôi đã hỏi Chính phủ Trung Quốc rằng họ có đồng tình với kết quả nghiên cứu của chúng tôi không, và bài viết của Thời báo Hoàn Cầu cho thấy họ dường như tán thành” - nhóm của Roberts viết. Binh đoàn mạng má hồng Ngoài Ngũ Mao Đảng, vẫn còn hai nhóm binh đoàn mạng khác sẵn sàng bảo vệ Chính phủ Trung Quốc trên không gian ảo: Xiao Fenhong (Tiểu Phấn Hồng hay Little Pink) và Fenqing (Fennu Qingnian, tức Phẫn Nộ Thanh Niên hay Angry Young Men). Trái với suy nghĩ rằng phần lớn thành viên binh đoàn mạng là nam giới, Little Pink, đúng như tên gọi, có 83% thành viên là “phận má hồng”, theo một công cụ phân tích nội dung trên mạng Weibo (Facebook của Trung Quốc) của Đại học Peking. Một nghiên cứu khác của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết đa số “tiểu phấn hồng” có tuổi chỉ từ 18-24, sống cả trong nước lẫn nước ngoài. Tờ South China Morning Post ngày 13-6 cho biết thuật ngữ “tiểu phấn hồng” xuất phát từ trang web văn chương phụ nữ Jinjiang Literary City (Thành phố Văn học Tấn Giang). Các thảo luận dần dà chuyển từ chuyện văn chương viết lách sang chính trị và các vấn đề thời sự kể từ năm 2008, sau bạo động ở Tân Cương và Lhasa (thủ phủ Tây Tạng). Một nhóm thành viên khi ấy, gồm nhiều sinh viên đang du học nước ngoài, kịch liệt lên án những bài viết tiêu cực về Trung Quốc hay những bình luận ca ngợi ngoại bang phương Tây. Nhóm này ban đầu được gọi là “Jinjiang Girl Group Concerned for the Country” (Nữ đoàn Tấn Giang quan tâm vận nước) hay Little Pink vì màu của trang chủ là màu hồng. Little Pink thường xuyên lên mạng để “bảo vệ Trung Quốc trước cả những dấu hiệu chỉ trích nhỏ nhất”, theo South China Moring Post. Chẳng hạn nữ sinh Trung Quốc Yang Shuping bị nhóm này cáo buộc “bóp méo sự thật và làm xấu mặt quốc gia” chỉ vì nói đùa về chuyện ô nhiễm tại Bắc Kinh và bày tỏ thích thú với cuộc sống ở Mỹ trong bài diễn văn tốt nghiệp Đại học Maryland. Nữ minh tinh Xu Dabao (Từ Đại Bảo) cũng bị cho là “sỉ nhục cờ tổ quốc” khi diện chiếc váy đỏ có năm ngôi sao như cờ Trung Quốc trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5. Theo South China Morning Post, chưa có bằng chứng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau “tiểu phấn hồng”. Nhóm này vẫn được biết đến như những thanh niên tin rằng họ có trách nhiệm phải bảo vệ Trung Quốc trước chỉ trích bên ngoài. Tương tự, nhóm “Phẫn Nộ Thanh Niên” gồm những người trẻ theo chủ nghĩa dân tộc với các đặc trưng ghét ngoại bang, ủng hộ quân đội và các tranh chấp về lãnh thổ, trung thành với chính phủ và đường lối. Nhóm này hoạt động cả trên mạng lẫn ngoài đời, như phong trào tẩy chay hàng Nhật. Tờ Nhân Dân Nhật Báo và Thời báo Hoàn Cầu đều lên tiếng ca ngợi tinh thần dân tộc của những người Trung Quốc trẻ tuổi này. Trong một bài xã luận, Nhân Dân Nhật Báo cho rằng: “Trung Hoa đang chào đón một thế hệ mới với những người tự tin và có thể hành xử tự do không trói buộc” để nói về những người theo chủ nghĩa dân tộc thế hệ 9x. Không kiểm duyệt để dễ theo dõi Theo VOX, Trung Quốc kiểm soát môi trường thông tin trên mạng theo cách nghe ngóng dư luận và theo dõi suy nghĩ của họ, thay vì kiểm duyệt, vốn chỉ làm mất đi cơ hội để chính phủ biết được người dân đang nghĩ gì và định làm gì để có can thiệp phù hợp. Chính phủ (thông qua binh đoàn mạng) chỉ “ra tay” can thiệp khi có quá nhiều người cùng chỉ trích nhà cầm quyền, vì đó là mồi lửa dẫn đến hành động tập thể như bạo loạn hay biểu tình. Với chiến thuật đó, Bắc Kinh cố gắng phân biệt giữa phê bình xây dựng (góp ý giúp chính phủ biết cần làm gì để yên lòng dân) và nguy hiểm (có thể dẫn đến biểu tình). Chính phủ Trung Quốc luôn chờ đến khi có nguy cơ xảy ra nổi loạn chống lại chính quyền mới ra tay kiểm duyệt công khai. Ngoài binh đoàn mạng, Trung Quốc cũng tận dụng công nghệ để âm thầm thu thập hết mọi thông tin về người dân. Tháng 8-2016, New York Times công bố video phóng sự ngắn “Trung Quốc đang thay đổi Internet của bạn ra sao”, chỉ ra cách Bắc Kinh dùng để “biết mọi thứ” về công dân nước này. Theo đó, siêu ứng dụng WeChat của Trung Quốc được khuyến khích sử dụng vì nó gần như làm được mọi thứ: từ nhắn tin, mạng xã hội, tra bản đồ, tìm kiếm thông tin, thanh toán, mua sắm, đặt dịch vụ... Bằng cách đó, “WeChat biết được bạn đã nói chuyện với ai và nói những gì, bạn đọc gì, đi đâu, vì sao đến đó, đến đó gặp ai, chi tiền bao nhiêu”. Và vì các công ty công nghệ Trung Quốc buộc phải chia sẻ những thông tin này với chính quyền, xem như chính phủ đã nắm được mọi thứ về công dân của mình. New York Times nhấn mạnh chuyện ở Trung Quốc nhưng lại “thay đổi Internet của quý vị dù quý vị ở đâu” vì ngày càng có nhiều công ty công nghệ cũng đa năng và thu thập mọi thông tin về người dùng như vậy như Google hay Facebook. “Đặt quá nhiều dữ liệu vào một chỗ như vậy sẽ dẫn đến thế giới như trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell - khi mà chính phủ có thể theo dõi nhất cử nhất động của ta” - phóng sự kết thúc với thông điệp cảnh báo.■ Tags: Binh đoàn mạngBẻ lái dư luậnBinh đoàn mạng trung quốcBinh đoàn trên mạng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.