Bình thản để sống

LƯU TRANG 07/08/2011 11:08 GMT+7

TTCT - “Hãy mang một trái tim bình thản để chấp nhận những gì không thể thay đổi được, một lòng dũng cảm để thay đổi những gì có thể thay đổi được, và một bộ óc sáng suốt để biết được những gì có thể thay đổi và không thay đổi được”, câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của Trần Thanh Sơn. Anh đã chọn một cuộc sống như thế: biết chấp nhận những khiếm khuyết như một phần cơ thể mình để tiếp tục sống và phấn đấu.

Phóng to
Trần Thanh Sơn được em họ cõng tới buổi giao lưu ngày 2-8 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trần Thanh Sơn (sinh 1984) là một trong số 50 nạn nhân chất độc da cam có mặt tại buổi triển lãm và giao lưu “Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vượt khó vươn lên” sáng 2-8-2011 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP.HCM. Sơn bị liệt teo hai chân, một tay bị teo chỉ còn 30% mà theo Sơn thì “bưng được cái chén không chứ không bưng được cái chén có cơm, cũng may là viết được, gõ được”. Tay yếu nên Sơn khó có thể dùng xe lăn mà phải trông vào người khác cõng đi.

Vậy mà Sơn đã tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và đang học cao học ngành công nghệ thông tin (ĐH Khoa học tự nhiên) và quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM). Hiện Sơn là giảng viên môn tin học văn phòng tại Trung tâm dạy nghề kỹ thuật cao của ĐH Văn Lang. Học trò của Sơn là các học sinh, sinh viên khuyết tật và đam mê công nghệ thông tin.

Phần chú thích bức ảnh chụp Sơn đang học bài ở triển lãm ghi “Một trong những động lực giúp Sơn vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập là người cha thân yêu của mình”. Người cha ấy trở về từ chiến trường Bình Định với di chứng chất độc da cam. Ông đã cõng Sơn đi học suốt những năm tháng học cấp I rồi lên cấp II, cấp III. Ông mất vì bệnh ung thư gan ngay khi Sơn vừa đậu vào đại học. Trước khi mất, người cha ấy đã gom góp hết tài sản mua cho con một căn nhà nhỏ ở thành phố để tiện đi học với ước mong sau này con bớt khổ.

Học để đi dạy là con đường mà Sơn lựa chọn để thay đổi cuộc sống của mình. Sơn nói: “Mỗi người có một con đường riêng. Nếu mình đi được, con đường của mình sẽ khác. Nhưng mình không thể tự đi, mình phải chấp nhận chuyện đó và phải làm gì đó để hòa nhập vào cuộc sống”. Trong buổi nói chuyện, Sơn nhắc nhiều đến chuyện “dành dụm”. Dành dụm cho cuộc sống của mình, dành dụm để chia sẻ ít nhiều với những người xung quanh, đặc biệt là những người đang giúp đỡ mình.

Cuộc sống vẫn còn lắm chật vật để có thể dành dụm, nhưng Sơn nói: “Tôi mong sẽ sớm hoàn thành hai tấm bằng thạc sĩ để tiếp tục đi dạy, chia sẻ những kiến thức mà mình có được cho nhiều người. Còn ước mơ xa hơn là sẽ mở được một ngôi trường nhỏ để dạy miễn phí các em khuyết tật, đó là dự tính lâu dài và sẽ rất khó khăn. Vì vậy trước hết tôi phải tự nuôi mình và cố gắng làm thêm để dành dụm”.

50 năm sau thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2011), một thế hệ thanh niên đã và đang trưởng thành dù vẫn mang trong mình di chứng của chất độc hóa học. Họ vẫn sống, học tập và lao động như biết bao người bình thường và lành lặn khác để chứng minh rằng chất độc hóa học không thể nào quật ngã được những thế hệ lớn lên trong và sau chiến tranh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận