Bỏ cao su, cũng không thể trồng lại rừng

TTCT - Sự thay thế rừng tự nhiên bằng cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su, đã diễn ra ồ ạt trong một quãng thời gian dài, và không chỉ tại Việt Nam.

Giống như nhiều tác động nhân tạo của con người lên khí hậu, không thể hiểu hết các điều kiện thời tiết cực đoan nếu chỉ khoanh lại ở một vùng, thậm chí là một quốc gia. 

Sự thay thế rừng tự nhiên bằng cây cao su để lại những hệ quả vượt ra ngoài các toan tính kinh tế, và đã không chỉ diễn ra ở Việt Nam, điều có thể sẽ càng khuếch đại những tác động không mong đợi của thiên tai, với cả khu vực. 

Tuổi Trẻ Cuối Tuần trích giới thiệu bài viết của hai nhà nghiên cứu thuộc Chương trình theo dõi sự che phủ và biến động sử dụng đất, NASA, Hoa Kỳ, về lịch sử và tác động của công cuộc cao su hóa.

Trong 50 năm qua, những vùng rừng núi ở Đông Nam Á lục địa đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ nông nghiệp phục vụ thương mại. Tâm điểm là các loại cây trồng mang lại tiền mặt tức thì, đặc biệt là cao su. Trả giá cho phần lớn việc mở rộng này là sự mất đi rừng bản địa của khu vực.

Một nghiên cứu chi tiết dữ liệu theo thời gian đã tìm hiểu hình ảnh vệ tinh theo dõi sự thay đổi việc sử dụng đất ở Đông Nam Á giai đoạn 2003 - 2014. 

Nghiên cứu tập trung vào những vùng nơi việc sử dụng đất thay đổi cực đoan nhất - toàn bộ Campuchia và Lào, phần lớn Việt Nam, những vùng rộng lớn ở Thái Lan, bang Shan thuộc Myanmar và châu tự trị Xishuangbanna (Tây Song Bản Nạp, tuy chỉ là châu, nhưng có diện tích khoảng 19.700 km2, tương đương diện tích 7-8 tỉnh của Việt Nam) ở tỉnh miền nam Trung Quốc, Vân Nam.

Trong nghiên cứu kéo dài 11 năm đấy, 74.960km2 đất trong vùng đã được chuyển thành đất trồng cao su. 70% sự mở rộng này diễn ra bằng cách phá rừng tự nhiên, trong khi 30% là thay thế các đất đai khác, chủ yếu là các loại cây trồng khác. Tình trạng phá rừng nghiêm trọng nhất ở Campuchia và Lào, nhưng mất mát cũng rất lớn ở Việt Nam, châu Xishuangbanna và bang Shan.


Những cánh rừng cao su mọc lên thay thế cho rừng già trăm năm ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: T.B.DŨNG


Một sự chuyển đổi lớn như vậy từ rừng tự nhiên sang cây trồng nông nghiệp - kể cả là các loại cây trồng mọc cao và có độ che phủ như cao su - gây ra những hệ quả đáng lo ngại với môi trường. Bằng chứng sơ bộ cho thấy các đồn điền cao su hấp thu carbon dioxide ít hơn nhiều so với rừng tự nhiên. 

Ở mức độ địa phương, thay thế rừng tự nhiên bằng đồn điền cao su có thể dẫn tới điều kiện khí hậu khô hạn hơn, xói mòn đất mặt, đất mất chất, đứt gãy và khô cạn các dòng chảy, và sạt lở đất.

Điều gì có vẻ chi phối sự mở rộng của cây cao su? Yếu tố thúc đẩy chính có vẻ là sự dao động của giá cao su. Từ đầu năm 2002, giá cao su đã tăng đều đặn cho tới cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. 

Ở thời điểm đó, giá bắt đầu giảm mạnh, nhưng phục hồi nhanh chóng và tiếp tục tăng tới cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2011, khi giá lại giảm. Giá giảm tới năm 2014 và từ đó tới nay có dao động, nhưng về cơ bản không thay đổi nhiều.

Dù việc mở rộng trồng cây cao su nói chung biến động theo mức giá, mô thức này khác nhau tùy mỗi nước trong khu vực. Ở Campuchia, đất được chuyển đổi thành đồn điền cao su là 28.738km2 trong giai đoạn 2003 - 2014. Gần như toàn bộ (98%) diện tích cao su mới này là thay thế rừng tự nhiên. 

Ở Lào, đất được chuyển đổi thành đồn điền cao su là 7.291km2 trong cùng giai đoạn và giống như ở Campuchia, gần như toàn bộ (97%) là thay thế rừng tự nhiên. Trong các đồn điền cao su mới ở Việt Nam, 71% là thay thế rừng tự nhiên. Năm 2009, nhà nước ban hành chính sách khuyến khích sản xuất cao su, nhưng như các nước khác, việc mở rộng chậm lại sau khủng hoảng tài chính 2011.

Mô thức ở Thái Lan có khác. Giai đoạn 2003 - 2008, nhiều nông hộ nhỏ ở đông bắc Thái Lan chuyển đổi đất canh tác các giống cây trồng khác thành cây cao su.

Trong giai đoạn nghiên cứu 2003 - 2014, nông dân đã chuyển đổi 18.915km2 thành cao su, nhưng chỉ 11% trong số này là thay thế rừng tự nhiên, chủ yếu là vì ở vùng này của Thái Lan, rừng đã bị phá ở mức độ nghiêm trọng rồi. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, nông dân đông bắc Thái Lan ngưng trồng cao su và chuyển sang cây ăn trái. Ở bang Shan thuộc Myanmar, các đồn điền cao su mới là 2.866km2, 87% là thay thế rừng tự nhiên.

Việc sản xuất cao su có lịch sử lâu dài và phức tạp ở châu Xishuangbanna, Trung Quốc. Chính quyền đưa cây cao su vào đây từ đầu những năm 1980, và nhà nước trồng hơn 1/3 diện tích cao su trong châu trước năm 2003. 

Năm 1982, Trung Quốc chính thức chấm dứt chương trình hợp tác xã quy mô lớn và năm 2002, chính quyền bắt đầu trợ cấp cho nông hộ lẻ muốn trồng cao su. Ước tính 84% diện tích cao su mới ở đây là thay thế rừng tự nhiên.

Phân tích này cho thấy sự mở rộng cây cao su đi kèm với tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở tất cả các nước, trừ Thái Lan, nơi rừng vốn đã bị phá rồi. 

Việc mở rộng diện tích chậm lại trong những năm gần đây vì giá cao su thế giới giảm, nhưng điều đó không có nghĩa diện tích không trồng cao su nữa được chuyển trở lại thành rừng tự nhiên. Ở Lào, người ta trồng chuối thay thế, ở Campuchia là tiêu và điều, ở Thái Lan là cây ăn trái và ở Việt Nam là các loại rừng thứ cấp (rừng cây lấy gỗ lớn nhanh).

Nghiên cứu này cung cấp thông tin chi tiết và chính xác về thay đổi trong sử dụng đất ở Đông Nam Á hơn so với quá khứ. Tốc độ thay đổi có thể đã chậm lại, nhưng khó có khả năng là chính quyền hay nông dân sẽ chuyển đất đã khai thác trở lại thành rừng tự nhiên.

Giới khoa học cần tiến hành đánh giá thực địa cụ thể để hiểu hết những thay đổi chúng tôi đã ghi nhận ở đây và thiết kế chính sách cần thiết để tối thiểu hóa thiệt hại với môi trường.■

CHIÊU VĂN (lược dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận