TTCT - Có thể nói đấy là ngôi trường cấp II đẹp nhất tỉnh. Ba dãy lầu lợp ngói trên một gò cao giữa một cánh đồng xanh mút mắt. Cách đấy không xa là một ghềnh đá nhấp nhô hình cánh buồm. Trường như một con thuyền bồng bềnh giữa biển khơi. Phóng toTTCT - Có thể nói đấy là ngôi trường cấp II đẹp nhất tỉnh. Ba dãy lầu lợp ngói trên một gò cao giữa một cánh đồng xanh mút mắt. Cách đấy không xa là một ghềnh đá nhấp nhô hình cánh buồm. Trường như một con thuyền bồng bềnh giữa biển khơi. Điều này càng chuẩn hơn khi đào móng xây trường, người ta bắt gặp nhiều mũi neo xa xưa, mục nát. Phải mất gần một tháng, lãnh đạo mới tìm ra một hiệu trưởng tốt. Dù học vị không cao nhưng là người địa phương, lý lịch tốt, và nhất là biết nghe lời cấp trên... Có vị thuyền trưởng như Đặng Như Phong, lo gì con thuyền Vũ Bão (tên của trường) không đến bến vinh quang. Từ một giáo viên cấp I, nhảy lên nắm hiệu trưởng một trường cấp II, quả là giấc mộng vàng. Hai mươi phòng học với 20 lớp. Một văn phòng hiệu trưởng thoáng mát, sang trọng với hai chiếc quạt trần vi vút, ngồi trên chiếc ghế đệm êm ái này suốt ngày vẫn hơn nằm trên chiếc chõng ọp ẹp nơi căn nhà tôn mối mọt của mình. Chữ ký đầu tiên của tân hiệu trưởng là bản hợp đồng xây dựng trường với tổng kinh phí trên năm tỉ... Quái thật, đất trường là do hợp tác xã nông dân tặng, làm gì tiền xây một phòng học lại lên đến gần năm trăm triệu. Mà thôi, lệnh ký thì cứ ký. Bọc trong túi hai nghìn vợ phát mỗi sáng, mà ký một chữ ký bạc tỉ thế này đã là oách lắm rồi. Chữ ký lại đứng chung chữ ký của nhiều vai vế khác, khác nào một đàn kiến chung vai công kênh một chú ve sầu, có nặng cũng thành nhẹ thôi. Ngày khai giảng cũng là ngày khánh thành trường. Quan chức cấp cao hẳn về dự đông lắm, soạn một bài diễn văn hay không phải là chuyện dễ, bởi kinh phí xây trường là do nước ngoài tài trợ, công xây trường do nhà thầu lo. Chẳng lẽ báo cáo thành tích tiếp nhận trường. Thôi thì ca ngợi công đức các vị chức sắc địa phương, ca tụng các đấng sinh thành đã nhiệt tình đưa con em mình về nhập học - Ừ, mà họ không đưa về đây thì đưa về đâu nhỉ? - Nhưng chẳng sao, miễn có chuyện để ca là được. Ai ngờ những bài phát biểu khác cũng na ná như Phong, và có buổi lễ nào mà chẳng thành công tốt đẹp bao giờ. Trường mới gom học sinh từ hai trường cũ, phần thiếu giáo viên, phần sức học của học sinh quá kém và chông chênh khiến Phong khá lo. Nhất là môn tiếng Anh, thầy Quỳ tốt nghiệp cao đẳng sư phạm khoa sử địa cộng với mảnh bằng B Anh văn, cùng hai cô giáo đậu đại học mở chẳng biết có gánh nổi chương trình khá cao của 20 lớp mất căn bản ngay từ đầu này không? Chuyện trường đã thế, chuyện nhà cũng chẳng hơn. Bung gần mười lăm triệu vay mượn để quà cáp ơn nghĩa cho các sếp không phải là chuyện đùa. Bà xã cứ mỗi lần cóp vét những đồng tiền cắc để đi chợ hoặc nhìn đàn lợn lười ăn là chì chiết Phong đủ điều: "Chồng người ta làm lớn để vợ con nhờ, còn cái ngữ ông...". "Rõ là đàn bà, đi buôn mà tiếc vốn thì làm sao mà làm giàu", Phong nghĩ thế nhưng cố ngậm tăm. Tháng tới Phong lại phải ghi tên học khóa đại học tại chức theo lời đề nghị của các sếp. Nước ta đã lắm bằng, liệu cái bằng thi tại các quán nhậu kia phỏng có ích gì! Biết thế nhưng phải phấn đấu lấy mảnh bằng để dễ ăn dễ nói với đám giáo viên cấp dưới. Mỗi năm chỉ mất hơn hai tháng hè nghe các vị tiến sĩ từ thủ đô về nhồi nhét bao kiến thức vào cái đầu đông đặc này cũng chẳng chết chi ai... Cũng may, phòng vừa rót về cho trường 50 triệu để làm cổng trường và trồng cây bóng mát. Cổng trường nên làm thâm thấp vừa tiết kiệm vừa tránh được bão tố; còn bóng mát, lệnh cho học sinh đưa về trường mỗi em một cây con thì tha hồ mà trồng... Thắng lợi này đủ cho bà xã Phong trả món nợ đầu tiên. Trường còn thiếu hiệu phó và thủ quĩ, nhiều khi cũng là cái may. Còn phần giáo viên, chiêu đãi bữa nhà hàng là êm xuôi. Chỉ có con Nga mới đổi về trường là lắm chuyện nhất: "Thầy hiệu trưởng chiêu đãi bọn em thêm mười lần như thế vẫn chưa xứng nữa là"... Được cái, con nhỏ khá giỏi, phái đoàn nước ngoài từng giúp kinh phí xây trường có lần về thăm, bọn chúng nói toàn tiếng Ănglê, cả thầy Quỳ lẫn khối giáo viên Anh văn đều ngố ra. Con Nga đứng ra thông ngôn trôi chảy, cứu một bàn thua trông thấy. Phải chi con Nga không tỏ ra cứng đầu, sắp xếp nó phụ tá cho Phong thì hay biết mấy. Nhưng trên đời này ai mà dám dùng người giỏi hơn mình, đúng không?... Sau tết, phòng chi về hai mươi chiếc máy may, mười hai bộ vi tính. Phong phải trưng dụng hai phòng học mới đủ chứa, lệnh cho bác bảo vệ ngày nào cũng phải quét dọn lau chùi, phòng có cấp trên về thanh tra đột xuất. Số phòng học ít đi, thời khóa biểu cần chia lại, nhiều giáo viên không thuận tiện giờ lên lớp phản đối nhoi. Nhưng mọi việc đâu cũng vào đấy, chỉ tiếc lũ máy may bị thất nghiệp nằm chờ gỉ sét, bọn vi tính thèm có bàn tay gõ nhịp để khoe cái hiện đại của mình. Trong một cuộc họp giáo viên, Nga phát biểu: "Theo em biết, trường mình rất thiếu đồ dùng dạy học, trong khi số máy may và vi tính chưa cần đến. Vi tính thì chờ giáo viên chuyên môn, còn máy may thì để làm gì trong khi trong giáo trình không có. Em đề nghị nhà trường bán hóa giá hoặc bán trả góp cho giáo viên. Một mặt giúp đời sống thực tế cho giáo viên, một mặt trường có tiền để sắm thiết bị dạy học, tránh tình trạng học sinh học chay như lâu nay". Cả hội đồng giáo viên vỗ tay tán thành. Phong lại bàn ra: "Đồng ý lời cô Nga rất có lý, nhưng khi cấp trên làm cái gì họ cũng đắn đo cân nhắc... Nhưng dù gì tôi cũng xin chỉ thị cấp trên về đề nghị này"... Cách đấy không lâu, chỉ thị cấp trên không biết như thế nào mà toàn bộ số máy may được âm thầm bán cho một tiệm cầm đồ theo giá phế liệu. Giáo viên trong trường ai cũng thắc mắc, nhưng tế nhị chẳng ai dám nói ra. Phong còn hợp đồng với hai chuyên viên vi tính để mở lớp dạy vi tính cho học sinh cuối cấp, giúp chúng có mảnh chứng chỉ nho nhỏ tìm hai điểm bổ sung vào văn bằng tốt nghiệp cấp II. Mười máy vi tính với hơn một trăm học viên, liệu có em nào trình bày chuẩn một văn bản không nhỉ? Điều then chốt là thu được một số tiền lợi nhuận theo hệ B, còn gì hay hơn. Và cứ thế, ngôi nhà của thầy hiệu trưởng tiến từ tôn qua ngói, từ ngói sang đúc, từ thấp lên cao. Sau năm năm làm hiệu trưởng, Phong đã đi ba phần tư chặng đường đại học. Giam mình trong phòng học mỗi năm gần ba tháng hè. Ba tháng để đổi lấy một mảnh chứng chỉ đại học chẳng bõ bèn là mấy so với cả năm trời cơm cha áo mẹ chữ thầy của các thế hệ đàn anh hoặc đàn em. Nếu mớ chất xám có kém cỏi đến đâu cũng là cái danh đại học. Còn có hại cho ai thì đâu phải là phạm trù của mình. Ngoài Phong, khóa học có cả Trâm, giáo viên cùng trường, khuôn mặt trung bình nhưng thân hình nảy lửa: "Lão nhà em bở rệt. Đàn ông các anh sướng thiệt, vợ nhà không đáp ứng thì tha hồ ra ngoài. Còn bọn em lúc nào cũng thua thiệt...". "Ấy là các bà tự trói buộc mình, chứ nào ai cấm cản đâu". "Thầy dám không? Chiều nay bọn mình về sớm đi phòng ngủ". "Có khi nào mèo chê mỡ đâu". "Nhưng phải đền em một số tiết hệ B mới được". "Ừ, chiều hết"... Ngựa quen đường cũ, sau mùa hè thoải mái nơi thị xã, về lại trường, thầy hiệu trưởng và cô giáo Trâm vẫn hay đi sớm về trễ. Lời đồn đại của lũ học trò hiếu kỳ chẳng mấy người tin, nhưng hình ảnh đưa lên tivi hai ông bà hở hang tại quán karaoke do công an bắt quả tang thì khó ai chối cãi. Không biết sao mọi việc đều êm xuôi, chỉ tội cô Trâm bị đổi đi trường khác, xa hơn. Bà xã Phong chẳng vừa, suốt ngày lồng lộn chửi chồng như đỉa phải vôi. May nhờ người anh cả can ngăn: "Thím làm thế liệu có ích gì, xấu mặt chồng thì cũng ôi mặt vợ. Chi bằng tha thứ và sống êm thắm với nhau. Nếu chú Ba nó còn dại như thế nữa, anh Hai đây lấy danh dự của mình để chịu trách nhiệm với thím". Chuyện nhà dễ xử, bia miệng khó phai. Biệt danh "Thầy Hiệu Băm Lăm" cứ theo Phong suốt. Thấy hiệu trưởng buồn, thầy Quỳ đến bên: "Thầy hiệu có tin khoa phong thủy làm ảnh hưởng đến mệnh số của con người không?". Phong cười cười: "Nửa tin nửa ngờ". "Thầy có nghĩ cây me gần cổng trường là điềm chua chát đối với thầy không? Cả hàng dương xanh thẳng tắp, nhè chắn giữa một cây me ngả thế voi phục, làm sao thầy tránh được bao tai tiếng. Nếu ở địa vị thầy, tôi đã cho hạ nó từ lâu rồi". "Ừ, thì thầy coi ai đốn nó giúp tôi" - Phong quyết định sau một hồi lưỡng lự... Vài ngày sau, cây me được bán cho gã thợ làm thớt trong làng với một giá hời. Người thợ trọng tình đem hai cái thớt me đến biếu thầy hiệu trưởng và thầy Quỳ. Ngắm nghía cái thớt vàng xinh xắn, thầy Quỳ bảo: "Đầu năm mà có người tặng thớt là hên lắm đây, tha hồ bằm chém cá thịt cho cả năm". Nga đứng bên: "Bằm thịt người thì có. Cây me đang đẹp...". Hai nụ cười tắt cùng một lúc. Sau đấy không lâu, bà xã hiệu trưởng bị xe đụng gãy giò phải băng bột. Giáo viên trong trường góp tiền mua sữa bột, yến sào... cử người đi thăm. Thầy hiệu trưởng ân cần mở tủ lạnh lấy bình nước trà ướp lạnh cùng gói Ba Tơ ra tiếp. Mười lăm phút sau, vợ chồng trưởng phòng cũng đến thăm chay. Phong khúm núm rút gói 555 trong túi ra mời cùng một lon yến và một lon bia ướp lạnh nổ khui tanh tách. Nga nháy nháy các bạn đứng dậy cáo từ. Mỗi người nở một nụ cười với những ý nghĩa khác nhau. Thời gian đầu trường thiếu đủ mọi thứ, từ cơ sở vật chất đến giáo viên. Sân trường ngoài trụ cờ không một bóng cây. Bây giờ bao nhiêu ghế đá dưới những bóng râm, xác hoa phượng, hoa bằng lăng trên những vuông sân bêtông thay cho những dấu chân trâu bò vào trường gặm cỏ như ngày trước... Mỗi năm số nhân viên bổ sung về trường đông hơn. Chỉ tiếc số giáo viên có sư phạm ít hơn số giáo viên thiếu chuyên môn, nhân viên văn phòng đông hơn mức cần thiết, khó có thể bảo trường thừa hay thiếu người. Trưởng phòng vừa điện thoại bảo Phong về phòng có việc gấp. Thường thường những chỉ thị không công văn như thế này là có lợi quả lớn đây. Sự thật gần như Phong dự đoán, trưởng phòng đăm chiêu nói với Phong: "Phòng sắp điều động 30 giáo viên mới, trong đấy có hai đứa con anh. Nhưng kẹt là trường nào cũng từ đủ đến dư giáo viên. Anh khéo về động viên để đưa năm giáo viên tiếng Anh trường anh xuống bậc tiểu học, họ sẽ dạy môn phụ tiếng Anh ở đấy. Danh sách anh gởi về phòng chậm nhất là nửa tháng". Phong phân vân khi cầm bản danh sách giáo viên trường, mỗi cái tên như một quân bài. Trước đây Phong nhậm lẹ trong việc quyết định bao nhiêu thì bây giờ anh càng cẩn trọng bấy nhiêu. Thấy hiệu trưởng không vui, thầy Quỳ đến bên: "Có việc gì mà thầy ngồi thừ ra thế?". "À, chuyện chuyển năm giáo viên Anh văn đi theo lệnh của phòng. Thầy là trưởng khối tiếng Anh, thầy giúp tôi với". Không biết lão Quỳ đã nhỏ to điều gì mà Phong hơi nhăn mặt: "Làm thế có đoản lắm không?". "Không đoản làm sao hái ra tiền và giải quyết được mọi việc. Thầy không thấy thầy hiệu phó từng bán một quyển sổ điểm với giá hai trăm ngàn cho cô Quỳnh vì nước lụt vào nhà làm hư ướt quyển sổ cũ hay sao?". "Ừ nhỉ"... Vài ngày sau, cả trường chộn rộn về cái tin thuyên chuyển sắp tới. Nhiều giáo viên yếu bóng vía lo lót ban giám hiệu. Nhà hiệu trưởng Phong có thêm tivi, tủ lạnh, bếp gas, máy giặt... chưa kể nước hoa, son phấn xịn cho phu nhân. Cả bảy buổi chiều liền Phong khỏi tốn cơm nhà và Mặt trời vẫn mọc phía tây. Vào sáng thứ năm của tuần lễ kế tiếp, trọn buổi họp được dành cho việc điều động giáo viên. Phong đọc một bài diễn văn khá hoa mỹ. Để dân chủ hóa việc bình bầu người ở lại, một trăm linh năm lá phiếu cho một trăm linh năm giáo viên trong trường được quyền viết không quá bảy tên người mình thích giữ lại. Ban kiểm phiếu là thầy Quỳ và ban giám hiệu. Kết quả sẽ được công bố vào hôm sau. Một ai đó đã nói: "Cây luôn đổ về phía không vết rìu", năm giáo viên trẻ trung nhất, năng nổ nhất, chất lượng nhất dính vào danh sách chuyển xuống bậc tiểu học, trong số đấy có Nga. Ngay buổi chiều hôm ấy, trường kết hợp với công đoàn đặt nhà hàng làm một bữa tiệc chia tay. Nga, Linh và Hạnh quày quả bỏ về. Lệ và thầy Hiền thì tham dự với nét mặt đưa ma. Có người buông đũa khóc, có người xì xụp ăn uống hả hê. Sáng thứ bảy hôm sau, bốn lá đơn khiếu nại gửi phòng, lần lượt thông qua hiệu trưởng. Lá đầu tiên của Nga, Phong tiếp nhận hờ hững: "Cô có gửi đơn tới đâu cũng vô ích thôi". Lá thứ hai của Hạnh, thầy hiệu trưởng giận dữ ném đơn xuống sàn nhà: "Tôi thách cô đưa nó lên phòng xem sao". Lá thứ ba, thứ tư thầy hiệu gạt sang bên, hùng hổ bỏ đi. "Thầy có nhận hay không cũng chẳng sao, vì tất cả đều là bản sao..." - Linh cố nói vọng theo. Không ngờ hai ngày sau trưởng phòng về, trường triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Suốt buổi họp, thầy hiệu ngồi im thin thít. Kết quả, bốn cô giáo được ở lại trường cũ, riêng thầy Hiền tình nguyện ra đi. Có lần Linh đứng bên văn phòng, nghe thầy hiệu và thầy Quỳ lớn tiếng bên trong: "Cái mưu mẹo to lớn của thầy khiến tôi phải bẽ mặt trước hàng trăm giáo viên". "Nhưng sao thầy không nghĩ về những món quà trước đấy. Còn tôi được lợi cái gì khi có đứa thêm chữ "gối" sau chữ Quỳ". Từ đấy giáo viên trong trường tự động tách làm hai phe. Hội họp, tiệc tùng đều ngồi riêng hai ranh giới. Thầy hiệu trưởng trầm tĩnh hơn, nhưng nói câu nào đều như rắn mổ: "Chuyện vừa qua hãy cho về quá khứ, cấm không một ai được nhắc lại. Các cô giáo có tên trong danh sách trước đây dù gì vẫn còn nằm trong khuôn khổ nhà trường, trừ khi các cô thăng quan tiến chức trên cấp chúng tôi...". Bên dưới thầy Hòa dạy văn lén trao cho Nga mảnh giấy nhỏ: "Thoạt nhìn về đại dương, người ta tưởng chừng đấy là một thể màu xanh đồng nhất. Ai ngờ trong đấy hiện diện hai dòng nước nóng và lạnh luôn cận kề nhau nhưng không bao giờ hòa lẫn vào nhau". Nga ép tờ giấy vào tập giáo án, cô định sẽ cho học sinh dịch đoạn văn này ra tiếng Anh trong giờ bài tập. Về nhà, Phong bực mình khi nghe bà xã ca tụng cái thớt me: "Từ ngày có nó về với mình, nhà ta ăn ra làm nên ra phết". Nhìn cái thớt, Phong nhớ câu nói kháy của nhỏ Nga: "Bàn tay có hai mặt, lật sấp lật ngửa gì cũng được. Có cái một mặt mà người ta cũng lật được". Phong tự vỗ đánh đốp vào cái trán khỉ của mình, lẩm bẩm: "Và mặt nó còn dày nữa chứ".
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Bế mạc Đại lễ Vesak 2025: Việt Nam là trung tâm của Phật giáo nhập thế HOÀI PHƯƠNG 08/05/2025 Sáng 8-5, ban tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 tổ chức lễ bế mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP.HCM.
Trình Quốc hội mô hình viện kiểm sát nhân dân mới còn 3 cấp, bỏ viện kiểm sát cấp cao, cấp huyện THÀNH CHUNG 08/05/2025 Dự Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân sửa đổi trình Quốc hội đề xuất mô hình viện kiểm sát 3 cấp, trong đó bỏ Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, cấp huyện.
Vụ Xuyên Việt Oil: Viện kiểm sát đề nghị giảm 5-7 năm tù cho ông Lê Đức Thọ TUYẾT MAI 08/05/2025 Sáng 8-5, phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Xuyên Việt Oil, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan bắt đầu tranh luận. Đại diện viện kiểm sát đã đề nghị giảm án cho tất cả các bị cáo có kháng cáo.
Làn khói đen ở Nhà nguyện Sistine, chưa có Giáo hoàng mới UYÊN PHƯƠNG 08/05/2025 Sau lần bỏ phiếu bầu chọn Giáo hoàng đầu tiên, làn khói đen vừa xuất hiện tại ống khói trên nóc Nhà nguyện Sistine vào lúc 21h tối 7-5 (tức 2h sáng 8-5 theo giờ Việt Nam).