Cấm xe máy: Lắng nghe những tiếng nói âu lo

HÀ THANH - NGỌC AN 09/04/2019 01:04 GMT+7

TTCT - Chủ trương hạn chế, tiến tới cấm xe máy đang được hiện thực hóa dần dần, bắt đầu từ những tuyên bố cứng rắn của các chính quyền đô thị, dưới áp lực của tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Huy Xuyên có 5 năm chạy xe ôm trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Ảnh: Nam Trần
Ông Nguyễn Huy Xuyên có 5 năm chạy xe ôm trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Ảnh: Nam Trần

Nhưng mỗi một chủ trương cũng là một bài tính thiệt - hơn, tốt - xấu với nhiều tác động phức tạp tới từng nhóm dân cư, thậm chí từng người dân cụ thể. Tất cả cần được lắng nghe, ghi nhận, đặt lên bàn thảo luận và cân đối giải quyết hợp lý. Bài toán chi phí - lợi ích của toàn xã hội cần được bắt đầu với việc lắng nghe những nỗi âu lo không hề nhỏ của các thường dân.

Sau 30 năm phục vụ trong quân đội, ra vào đủ loại chiến trường, ông Nguyễn Huy Xuyên về hưu, nhận hơn 4 triệu đồng lương/tháng. Vợ đau ốm thường xuyên, con cái chẳng mấy khá giả, ông lấy chiếc xe máy ra đường bươn chải kiếm thêm thu nhập.

Mưu sinh đứt gánh

Vài năm gần đây, xe ôm công nghệ phát triển, ông Xuyên được con cài ứng dụng Grab vào điện thoại giúp nhưng chẳng mấy khi xài đến, khách hàng quen nên cần là gọi ông. Bước sang tuổi 63, ông nói nhờ chạy thêm mấy cuốc xe ôm, ông bớt gánh nặng cho con cái.

Mấy ngày qua, cánh xe ôm kháo nhau về chủ trương dừng hoạt động của xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030, trước mắt thí điểm trên tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi của TP Hà Nội. Đó là tuyến đường mà cánh xe ôm như ông Xuyên mưu sinh - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu chủ trương này được thực thi.

Chạy xe trên trục đường này nhiều năm, ông nhìn nhận con đường hẹp này thường xuyên quá tải, tuyến xe buýt nhanh (BRT) ít người lựa chọn và lo rằng nếu TP cấm tuyến đường này sẽ chỉ làm “phình” chỗ khác, do đó cần nghiên cứu kỹ.

Ông nói sẽ chấp nhận nếu Nhà nước có chủ trương cấm xe máy, nhưng “phải từ từ” cho người dân lao động như ông có thời gian thích nghi. Ông lo lắng cho các đồng nghiệp khác, những người ở quê đến thủ đô bươn chải, nuôi sống gia đình.

Như ông Nguyễn Văn Trịnh (55 tuổi), đồng nghiệp của ông Xuyên. Ông Trịnh đi từ huyện Ứng Hòa lên thủ đô mưu sinh từ năm 2000 chỉ với chiếc xe máy hiệu Wave. Từ đó đến nay, ông và chiếc xe gắn với trục đường Lê Văn Lương, chứng kiến rất nhiều đổi thay của con đường này.

Ông kể: “Ở quê chỉ có hơn 5 sào ruộng, cực chẳng đã mới lên TP một mình”. Có ngày ông kiếm được gần 500.000 đồng, cũng có hôm chẳng được đồng nào. Mỗi tháng, nếu không đau ốm gì, ông tằn tiện chi tiêu, dành dụm được 5 triệu đồng gửi về nhà. Mấy đứa con ông hết lớp 8, lớp 9 là nghỉ học đi làm thuê, lái máy xúc thuê phụ giúp gia đình.

Đi lại bằng gì ?

Với tấm bằng sư phạm ở Trường ĐH Vinh (Nghệ An), chị Nguyễn Thị Thúy (23 tuổi) ra thủ đô xin việc, được nhận vào một trường THCS tại Hà Nội. Chiếc xe Wave chị mang ra TP là tài sản giá trị nhất mà người cha chắt bóp cho con gái có phương tiện đi lại.

Với mức lương dạy hợp đồng chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, Thúy ở tạm chỗ trọ của chị gái để tiết giảm chi phí thuê nhà, từ đó tới trường mất gần 10km. Hằng ngày chị đều đi qua tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, cách nhanh nhất để đến trường và tiết kiệm tiền xăng.

“Mấy ngày nay đọc tin tức trên báo đài nói cấm tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi tôi lo lắm. Nếu cấm, tôi sẽ đi đường nào, đi bằng gì? Chọn xe buýt thì phải mất 2 tuyến xe buýt và đi bộ một quãng xa mới đến được trường. Nhà thì xa, giờ vào dạy học sớm, đi xe buýt sợ muộn tiết dạy đầu giờ mất” - chị nói.

Mong chờ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức chạy vận hành, chị Lan - nhà ở bến xe Hà Đông cũ, nơi có tuyến đường sắt đi qua - cho biết chị dự định chuyển đổi phương tiện đi làm là xe máy sang phương tiện công cộng. Theo chị, đường Trần Phú - Nguyễn Trãi là tuyến tập trung nhiều khu dân cư mới, nơi có nhiều nhà chung cư, mật độ dân số gia tăng nhanh chóng những năm gần đây nên việc đi lại thường xuyên gặp tình trạng tắc đường.

Đây cũng là một trong những tuyến phố chính đi vào trung tâm TP, nối với đường Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng và Tôn Đức Thắng... nên có nhiều phương tiện giao thông tham gia để đi vào các cơ quan, công sở, văn phòng tập trung ở trung tâm. Do đó, việc có một tuyến giao thông công cộng như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông cho khu vực này khi người dân sử dụng các phương tiện công cộng tăng lên, hạn chế xe cá nhân.

Mặc dù cơ quan không nằm trên tuyến đường nơi có đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi qua, song chị Linh dự định gửi xe máy ở điểm cuối. Để đi từ khu vực Hà Đông vào trung tâm TP giờ cao điểm sẽ phải mất từ 45 phút đến 1 giờ, nếu đi bằng phương tiện công cộng có thể giúp giảm một nửa hoặc 1/3 thời gian.

“Tuy nhiên, tuyến metro phù hợp chủ yếu cho những đối tượng như công nhân viên, cán bộ làm văn phòng hoặc sinh viên có địa chỉ làm việc cố định ở gần khu vực có tuyến đường sắt đi qua. Với những trường hợp yêu cầu phải sử dụng phương tiện cá nhân hoặc nhu cầu đi lại cách xa khu vực có tuyến đường sắt đi qua sẽ không phù hợp nếu cấm phương tiện cá nhân” - chị nói.

Người dân Hà Nội lưu thông trên đường Lê Văn Lương trong giờ cao điểm. Ảnh: Nam Trần
Người dân Hà Nội lưu thông trên đường Lê Văn Lương trong giờ cao điểm. Ảnh: Nam Trần

Bán buôn lo lắng 

Chị Liên - sống tại Thanh Trì, người kinh doanh hải sản trên Facebook - cho biết khách hàng của chị ở khắp các quận nội, ngoại thành Hà Nội. Hàng hải sản là đồ thực phẩm tươi sống nên để đảm bảo chất lượng tới tay khách, khi vận chuyển phải thực hiện trong thời gian nhanh nhất.

“Hàng được đưa đến cho các khách lẻ và cả khách mua buôn ở khắp nội ngoại thành Hà Nội, vì là hàng thực phẩm nên phải giao đúng giờ, bảo quản tốt và đều sử dụng phương tiện đi lại là xe cá nhân. Nếu cấm đường trên các tuyến phố có metro đi qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, buôn bán nhỏ của chúng tôi” - chị cho hay.

Một công ty giao hàng nhanh có trụ sở tại tuyến phố Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân) cho biết có đến 60% lượng hàng hóa vận chuyển của công ty đến từ các điểm giao tại khu vực Hà Đông và Thanh Xuân. Những người giao hàng của công ty đều di chuyển bằng xe cá nhân, đưa hàng tập kết về các kho và sau đó mới chuyển phát đến người nhận ở Hà Nội và các tỉnh, thành. Nếu cấm phương tiện cá nhân sẽ khiến doanh thu giảm mạnh và hơn 50 lao động (shipper) của công ty có thể bị mất việc làm.

Chị Mai, nhà tại tuyến phố Lê Văn Lương, cho biết có thời gian chị đã đi làm bằng BRT. Việc đi xe công cộng có nhiều ưu điểm như giảm áp lực cho người tham gia giao thông, đặc biệt ở những tuyến hay bị tắc đường, thời gian nhanh hơn và hạn chế được tai nạn giao thông, nhưng sau một thời gian chị phải cân nhắc lại vì để đến được các bến BRT phải đi bộ khá xa và không tìm được đường riêng cho người đi bộ, bởi hầu hết vỉa hè đã bị chiếm dụng.■

Ông Nguyễn Hồng Hà (52 tuổi, Hà Nội):

Hà Nội có rất nhiều đường để đi, không đi đường này có thể dân sẽ tìm đường khác bởi người dân VN đi xe máy, xe đạp khá cơ động. Xe buýt chỉ phù hợp cho đối tượng sinh viên, người đi làm cố định. Tôi mong TP tính đến phương án cơ sở hạ tầng thế nào, sau đó tính đến chuyện hạn chế xe cá nhân.

Đã nghiên cứu nơi thành công và nơi thất bại

Theo đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” của Hà Nội, các đơn vị tham gia nghiên cứu đã tìm hiểu kinh nghiệm về phân vùng hoạt động của TP Quảng Châu (Trung Quốc) thành công trong việc hạn chế xe máy vào năm 2007 song song với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời cũng nghiên cứu TP Yangon (Myanmar) với bài học thất bại trong việc hạn chế hoạt động xe máy, khi chính quyền TP chưa chuẩn bị sẵn các phương tiện giao thông thay thế để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đề án cho rằng việc hạn chế xe máy sẽ ảnh hưởng đến thói quen đi lại và văn hóa giao thông của người dân đô thị. Nhưng mặt tích cực là tình trạng ùn tắc giao thông sẽ được giảm dần, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, giảm thời gian đi lại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận