Cẩn trọng với thuốc kháng đông

(N.T.HẢO, GÒ VẤP, TP.HCM) 25/11/2011 16:11 GMT+7

TTCT - Mẹ tôi bị té gãy chân, bác sĩ đã chỉ định mổ nhưng sau đó lại lùi ngày, nói là do đang dùng thuốc kháng đông. Xin bác sĩ cho biết thuốc này và việc mổ có liên quan gì?

Phóng to
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân phải cung cấp thông tin đầy đủ về thuốc đang uống cho bác sĩ biết -T.T.D.

Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh tim mạch và dùng thuốc kháng đông nhưng không biết phải báo cho bác sĩ nên một số ca mổ phải hoãn lại.

Dùng thuốc làm máu loãng

Gần đây nhất có trường hợp bị té, bệnh nhân không đi lại được, người nhà cứ tưởng chưa đi được là do đau. Một tuần sau bệnh nhân vẫn không đi được, khớp háng sưng lên nên đưa vào khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Khi khám và chụp hình, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi và có chỉ định thay khớp háng. Khi khảo sát lại tiền sử dùng thuốc, bác sĩ phát hiện bà cụ bị bệnh lý bệnh mạch vành và đang được dùng thuốc kháng đông Lovenox. Mặc dù có chỉ định mổ thay khớp sớm để giúp bệnh nhân đi lại và tránh loét nhưng các bác sĩ đành phải chờ một tuần để tác dụng kháng đông của Lovenox hết.

Hiện nay số người cao tuổi ngày càng nhiều, điều đáng lưu ý là số người lớn tuổi này gần như luôn có kèm bệnh lý tim mạch. Trong số các thuốc tim mạch họ dùng có một loại mà các bác sĩ hay giải thích là làm cho máu loãng để khỏi tắc mạch. Đây chính là các loại thuốc kháng đông có tác dụng chống lại việc hình thành các cục máu đông có nguy cơ làm tắc nghẽn mạch vành nuôi cơ tim. Việc dùng thuốc này đã được hướng dẫn cụ thể trong các bảng hướng dẫn điều trị về bệnh tim mạch. Tuy nhiên, người bệnh thường vì không chú ý hay không được hướng dẫn đầy đủ nên chỉ biết mình đang uống thuốc tim mà không biết thuốc có tác dụng gì. Thuốc kháng đông làm cho máu khó đông nên khi tiến hành các thủ thuật hay phẫu thuật sẽ rất nguy hiểm vì bệnh nhân sẽ có nguy cơ chảy máu. Phẫu thuật càng lớn nguy cơ chảy máu càng nhiều.

Người già lại hay có các vấn đề răng miệng, chấn thương vì dễ té gãy xương. Khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân và người nhà hiếm khi mang hết các loại thuốc hay toa thuốc theo để khai cho bác sĩ biết. Mặt khác, một số bác sĩ ngoại khoa thường lại không chú ý đến tiền căn dùng thuốc kháng đông của bệnh nhân. Và chúng ta sẽ thấy sự nguy hiểm như thế nào nếu bệnh nhân được phẫu thuật mà không được dừng thuốc kháng đông trước đó.

Những câu hỏi cần thiết

Hiện có nhiều loại thuốc kháng đông đang được dùng trên thị trường như Lovenox, Sintrom, Plavix, Aspirine... Do vậy những bệnh nhân đang được điều trị bệnh lý tim mạch nên hỏi rõ bác sĩ tim mạch của mình xem mình có đang dùng thuốc kháng đông hay không. Nếu đang dùng thuốc kháng đông thì câu hỏi kế tiếp là giả sử tôi phải đi mổ thì cần ngưng thuốc kháng đông trước khi mổ bao lâu? Bao lâu sau mổ có thể dùng lại thuốc kháng đông? Và nếu bệnh nhân đang dùng thuốc tim mạch mà không có thông tin về thuốc kháng đông mình đang dùng thì trước khi mổ cần báo cho bác sĩ về các loại thuốc tim mạch mình đang dùng bằng cách mang theo toa thuốc hay vỏ thuốc đã dùng.

Không chỉ có nguy cơ chảy máu khi mổ, người bệnh dùng thuốc kháng đông còn có thể bị chảy máu tự nhiên do quá liều thuốc. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng việc dùng thuốc cũng như việc xét nghiệm chức năng đông máu để đảm bảo hạn chế các biến chứng do nguy cơ dùng thuốc kháng đông gây ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận