Cây cao su vẫn là nguồn thu đáng kể của nông dân

QUỐC NAM 28/10/2020 06:10 GMT+7

Người dân Quảng Trị đều biết rõ những rủi ro khi đầu tư trồng cây cao su. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mạnh tay đổ tiền, một phần vì đã “lỡ” đầu tư, nhưng một phần quan trọng là vì không có cây nào khác hiệu quả hơn.

Với mức giá hiện tại, cây cao su không thể giúp người nông dân làm giàu, nhưng vẫn đủ để nhiều người đảm bảo cuộc sống hằng ngày khi không có bão.

Anh Trần Văn Chung, trú xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, mấy năm nay sống dựa vào 2ha cao su trồng ở thửa đất bên cạnh nhà. Công việc của anh mỗi ngày chỉ khoảng vài tiếng, từ rạng sáng đến lúc mặt trời lên để cạo và gom mủ. Với diện tích cao su hiện có, mỗi ngày anh kiếm được 300.000-500.000 đồng trừ chi phí. 

Mỗi tháng bình quân đi cạo mủ được 15 ngày, tức anh có thu nhập từ vườn cao su khoảng 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Anh nói số tiền này không thể giúp anh làm giàu như thời hoàng kim của cây cao su, nhưng cũng đủ để anh nuôi vợ con. Đa số những gia đình khác ở vùng này cũng đang sống nhờ cao su như thế. “Trước đây giá cao su đến hơn 50.000 đồng/kg mủ thì dân đua nhau trồng để làm giàu. 

Vài năm lại đây giá cao su xuống chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg mủ nên chỉ còn đủ đảm bảo cuộc sống mức bình thường. Nhưng may nhờ có cao su, nếu không ở vùng quê này cũng không biết trồng cây gì để có số tiền ấy”, anh Chung bộc bạch.

 

 Ảnh: Economic Times

Xã Cam Chính thuộc vùng Cùa, là vùng đất đỏ bazan được coi là rất hợp với cây cao su. Người dân vùng này khoảng chục năm về trước cuộc sống vô cùng chật vật. Cho đến khi cây cao su xuất hiện. Điều may mắn của vùng này là nhờ địa hình như một lòng chảo nên bao nhiêu cơn bão đi qua đều rất ít khi ảnh hưởng đến cây trồng. 

Người dân nơi đây đã có một cuộc chuyển mình rầm rộ từ cây tiêu, cây nghệ qua trồng cây cao su. Ông Ngô Quang Chiến, bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, kể suốt nhiều năm trời cây cao su đã giúp hồi sinh vùng Cùa. Người dân ở đây chuyển đổi đúng giai đoạn giá mủ cao su còn ở mức khá cao nên thu được hiệu quả kinh tế tốt. 

“Giai đoạn đó nhiều gia đình trồng 2ha cao su mỗi tháng cũng thu được trên 20 triệu đồng. Nên nói cây cao su làm thay đổi bộ mặt của vùng Cùa cũng là hợp lý. Nếu không có cây cao su thì nhiều gia đình ở vùng này đến nay chưa chắc đã thoát khỏi khó khăn”, ông Chiến chia sẻ.

Sau khi thử nghiệm có hiệu quả ở vùng Cùa, cây cao su được nhân rộng ra nhiều vùng khác của huyện Cam Lộ. Hàng trăm hecta cao su đã xuất hiện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông, hay dọc các tuyến tỉnh lộ. 

Cam Lộ là vùng cách khá xa biển nên những trận bão đi qua những năm 2013, 2016, 2017, diện tích cây cao su bị hư hại cũng ít hơn những vùng ven biển. Hiện tại hàng ngàn gia đình ở Cam Lộ vẫn đang sống nhờ cây cao su. “Dù giá mủ cao su đã giảm nhiều, nhưng vẫn là nguồn thu nhập chủ lực của người nông dân, nên họ không bỏ”, ông Chiến nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận