“Cha dạy tôi không được phê bình nhà vua”

CHIÊU VĂN 24/11/2020 22:59 GMT+7

Những lời của Danai, 19 tuổi, sinh viên luật sống ở Bangkok và là người tham gia những cuộc biểu tình thu hút hàng chục nghìn người đòi cải cách dân chủ ở Thái Lan mấy tháng qua, tổng kết tình thế hiện giờ: đó không chỉ là một cuộc đấu tranh chính trị.

“Cha tôi dạy tôi không được phê bình nhà vua, vì làm vậy là tội lỗi, là một điều cấm kỵ”, Danai kể với BBC. Cha anh là một người thế hệ đi trước điển hình của Thái Lan: doanh nhân Pakorn lịch duyệt và thuộc tầng lớp trên trong xã hội. Dù sống cùng nhà, họ có quan điểm khác nhau về hoàng gia Thái, và gia đình Danai không phải là hiếm ở Thái Lan. Những bất đồng về định chế trước giờ vẫn được coi là thiêng liêng ở quốc gia Đông Nam Á này đang lan từ nhà xuống phố, từ thành thị về nông thôn và ra khắp cả nước.

Sinh viên Thái Lan xuống đường. Ảnh: NY Times

Về phần Danai, anh bắt đầu thách thức quan điểm truyền thống trong gia đình về hoàng gia từ khi 17 tuổi. “Tôi và cha đi xem phim, trước khi bộ phim bắt đầu, người ta phát bài tôn vinh hoàng gia như thường lệ, mọi người đều đứng lên để tỏ lòng tôn kính nhà vua. Tôi thì không. Cha bắt tôi đứng, nhưng tôi không chịu. Chỉ khi cả rạp quay lại nhìn, cuối cùng tôi mới đứng lên”. Không chịu đứng khi cử nhạc chính thức của hoàng gia (là quốc ca Thái Lan cho tới năm 1932) từng là bất hợp pháp ở nước này cho tới năm 2010, và trong mắt nhiều người, hành động đó vẫn thể hiện sự bất kính.

Ngay từ nhỏ, người Thái đã được dạy phải sùng kính nhà vua, và cả sợ hãi luật khi quân còn rất hà khắc ở nước này. Thái Lan là một trong số hiếm hoi những quốc gia mà việc chỉ trích nhà vua, hoàng hậu hay người kế vị ngai vàng vẫn là tội hình sự, với mức án tối đa có thể lên tới 15 năm tù.

Nhưng suốt mùa hè vừa rồi, hàng nghìn sinh viên đại học Thái Lan đã xuống đường đòi cải cách chế độ quân chủ, bất chấp tình trạng khẩn cấp đã được ban bố, các phương tiện công cộng cũng bị hạn chế, và chính quyền đã bắt giữ nhiều thủ lĩnh biểu tình. Những người trẻ đang đòi hạn chế bớt quyền lực và cả tài sản của nhà vua và hoàng tộc, trong bối cảnh xung đột thế hệ dẫn tới những cảnh tượng khó thể hình dung mới vài năm trước thôi, như khi đoàn xe chở hoàng hậu Suthida bị người biểu tình cản đường ngay bên ngoài trụ sở chính phủ hôm 14-10.

Tình hình thay đổi từ khi vị quân chủ mới, vua Maha Vajiralongkorn, lên kế vị ngai vàng của vua cha Bhumibol Aduladej vào năm 2016. Tân vương hiếm khi xuất hiện trước công chúng, dành rất nhiều thời gian ở Đức - và chủ yếu sống ở đó kể từ khi dịch virus corona bùng phát, tới mức có nguy cơ gây ra căng thẳng ngoại giao. Tuần trước, báo chí Đức nói Berlin có thể cân nhắc tuyên bố nhà vua Thái Lan là “đối tượng không được chào đón” và không muốn ông “cai trị Thái Lan từ lãnh thổ Đức”.

Nhiều nghi kỵ cũng đã xuất hiện khi nhà vua quyết định đích thân nắm quyền tư lệnh mọi đơn vị quân đội đóng ở Bangkok - sự tập trung quyền lực quân sự trong tay hoàng gia chỉ có ở thời Thái Lan còn là một vương quốc quân chủ tập quyền. Đời sống cá nhân của ông cũng gây lắm điều tiếng: ly dị ba lần và kết hôn lần thứ tư vào năm 2019. Đấu tranh chính trị ở Thái Lan vốn là “đến hẹn lại lên” trong suốt lịch sử hiện đại nước này, nhưng đây là lần đầu tiên vai trò hoàng gia bị đặt dấu hỏi.

Mục tiêu mới, phương tiện mới

Akanit Horatanakun, nghiên cứu sinh tiến sĩ về so sánh tổ chức xã hội của Thái Lan với Đài Loan tại Đại học McGill, tin rằng phong trào đang diễn ra, trong khi mới mẻ về mục tiêu và phương tiện, có tính kế thừa về mặt lý tưởng và hành động: “Lý tưởng chính trị của họ có tính cách mạng… những di sản [của phong trào sinh viên ở Đại học Thammasat] khiến các sinh viên này có thể tưởng tượng họ cũng thuộc về một dòng chảy lịch sử, thừa kế những mục tiêu cách mạng và lý tưởng chung xuyên thời gian”. Akanit đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số, đặc biệt là Twitter, vốn cho phép “những ý tưởng cách mạng có thể được bày tỏ trong các chế độ toàn trị”. Ý tưởng cách mạng đấy, theo Akanit, là “lần đầu tiên trong lịch sử đương đại Thái Lan, quần chúng tuyên bố quốc gia thuộc về những công dân tự do và bình đẳng như nhau”.

Để đạt được điều đó, giới tranh đấu trẻ đang sử dụng nhiều chiến thuật từng được vận dụng ở Hong Kong. Cảnh tượng những người biểu tình Bangkok giương cao dù bảo vệ mình trước hơi cay thứ sáu tuần trước, 23-10, giống đáng kinh ngạc với những gì diễn ra ở Hong Kong năm ngoái. Từ mạng xã hội, nón bảo hiểm, mặt nạ phòng độc, tới những buổi tụ tập nhảy flashmob và ra tín hiệu bằng tay, các sinh viên Thái Lan đang sao chép rất nhiều “bài học” từ Hong Kong.

Trước hết, tần suất sử dụng ứng dụng nhắn tin bảo mật cao Telegram tăng mạnh mấy ngày qua ở Thái Lan, sau khi chính quyền cấm tụ tập quá bốn người vì lý do chính trị từ tuần trước. Nhóm trên Telegram do Free Youth - một tổ chức then chốt trong các cuộc biểu tình - đã nhanh chóng đạt số người đăng ký tối đa 200.000 không lâu sau khi ra mắt. Nhà chức trách đáp lại bằng cách ra lệnh cho các hãng cung cấp dịch vụ Internet chặn ứng dụng này. Trên mạng xã hội, tương tác cũng mang ý nghĩa khác hẳn. Hôm thứ hai, 26-10, trang Facebook của Free Youth nhắn cho những người ủng hộ rằng nếu họ muốn tạm ngừng biểu tình thì chọn biểu tượng cảm xúc “quan tâm”, còn nếu muốn xuống đường thì dùng biểu tượng “wow”. Cuộc bỏ phiếu kết thúc bằng việc biểu tình sẽ tiếp tục.

Về mặt tổ chức, những người biểu tình đang “phân tán hết mức có thể, để những vị trí lãnh đạo trống và luôn có thể thay thế” - Aim Sinpeng, nhà khoa học chính trị tại Đại học Sydney, nói với BBC. Từ cách tổ chức đó, dấu thăng “#everybodyisaleader” (ai cũng là lãnh đạo) trở thành xu hướng trên mạng xã hội mấy ngày qua.

Trên đường phố là cả một hệ ngôn ngữ mới. Hai bàn tay tạo hình tam giác để trên đầu nghĩa là “tôi cần nón bảo hiểm”, bắt chéo hai ngón tay: “có người bị thương”, huơ ngón trỏ ngược chiều kim đồng hồ: “giải tán”, và tất nhiên là dấu hiệu nổi tiếng nhất, ba ngón tay giữa chập lại giơ cao: “tôi phản đối”. Do loa phóng thanh bị tịch thu, người biểu tình nghĩ ra cách truyền tin kiểu “bầy đàn tự nhiên”: nếu có người hét “vòi rồng đang tới” thì tất cả những ai nghe được sẽ hét lên những lời đó, để trong vòng hai phút, tất cả đều nhận được tin tức.

Không có chỗ cho người trẻ?

Làn sóng biểu tình mới của Thái Lan bắt đầu vào tháng 2 sau khi đảng đối lập được nhiều người trẻ ủng hộ Tự do tiến bước (FFP) bị giải tán. Tháng 3-2019, những cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra kể từ khi quân đội nắm quyền năm 2014 (FFP về thứ ba với hơn 6 triệu phiếu phổ thông). Với nhiều người trẻ lần đầu tiên đi bỏ phiếu, đó là một cơ hội thay đổi, nhưng quân đội đã tiếp tục nắm quyền và thủ lĩnh quân sự của cuộc đảo chính, tướng Prayuth Chan-ocha, tiếp tục làm thủ tướng.

 

 Thủ tướng và nhà vua Thái Lan. Ảnh: The Australian

Thành lập năm 2018 với thủ lĩnh mới 41 tuổi Thanathorn Juangroongruangkit, FFP theo đuổi nghị trình cải cách quyết liệt khác biệt với các đảng phái truyền thống trong nền chính trị Thái Lan, bao gồm phi quân sự hóa nền chính trị, giảm trừ lực lượng vũ trang và ngân sách quốc phòng - những mối đe dọa trực tiếp với quyền lực quân đội rất mạnh ở Thái Lan.

Bất chấp những nỗ lực nhọc nhằn đã gần một thế kỷ, giới tinh hoa Thái Lan chưa bao giờ thực sự xây dựng một quy trình bầu cử dân chủ và khả tín. Những khi kết quả lá phiếu không như ý họ, các kịch bản đảo chính quân sự và biểu tình rầm rộ sẽ diễn ra để chuyển ưu thế vào lại tay giới cầm quyền lâu năm. Đã có 12 cuộc đảo chính nổ ra từ năm 1932 và vô số lần viết lại hiến pháp để đảm bảo các đảng chính trị mới nổi không đe dọa được giới cầm quyền lâu năm.

“Tất cả những điều đó cho thấy không có một nền chính trị dành cho người trẻ, mà tiếp tục là nơi ngự trị của những người lắm quan hệ và các viên tướng lâu năm - giáo sư Pavin Chachavalpongpun của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto, viết trên Nikkei - Sự chia rẽ thế hệ chưa bao giờ rõ ràng hơn ở Thái Lan, và nó cản trở cuộc chuyển giao chính trị có trật tự… Hiện giờ, lớp già vẫn kiểm soát nền chính trị, nhưng đòi hỏi của thế hệ mới là hoàn toàn hợp lý. Đòi hỏi đó phải được giải quyết qua một hệ thống chính trị chính thức thực sự phục vụ cho lợi ích của mọi người dân”. ■

Bàn tay phương Tây?

Báo Trung Quốc Global Times ngày 21-10 có bài viết tựa đề “Việc chi tiền hậu trường cho các cuộc biểu tình Thái Lan cho thấy bàn tay vô hình của phương Tây”, trong đó chỉ ra 4 điểm làm bằng chứng, và nhấn mạnh những điểm này giống với “cuộc hỗn loạn ở Hong Kong năm 2019”: biểu tình tập trung chủ yếu là người trẻ, được tổ chức và trang bị tốt, các mô thức ở Hong Kong lặp lại ở Bangkok, và sự xuất hiện của những nhân vật phương Tây bí ẩn. Tờ báo cũng nhắc việc lãnh đạo sinh viên Hong Kong Joshua Wong từng công khai ủng hộ lực lượng sinh viên Thái Lan. “Tất cả những điều này khớp với kiểu hành động xưa nay của Mỹ. Mỹ đã thao túng các cuộc cách mạng màu ở Liên Xô cũ, Trung Đông, ở các nước và khu vực khác với ý đồ chính trị, khiến nhiều quốc gia rơi vào hỗn loạn, đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới - Global Times viết - Không rõ thế hệ trẻ Thái Lan, hiện đang làm quân xanh và bình phong cho Hoa Kỳ, có thực sự hiểu rằng một cuộc cách mạng màu chẳng những không có gì đẹp đẽ, mà cũng không hề hòa bình như vẫn được tô vẽ hay không”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận