Cha mẹ và con cái trong đại dịch: Quá gần nhau cũng có cái khó

T.L. 08/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Đại dịch “cho” bố mẹ được ở bên con cả ngày. Đi qua những ngày ấy hóa ra không hề dễ.

 
 

 Người làm bố mẹ thể nào cũng trải qua ít nhất một lần thẫn thờ khi nhìn đứa con đã lớn tướng của mình, lòng ân hận sao lúc nó bé lại không ở gần nó nhiều hơn; hồi ấy nó thế nào ấy nhỉ mà giờ mình chỉ còn nhớ lờ mờ...

Khi con còn bé, bố mẹ thường là đang đi làm, rất bận. Nhiều bố mẹ chỉ về lúc con đã ngủ và thức dậy thì cô giúp việc đã cho con đi học. Ở nhiều gia đình, cô giúp việc là người gần gũi nhất với đứa trẻ: quần áo nó mặc là theo gu của cô, phát âm của nó có khi mang hơi thở địa phương cô. Cả gia đình biết ơn cô giúp việc, nhất là giai đoạn đứa bé đi thì chưa vững, chạy lảo đảo mà thoắt một cái đã đến trước ổ điện hoặc mõm chó...

Thế rồi đứa trẻ ấy ngày càng lớn và có phần xa cách, bố mẹ bỗng mong được ở gần con nhiều hơn, sợ nó tuột mất khỏi tay mình. Trở ngại lớn nhất vẫn là thời gian. Bố mẹ vẫn không sao thu xếp đủ thời gian cho con y như hồi nó còn bé. Cái quan hệ ấy cho đến trước khi có đại dịch COVID-19 vẫn là một thứ lệch pha, một kiểu cút bắt: khi con sẵn sàng thì bố mẹ bận; khi bố mẹ sẵn sàng thì con không có thời giờ...

Đại dịch đến, bố mẹ và con cái bỗng về sống với nhau cả ngày lẫn đêm trong một nhà. Những tưởng đây sẽ là một dịp để sửa chữa lại sự lệch pha kia, cho bố mẹ “tìm lại thời gian đã mất”, gần con hơn, yêu con hơn, nhưng hóa ra mọi việc không dễ dàng như vậy.

BỐN CÁI NGỠ NGÀNG

Nhớ lại năm ngoái, khi trẻ con bắt đầu nghỉ ở nhà và học trực tuyến giữa lúc bố mẹ vẫn đi làm, giao cho con cái máy tính rồi mà bố mẹ lòng không yên, chỉ muốn lao về nhà xem con có học không hay nó lại chơi game và xem “linh tinh” trên máy; nhiều bà mẹ ước gì mình được làm ở nhà để có thể kè kè bên con...

“Ước mơ” ngỡ như xa xỉ đó đã thành hiện thực - dù là một hiện thực bất đắc dĩ và buồn - ngay khi đến lượt bố mẹ cũng phải ở nhà và làm việc từ xa. 24/24 bố thấy mẹ, mẹ thấy bố, bố mẹ thấy con, con thấy bố mẹ; nhiều người ngỡ ngàng, sống ngay trong nhà mình đấy mà như về nhà mới: đây là lần đầu tiên họ hiểu ra cuộc sống gia đình mình thực sự là thế nào.

Tạm gạt qua những trường hợp cá biệt và kinh khủng như có một ông bố nát rượu, một đứa con nghiện hút, có thể nói các gia đình bình thường đều ít nhiều trải qua ít nhất một trong bốn khó khăn sau trong những ngày giãn cách triệt để:

1. Chiếm không gian 

Trước dịch, “gia đình” có khi chỉ đơn giản là một bữa cơm chung, một mái nhà chung để tối về tắm rửa và ngủ. Không gian của mỗi người cũng rất giản dị và rõ ràng: bố xem truyền hình 30 phút ở phòng khách rồi lên lầu, mẹ chiếm cứ khu nhà bếp và nhà tắm, các con từ trường về là chui vào phòng đóng cửa... Không ai thắc mắc nhiều về ai vì ai cũng còn một ngày mai để sống với người ngoài. Gia đình là pháo đài, là nơi nghỉ ngơi, trú ẩn...

Giờ thì giãn cách, bố ngồi chán cả ngày ở phòng khách thì cũng quần đảo hành lang mà xem xét và bắt bẻ. Mẹ cả ngày trong bếp chán cũng lên phòng khách xem tivi và điện thoại oang oang. Cả bố và mẹ không thấy các con đâu, bỗng sợ gia đình mình lung lay tận gốc, thắc mắc con nó làm gì cứ ở mãi trong phòng và bắt chúng phải ra trình diện.

Ngay cả với những gia đình có không gian rộng, sự xuất hiện của một thành viên ở những nơi thường ra không xuất hiện lâu đến thế cũng khiến thành viên khác “ngứa mắt”. Con ngột ngạt với việc bố có mặt cả ngày ở nhà và ngược lại. Chưa kể, nhà trở thành văn phòng chung với bố mẹ là hai nhân vật thuộc hai công ty khác hẳn nhau. Không gian của mọi người chồng chéo nhau vì âm thanh: bố và mẹ họp online, điện thoại, tin nhắn..., con học trực tuyến, nghe nhạc và chơi game.

Với những gia đình nhà chật mà đông, tình trạng này càng khó chịu, khi có những thành viên vốn sống ngoài đường là chủ yếu, mỗi tối chỉ về có vài tiếng và chiếm không gian đúng một khoanh giường ngủ, nay lừng lững suốt ngày trong nhà.

Giải pháp:

- Ngầm phân chia lại khu vực chủ đạo của từng người, thí dụ nhà bếp là nơi để mẹ điện thoại mắng nhân viên, phòng ngủ là nơi để bố họp online bàn công việc, phòng khách là chỗ để con cái học trực tuyến. Cố gắng không xâm lấn không gian của nhau.

- Ranh giới không gian phải tính cả âm thanh: không ai nói điện thoại quá to và ai nghe nhạc xem phim đều phải dùng tai nghe.

- Trẻ con không được ở lì trong phòng và khóa trái cửa. Với trẻ nhất quyết không tuân theo quy tắc này, hãy gỡ bỏ cánh cửa phòng.

2. Mất thời gian cho ăn uống 

Xã hội giãn cách, con không còn đến trường bán trú, mẹ phải nấu cho cả nhà ba bữa một ngày. Tiền cần tiết kiệm và hàng quán đã đóng nên bữa sáng không thể là gói xôi, ổ bánh mì mua trên đường đi làm. Với nhiều bà mẹ, giãn cách là dịp để học lại việc nấu ăn lâu nay vốn ít làm, cảm giác như khám phá lại một bản thân đa năng và nữ tính... Tuy nhiên, những hào hứng ban đầu ấy dần nguội bớt. Vừa xong bữa này thoắt đã phải chuẩn bị cho bữa kế tiếp; bữa ăn có đàn ông không thể làm sơ sài, và không phải bữa nào cũng làm cả nhà hài lòng... Người nấu ăn bứt rứt và cảm giác bị đối xử bất công khi thấy chồng và con ôm máy còn thời gian của mình nát vụn.

Giải pháp:

- Tránh nấu ăn cầu kỳ. Trong ba bữa của một ngày nên có hai bữa là ăn giản dị.

- Không nấu ăn một mình. Một nghiên cứu đăng trên Cambridge University Press hồi tháng 5-2021 cho thấy khi bố mẹ “bắt” trẻ con cùng nấu thì chất lượng bữa ăn sẽ tốt hơn, cả bố mẹ lẫn con cái ăn nhiều rau trái hơn, do bố mẹ nào cũng muốn tỏ ra gương mẫu, lành mạnh trong ăn uống.

- Tranh thủ lúc nấu ăn cùng nhau để dạy con kỹ năng sống thiết yếu: tự nấu những bữa đơn giản, phối hợp nhịp nhàng khi làm việc, tiết kiệm thực phẩm, giữ vệ sinh bếp.

3. Chịu đựng tính cách của nhau

Trước dịch, thời gian mọi người ở cùng nhau thật sự không nhiều. Bố mẹ không biết rõ về con (và ngược lại). Sự lắm lời của bố chỉ thể hiện ở cơ quan, thói nhiều chuyện của mẹ cũng chỉ bộc lộ ở công ty... Nay qua làm việc trực tuyến, con cái mới thấy bố mẹ mình cư xử ra sao trong xã hội, và không ít đứa con bất ngờ và thất vọng vì thấy “các cụ” hóa ra là những con người rất khác.

Cũng thế, có ở cạnh suốt một thời gian dài, nhiều bố mẹ mới thực sự “biết” con mình là ai: hóa ra nó trưởng thành hơn mình nghĩ, hoặc ngược lại, tào lao và hư hỏng hơn mình tưởng. Ở cùng một đứa con đang tuổi thiếu niên tâm tính thất thường và chỉ biết có mình đôi khi khiến bố mẹ phun ra những câu ác miệng “để đời”. Va chạm là chuyện không tránh khỏi. Những trận mắng mỏ, cãi nhau mà sau đó lại không thể phóng ra đường để tránh nhìn mặt nhau khiến cho không khí trong nhà thêm ngột ngạt.

Giải pháp:

- Nếu muốn dạy con, thực sự không còn cơ hội nào tốt hơn để nhìn rõ con mình bằng lúc này. Dạy lại con là việc rất khó, nhất là khi con đã lớn, thói quen xấu đã ăn sâu; nhưng lợi thế của giãn cách là được ở cạnh con, đủ lâu để mà chuộc lại những lúc lơ là trước dịch.

- Nói cho con về hoàn cảnh mà cả nhà cùng đang phải chịu đựng.

- Bình đẳng: cũng nên nghe con phê bình, cho biết bố mẹ cần sửa đổi tính cách nào.

- Hạn chế tối đa cãi lộn, mắng mỏ con khi không ai có thể ra đường.

 

 4. Học trực tuyến và nghiện máy tính

Cuối cùng, cú trời giáng đối với hầu như mọi bố mẹ chính là học online, nhất là những người lâu nay tự hào ngăn được không cho con mình tiếp xúc nhiều với điện thoại, máy tính. Từ hồi đại dịch, đây có lẽ là nỗi buồn lớn nhất đối với các phụ huynh. Việc học trực tuyến là chẳng đặng đừng, cảm giác sau hai năm kiến thức cứ phồi phộp không có gì chắc chắn.

Người lớn thảy đều than rằng trẻ con thế là được “hợp pháp” ngồi trước máy, chuyển thoăn thoắt từ màn hình này sang màn hình khác, chẳng hiểu chúng có tập trung nổi không. Dưới mắt bố mẹ, các nhóm Facebook, Zalo học tập của lớp toàn nói chuyện “nhảm”, mất thời gian. Đùng một cái, vì đại dịch, đứa trẻ ngây thơ và kỷ luật ngày nào giờ đã có thể ôm máy cả ngày, lấy cớ học rồi tò mò lạc vào bao nhiêu thứ linh tinh trên mạng mà không bố mẹ nào muốn con mình nhìn thấy.

Giải pháp:

- Hạn chế giờ ngồi máy của trẻ.

- Bàn máy tính của trẻ đặt làm sao cho ai đi qua cũng nhìn được màn hình.

- Trẻ khi học online phải có ghi chép, như một thứ bằng chứng cho biết có nghe thầy cô giảng.

- Cùng trẻ lên đầu việc cố định phải làm mỗi ngày với thời lượng cố định (50 phút làm toán, 20 phút làm văn, 20 trang sách..., thí dụ vậy), làm hết thì cũng xứng đáng cho trẻ được “tự do”.

- Bố mẹ phải làm gương: nếu bản thân đắm đuối trên mạng thì không thể nói con đừng đắm đuối.

KÝ ỨC NÀY SẼ CÒN MÃI

Đại dịch rồi sẽ lui, chắc chắn vậy, rồi mọi người lại túa ra đường, lao vào công việc. Con cái lại đến trường, đến lớp học thêm; bố mẹ lại về nhà khi con đã ngủ, nhìn nó nằm ngây thơ mà không hề biết hôm nay nó đã làm những trò gì hay học được gì. Chúng ta rồi sẽ nhớ mãi những ngày giãn cách này - những ngày mâu thuẫn: mọi người buộc phải cách nhau ra nhưng lại “nhốt” rất gần nhau.

Đời thật trái khoáy: nếu vắng mặt gây ra nhiều phiền phức thì sự có mặt quá gần, quá lâu cũng gây phiền phức không kém, kể cả giữa bố mẹ và con. “Xa thơm gần thối”, ngạn ngữ có nói, nhưng nếu sự “gần thối” này là bất khả kháng thì nên bình tĩnh tìm ra biện pháp hơn là bức bối cáu gắt. Khó khăn nào rồi cũng có cách giải quyết nếu mong muốn giữ một gia đình đủ mãnh liệt và mọi người hiểu được hoàn cảnh ngặt nghèo này, như những người trong hầm trú ẩn thu mình lại nhường nhịn nhau, vì ngoài kia điều nguy hiểm còn lớn hơn gấp bội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận