Chai thủy tinh: Mối họa tiềm tàng của môi trường

BÌNH MINH 04/09/2022 06:21 GMT+7

TTCT - Chai thủy tinh là vật dụng hoàn hảo để bảo quản rượu vang lâu năm, không gây ra các phản ứng hóa học. Rượu vang được đựng trong chai nhiều năm mà không ảnh hưởng đến chất lượng, dễ dàng vận chuyển.

Chai thủy tinh là vật dụng hoàn hảo để bảo quản rượu vang lâu năm, không gây ra các phản ứng hóa học. Rượu vang được đựng trong chai nhiều năm mà không ảnh hưởng đến chất lượng, dễ dàng vận chuyển. Tuy nhiên, chai thủy tinh góp phần rất lớn vào tình trạng biến đổi khí hậu.

Chai thủy tinh: Mối họa tiềm tàng của môi trường - Ảnh 1.

Melissa Monti Saunders - giám đốc điều hành của Communal Brands, nhà nhập khẩu và phân phối rượu ở New York - đã thử nghiệm với loại rượu vang đóng túi. Ảnh: Melissa Monti Saunders

Ít nhất 50% rượu vang trên thế giới được đựng trong chai thủy tinh 750ml. Con số này có thể cao tới 75%.

 Nhiều chương trình kiểm toán về lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất rượu vang đã chỉ ra vấn đề nằm ở chai thủy tinh, từ khâu sản xuất đến giao hàng. Đây là nguyên nhân gây ra tỉ lệ phát thải khí nhà kính lớn nhất từ ngành công nghiệp này.

Tốn nhiên liệu, phát thải carbon

Theo The New York Times, sản xuất chai thủy tinh đòi hỏi lượng nhiệt và năng lượng rất lớn. Trong khi đó, rượu vang đóng chai cần đi kèm rất nhiều vật liệu đóng gói cần thiết nhằm bảo vệ chúng không bị vỡ, là thứ hàng hóa cồng kềnh cần nhiều nguyên liệu để vận chuyển. 

Các chai càng nặng càng đốt nhiều nhiên liệu, tạo ra nhiều khí thải nhà kính. Và khi những chai rượu vang được dùng hết, chúng thường bị vứt bỏ thay vì tái sử dụng. 

Vì vậy, toàn bộ quá trình sản xuất chai thủy tinh và vận chuyển rượu vang cứ lặp đi lặp lại, liên tục tạo ra sản phẩm mới, dẫn đến tình trạng phát thải nhà kính và tiêu hao năng lượng cũng diễn ra không ngừng.

Về lý thuyết, như Jason Haas - tổng giám đốc của hãng sản xuất rượu Tablas Creek Vineyard ở thành phố Paso Robles (bang California) - giải thích trong một bài đăng trên blog gần đây: việc tái chế thủy tinh ở Hoa Kỳ hiện không được khuyến khích. 

Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) ước tính chỉ 31% thủy tinh ở Hoa Kỳ được tái chế, so với 74% ở châu Âu và hơn 95% ở Thụy Điển, Bỉ và Slovenia. 

Ông Haas cho biết thực tế còn tệ hơn 31% vì phần lớn thủy tinh đó được nghiền nát, được sử dụng để xây dựng đường sá thay vì nấu chảy để lấy thủy tinh mới.

Năm 2011, EPA ước tính lượng khí thải carbon của chai thủy tinh - chỉ từ tỉ lệ tái chế kém và không bao gồm sản xuất hoặc vận chuyển - bằng với lượng khí thải từ gần 300.000 chiếc ôtô. 

Thực tế, các phân tích vòng đời sản phẩm cho thấy ngay cả khi thủy tinh được tái sử dụng 20 lần trước khi đóng chai, chúng vẫn thải ra nhiều khí thải nhà kính hơn so với vận chuyển rượu trong túi đựng hoặc trong chai nhựa sử dụng một lần.

Nhiều doanh nghiệp rượu đã thay thế những vật chứa khác. Rượu vang đóng hộp, từ lâu đã trở nên phổ biến ở Úc, ra mắt tại Hoa Kỳ vào những năm 1980 như một sự đổi mới bao bì tuyệt vời đầu tiên, nhưng chưa bao giờ chiếm hơn 10% thị trường. 

Lon là giải pháp tiếp theo giành được thị phần trong nhiều năm trước khi đại dịch bùng phát. Tuy vậy, theo một nghiên cứu của Hội đồng thị trường rượu vào năm 2020, khi xem xét các loại lon và bao bì kiểu hộp nước trái cây của Tetra Pak, người tiêu dùng luôn thích rượu đựng trong chai thủy tinh hơn.

Nỗ lực thay đổi người tiêu dùng

Với vấn đề biến đổi khí hậu đang là mối lo hàng đầu hiện nay, việc cung cấp một chai rượu vang thân thiện với môi trường bao gồm yêu cầu giảm sử dụng năng lượng trong sản xuất; giảm trọng lượng chai giúp giảm khối lượng nhiên liệu trong quá trình vận chuyển, từ đó bớt được lượng khí CO­2 phát thải, tiến đến việc hạn chế sử dụng chai thủy tinh để chứa rượu.

Tạp chí chuyên về rượu Decanter cho biết một số công ty tạo ra các sản phẩm thay thế chai thủy tinh. Công ty Green Gen Technology cho ra đời loại chai sản xuất từ hạt lanh. 

Cấu tạo chai là loại dệt sợi sáng tạo được phủ bên trong bằng một lớp lót rPET, an toàn cho thực phẩm và có thể chứa chất lỏng có nồng độ cồn lên đến 95%. 

Phương thức chế tạo loại chai này được Green Gen Technology nghiên cứu phát triển mạnh mẽ từ năm 2019. Lợi thế của chai là sử dụng lượng lanh dồi dào, không tiêu tốn nhiều năng lượng làm thành phần cốt lõi và nhẹ hơn 2-3 lần so với chai thủy tinh thông thường.

Chai thủy tinh: Mối họa tiềm tàng của môi trường - Ảnh 2.

Những chai đựng rượu do Công ty Green Gen Technology sản xuất từ hạt lanh. Ảnh: Cult Wines

Tương tự, Công ty Frugalpac có cơ sở sản xuất đặt tại Ipswich (Anh) đã tạo ra loại chai giấy mới với lớp lót bằng nhựa nhẹ cho rượu vang. 

Các chai có trọng lượng chỉ 83g, nhẹ hơn 350g so với chai thủy tinh nhẹ nhất. Ngoài ra, chai được làm từ 84% nguyên liệu đã qua sử dụng. Sau khi khách hàng tháo rời, chai có thể tái chế 94%.

Nhưng thủy tinh vẫn sẽ tồn tại trong thời gian tới bất chấp những thay đổi này. Lý do chính là những loại chai mới, dù làm từ lanh, giấy hay hoàn toàn bằng nhựa đều có thời hạn sử dụng từ 12-18 tháng, đây là thời gian quay vòng tiêu chuẩn của siêu thị. 

Do đó, các loại rượu vang được thiết kế để ủ lâu sẽ không thể chứa trong các loại chai mới, dù chỉ chiếm khoảng 20% trên thị trường.

Giải pháp tốt hơn là tái chế, trả lại và tái sử dụng chai lọ, như mọi người đã làm trong nhiều thập niên cho đến khi chai dùng một lần xuất hiện từ thời kỳ hậu Thế chiến II. 

Đáng buồn thay, người tiêu dùng dường như quá yêu thích sự tiện lợi của việc vứt bỏ. Đến mức một số thử nghiệm đáng hứa hẹn gần đây về việc tái sử dụng chai rượu đều đã thất bại thảm hại.

Theo The New York Times, Gotham Project, một công ty chuyên bán rượu cho các quán bar và nhà hàng, đã bắt đầu một chương trình thử nghiệm vào đầu năm 2021 với một nhóm nhỏ các nhà bán lẻ và nhà hàng ở New York, Massachusetts và Colorado, ở đó chai được trả lại và sử dụng lại nhiều lần. 

Để làm được vậy, Gotham đã phải vật lộn với muôn vàn khó khăn về mặt hậu cần. Các nhà bán lẻ sẽ lưu trữ những chai rỗng ở đâu? Người tiêu dùng có cần rửa chúng trước khi trả lại không? Nhãn hiệu của các chai rượu thì sao? 

Chúng phải được dán bằng các dạng keo có thể hòa tan trong quá trình làm sạch, thay vì dùng các chất kết dính khó chùi rửa. Tuy nhiên, những thách thức này "chưa là gì" so với một vấn đề còn lớn hơn nhiều.

Bruce Schneider, người cùng đối tác của mình là Charles Bieler, thành lập Gotham Project vào năm 2010 than: "Chúng tôi không thấy ai trả lại chai".

"Điều này có vẻ trái ngược với niềm tin của chúng tôi. Với nhận thức đã được nâng cao về tính bền vững và lượng khí carbon, trong khi người tiêu dùng cũng nói họ muốn chia sẻ nỗ lực này, chúng tôi nghĩ việc trả lại chai là điều đương nhiên. Nhưng chúng tôi đã chạy chương trình trong một năm và không thấy bất kỳ ai mang trả lại chai", Schneider nói.

Good Goods cũng từ bỏ chương trình thử nghiệm cung cấp các chai rượu vang có thể trả lại. Cả Good Goods và Gotham đã thử các biện pháp khuyến khích khác nhau để người tiêu dùng trả lại chai, bao gồm tặng phiếu đổi hàng, quyên góp cho tổ chức từ thiện… nhưng không có tác dụng gì về lâu dài.

Melissa Monti Saunders - giám đốc điều hành của Communal Brands, nhà nhập khẩu và phân phối rượu ở New York, từng làm việc với Good Goods trong chương trình khuyến khích trả lại chai thủy tinh - cho biết: "Đó là sự thay đổi lớn về hành vi của người tiêu dùng và cần phải diễn ra, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể đạt đến mục tiêu". 

Saunders, người đã vượt qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt để lấy bằng thạc sĩ rượu, tin rằng vấn đề lớn nhất là ở khâu hậu cần. Nếu các hệ thống phục vụ việc trả lại và lưu trữ chai trở nên dễ dàng hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp thì sự tham gia sẽ tăng lên.

Để đạt được mục tiêu đó, Good Goods đang tự tổ chức lại thành một công ty hậu cần tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, trong đó các vật liệu như chai lọ được tái sử dụng hoặc tái chế, giảm lãng phí và tiết kiệm năng lượng.

Trong một tập gần đây của Four Top, một podcast về rượu, bà Saunders đã thảo luận về việc tái chế với Diana Snowden Seysses, người sản xuất rượu tại các điền trang của gia đình, bao gồm Snowden Vineyards ở Thung lũng Napa và Domaine Dujac ở vùng Burgundy. 

Snowden Seysses cho biết cơ sở hạ tầng để tái sử dụng chai lọ vẫn còn ở châu Âu, như Serge Cheveau, công ty chuyên rửa chai để tái sử dụng. 

Theo Seysses, công ty này có các thương vụ lớn với chai lọ từ Bỉ, nơi chính phủ có nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích tái sử dụng chai.

Nhiều nhà sản xuất rượu rẻ tiền vẫn chọn chai thủy tinh để chứa rượu vì trong suy nghĩ của người tiêu dùng, chai thủy tinh được xem là biểu tượng của chất lượng cao. 

Họ xem rượu chứa trong các vật dụng khác, như bag-in-box (bao bì dạng túi, chuyên đóng gói chất lỏng), là kém chất lượng, dù loại túi chứa chất lỏng dung tích 3 lít, một khi đã mở nắp, vẫn có thể giữ rượu tươi từ 4-6 tuần, lâu hơn nhiều so với các loại chai đã mở. 

"Thật hoang đường khi cho rằng rượu chứa trong các túi này là loại rẻ tiền. Cần phải để cho các loại rượu vang uy tín được chứa vào đó", bà Saunders nói trên podcast. Nói cách khác, nếu rượu chứa trong các túi đựng là loại rượu càng tốt, người tiêu dùng càng sẵn sàng đón nhận chúng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận