TTCT - Đành thú nhận rằng mỗi buổi sáng nếu đọc được vài câu thơ hay là tôi đã nạp đủ cảm hứng cho một ngày làm việc mới. Bởi tôi tin rằng những tâm hồn nhạy cảm của thơ có khả năng tạo cho sự mông lung một nhân ảnh, cho cảm xúc một nhận dạng, và chắc chắn hiện hữu một quan hệ mật thiết giữa cái mông lung của thi ca, nghệ thuật, triết học với cái cụ thể, vật chất của cuộc đời. Wesminster Memorial Park Mùa thu Bắc Mỹ năm 2014, tôi đi “hành hương” về vùng ký ức của riêng mình, nơi đến là Wesminster Memorial Park, một công viên nghĩa trang rộng mênh mông giữa lòng Little Saigon và điểm đến là hai bia mộ cẩm thạch nhỏ trên nền cỏ mênh mông. Một tấm đề chữ: Nơi an nghỉ vĩnh cửu thi sĩ Nguyên Sa và tấm thứ hai gần đó ghi: Thi nhân Nguyễn Tất Nhiên. Thế hệ thanh niên Sài Gòn chúng tôi thuở ấy yêu mến hai thi nhân này. Cá nhân tôi bị ảnh hưởng sâu đậm văn phong của Nguyên Sa và phong cách lãng tử của Nguyễn Tất Nhiên.Đến Mỹ để thăm mộ nhà thơ! Tôi có phải là kẻ lẩn thẩn như luồng ý kiến châm chích nói “nước Việt quá nhiều nhà thơ, ai cũng thơ, mơ mơ màng màng không làm gì cụ thể cả” không? Dù đúng thế thì cũng đành thú nhận rằng mỗi buổi sáng nếu đọc được vài câu thơ hay là tôi đã nạp đủ cảm hứng cho một ngày làm việc mới.Tại sao vậy? Bởi tôi tin rằng những tâm hồn nhạy cảm của thơ có khả năng tạo cho sự mông lung một nhân ảnh, cho cảm xúc một nhận dạng, và chắc chắn hiện hữu một quan hệ mật thiết giữa cái mông lung của thi ca, nghệ thuật, triết học với cái cụ thể, vật chất của cuộc đời.Cho sự mông lung một hình hài “Make idea a shape” (Cho ý tưởng một hình hài) là slogan mới nhất mà nhà sản xuất máy in, photocopy, máy chụp hình hàng đầu thế giới Konica-Minolta đưa ra trong năm 2014 vừa qua. Nó thú vị và gợi cảm vì chỉ ra được một “đường link” giữa ý tưởng sáng tạo - một điều mông lung - trong đầu nhà thiết kế, nhà nhiếp ảnh hay bất cứ ai đang có “âm mưu” tạo tác ra một cái gì đó với các thiết bị in, chụp của Konica-Minolta. Chúng được làm ra để biến các ý tưởng mông lung ấy thành các bản vẽ, tấm hình cụ thể mà ai cũng thấy được.Đỉnh cao của “đường link” này hiện nay là các máy in 3D, có thể in ra một sản phẩm thật cầm nắm trên tay giúp ý tưởng trở thành vật thể thật sự. Đây là một bước nhảy vọt quan trọng vì hồi 20 năm trước, ở tổng hành dinh của hãng xe hơi BMW tôi được cho xem chiếc máy in 3D như một bảo vật, nghe nói giá đến hàng trăm nghìn đôla, đặt trong phòng nghiên cứu riêng mà người hướng dẫn phải có thẻ từ an ninh đặc biệt mới mở được cửa, thì năm ngoái đây tại một văn phòng thiết kế kiến trúc ở San Franciso, tôi biết rằng tất cả sa bàn quy hoạch đô thị, mô hình nhà trước mặt tôi đều được in ra từ máy 3D (chứ không phải cắt dán từ giấy cáctông như thường thấy) và chiếc máy ấy nằm ở góc phòng chung với máy móc văn phòng thông thường.Như những “máy in 3D sinh học”, những thi sĩ, văn nhân, triết gia... có khả năng biến những suy tưởng mơ hồ thành mạch văn khúc chiết, vẽ hình dáng cho điều hư vô, tạo ra một nhân dạng cho các cảm xúc, gọi đúng tên của những thoáng kỷ niệm mông lung gặp gỡ đâu đó trong đời... Và hai thi sĩ trên khá giỏi về chuyện này, chẳng hạn với bài Áo lụa Hà Đông và bốn câu thơ tiêu biểu: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông... Em ở đâu hỡi mùa thu tóc vắn, giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông, anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng, đã thể hiện quá đúng tâm trạng của những thanh niên Sài Gòn thuở ấy ngẩn ngơ trước cô gái Bắc kỳ xinh xắn, kiêu sa, là lạ, trộn lẫn trong sức hút của nền văn minh Kinh Bắc mà họ luôn vọng tưởng. Cũng trong xu thế ấy, Nguyễn Tất Nhiên đã bồi thêm với bài Cô Bắc kỳ: Đôi mắt tròn, đen, như búp bê. Cô đã nhìn anh rất... Bắc kỳ. Anh vái trời cho cô dễ dạy. Để anh đừng uổng mớ tình si...Minh họa: SalemTôi tin rằng những tâm hồn nhạy cảm của thơ có khả năng tạo cho sự mông lung một nhân ảnh, cho cảm xúc một nhận dạng, và chắc chắn hiện hữu một quan hệ mật thiết giữa cái mông lung của thi ca, nghệ thuật, triết học với cái cụ thể, vật chất của cuộc đời. Hay bốn câu thơ hòa trộn chiếc áo dài và gió, và tóc, và mây hình thành một cảm giác ảo diệu khác thường của một tà áo phần phật trong kỷ niệm mà Nguyên Sa đã “thở” ra trong bài Tương tư: Có phải em mang trên áo bay. Hai phần gió thổi, một phần mây. Hay là em gói mây trong áo. Rồi thở cho làn áo trắng bay. Hay cái phong thái yêu rất lãng tử, rất “cao bồi” của tuổi trẻ những năm 1970 trong bài Ma soeur của Nguyễn Tất Nhiên: Hỡi em cười vô tội, đeo thánh giá huy hoàng. Hỡi ta nhiều sám hối. Tính nết vẫn hoang đàn. Hay một loại tình yêu thăng hoa trong cái hư vô cũng của một thời “Tuổi trẻ hiện sinh” thuở ấy: Người từ trăm năm, về qua sông rộng. Ta ngoắt mòn tay. Trùng trùng gió lộng... Người từ trăm năm, về khơi tình động. Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân, nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời.Văn hóa: cái hồn của vật thểCứ thế, tôi vẫn luôn tự tin rằng mình không phải là kẻ thơ thẩn, vẩn vơ khi thích... thơ, yêu triết, vì cứ thử nghiên cứu slogan của những nhãn hiệu hàng đầu trên thế giới, bạn sẽ nhận ra các nhà kinh doanh đó có một cảm thức triết văn rất cao. Một công ty về công nghệ sinh học, nông nghiệp của Đức, Công ty Weyerhauser, nói về kinh doanh mà xem ra gần với thơ, với đạo, với triết... qua câu slogan sau: “Tương lai đang mọc lên. Hãy lắng nghe thật chăm chú, và bạn sẽ nghe thấy tiếng của gió, của nước cùng những suy nghĩ trong đầu của con người” (The future is growing. Listen carefully, and you’ll hear the wind, the water and what people are thinking).Còn Boeing không ca tụng kỹ thuật, vật chất mà nhấn mạnh đến sức tưởng tượng trong một chương trình quảng cáo trên kênh truyền hình Discovery trước đây: “Biên giới sau cùng (của khám phá vũ trụ) không phải là không gian sâu thẳm này mà chính là sức tưởng tượng của chúng ta”. (The last frontier is not space, it is our imagination). Hay IBM thì sử dụng lập luận nổi tiếng nhất của nhà triết học Descartes: I think therefore I am (Tôi suy tư, do đó tôi tồn tại) và chơi chữ thành “I think, therefore IBM”.Khi quan sát phong cách lịch lãm của kỹ nghệ hospitality (khách sạn, lễ tân, phục vụ) của phương Tây, ta thấy từ các động tác đi đứng, chào hỏi, khoát tay mời, bưng khay tay phải, tay trái chắp sau lưng, phục vụ bàn, khui rót rượu... đều có nét phảng phất của các động tác ballet. Chắc chắn đỉnh cao về ngôn ngữ cơ thể hòa quyện với cái đẹp lịch lãm, biểu cảm trong môn múa cung đình này (xuất phát từ trong lễ nghi của các vương triều, giới thượng lưu phương Tây) đã là nền tảng tạo ra cái phong thái rất đẳng cấp này và giúp hái ra tiền cho kỹ nghệ hospitality. Nói không ngoa, chính cái thần của môn ballet đã góp phần làm ra các đẳng cấp của những thương hiệu Accor, Sofitel, Four Seasons...Rồi đến cái hồn của các quốc ca, quốc kỳ, quốc huy, các biểu tượng kinh doanh của những tập đoàn lớn, những thành phố lớn..., ta càng thấy rõ hơn mối liên hệ này. Quốc thiều của Liên minh châu Âu là bài Ode to joy trích trong trường đoạn cuối của bản giao hưởng số 9 của Beethoven với phần lời là bài thơ To joy của nhà thơ Friedrich Schiller ca tụng tình huynh đệ.Họ đã chọn một đỉnh cao, một hồn thơ nhạc của văn hóa châu Âu để đại diện cho cả khối nhằm thể hiện cộng đồng châu Âu như một toàn thể, một nền văn hóa chứ không chỉ là một tổ chức.Còn Apple với biểu tượng quả táo cắn dở luôn gợi tò mò và tạo ra nhiều truyền thuyết về ý nghĩa thực của nó. Steve Jobs thì lấp lửng rằng ông nghĩ tới logo đó khi thăm một trang trại táo và khi đang ăn chay. Nhưng thật ra thoạt đầu cái tên Apple được thể hiện bằng hình ảnh Newton ngồi dưới cây táo, xuất phát từ truyền thuyết ông đã phát hiện trọng lực khi một trái táo rơi trúng đầu. Nhưng cũng có một giải thích khác cho rằng trái táo cắn dở đó cũng ngụ ý “trái cấm” mà bà Eva đã ăn, bà đã phạm tội nhưng bà đã dám thử nghiệm. Giải thích này dựa vào câu slogan đầu tiên của Apple chơi chữ là “Byte into an apple” (Byte đồng âm với từ “cắn” - bite) và sau mới đổi thành “Think different”. Một thương hiệu toàn cầu như thế cũng lấy cảm hứng từ văn hóa, tôn giáo, truyền thuyết.Ai cũng biết New York hoa lệ và tưng bừng, cởi mở và cái thần của nó thể hiện qua ca khúc New York, New York với giọng ca huyền thoại Frank Sinatra: Tôi muốn là một phần của thành phố, New York, New York. Những đôi giày của kẻ giang hồ đang khao khát lang thang xuyên qua trái tim của thành phố. New York, New York. Tôi muốn thức dậy trong một thành phố không bao giờ ngủ... Ý nhạc đó, giọng ca lãng tử đó, nét sống động của thành phố đó háo hức đến nỗi ngân hàng lớn hàng đầu nước Mỹ cũng phải mượn đỡ ý niệm ấy: Citibank - the citi never sleeps (Citibank, thành phố không bao giờ ngủ, chơi chữ city và citi). Còn ở ta nếu ca khúc Sài Gòn đẹp lắm chỉ ra cái tưng bừng của một Sài Gòn hoa lệ trên bến dưới thuyền, thì khi nói đêm Sài Gòn ngập tràn sức sống trong chất jazz huyền ảo thì khó có phác thảo nào tiêu biểu hơn bài Hịch của Nguyên Sa: Bằng hơi thở thiên thần, bằng giọng nói đam mê, bằng ngón tay mầu nhiệm. Ta truyền. Hỡi Sài Gòn ban đêm mở cửa... Để thơ ta ùa vào từ bốn phía chân trời... Ta sẽ đi thanh tra những mái tóc bâng quơ, những cánh tay buồn, những mối sầu thơ dại... về đây nằm gối đầu lên dòng sông lớn, dang tay dài đại lộ mà nghe kinh thành thổi hơi dài trompette ban đêm.Thế đấy, tôi đã không lẩn thẩn khi vẫn ngâm nga thơ lúc đang đọc sách kinh doanh, suy tư triết khi đang mặc jean và nhảy chachacha trong tiếng nhạc dập dìu: Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai... Nếp sống vui tươi nối chân ai đến nơi này. Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi! Và tôi cũng không quá buồn trong buổi sáng mùa thu Bắc Mỹ ấy khi đứng bên bia mộ của Nguyên Sa trong một công viên rừng cây tuyệt đẹp, bởi vì Nguyên Sa đâu có buồn, ông như hình dung ra được nơi chốn mình đang nằm và chất thơ của cõi mà ông đang đến với sáu câu thơ đề trên bia mộ: Nằm chơi ở góc rừng này. Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang. Xin em một sợi tóc vàng. Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau. Biết đâu thảo mộc bớt đau. Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên? Tags: Sáng tạoThi caNguyên SaWesminster Memorial ParkSài Gòn hoa lệ
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Trung ương thảo luận phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV THÀNH CHUNG 19/09/2024 Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 10, Trung ương Đảng thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Kế hoạch nâng cấp sân vận động Thống Nhất với 149 tỉ hiện ra sao? THẢO LÊ 19/09/2024 Ban Dân dụng công nghiệp TP.HCM đang kiến nghị Sở Xây dựng sớm thẩm định, phê duyệt dự án nâng cấp sân vận động Thống Nhất để hoàn thành, đưa vào phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026.
Đua mua hàng gia dụng Tupperware của Mỹ khi hãng 78 tuổi tuyên bố phá sản THẢO THƯƠNG 19/09/2024 Tupperware mới nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ.
Israel không kích Lebanon, ngăn chặn được âm mưu ám sát chính khách NGHI VŨ 19/09/2024 Đây là diễn biến mới nhất sau vụ nhiều bộ đàm của nhóm Hezbollah phát nổ hôm 18-9, tiếp nối vụ hàng ngàn máy nhắn tin bất ngờ phát nổ trên khắp Lebanon trước đó.