TTCT - Toàn văn bài diễn thuyết nổi tiếng của chí sĩ Nguyễn An Ninh khi mới 22 tuổi, tại Hội khuyến học Nam kỳ. Tư liệu lần đầu được dịch. Chỉ mới 22 tuổi, nhưng từ Paris trở về nước, chàng cử nhân luật Nguyễn An Ninh đã hai lần đăng đàn diễn thuyết tại Sài Gòn. Bài diễn thuyết đầu tiên của ông diễn ra vào đêm 25-1-1923 tại Khuyến học Hội Nam kỳ (Sài Gòn), với chủ đề "Une culture pour les Annamites" (Chung đúc học thức cho người An Nam). Nội dung bài diễn thuyết sau đó được đăng trên tờ La voix Annamite, số ra ngày 2-2-1923, nhưng cho đến nay chưa từng được dịch sang tiếng Việt. Nhóm tổ chức biên soạn "Nguyễn An Ninh tác phẩm" cũng chưa cập nhật được nội dung bài diễn thuyết này, vì vậy cho đến nay "Une culture pour les Annamites" vẫn là ẩn số đối với độc giả tiếng Việt. Các nghiên cứu nhắc tới bài diễn thuyết danh tiếng này đều trích từ bài tường thuật ngắn của ký giả C.M.C trên báo Nông cổ mín đàm ra ngày 1-2-1923. Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu đến độc giả toàn văn bài diễn thuyết tiếng Pháp này, bổ sung cho những ai muốn tiếp tục nghiên cứu đầy đủ hơn về hành trạng người mà nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: "Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại". Chân dung Nguyễn An Ninh, in trong cuốn sách Ngồi tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm (Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1929). Ảnh: Tư liệu cá nhânThưa quý vị,Tôi nghĩ phải thú nhận ngay lập tức rằng tôi không hề coi việc nói tiếng Pháp với người An Nam là điều đáng tự hào. Ngôn ngữ An Nam vẫn còn quá lạc hậu chưa thể sánh với các ngôn ngữ châu Âu, thậm chí chưa thể sánh với các ngôn ngữ Viễn Đông. Nhưng đó không phải là lỗi của tôi. Tôi sẽ không dùng thứ ngôn ngữ quê mùa nửa Hoa nửa Việt của các nhà nho An Nam. Tôi đã cùng với anh bạn Ng. H. V [Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941)] thử dịch từ culture ra tiếng An Nam nhưng không tìm được một từ nào tương đối có thể diễn giải chính xác.Nếu như từ văn hóa đã được cả châu Âu chấp nhận thì nó lại không thâm nhập được vào ngôn ngữ của ta, một ngôn ngữ đơn âm tiết. Cụm từ cầm kỳ thi họa có thể cho ta một ý niệm về văn hóa nhưng là một ý niệm không đầy đủ và có nguy cơ bị hiểu sai. Cầm là âm nhạc, kỳ là suy đoán trí tuệ, thi là văn chương, họa là tranh. Chúng tôi đành phải dùng cụm từ chung đúc học thức. Những ai có thể tìm ra từ đúng xin hãy khoan dung độ lượng với những người đi trước. Bây giờ tôi xin được vào vấn đề. Nhưng…Trước khi bắt đầu bài nói chuyện mà tôi đã hứa, tôi xin cảm ơn quý vị đã đến nghe. Tôi dùng chữ buổi nói chuyện bởi vì tôi không có tài hùng biện để làm quý vị chán nản hay để lay động quý vị bằng những câu nói hùng hồn. Tôi cũng không được phú cho một năng lực đồng hóa hay một trí tưởng tượng phong phú để trở thành một diễn giả cừ hay để trình bày với quý vị vài điều không tưởng.Tối nay tôi không có ý định nói chuyện phiếm về chánh trị. Đây là lần đầu tiên tôi vinh dự đứng trước công chúng Nam kỳ. Tối nay tôi muốn nói với một bộ phận công chúng ấy. Tên của trụ sở mà chúng ta đang hiện diện, mục tiêu mà hiệp hội thuê trụ sở này đang theo đuổi, chính là chủ đề mà tôi muốn nói với quý vị.Chánh trị chắc chắn là một điều tốt đẹp. Nó có tính chất thu hút. Nó có tính chất tiêu khiển. Và bất kỳ ai cũng có thể ít nhiều nói về chánh trị. Nhưng không chỉ có chánh trị ở các quốc gia được gán cho phẩm chất văn minh. Tất nhiên trong những cuộc khủng hoảng khó khăn, chánh trị thường sản sinh ra những nguồn năng lượng đặc biệt. Song ở thời bình, chánh trị lại mở ra một lãnh địa quá rộng lớn và ngự trị trên đó là một chế độ tầm thường.Đám đông bình dân chỉ tán thưởng những cử chỉ đẹp đẽ và những câu nói đẹp đẽ. Họ chỉ tán thành những hành vi có hậu quả tức thì, hay có thể nói là sờ mó ngay được. Chính vì vậy họ thích những lời hứa hẹn dù là dối trá. Nhiệt tình và thất vọng của đám đông cứ thế nối tiếp nhau, xiềng xích nhau. Những vinh quang đột ngột cứ thế kéo theo những thất bại đột ngột không kém. Những người mơ mộng sẽ thích trò chơi này vì họ tìm thấy ở đó một đam mê khác hẳn đam mê cờ bạc - nó lột trần năng lực và sự nô dịch của họ. Nhưng giới tinh hoa thực sự thì phải tránh xa những kích động ngăn trở tự do này, ngõ hầu bình tâm nuôi dưỡng tư tưởng và dẫn dắt cho khéo số phận của nhóm người mà họ xuất thân.Tôi nhớ rằng trong cuộc đón tiếp Hoàng đế Khải Định của Hội Tương trợ Đông Dương ở Paris (Association mutuelle des Indochinois), ông chủ tịch hội có phát biểu như sau: "Chúng tôi không có ý định giải quyết vấn đề rắc rối của nền văn hóa dân tộc. Chúng tôi chỉ muốn một điều, chúng tôi chỉ nghĩ đến điều thực tế nhất, cần thiết nhất cho sự phồn thịnh của đất nước".Quả là một câu nói hay. Bởi lẽ theo tôi đó là lý tưởng khôn khéo duy nhất mà tuổi trẻ Đông Dương cần cù, mạnh mẽ, nhiệt thành, vô tư và phí hoài như bao tuổi trẻ khác phải theo đuổi. Nghĩa vụ xây dựng nền văn hóa cho giống nòi ta có lẽ nên trao cho một nhóm nhỏ tận tụy, nhẫn nại, có thiên tư đặc biệt, đủ mạnh mẽ để tự chủ và để chịu đựng những sự bạc bẽo vô tình thường thấy. Cần đến bao nhiêu dò dẫm, bao nhiêu sức lực, bao nhiêu thời gian để ngày hôm nay có được một nước Pháp rạng rỡ về tư tưởng, một nước Pháp đầy khí vị, một nước Pháp thống trị hơn nửa châu Âu. Cần đến bao nhiêu khó nhọc, bao nhiêu yêu thương bất vị kỷ để ngày hôm nay một trí thức Pháp hễ mở sách ra là có thể tham dự vào các cuộc luận bàn tư tưởng của vô số nhân sĩ mà nước Pháp đã sản sinh.Vấn đề văn hóa quả là một vấn đề phức tạp! Trong một đất nước như đất nước của chúng ta, vấn đề ấy còn phức tạp hơn nữa, nó tế nhị, nó gần như không thể giải quyết. Tối nay tôi không có ý định gỡ rối nan đề này. Tuổi đời non trẻ và sự thiếu hiểu biết là hai trở ngại ngăn tôi có tham vọng ấy. Tôi chỉ rụt rè đặt lại vấn đề một lần nữa. Biết đặt vấn đề tức là giải quyết được một nửa. Nhưng tôi lại cũng không có tham vọng đặt vấn đề. Tôi chỉ khao khát một điều. Với trí tuệ của tuổi hai mươi hai, thử bày tỏ sự cần thiết của một nền văn hóa đối với đất nước chúng ta và thử kêu gọi những người giỏi giang vô vị lợi.Tờ La voix Annamite1923, , số ra ngày 2-2-trang 1. Nguồn: Thư viện Quốc gia PhápNội dung bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp đăng trên tờ La voix Annamite, số ra ngày 2-2-1923. Nguồn: Thư viện Quốc gia PhápVậy văn hóa là gì? Văn hóa trước hết là hòa hợp. Sau đó văn hóa là nhất quán trong mọi biểu hiện tinh thần, sinh khí của một dân tộc. Văn hóa là tổng hợp của mọi sự biểu hiện đó. Văn hóa trước hết bao hàm ý niệm nhất quán, một sự nhất quán về phong cách. Biết nhiều, học nhiều dĩ nhiên là một cách để đạt tới văn hóa nhưng không phải là cách cần và không phải là chỉ dấu của nền văn hóa đó. Điều này đúng hơn là tương hợp với cái đối lập của văn hóa, tức cái man rợ, cái khuyết thiếu phong cách hay cái hỗn độn của mọi phong cách.Tôi muốn cảnh báo quý vị về sự nhầm lẫn thường xuyên giữa văn hóa với văn minh. Văn minh có trước văn hóa và văn hóa chỉ là trái muộn. Văn minh là đám đông quần chúng còn bản chất của văn hóa là tạo ra cá nhân. Văn minh đuổi theo mục tiêu của nhà dân chủ còn văn hóa tạo nên một tầng lớp quý tộc. Lịch sử của các dân tộc khác nhau cho thấy vô vàn ví dụ mà ở đó kẻ đại diện cho nền văn minh xung đột với kẻ đại diện cho nền văn hóa. Văn minh hiện nay, theo ý tôi, đang gánh vác một sự cải cách bề mặt cho con người, còn bề sâu là phận sự của văn hóa. Văn minh là bầy đàn, văn hóa là tầng cao hơn của con-người. Vì vậy tôi cho rằng văn minh và văn hóa theo đuổi những mục tiêu đối lập nhau. "Tôi khao khát mãnh liệt một nền văn hóa cho giống nòi ta, do chính chúng ta tạo nên, từ ruột gan của ta, từ máu của ta. Một nền văn hóa phản chiếu tâm hồn ta, không phải tâm hồn Viễn Đông, mà là tâm hồn của người da vàng, tâm hồn của người An Nam". (Nguyễn An Ninh) Sau khi thử đưa ra một định nghĩa như vậy, ai trong chúng ta dám nói rằng An Nam sở hữu một nền văn hóa? Mọi điều vây quanh người đó sẽ thay tôi trả lời câu hỏi.Chỉ cần anh ta nhìn vào trang phục, vào nội thất, vào ngôi nhà của anh ta. Chỉ cần anh ta thả bộ xuyên đường phố Sài Gòn. Chỉ cần anh ta ghé cửa tiệm, rạp hát, bảo tàng, trường học. Chỉ cần anh ta quan sát những mối quan hệ xã hội của bản thân với đồng bào. Liệu anh ta có thể gọi sự thiếu vắng văn hóa hoàn toàn ở dân chúng là văn hóa hay không? Liệu anh ta có thể gọi sự hoài nghi, sự tích lũy cóp nhặt từ vô số nền văn hóa của đám mạo xưng tinh hoa là văn hóa chăng? Nó là văn hóa Trung Hoa? Hay nó là văn hóa Pháp? Nó chẳng phải cái này cũng chẳng phải cái kia! Ngoại trừ ở Huế, nơi triều đình đóng đô xưa kia thu hút được nhân tài của lớp tinh hoa và ở Bắc kỳ nơi vẫn còn đậm dấu ấn văn minh Trung Hoa, phần còn lại của Vương quốc chỉ đáng cho ta cười buồn.Chỉ cần quan sát trong ¼ giờ cuộc nói chuyện giữa một nhà nho với một học giả xuất thân trường Pháp là đủ thấy sự khó chịu, phớt lờ của người này đối với người kia. Bọn họ xa lạ nhau làm sao! Bọn họ khác biệt nhau làm sao! Điều không chấp nhận được đó là phải tin rằng hai người họ thuộc cùng một chủng tộc! Nếu đi về miền Tây Nam kỳ, ta sẽ thấy sự đa dạng trong phong tục, sự khác biệt giữa tập quán Trung Hoa và Cao Miên, nhưng không thấy cái ưu tú nhất. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đó là hiện trạng của nước ta.Ta có thể lấy vài ví dụ để biện minh rằng An Nam đã có một nền văn hóa, văn hóa Trung Hoa. Hiển nhiên những người ủng hộ ý tưởng này không hoàn toàn sai. Nhưng nếu xét cho tường tận hiện trạng và lịch sử của quốc gia thì họ sẽ nhận thấy lý lẽ không đứng về phía họ.Có thể nào gọi sự bắt chước là một nền văn hóa Trung Hoa? Lớp vỏ văn hóa Trung Hoa thì có lẽ đúng hơn. Tổ tiên chúng ta, với trí tuệ và thời kỳ Bắc thuộc vô tận, kết hợp cùng nỗ lực bền bỉ của kẻ đô hộ, đã có những sáng tạo riêng không hề kém cỏi. Nhưng chừng đó không đủ.Tuy nhiên chúng ta lại khổ sở bảo vệ cái di sản tầm thường của quá khứ trước thế kỷ hiện đại. Chúng ta cố tỏ cho giới tinh hoa Trung Hoa thấy những phong tục tập quán An Nam, những tác phẩm văn chương hoặc triết học An Nam, những món đồ nghệ thuật An Nam và rồi họ cười vào mũi ta rằng đó là của Trung Hoa. Chúng ta khoe với một nhà nho Trung Hoa những vần thơ được viết bởi một nhà nho An Nam để ngâm vịnh lúc nhàn rỗi. Chúng ta cho họ thấy những vần thơ mỏi mệt của một trong những nhà thơ sung sức nhất để rồi nhận lấy cái cười nhạt của nhà nho Trung Hoa.Trang đầu tờ Tranh đấu phiên bản quốc ngữ (số đầu tiên, ra ngày 6.10.1938). Nguồn: CRLTiếp thu một nền văn hóa không bao giờ là chuyện dễ dàng. Suốt một ngàn năm Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta đã mất bao nhiêu lần so tài không cân xứng thay vì giữ sức cho những cơ hội chắc chắn hơn và nhất là để tiếp thu một nền văn minh rõ ràng vượt trội hơn nền văn minh của ta. Ngày nay những người cả giận thường chứng tỏ mình là hậu duệ trực tiếp của tinh thần có hơi hướm mơ mộng đó. Nếu như mai này nước Pháp trả Đông Dương lại cho dân bảo hộ, tôi dám chắc những người khao khát một nền văn hóa cho giống nòi sẽ cảm thấy bối rối. Nếu Paris làm họ chán, họ vẫn còn có Londres và Berlin, tôi thật muốn biết lựa chọn của họ là gì. Họ còn có cả Bắc Kinh nhưng Bắc Kinh hấp hối đã phải viện đến cái sinh khí từng thúc đẩy châu Âu. Không phải là tôi muốn du nhập hoàn toàn vào nước ta cái văn hóa Trung Hoa hay cái văn hóa Pháp đâu. Tôi cũng chẳng muốn đất nước ta có riêng một bản sắc văn hóa nào. Tôi không cần nói với quý vị về sức sống trường tồn của các dân tộc từng sớm đạt được một nền văn hóa, về vinh quang tưởng như vĩnh hằng gắn với tên tuổi của những dân tộc ấy trong lịch sử, về cống hiến của họ đối với nhân loại khi giúp con người vượt lên rất xa con vật. Tôi không cần phải nhắc lại với quý vị những tấm gương xuất hiện đầy rẫy trong Lịch Sử, những tấm gương cho ta thấy các dân tộc man rợ buộc phải cúi đầu trước văn hóa thượng đẳng của các dân tộc bị họ đánh bại bằng bạo lực.Tôi khao khát mãnh liệt một nền văn hóa cho giống nòi ta, do chính chúng ta tạo nên, từ ruột gan của ta, từ máu của ta. Một nền văn hóa phản chiếu tâm hồn ta, không phải tâm hồn Viễn Đông, mà là tâm hồn của người da vàng, tâm hồn của người An Nam. Nhưng mong ước này không phải là một thứ có thể thực hiện ngay. Có thể nó vẫn chỉ là một mong ước cho tới khi giống nòi ta tuyệt diệt, có thể nó chỉ tượng hình một nửa và tác phẩm sẽ là một tác phẩm đọa thai. Điều chắc chắn là mong ước của chúng ta sẽ không thành sự thật trong vòng một trăm năm. Dĩ nhiên đây là giấc mơ viển vông với những ai thích mục tiêu trước mắt bởi như thế mới là con người! Nhưng dự đoán một trăm năm thậm chí còn là dự đoán quá sớm. Chúng ta sẽ phải chờ đợi như chờ đợi trái chín. Cây thì có đó rồi, trong nhựa sống tràn trề hy vọng. Một bông hoa vừa chớm nở và chúng ta chưa biết được hình dáng, màu sắc của trái cây mong đợi. Chúng ta không thể nói nền văn hóa ấy sẽ ra sao. Hiểu biết về quá khứ và khả năng hiện thời không cho phép chúng ta đoán định con đường mà văn hóa ấy sẽ theo. Chúng ta chỉ có thể trông đợi một tầng lớp tinh hoa sẽ sửa soạn cho tương lai này.Có lẽ chúng ta vẫn chưa dám hy vọng một thiên tài nào đó xuất hiện từ tầng lớp tinh hoa này, người sẽ dẫn lối cho tầng lớp ấy và gán cho dân tộc một cương vị mới. Chúng ta cần những người chuẩn bị cho tương lai này, bởi lẽ tương lai mà chúng ta khao khát sẽ không đến trong mơ. Chúng ta muốn những bộ óc sáng tạo ít nhiều chín chắn và trên hết là tự chủ.Chính vì lý do đó mà tôi nói về văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp và tôi muốn quay lại một chút. Hiện nay, để bất kỳ một bậc tinh hoa nào xứng với tên gọi thì người đó phải sở hữu hai nền văn hóa, một là văn hóa Viễn Đông và một là văn hóa Tây phương. Dĩ nhiên tiếp thu một nền văn hóa không phải là việc dễ dàng, nhất là một nền văn hóa như của Pháp. Trong vô số sinh viên đã từng theo học ở Pháp, có người nào hiểu rõ văn hóa Pháp không? Một số chỉ mới sượt qua, số khác, phần còn lại chỉ sống một cách thờ ơ trong lòng văn hóa ấy. Những người muốn học tập nhưng không thể rời Đông Dương, các học trò của những trường phổ thông ở Paris hay môn đệ của Antoine Albalat hoặc Vannier trong nghệ thuật viết lách, với tôi họ vẫn chưa đạt tới cái gọi là tư tưởng được đào luyện ở châu Âu. Quý vị đừng cho rằng tôi chỉ muốn thấy một tầng lớp tinh hoa sở hữu và hiểu biết văn hóa Viễn Đông và văn hóa châu Âu. Điều này đúng hơn là trái với mong ước của tôi. Cái tôi mong ước là một nền văn hóa An Nam chứ không phải sự hoang dã, vì như đã nói, đó là một mớ hỗn độn của vô số nền văn hóa. Tôi mơ ước cho tất cả những bộ óc sáng tạo đạt được sự hài hòa giữa hai nền văn hóa từng va chạm nhau và thông qua sự phát triển của hình thái xã hội hiện tại, chúng cần đến nhau để tồn tại bên cạnh nhau, thậm chí bổ sung cho nhau và từ đó đạt được sự thăng tiến vì lợi ích Nhân loại. Tôi muốn nhìn thấy họ vượt qua cả hai nền văn hóa này vì chỉ khi họ làm được điều đó, tức đạt được chiến thắng kép, thì tôi mới dám đặt vào họ cái hy vọng dựng xây nền văn hóa cho người An Nam. Và hai nền văn hóa tôi nói đến là của Trung Hoa và Pháp.Tôi sẽ giải thích tại sao hai nền văn hóa này lại phù hợp với tầng lớp tinh hoa. Ồ! Con số 2 có lẽ khiến quý vị sợ hãi và quý vị nghĩ tới trách nhiệm nặng nề đặt trên vai những người xây đắp tương lai của chúng ta. Khi nói đến thành tựu xã hội, khi nói đến những đại sự, chúng ta ước lượng đã đến một ngưỡng tuổi nào đó, đã đủ chín chắn và đã chuẩn bị rất lâu cho bổn phận này. Chúng ta không đủ liều lĩnh và tham vọng để đảm nhận việc lớn ở tuổi hai mươi. Chúng ta không có quyền nghi hoặc sức mạnh của những người dám nghĩ dám làm sao? Chúng ta không có quyền nghi hoặc họ bị thúc đẩy bởi một tham vọng tỏa sáng viển vông sao? ■(còn tiếp)(Thư Nguyễn dịch) Tags: Nguyễn An NinhBài diễn thuyết của Nguyễn An NinhChung đúc văn hóaLa voix AnnamiteNguyễn An Ninh diễn thuyết
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 47-2024: Tinh gọn bộ máy - Hiện thực hóa những triết lý căn bản TTCT 05/12/2024 1 từ
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Công bố nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác cán bộ THÀNH CHUNG 05/12/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có liên quan công tác nhân sự.
Tin tức thế giới 5-12: Chính phủ Pháp sụp đổ, Tổng thống Macron bị kêu gọi từ chức NGỌC ĐỨC 05/12/2024 Mỹ tố nhóm tin tặc "Bão Muối" của Trung Quốc đánh cắp thông tin người dùng quy mô lớn; Ngoại trưởng Anh thừa nhận ông Trump đúng về NATO.
Tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới NGỌC ĐỨC 05/12/2024 Tổng thống Yoon Suk Yeol bổ nhiệm đại sứ Hàn Quốc tại Saudi Arabia làm tân bộ trưởng quốc phòng trước nguy cơ bị Quốc hội biểu quyết luận tội ngay rạng sáng 6-12.
Biến động một công ty vàng: Từ chủ tịch đến người đại diện pháp luật đều từ nhiệm BÌNH KHÁNH 05/12/2024 Cùng một ngày, Công ty cổ phần Vàng Lào Cai nhận được đơn từ nhiệm của ba lãnh đạo, từ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị đến giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.