Chụp ảnh chiến tranh để nâng niu hòa bình

PHẠM VŨ 30/04/2010 19:04 GMT+7

TTCT - “Chụp ảnh quên chết” là cụm từ chúng tôi nghe được khi tham quan triển lãm “Những khoảnh khắc lịch sử” của Thông tấn xã Việt Nam khai mạc chiều 27-4. 120 tấm ảnh được chọn lựa từ hàng ngàn tấm ảnh mà hàng trăm phóng viên ảnh chiến trường đã “chụp quên chết” ngày ấy đều không ít lần xuất hiện trên truyền thông, nhưng khi tập hợp lại vẫn khiến người xem nghe nhịp tim mình đập mạnh hơn.


Ông Minh Trường giới thiệu những tấm ảnh chụp trong chiến tranh


Năm nay đã 84 tuổi, vẫn khỏe mạnh và vẫn chơi ảnh, ông Minh Trường không khỏi tự hào khi nhìn lại 17 năm lăn lộn trên các chiến trường với chiếc máy ảnh Praktica thô sơ của mình. “Khi ấy tôi chỉ có chiếc máy ảnh cũ kỹ với ống kính tiêu chuẩn, vài chục cuộn phim, mấy hộp thuốc tráng và một balô với những quân trang, quân dụng y như bộ đội. Hết” - ông chỉ nói vậy. 

Những tấm ảnh chiến trường đẹp như ảnh nghệ thuật kể thêm về tác giả của nó: một phóng viên quên chết trên chiến trường, quên mỏi trên đường hành quân, đôi mắt quan sát tinh tường và bộ óc không ngừng sáng tạo. 

Các bức ảnh của ông đã vẽ ra gần trọn cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ khốc liệt của dân tộc: trùng điệp bước chân chém đá trên đường Trường Sơn, những bậc thang dây rừng đưa bộ đội vượt núi, những chiếc xe tải của “tiểu đội xe không kính” băng ngầm qua suối, bước chạy tiến công mạnh mẽ, những nòng súng đỏ lửa, lòa sáng, nét mặt căng thẳng của bộ đội khi lâm trận và nụ cười trong sáng, hồn nhiên khi chiến trường im tiếng súng... 

Với ống kính tiêu chuẩn, ông đã làm sao để có những bức ảnh sống động đến mức này? “Còn làm sao nữa, sống với chính nó” - ông cười, giải thích đơn giản về những tấm ảnh được chụp với cự ly 2-3m của mình. Là cheo leo trên vách đá để chụp cảnh bộ đội vượt núi, là ôm máy ảnh chạy theo tiếng hô “Xung phong” của tiểu đội trưởng, là nhảy lên khỏi giao thông hào khi trận chiến bắt đầu, là lang thang ròng rã trên khắp các tuyến đường Trường Sơn bất kể bom đạn, chất độc hóa học, là 78 ngày đêm khốc liệt trong thành cổ Quảng Trị, là những ngày bám trụ lại Hà Nội chụp ảnh dưới bom B52. 

“Tôi đi bộ, cứ đi bộ theo bộ đội. Chụp đến đâu, tráng phim gửi về đến đấy. Hết phim thì lại lội về Hà Nội lấy phim đi tiếp. Mỗi chuyến công tác dài 5-7 tháng, không tính thời gian, không tính đường dài” - ông nói.

Nhà báo Minh Trường ở Quảng Trị năm 1972



Khi được hỏi về những khẩu súng mà các ông đã được cấp phát và huấn luyện, tất cả đều lắc đầu cười. Họ đã không một lần nào bóp cò mà chỉ say mê đứng giữa mưa bom bão đạn với chiếc máy ảnh. Những tấm ảnh chiến tranh được chụp để nâng niu hòa bình.

Và trên con đường miên man ấy, những ý tưởng sáng tác cũng nảy ra vô tận. Hai tấm ảnh nghệ thuật nổi tiếng của ông dường như chụp về cùng một chủ đề: hàng quân trùng điệp dưới những tia nắng xiên từ đỉnh Trường Sơn, hàng quân dàn hàng ngang trên cánh đồng miền Tây mênh mông dưới một tam giác ánh sáng chói lòa từ tầng mây thấp. 

“Đi theo bộ đội, sống cùng họ, tôi nhận ra động lực trong họ không chỉ là sức trẻ, là lòng yêu nước, là ý chí giải phóng, thống nhất đất nước mà còn có một động lực rất lớn từ lý tưởng về tự do, về công bằng, một khát khao lớn về hòa bình, hạnh phúc. Làm sao để thể hiện điều đó bằng ảnh? Tôi nghĩ phải chụp được hàng quân đi trong luồng ánh sáng kỳ diệu của thiên nhiên. Và khi bắt được tia nắng xuyên qua lớp mây mỏng trên đỉnh Trường Sơn, tôi bắt ngay. Tấm ảnh này được nhà thơ Tố Hữu đề tựa “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Còn tấm ảnh sau được chụp trong khoảnh khắc mặt trời sắp hiện ra sau cơn mưa. Chỉ đủ thời gian để bấm máy đúng 3 kiểu thì luồng sáng tam giác đã biến mất. Tôi đặt tên cho ảnh là Chân lý soi sáng đường anh đi”.


Cứ thế, Minh Trường và các đồng nghiệp của ông đã sống cả quãng đời sôi động nhất, đáng tự hào nhất trong nghề nghiệp của mình trên chiến trường đến ngày thống nhất đất nước, ngày ống kính tha hồ thu vào những nụ cười rạng rỡ, cờ hoa tung bay và những giọt nước mắt hạnh phúc.

Với Văn Khánh, người tự nhận là học trò của Minh Trường, đã được ông đưa vào bám trụ tại Cần Thơ năm 1972 khi vừa tốt nghiệp đại học thì ấn tượng chiến trường lại là những buổi ôm máy ảnh vượt sông, những đêm tráng phim mò dưới tán dừa nước. “Giăng mùng tránh muỗi, lợp lá tránh ánh sáng ai đó có thể rọi vào, một bên thuốc hiện, một bên thuốc tráng, tôi cứ đếm nhịp 1, 2, 3... 60 thì nhấc phim từ bên trái sang bên phải. Làm mò vậy mà phim vẫn đẹp. Có lúc còn tổ chức phóng ảnh lên cho bộ đội xem, phóng bằng chiếc đèn măngsông đặt phía sau một tấm ván khoét lỗ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận