Chuyến bay bão táp Paris - Beirut

DANH ĐỨC 26/08/2012 20:08 GMT+7

TTCT - Có bao giờ hành khách phải góp tiền mặt trả tiền xăng để chiếc máy bay họ đi có thể cất cánh bay đi nơi khác? Tối thứ tư tuần trước, hành khách Hãng Air France đã phải vét túi hùn tiền đổ xăng máy bay tại sân bay quốc tế thủ đô Syria.

Sự cố này là hậu quả bất đắc dĩ của cuộc nội chiến ở Syria và lệnh cấm vận của EU.

Phóng to
Hành khách được bảo không quay phim, chụp ảnh khi chiếc Airbus A330 đỗ tại sân bay Damascus để mua nhiên liệu bằng tiền của chính họ - Ảnh: Reuters

Khởi hành từ Paris trên chiếc Airbus A330, lẽ ra sau 4 giờ 15 phút bay 174 hành khách ấy đã có thể bình yên đáp xuống sân bay quốc tế Rafik Hariri ở Beirut, thủ đô Libăng. Song Air France đã quyết định không cho chuyến bay AF562 hạ cánh xuống Beirut sau khi được tin con đường dẫn ra sân bay đã bị thân nhân 11 người hành hương Libăng bị bắt cóc tại Syria hồi tháng 5 “chiếm đóng”, mà những người này đang có vũ khí trong tay.

Thế nhưng, chiếc Airbus A330 này lại hạ cánh xuống sân bay Damascus, thủ đô của Syria đang loạn lạc từ năm ngoái khiến 21.000 người thiệt mạng chỉ trong vòng 17 tháng qua (1).

Một quyết định ngu xuẩn!

“Không biết quý vị có tiền mặt hay không, chúng tôi cần 17.000 USD trả tiền xăng máy bay” - phi công trưởng chuyến bay AF562 nói với hành khách hạng thương gia.

Quyết định trên đã bị Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius chỉ trích mạnh mẽ trên tờ Le Parisien và trên Đài RTL: “Đưa ra quyết định trong những hoàn cảnh như vậy là rất phức tạp, song ngay giữa cuộc xung đột (ở Syria) mà lại hạ cánh xuống thủ đô Damascus thì không phải là quyết định thích hợp nhất. Đáp xuống Damascus chính là đặt an ninh của hành khách trên máy bay vào vòng nguy hiểm, nhất là những người Libăng bị chế độ Syria săn lùng. Hãy tưởng tượng cảnh nhân viên an ninh Syria khám xét máy bay và kiểm tra giấy tờ các hành khách. Quả là một quyết định ngu xuẩn vô cùng”.

Đến thứ bảy tuần rồi, trả lời phỏng vấn của AFP, ngoại trưởng Pháp còn bực dọc đòi Hãng Air France, mà nhà nước có góp vốn, giải thích thêm về chuyến bay bão táp này (2).

Đến chiều thứ hai 20-8, Air France phải lên tiếng giải thích quyết định này của phi công trưởng, theo đó phi hành đoàn đã liên tục liên lạc với bộ phận xử lý khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Pháp và càng bay đến gần Beirut, họ được thông báo rằng tình hình khu vực gần sân bay đã trở nên rất bất ổn.

Thoạt đầu phi công trưởng định hướng sang sân bay thủ đô Amman của Vương quốc Jordan kế cận, nơi Air France có đường bay thường xuyên và một êkip thường trực. Do không phận Syria vẫn được mở ngỏ, máy bay các hãng hàng không khắp thế giới vẫn mượn đường bay qua nên phi công trưởng đã bay vào đó để hướng đến thủ đô Amman, theo giải thích của giám đốc trực của Air France Pierre Caussade.

Sự cố xảy ra khi một kiểm soát viên không lưu Syria ra lệnh bẻ lái hầu như cả một vòng 2700 thay vì chỉ quẹo cua 900 là bay tới Amman, mà bay theo lộ trình “vòng vo” này thì máy bay sẽ cạn nhiên liệu trước khi đến được Amman! Do chỉ đủ để hạ cánh xuống sân bay thủ đô của Syria, chỉ cách Beirut có 80km, nên phi công trưởng buộc lòng phải làm thế (3).

Mượn tiền hành khách

Sau khi đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Damascus, phi hành đoàn xin mua nhiên liệu và được yêu cầu trả tiền mặt chứ không phải bằng thẻ tín dụng do lệnh cấm vận! Vấn đề càng kẹt hơn nữa ở chỗ Air France đã đóng đường bay Paris - Damascus từ tháng 3 năm nay, nên càng khó xoay xở thanh toán tiền mua nhiên liệu.

Một hành khách kể lại trên Đài Europe 1: “Thật là một đêm kinh hoàng. Chúng tôi dừng lại tại Damascus trong hai giờ, cửa sổ máy bay đóng kín. Phi công trưởng bảo chúng tôi đừng có quay phim, chụp hình gì hết. Ổng không có tiền mặt để trả tiền mua xăng máy bay nên hỏi hành khách hạng thương gia: “Không biết quý vị có tiền mặt hay không, chúng tôi cần 17.000 USD trả tiền xăng máy bay”.

Cuối cùng thì giám đốc chi nhánh Air France tại Damascus cũng giải quyết xong việc thanh toán vụ mua nhiên liệu, song phát ngôn viên của hãng không cho biết chi tiết bằng cách nào. Chiếc Airbus A330 cất cánh bay đến sân bay Larnaca của đảo Cyprus để “tạm trú” trước khi bay đến Beirut vào lúc 16g38 hôm sau, thứ năm 16-8 (4).

Air France hôm thứ hai 20-8 giải thích biện pháp hỏi mượn tiền hành khách này như sau: “Điều L6522-4 đạo luật vận tải cho phép mượn như thế trong trường hợp bất khả kháng”.

Có phải nhân viên không lưu tự ý xử ép?

Làm thế nào mà nhân viên không lưu của Syria lại ra lệnh cho chiếc Airbus phải đánh một vòng 2700 thay vì chỉ quẹo cua 900 là có thể trực chỉ thủ đô Amman của Jordan? Có phải do anh ta cắc cớ hay do “ai đó chỉ đạo”? Nếu khả năng thứ hai xảy ra thì người đó phải nắm rõ tình hình an ninh khu vực để cho Air France “kẹt” một chuyến nhớ đời, bằng không thì đây là một hậu quả bất đắc dĩ của lệnh cấm vận Syria.

Thật vậy, cuộc nội chiến Syria không chỉ đẫm máu tại đấy mà còn lan qua các nước láng giềng, đặc biệt là Libăng vốn được xem là trong vòng cương tỏa của Syria từ thời ông Assad bố còn sinh thời cho đến trào ông Assad con hiện nay. Vụ thân nhân các công dân Libăng bị bắt cóc ở Syria đang làm dữ trên đường ra sân bay Beirut chẳng qua là biểu hiện của tình trạng “tự do làm luật” ở Beirut bởi hai băng đảng, một thuộc gia tộc Mokdad và một thuộc băng đảng Mukhtar Al Thaqfi.

Hai băng đảng này không ưa phe Quân đội Syria tự do nên hay ra tay bắt cóc những người bị xem là thân với phe này chường mặt ra tại thủ đô Libăng hoặc tại cánh đồng Bekaa, nơi đông đảo người tị nạn Syria đang tạm trú. Chính các băng đảng này đã chiếm đóng đường ra sân bay Beirut. Chuyện trả đũa này diễn ra “như cơm bữa” giữa phe thân Syira và phe chống Syria.

Ngay cả trong nội các Libăng cũng có những quan chức thân Syria như bộ trưởng Michel Samaha, người vừa bị bắt khi bị phát hiện chở chất nổ trong thùng chiếc Mercedes của ông từ Syria về hôm 9-8 vừa qua. Song quan trọng hơn cả là tổ chức Hezbollah cực kỳ thân Syria từ mấy chục năm qua. Tình hình bất ổn ở Libăng hiện nay báo trước những loạn lạc, thậm chí nội chiến trở lại như đã từng xảy ra mấy lần từ thập niên 1980, như để “tháo ngòi nổ” cho tình hình vây khốn ông Assad ở Damascus, theo bình luận của một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên (5).

Còn việc phi hành đoàn chuyến bay AF562 phải mượn tiền hành khách để mua nhiên liệu là hậu quả “bắt buộc” của việc EU cấm vận Syria, đặc biệt lệnh ngày 14-10-2011 phong tỏa tài sản Ngân hàng Nhà nước Syria và mọi việc xuất khẩu dầu hỏa, mà bán xăng máy bay cho Air France cũng là xuất khẩu dầu hỏa! Không rõ vụ “hành” máy bay của Air France có là “chọn lọc” hay không, nhất là sau khi có ý định đòi lập vùng cấm bay ở Syria? Nếu “cấm bay”, chiếc Airbus đó làm sao đáp xuống Beirut khi hết xăng?

Trong khi chờ thời gian trả lời, cánh ông Assad vẫn không hề hấn, chỉ có thường dân Syria chết vì loạn lạc và đói khổ vì cấm vận.

___________

(1) http://www.liberation.fr/societe/ 2012/08/16/l-equipage-d-air-france-fait-la-quete-dans-l-avion-pour-faire-le-plein-a-damas_840211
(2)
http://www.liberation.fr/monde/ 2012/08/18/avion-d-air-france-deroute-sur-damas-uneenorme-betise-pour-fabius_840477
(3)
http://www.lepoint.fr/monde/air-france-pas-d-autre-choix-que-se-poser-a-damas-20-08-2012-1497529_24.php
(4) L’EXPRESS 17/08/2012
(5)
http://www.la-croix.com/Actualite/S-informer/Monde/Les-Libanais-sont-choques-par-la-reprise-des-enlevements-_EG_-2012-08-19-843902

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận