Chuyện ly kỳ ở quần đảo Solomon

DANH ĐỨC 04/09/2022 05:53 GMT+7

TTCT - "Một tàu tuần duyên (cảnh sát biển) Hoa Kỳ bị từ chối ghé cảng ở quần đảo Solomon". Một mẩu tin khá nhỏ để người đọc lưu ý. Song nếu nhìn lên bản đồ, cả Đông Nam Á lẫn Úc, Tân Tây Lan, khoan nói tới Mỹ, Nhật, nhất định "lên ruột".

Chưa hết, vụ việc còn đưa người đọc đến những bất ngờ ngoạn mục!

Chuyện ly kỳ ở quần đảo Solomon - Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare duyệt đội danh dự trong chuyến thăm của ông Sogavare tới Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: Getty Images

Quần đảo Solomon quá nhỏ nên không phải ai cũng biết rằng đây là một quốc gia độc lập từ năm 1978, có thủ đô là Honiara, khẩu hiệu quốc gia "Lãnh đạo là phụng sự", quốc ca "Thượng đế bảo hộ quần đảo Solomon của chúng ta" hao hao tựa đề quốc ca Anh do từng là "xứ bảo hộ quần đảo Solomon thuộc Anh".

Ngoài ra, khoảng cách từ quần đảo này tới cảng Moresby của Papua New Guinea (nước đang được Indonesia hậu thuẫn gia nhập ASEAN) là 1.422km, cách miền bắc Úc khoảng 2.000km, tương đương TP.HCM - Hà Nội. Nếu có mối đe dọa nào từ đây, sẽ là một tai ương lớn, nhất là khi từ tháng 4 năm nay, căn cứ thỏa thuận an ninh vừa ký kết, quần đảo này cho phép Trung Quốc gửi binh sĩ và tàu chiến đến.

Làng báo Solomon

Chính quyền quần đảo Solomon đã không hồi đáp yêu cầu của Hoa Kỳ về việc cho phép một tàu tuần duyên, vốn đang tuần tra ngăn chặn đánh bắt cá trái phép, được tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm trong chuyến ghé cảng theo lịch trình, Hãng tin AP 27-8 cho biết. 

Không được cập cảng, tàu tuần duyên Oliver Henry đã chuyển hướng đến Moresby sau khi tham gia chiến dịch Island Chief - giám sát hoạt động đánh bắt cá ở Thái Bình Dương - vừa kết thúc hôm thứ sáu, 26-8. AP lưu ý vụ việc xảy ra trong bối cảnh lo ngại sau khi Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyện tàu tuần duyên Mỹ bị chính quyền Solomon "cấm cửa" không "lớn chuyện" bằng cuộc xung đột giữa chính quyền quần đảo này với truyền thông nước ngoài, đặc biệt là Úc. 

Asia Financial 26-8 chú thích rằng sự cố tàu Mỹ xảy ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon triệu tập cao ủy Úc tại Honiara để phiền trách về phóng sự điều tra ngày 9-8 của truyền hình Úc ABC. 

Phóng sự cáo buộc một số chính trị gia ở Solomon nhận hối lộ trong nhiều năm từ các nhà buôn gỗ Trung Quốc và Malaysia, và các công ty nhà nước Trung Quốc đang tìm cách mua một đồn điền có đường băng và cảng biển sâu trên đảo Kolombangara.

Theo ABC News, Thủ tướng Sogavare có giọng điệu ngày càng thù địch với truyền thông sau những tranh cãi vì chính phủ ông ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Cũng đài Úc nói Chính phủ Solomon đang tìm kiếm cách hạn chế báo chí nước ngoài. 

Những tố cáo này khiến ông Sogavare "chịu thêm áp lực từ các đối thủ chính trị trong nước và những người chống tham nhũng". Phản ứng lại, ông thủ tướng chỉ trích truyền thông cả trong nước lẫn quốc tế, cáo buộc họ "phá hoại sự đoàn kết dân tộc và bóp méo sự thật".

Làm thế nào mà một quốc đảo mới độc lập được 44 năm, gồm 6 đảo lớn và trên 900 đảo nhỏ giữa châu Đại Dương, rộng chỉ 28.400km2 với 650.000 dân, lại có một nền báo chí và chính giới có thể gây khó cho ông thủ tướng đương nhiệm? 

Đất nước bé tẹo này hiện có đến 3 tờ báo Anh ngữ - Solomon Star, Solomon Times và The Island Sun, đều là tư nhân, cùng đài truyền hình công cộng SIBC (hoạt động độc lập, như hầu hết các đài Âu - Mỹ). Các phương tiện truyền thông này đều rất chuyên nghiệp và tự chủ.

Một bài của tờ The Island Sun ngày 23-8 viết về vụ Chính phủ Solomon triệu tập cao ủy Úc nói trên, đã chua thêm chú thích "tách bạch": "Đài ABC độc lập về nội dung biên tập, có nghĩa các bộ trưởng chính phủ liên bang và quan chức cấp cao (Úc) không thể kiểm soát những gì đài này đưa lên sóng... ABC cho biết phóng sự của họ là minh họa cho cách mà chính phủ Sogavare ngày càng trở nên nhạy cảm với những chỉ trích".

Một tờ báo khác, Solomon Star, cho thấy xu hướng khác của làng báo Solomon, khi tán thành quan hệ mới với Trung Quốc. Xã luận "Những thỏa hiệp ký kết với Trung Quốc" đăng ngày 2-6 luận về chuyến thăm một tuần trước đó của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị: "Chuyến thăm lịch sử và quan trọng diễn ra 2 năm sau khi Solomon ký thỏa thuận với CHND Trung Hoa. Việc chuyển từ người bạn cũ của chúng ta là Đài Loan sang CHND Trung Hoa vào tháng 9-2019 đã gây ra rất nhiều náo động trong nước, thậm chí ở nước ngoài".

Điều đọng lại nhân chuyến thăm của ông Vương Nghị thật to lớn, theo tờ báo: "Mới có 2 năm, nhưng đã có một số giao dịch và lợi ích". Chính vì thế mà Solomon trân trọng chuyến thăm: "Đảo Solomon là điểm đầu tiên trong hành trình của ông Vương, điều làm nổi bật sự nhìn nhận của CHND Trung Hoa với nước ta"; kèm theo những tri ân ngọt ngào: "Chưa bao giờ quốc gia này được cung cấp nhiều hỗ trợ như vậy, và vì điều đó mà Trung Quốc nên được khen ngợi vì đã đáp ứng các nhu cầu của chúng ta".

Tuy nhiên, cũng tờ báo này, hôm chủ nhật 28-8 đã đăng một bài "phản biện" trích phát biểu của dân biểu đối lập Matthew Whale: "Đối ngoại kiểu làm bạn với tất cả, không ai là kẻ thù, là một trò đùa và sự đạo đức giả tồi tệ nhất". 

Dân biểu Whale tuyên bố như vậy sau vụ tàu Oliver Henry bị từ chối. Ông lập luận: "Chiếc tàu tuần duyên ấy đang tuần tra đánh bắt cá bất hợp pháp ở Nam Thái Bình Dương, nên được chính phủ cho phép tiếp nhiên liệu, thể hiện nghĩa vụ của chính phủ và sự cảm kích với việc tàu này tuần tra vùng biển của chúng ta".

Ông đặt vấn đề: "Tại sao Thủ tướng lại chống Mỹ và các đồng minh? Không có lời giải thích hợp lý nào trên cơ sở lợi ích quốc gia để biện minh cho cách đối xử này với Mỹ và đồng minh. Rõ ràng Thủ tướng ủng hộ Trung Quốc, nhưng không cần thiết phải có thái độ thù địch hoặc phản đối các nền dân chủ khác". 

Được biết, không chỉ mỗi chiếc Oliver Henry bị "cấm cửa", tàu hải quân hoàng gia Anh HMS Spey cũng không được cho vào cảng Solomon sau khi kết thúc chiến dịch tuần tra nói trên.

Ai chống ai? Chống cái gì?

Tạm gạt chuyện "quốc tịch" hai chiếc tàu chiến kia qua một bên, có vẻ chuyện chống tuần tra đánh cá chỉ là bề nổi của một chọn lựa "theo phe". Sự "theo phe" này không chỉ thể hiện qua chính sách hay chủ trương, mà còn cả trong những lề thói (us et coutumes, theo tiếng Pháp). 

Lề thói đó là điều mà Đài Úc ABC đã lên tiếng đòi làm rõ qua câu chuyện một số công ty Trung Quốc tìm cách mua đồn điền trên đảo Kolombangara.

Vụ việc này gây ra phản ứng không chỉ ở dinh thủ tướng Solomon, mà cả trên truyền thông Trung Quốc. Như tờ Global Times 26-8: "Truyền thông Úc thổi phồng "lệnh cấm" các nhà báo vào quần đảo Solomon để phá hoại sự hợp tác với Trung Quốc một cách ác ý". 

Theo tờ báo này, Đài ABC đã tự vẽ ra kịch bản mình là nạn nhân để bôi nhọ Trung Quốc và chính quyền Solomon. "Các nhà phân tích lưu ý rằng truyền thông chủ lưu của Úc đã hình thành "dây chuyền dàn dựng" với chính phủ của họ, các tổ chức tư vấn, truyền thông phương Tây và Mỹ nói chung, trong công bố và phát tán thông tin sai lệch nhằm phá hoại sự hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và các quốc gia Thái Bình Dương để duy trì sự bá chủ của Mỹ trong vai trò "sen đầm" khu vực", Global Times viết.

Rốt cuộc, cốt lõi vấn đề vẫn là tranh chấp Trung - Mỹ, ngày nay đã lan tới mọi ngóc ngách trên toàn cầu. Sau khi Trung Quốc và Solomon ký kết thỏa hiệp an ninh vào tháng 4, Mỹ đã ra sức vớt vát được chừng nào hay chừng đó. 

Một nghiên cứu của IISS công bố ngày 5-5 nhấn mạnh những mất mát của Washington: Hiệp ước an ninh Trung Quốc - Solomon có thời hạn tối thiểu là 5 năm, càng đáng ngại khi đây là văn kiện mật không công khai.

Có thể hình dung ngay những nguy cơ: Solomon là vị trí đắc địa để kiểm soát vùng biển và vùng trời Thái Bình Dương, có khả năng đe dọa tuyến liên lạc giữa Mỹ và các đồng minh khu vực, bao gồm cả Úc. 

Một căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Solomon có thể trở thành vật cản cho những hỗ trợ quân sự với Đài Loan, đồng thời đóng vai trò thu thập thông tin tình báo, hiện diện tuần tra, làm phức tạp thêm lập kế hoạch phòng thủ cho Úc và ở một mức độ nào đó, cho cả chính Hoa Kỳ.■

Còn những quan ngại khác nữa, như tờ Bưu Điện Hoa Nam ngày 25-7 đã nêu: "Bắc Kinh đã cam kết 30 triệu USD cho 9 dự án xây dựng lớn trên quần đảo trước thềm hội nghị Thái Bình Dương vào năm tới". Một quốc đảo hơn 600.000 dân, rót vô 30 triệu USD cũng là vừa.

80 năm trước, quân đội Mỹ đã giải phóng khu vực này khỏi sự chiếm đóng của phát xít Nhật bằng trận đánh Guadacanal tháng 8-1942. 80 năm sau, kỷ niệm trận đánh đẫm máu này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Solomon vào đầu tháng này, họp hành tay bắt mặt mừng với Thủ tướng Sogavare. Kết quả là 20 ngày sau, tàu tuần duyên Mỹ… bị cấm cửa!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận