Chuyện một bức tranh treo ngược

NGUYỄN VŨ 17/11/2022 06:50 GMT+7

TTCT - Một bức tranh từng được trưng bày tại nhiều viện bảo tàng hóa ra đã bị treo ngược suốt 75 năm nay không ai phát hiện.

Chuyện một bức tranh treo ngược - Ảnh 1.

Bức New York City I theo cách thể hiện trên trang piet-mondrian.org

Bức tranh của họa sĩ trừu tượng người Hà Lan Piet Mondrian thực hiện năm 1941 được trưng bày lần đầu năm 1945 tại New York, sau đó hiện diện thường trực tại bộ sưu tập mỹ thuật của bang North Rhine-Westphalia (Đức) từ năm 1980. 

Mãi đến gần đây một nhà giám tuyển mỹ thuật mới phát hiện nó bị treo ngược từ trước đến nay. Nhưng rất có thể, nó vẫn sẽ tiếp tục bị treo ngược như thế trong tương lai.

Bức tranh mang tên New York City I gồm nhiều dãy băng keo màu đỏ, vàng, đen và xanh đan xen nhau theo một quy tắc phức tạp. Giờ đây, nếu lộn ngược tranh lên cho đúng hướng, rất có thể tranh sẽ hư hỏng vì các dây băng keo không còn kết dính như xưa.

Bà Susanne Meyer-Büser, nhà giám tuyển mỹ thuật phát hiện vụ treo ngược này, khẳng định tranh bị treo ngược do nhiều lẽ. Cách đây chừng một năm, họa sĩ người Ý Francesco Visalli đã viết thư cho viện bảo tàng nơi trưng bày bức tranh, nói rằng cần quay ngược bức tranh 180 độ mới đúng chiều tác giả mong muốn. 

Đó là bởi có một bức tranh tương tự, của cùng tác giả, cùng kích cỡ, sơn dầu, được trưng bày tại Trung tâm Pompidou, Paris (Pháp) thì treo xuôi, các đường nét nằm sát nhau ở trên thay vì ở dưới. Một bức hình chụp phòng vẽ của Mondrian ít ngày sau khi họa sĩ qua đời, in trên tạp chí Town and Country vào tháng 6-1944, cũng cho thấy bức tranh New York City I nằm trên giá vẽ theo chiều đúng, tức ngược lại với cách nó được treo ở các viện bảo tàng.

Lá thư này buộc viện bảo tàng phải tìm hiểu kỹ, có đúng là họ đã treo ngược bức tranh không, nhất là khi họ đang chuẩn bị một cuộc triển lãm kỷ niệm 150 ngày sinh của họa sĩ Mondrian. Sau nhiều nghiên cứu, bàn thảo và cân nhắc nhiều yếu tố, bà Susanne Meyer-Büser khẳng định bức tranh đã bị treo ngược. 

Nhưng nhiều chuyên gia về Mondrian khác lại nói kết luận ấy là chưa chắc, vì chính Mondrian cũng từng lật ngược, lật xuôi các tác phẩm của mình. Cãi cọ chán, cuối cùng bà Susanne kết luận: "Chúng ta không biết thế nào là đúng, thế nào là sai".

Chuyện một bức tranh treo ngược - Ảnh 2.

Bà Susanne Meyer-Büser đứng trước bức tranh treo ngược của Piet Mondrian Ảnh: Reuters

Nhưng vụ bức tranh treo ngược này lại mang tới niềm an ủi cho những ai không hiểu lắm cái thế giới hội họa, từng sững sờ trước những bức tranh vẽ nguệch ngoạc nhưng có giá bán nhiều triệu đô la. Rất có thể, ý nghĩa của các bức tranh trừu tượng đều là sự gán ghép chủ quan của các "chuyên gia", có thể "tán" từ không thành có.

Khi bức tranh bị treo ngược, người ta "tán" rằng các đường dán băng keo chen chúc sát nhau ở dưới là biểu hiện của đường chân trời thành phố New York, gồm nhiều dãy nhà san sát, chật chội, phía trên thoáng hơn là các tòa nhà chọc trời, thỉnh thoảng lộ ra bầu trời xanh nằm giữa các tòa nhà. 

Thế khi treo xuôi thì sao? Bà Meyer-Büser bảo đường nét san sát ở trên mới chính là biểu hiện của một bầu trời tối tăm, bức bối. Nhưng ngộ nhỡ đây là bức tranh chưa hoàn chỉnh, tác giả còn muốn sửa chữa, dán thêm thì sao, bởi bức tranh chưa có chữ ký của tác giả. Nếu có chữ ký, may ra mới hết hồ nghi chuyện ngược xuôi.

Nhiều người nói, với nghệ thuật không có chuyện đúng sai, tranh sẽ có ý nghĩa khác nhau với những con người khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Những người từng ngắm bức New York City I treo ngược có được những trải nghiệm của riêng họ, những người biết chuyện treo ngược sẽ không có trải nghiệm này. 

Ngay cả chuyện băng keo dễ rơi ra nên giờ đây phải giữ nguyên cách treo 75 năm nay cũng là một phần của lịch sử bức tranh, làm nên sức hút cho nó.■

Bức Onement Vi của họa sĩ Barnett Newman vẽ một tấm màn xanh, ở giữa là một vạch trắng, được bán với giá 43,8 triệu USD tại buổi đấu giá do Hãng Sotheby tổ chức năm 2013. Người họa sĩ này còn bức Black Fire 1 (hai mảng màu đen và màu cà phê sữa với một đường kẻ màu đen) được bán với giá còn kinh khủng hơn: 84,2 triệu USD.

Bức Onement VI của Barnett Newman giá 43,8 triệu USD (Read-Only)

Bức Onement VI của Barnett Newman giá 43,8 triệu USD

Và hai bức của họa sĩ Mark Rothko, Không đề (1961) vẽ hai hình màu cam có giá 28 triệu USD, bức Xanh dương trắng của họa sĩ Ellsworth Kelly, giá rẻ hơn, chỉ 1,6 triệu USD cũng chỉ gồm hai khối làm nên một hình kim tự tháp ngược. Bức Không đề (1970) của Cy Twombly với những nét quậy phá của một đứa trẻ đang giận dữ có giá đến 69,6 triệu USD.

Bức Không đề 1970 của Cy Twombly (Read-Only)

Bức Không đề 1970 của Cy Twombly

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận