Cờ đang đến tay đảng Xã hội Pháp

HỮU NGHỊ 24/10/2011 20:10 GMT+7

TTCT - Hôm chủ nhật 16-10-2011, gần 3 triệu đảng viên Đảng Xã hội Pháp (55%) đã hâm nóng giấc mơ giành lại điện Elysée bằng cách ồ ạt đi bỏ phiếu vòng hai của cuộc “bầu cử sơ bộ công dân” đảng này, đông hơn vòng một đến 10%.

Phóng to
Ông Franc5ois Hollande được chào đón tại trụ sở Đảng Xã hội Pháp ở Paris sau khi thắng ở vòng hai cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này - Ảnh: Reuters

Gọi là “bầu cử sơ bộ công dân” là do đảng viên đảng này trực tiếp bỏ phiếu đề cử người đại diện ra tranh cử mà không bỏ phiếu gián tiếp qua các đại biểu. Sau khi được chính thức đề cử, ông Franc5ois Hollande dự báo cánh hữu sẽ khai thác sự “sợ hãi” trong tâm khảm dân chúng Pháp tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, đồng thời kêu gọi tập hợp toàn thể cánh tả, hoan nghênh sự hợp tác của Đảng Môi trường, kêu gọi đoàn kết.

Ông tuyên bố: “Bây giờ là lúc đối đầu! Hãy gắn chặt với nhau để cho ngày 6-5 năm tới sẽ có một người kế vị tổng thống Mitterrand, cánh hữu đã cầm quyền quá lâu rồi! Đã quá đủ rồi! Phải có những gương mặt mới...” (1).

Vết xe đổ Lionel Jopsin và Martine Aubry

Sau hai nhiệm kỳ của tổng thống Franc5ois Mitterrand từ 1981-1995, Đảng Xã hội đã mất đi sự tin cậy của cử tri Pháp qua ba cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp năm 1995, 2002 và 2007, thậm chí năm 2002 bị cử tri Pháp loại ngay vòng một, buộc phải nhường vòng hai cho đảng cực hữu Mặt trận dân tộc của Jean-Marie Le Pen.

Cũng may là từ năm 2002, nhiệm kỳ tổng thống ở Pháp chỉ kéo dài năm năm thay vì bảy năm như trước kia do hiến pháp đã được sửa lại ở điểm này, bằng không ba nhiệm kỳ liên tiếp sẽ là 21 năm thay vì 17 năm như đang diễn ra.

Theo một thăm dò của CSA công bố sáng 19-10, nếu bầu cử vào lúc này, ông Franc5ois Hollande sẽ đắc cử ở vòng hai với 62% số phiếu bầu so với chỉ 38% số phiếu dành cho ông Sarkozy.

Việc Đảng Xã hội Pháp đứng bên ngoài điện Elysée trong suốt chừng ấy năm là một mất mát đối với đảng này, song trong thực tế lại chính là một hình phạt mà cử tri Pháp đã giáng cho đảng này, nhất là ở cuộc bầu cử năm 2002. Năm ấy, ứng viên Đảng Xã hội bị cử tri loại ngay vòng một là ông Lionel Jospin, thủ tướng vừa mãn nhiệm trong chính phủ cánh hữu của tổng thống Jacques Chirac! Số là vào năm 1997, Đảng Xã hội chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nên được tổng thống Chirac trao cho ghế thủ tướng.

Thật ra, đây là lần thứ ba chính trường Pháp rơi vào thế “sống chung” giữa một tổng thống đảng này và một thủ tướng đảng kia (hai lần trước là vào năm 1986 và 1993 dưới trào tổng thống Mitterrand với hai thủ tướng lần lượt là Jacques Chirac và Edouard Balladur thuộc liên minh cánh hữu). Trong giai đoạn đó, cử tri Pháp muốn dùng cánh hữu để “trói tay” tổng thống cánh tả vốn đang hăng say muốn thực hiện chương trình cánh tả của mình mà cơ bản là quốc hữu hóa một số lĩnh vực trọng yếu gồm năm tập đoàn công nghiệp, 39 ngân hàng và hai công ty tài chính qua đạo luật quốc hữu hóa ngày 13-2-1982 (2).

Đến năm 1998, tuy cử tri Pháp vẫn bầu lại tổng thống Mitterrand, song ông vẫn buộc phải loan báo chính sách “hai không” (không quốc hữu mà cũng không tư nhân hóa). Hai lần “trói tay” tổng thống Mitterrand cho thấy ở Pháp, muốn hay không muốn cũng đã là kinh tế thị trường từ lâu (tỉ như ngân hàng), một chương trình quốc hữu hóa cho đúng bài bản “xã hội” đều bị cử tri cự tuyệt. Ngược lại, một số lĩnh vực vốn đã quen trong sự bao cấp của nhà nước, như điện lực, cũng không thể một sớm một chiều mà giải tư được.

Trong nhiệm kỳ của tổng thống cánh hữu Chirac, thủ tướng mãn nhiệm Jospin lại đành phải tư nhân hóa hay cổ phần hóa một loạt tập đoàn, công ty lớn, ngân hàng như France Telecom, Thomson Multimédia, GAN, CIC, AGF, Air France, Crédit Lyonnais, Aérospatiale-Matra..., trong đó có những tập đoàn mới bị quốc hữu hóa. Chính điều này đã đụng chạm rất nhiều đến quyền lợi của người lao động thuộc các tập đoàn ấy.

Một thủ tướng cánh tả mà năm 2000 khi hãng vỏ xe Michelin sa thải công nhân chỉ có thể than: “Nhà nước không thể bao biện mọi việc!” nên hai năm sau có bị rớt ngay vòng một ở cuộc bầu cử tổng thống cũng là điều dễ hiểu! Chẳng qua ông Jospin không thể đảo ngược được yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế Pháp vào lúc kinh tế thế giới bắt đầu giai đoạn khó khăn, cho dù có nhắm mắt cũng biết rằng khi Michelin sa thải công nhân tức là chạm đến cuộc sống của người dân thành phố Clermont-Ferrand vốn từng được xem là thành phố của người lao động Michelin.

Một vết xe đổ khác chính là thất bại của bà Martine Aubry trước ông Franc5ois Hollande ở vòng hai cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Xã hội. Những ai theo dõi chính trường Pháp đều nhớ rằng bà Martine Aubry chính là tác giả của “tuần lễ làm việc 35 giờ” thay vì 40 giờ, mà nay giới chủ và cánh hữu chỉ trích là đã mang họa cho nền kinh tế Pháp không kém đợt quốc hữu hóa (3), do lẽ làm một tuần có 35 giờ thì lấy gì trả lương cho đủ, làm sao còn tính cạnh tranh?

Đó là lý do mà ông Franc5ois Hollande trong phát biểu tối chủ nhật 16-10 đã kêu gọi các đồng chí của mình cùng suy nghĩ cho những đề xuất - chương trình tranh cử của Đảng Xã hội, do lẽ cục diện kinh tế - xã hội Pháp hiện nay còn khó khăn hơn năm 2000, nhất là khi nước Pháp đang và còn phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa.

Liệu tổng thống Sarkozy sẽ phải "trả giá"?

Tất nhiên, ông Franc5ois Hollande có lợi thế là không phải trả giá cho thành tích kinh tế của chính phủ Sarkozy khi nước Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng nợ đang chực phá tan khối euro, trong đó có cả nước Pháp. Càng đáng ngại cho Tổng thống Sarkozy là hai năm qua, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Pháp đang ở mức thấp nhất, tháng 9 vừa qua tăng trưởng bằng 0 và dự kiến cả quý 3 cũng sẽ như vậy (4).

Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan thống kê Pháp (Insee) cũng không lạc quan hơn: dân số tính đến 1-1-2011 là 65.027.000 người, tăng trưởng kinh tế (trong quý 2-2011) +0%, lạm phát (trong tháng 9-2011) là -0,1%, tỉ lệ thất nghiệp (trong quý 2-2011) 9,6%, sức tiêu thụ của các gia đình (trong tháng 7 và 8-2011) +0,2%, sản xuất công nghiệp (tháng 8-2011) +0,7%.

Cuộc đình công của cả trăm ngàn người thuộc Liên đoàn giáo chức Pháp FSU hôm 27-9 để phản đối việc nhà nước cắt giảm số giáo viên đứng lớp, chỉ hai ngày khi Thượng viện Pháp về tay Đảng Xã hội, là những dấu chỉ cho thấy đã và còn đang có một dị biệt lớn giữa nhà nước cánh hữu Pháp hiện đang cầm quyền với một bộ phận lớn dân chúng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang sắp sửa ập xuống nước Pháp.

Chính phủ cánh hữu đã chọn cắt giảm giáo chức: 16.000 người vào mùa tựu trường vừa rồi, 14.000 người nữa vào năm tới! Truyền hình Pháp phát lại cảnh Tổng thống Sarkozy phát biểu đại ý: phản kháng là chuyện thường tình; giữa hỗ trợ sản xuất, công nghiệp để nâng tính cạnh tranh và giáo chức thì chính phủ chọn ưu tiên cho sản xuất.

Trong bối cảnh của những thắt lưng buộc bụng còn kéo dài và sự ngán ngẫm vì cánh hữu đã cai trị quá lâu, ông Franc5ois Hollande có lợi thế hơn. Vấn đề là Đảng Xã hội sẽ đề ra một chương trình kinh tế - xã hội cũng thắt lưng buộc bụng và tái cơ cấu an toàn khả thi ra sao.

__________

(1) http://www.parti-socialiste.fr/articles/la-declaration-de-franc5ois-hollande
(2) Loi de nationalisation du 13 février 1982
(3) Jean-François Copé: “Naturellement, c’est Sarkozy notre candidat”, Le Parisien 16-10-2011
(4) Economie: l’activité en France est au plus bas,
http://www.acturank.com/article8390.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận