Cọ xát rồi... thôi

HUY ĐĂNG 13/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Một số bất ngờ đã xảy ra ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, nhưng đừng ngạc nhiên nếu đến cuối cùng các tấm vé đến Qatar năm sau vẫn chỉ quanh quẩn ở những cái tên Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Iran hay Saudi Arabia.

Trong vài năm gần đây, những cuộc “thảm sát” với tỉ số quá cách biệt hiếm gặp hơn ở vòng loại World Cup khu vực châu Á, cho thấy khoảng cách trình độ giữa các nền bóng đá ngày càng thu hẹp. 

Châu Á không phải là châu Âu

Đó là xu hướng chung của làng bóng đá thế giới. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa châu Âu với những lục địa khác. 

Thái Lan là nền bóng đá hiếm hoi ở Đông Nam Á chú trọng việc tham dự sân chơi AFC Champions League. Ảnh: NewsBeezer

 

Cụ thể ở châu Âu, chuyện những đội tuyển quốc gia tầm trung như Đan Mạch, Xứ Wales, Ukraine hay Ireland có thể đại náo một kỳ Euro hay giật được tấm vé dự World Cup khỏi tay các đại gia từ lâu đã là chuyện bình thường. 

Ở châu Á, đó vẫn là chuyện bất khả. 

Xuyên suốt lịch sử World Cup, có tổng cộng 38 suất tham dự vòng chung kết được phân bổ cho châu Á; và nhóm 5 đội Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Iran và Saudi Arabia đã giành đến 31 vé. 

Lần gần nhất có một đội ngoài nhóm này giành được vé dự World Cup là Triều Tiên ở World Cup 2010 - giải đấu mà họ đã xuất sắc vượt mặt cả Iran lẫn Saudi Arabia ở vòng loại. 

Trước Triều Tiên, Trung Quốc từng giành được vé dự World Cup 2002, nhưng đó là giải đấu diễn ra ở Hàn Quốc và Nhật Bản nên tính chất cạnh tranh khốc liệt vì thế cũng giảm bớt. 

Chưa kể ở thời điểm đó, Úc vẫn chưa gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Kể từ khi đại diện của châu Đại Dương gia nhập, cơ hội dành cho UAE, Iraq hay Kuwait (các đội khác từng giành vé dự World Cup) xem như không còn nữa. 

Trong khi đó, nhiều đội bóng lớn ở châu Âu đang như ngồi trên lửa ở vòng loại World Cup 2022 này. Hà Lan, sau khi mất vé đến Nga 4 năm trước, hiện lại đối mặt nguy cơ tương tự trước Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ trong bảng đấu của mình. 

Tây Ban Nha và Ý cũng đang mất thế chủ động trước Thụy Điển và Thụy Sĩ. Đừng ngạc nhiên nếu sau khi kết thúc vòng loại, có ít nhất một đại gia châu Âu không đến được Qatar. 4 năm trước, cả Hà Lan lẫn Ý đều đã phải ngồi nhà, thế chỗ của họ là Ireland và Serbia.

CLB thế nào, đội tuyển quốc gia thế nấy

Vì sao các đội tuyển trung bình khá của châu Á khó lòng làm nên bất ngờ trước nhóm đại gia? Có nhiều nguyên do, nhưng trình độ của các CLB là một yếu tố không thể bỏ qua.

Hãy nhìn Đan Mạch, đội bóng truyền cảm hứng của Euro 2020 khi vào đến tận bán kết. Với chưa đầy 6 triệu dân, Đan Mạch nằm trong nhóm quốc gia nhỏ ở châu Âu, giải vô địch bóng đá của họ vì vậy không được đánh giá cao như một số nền bóng đá ngang cấp độ như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ. 

Dẫu vậy, FC Copenhagen hay Midtjylland vẫn là những cái tên quen mặt ở Champions League và Europa League. Trước khi Euro diễn ra một năm, Copenhagen từng lọt vào đến tứ kết Europa League và họ góp 3 người cho “những chú lính chì” ở VCK Euro vừa rồi. 

Ukraine, đội vào đến tứ kết Euro 2020, có một CLB rất mạnh là Shakhtar Donetsk, thường xuyên lọt vào vòng đấu loại trực tiếp Champions League. 

Có đến 7 tuyển thủ Ukraine ở Euro 2020 là người của Shakhtar. Tương tự là các CLB của Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hay Thụy Sĩ. Đến từ những giải vô địch quốc gia không được đánh giá cao nhưng các đại diện của họ thường xuyên gây bất ngờ ở đấu trường châu Âu. 

Chiến thắng của Young Boys trước M.U cách đây vài tuần là một ví dụ. 

Bóng đá châu Á không có sự đồng đều đó ở cấp độ CLB, cụ thể là ở hai giải đấu của châu lục AFC Champions League và AFC Cup. 

Giai đoạn 2013 - 2019, một số CLB Trung Quốc nổi lên nhờ vung tiền mua về hàng loạt ngôi sao và tạo ra hiệu ứng khá tốt với 2 chức vô địch AFC Champions League của GuangZhou Evergrande. 

Nhưng cách làm bóng đá kiểu vung tiền không tỏ ra lâu bền và trừ ngoại lệ Trung Quốc, AFC Champions League nói chung không có chỗ cho những nền bóng đá chiếu dưới. 

Trong 8 đội lọt vào tứ kết AFC Champions League mùa này, chỉ mình Al Wahda (UAE) là không thuộc nhóm “ngũ đại gia” châu Á kể trên. 

Ở Đông Nam Á, Thái Lan là nền bóng đá duy nhất có tiếng nói ở đấu trường này, với MuangThong, Buriram và Pathum từng vài lần vượt qua vòng bảng. 

Tuyển quốc gia là điểm cuối

“Cọ xát”, “tích lũy kinh nghiệm” là những khái niệm được các quan chức bóng đá nhắc đến thường xuyên khi nói về hành trình của thầy trò ông Park Hang Seo ở vòng loại World Cup 2022. 

Nhưng tại sao phải quá chăm bẵm vào việc cọ xát của đội tuyển quốc gia, trong khi có thể làm điều tương tự với CLB. 

Nhiều năm qua, việc đá giải châu lục chỉ được xem là nhiệm vụ thứ yếu của các CLB V-League. Một số đội bóng còn không đủ điều kiện tham dự vì không đáp ứng được tiêu chuẩn về sân bãi, đội trẻ, các phòng chức năng... 

Suốt 3 năm qua, các tuyển thủ VN thi đấu rất tốt ở mọi giải đấu quốc tế, nhưng vì sao vẫn không một ai trong số những Quang Hải, Tiến Linh, Duy Mạnh được các CLB hàng đầu châu lục chào mời? 

Với làng bóng đá đỉnh cao, những tuyển trạch viên từ lâu đã từ bỏ xu hướng săn cầu thủ từ những giải đấu cấp đội tuyển. 

Đừng nói AFF Cup hay SEA Games, có rất nhiều ngôi sao lóe sáng từ World Cup, Euro rồi Copa America nhưng hiếm khi gặt hái thành tích tương tự ở cấp CLB. 

Một cầu thủ gắn bó với bóng đá cấp CLB khoảng 9 - 10 tháng mỗi năm, và đẳng cấp thực sự của họ cũng được nhìn nhận từ đó. 

Erling Haaland, ngôi sao trẻ số 1 thế giới hiện nay, là điển hình cho quy trình phát triển chuẩn mực của bóng đá châu Âu. Trưởng thành từ một CLB nhỏ ở Áo, Haaland chuyển đến Salzburg, đội bóng số 1 của Áo, vào năm 18 tuổi. 

Tại đây, anh được ra sân ở Champions League và bùng nổ với một loạt bàn thắng vào lưới Liverpool, Napoli... Sau đó, Haaland được Dortmund chiêu mộ, cùng với Kylian Mbappe trở thành hai tiền đạo trẻ xuất sắc nhất thế giới. Thành tích ấn tượng của anh trong màu áo tuyển Na Uy cũng đến ngay sau đó. 

Trong một năm, các cầu thủ chuyên nghiệp có thể đến hơn 40 trận trong màu áo CLB, nhưng nhiều lắm cũng chỉ khoảng 10 trận cho tuyển quốc gia. 

Nếu xem việc được chạm trán Nhật Bản, Saudi Arabia ở vòng loại World Cup là cơ hội cọ xát quý giá, thì cơ hội đó có ý nghĩa gì khi trở về CLB, các tuyển thủ Việt lại dành phần lớn thời gian để quanh quẩn trong “ao làng” V-League?

Vì vậy vài năm gần đây, tuy Việt Nam có được một đội tuyển quốc gia mang lại nhiều cảm xúc phấn chấn, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nó nhờ nhiều vào ông Park và một thời điểm may mắn khi hội tụ được một lứa cầu thủ giỏi và đồng đều. 

Song có ai dám đảm bảo sau lứa này sẽ có lứa tiếp nối, nếu cho rằng những gì đã đạt được ở tuyển là kết cục của một chiến lược phát triển đúng đắn? 

Khó, khi nhìn vào V-League!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận