TTCT - Hai tháng gần đây, trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần xuất hiện những diễn đàn tranh luận liên quan đến đời sống của các bạn trẻ như “Con tôi đi bụi”, “Tôi không qua nổi kỳ thi này” hay “Câu chuyện du học”. Trong bài viết này, chúng tôi muốn phân tích một điểm chung nổi lên nơi các diễn đàn trên: mối quan hệ trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, và bàn nhiều hơn về mô hình giáo dục độc đoán, áp đặt. Phóng to Mỗi đứa trẻ là một “con người riêng” và nền giáo dục phải mang tính khai phóng các năng lực và nhu cầu riêng của các em - Ảnh: Minh Đức Điểm lại những gì được các bạn trẻ chia sẻ trong thời gian qua, thấy rõ mô hình giáo dục áp đặt không chỉ bó hẹp trong trường hợp của các bạn đi bụi, mà còn mang đến nhiều hậu quả cho những bạn trẻ khác. Muôn kiểu độc đoán Một số cha mẹ đã can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái, tự cho mình mọi quyền hạn đối với con, từ học tập cho đến những hoạt động thể thao, giải trí. “Tôi không được chạy nhảy, đá banh, đi chơi cùng bạn bè hay vui chơi tại các khu du lịch. Tôi không phải làm bất cứ việc gì ngoài học và học. Tôi chỉ có điểm 9 và 10, không có quyền rớt xuống điểm 8 ở bất cứ môn học nào” (nguyennhat). Nhiều phụ huynh đã làm cho con cái cảm thấy “nghẹt thở” trước sự kìm kẹp của mình như trường hợp của bạn Duy Tường. Có những phụ huynh tỏ ra thiếu tôn trọng, khoan dung với những điểm khác biệt của con cái, thậm chí cả đối với những đặc điểm sinh lý ngoài ý muốn của con. Cụ thể, cha mẹ vẫn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ, thường so sánh những đứa con với nhau, hay so sánh con mình với con của bạn bè như trường hợp của Bảo Ngọc. Cực đoan hơn, cha mẹ áp đặt con cái phải chọn trường nào, ngành học nào khi thi vào đại học hay khi đi du học mà không quan tâm gì đến sở thích, nguyện vọng của con cái. “Tôi thích ngành điện lạnh, mẹ khăng khăng bắt học y khoa” (nguyennhat), hay trường hợp của một bạn trẻ người Mỹ gốc Á đã chia sẻ khi cha mẹ lựa chọn và bắt ép bạn vào một trường học có tiếng. Những hành động đó có thể xuất phát từ lợi ích cá nhân của phụ huynh như mong muốn được nở mày nở mặt với bạn bè, hay khởi đi từ chính tình thương con cái. Họ suy nghĩ rằng trước đây họ đã khổ nhiều và tất cả những định đoạt họ đưa ra chỉ nhằm cho con cái có một tương lai tốt đẹp hơn. “Cha mẹ đã không làm được điều này khi còn trẻ, nên...” (bài “Tôi như con búp bê được lập trình”). Suy nghĩ kiểu đó của các bậc phụ huynh bị chi phối bởi định kiến khi đề cao hay đánh giá thấp một số ngành nghề trong xã hội. Theo tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt, “về mặt tâm lý và giáo dục, phụ huynh Việt Nam vẫn mang não trạng là con mình phải làm bác sĩ, luật sư, tiến sĩ mới là thành đạt” (1). Như trường hợp của một du học sinh ở Hoa Kỳ chọn ngành xã hội học đã chia sẻ “nhiều người hỏi sao tôi không chọn ngành y, dược, hay kinh doanh?”, cho rằng “ngành học này (xã hội học) thiếu thực tiễn, tiền lương không cao, không đảm bảo cho tương lai” (Nhã Văn). Thực tế không phải bác sĩ nào cũng cảm nhận được niềm vui và sự hài lòng về nghề nghiệp của mình. “Trong một cuộc khảo cứu về nghề nghiệp, có đến 21% bác sĩ cho rằng nếu bây giờ được chọn lại nghề nghiệp, họ sẽ không chọn làm bác sĩ nữa” (2). Một biểu hiện nữa của mô hình giáo dục áp đặt mà năm nào báo chí cũng đưa tin: hiện tượng học sinh đổ xô đi học thêm. Trong xu hướng này, cha mẹ còn tìm hiểu, lựa chọn thầy cô và buộc con cái phải đi học thêm, như trường hợp của nguyennhat: “Thầy cô nào giỏi, mẹ tôi lặn lội đến xin cho tôi học”. Các bạn học sinh chỉ biết vâng lời và tự an ủi: “Họ là người sinh ra mình thì điều họ làm chắc chắn sẽ tốt cho mình” (trong bài “Tôi như con búp bê được lập trình”). Như vậy, trong những trường hợp này, con trẻ răm rắp vâng lời cha mẹ liệu có hợp lý? Có những “con người riêng” Platon (3), triết gia nổi tiếng người Hi Lạp, đã cho rằng: “Nhiệm vụ đầu tiên của giáo dục là phát hiện ra năng khiếu tự nhiên ở mỗi cá nhân và huấn luyện để anh ta sử dụng hiệu quả năng khiếu ấy” (4). Bởi vì “một cá nhân sẽ thấy hạnh phúc và xã hội có trật tự khi mỗi cá nhân tham gia vào các hoạt động phù hợp với năng khiếu tự nhiên”. Như vậy, mô hình giáo dục áp đặt, độc đoán có vẻ đang đi ngược lại với mục đích giáo dục vừa nêu, các em học sinh không nhận thấy được sự hứng thú khi đi học, không phát huy được thiên hướng riêng, mà ngược lại còn cảm thấy áp lực và sợ hãi khi nói đến việc học. Một số học sinh do không chịu đựng nổi áp lực của việc học, của sự áp đặt, sự kỳ vọng của gia đình nên đã phản ứng lại bằng hiện tượng “sợ học” mà báo chí mới đây cũng đã nêu “Nhiều trẻ sợ đi học đến... phát bệnh”. “Chỉ cần nghe đến hai từ “đi học”, nhiều trẻ liền vã mồ hôi, nôn ói, đau bụng, căng thẳng, thở mệt... Đặc biệt, các triệu chứng này thường nặng hơn vào đầu năm học” (Văn Thanh). Hay bé gái Bảo Ngọc 5 tuổi do bị nhồi nhét quá nhiều trước khi vào lớp 1 đã phải thốt lên: “Mẹ ơi, con sợ đi học” (bài “Lắm kiểu nhồi trẻ”, Tuổi Trẻ Online, ngày 27-4-2011). Chúng ta vẫn thường đề cao mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và nỗ lực để đạt đến mục tiêu này. Một xã hội dân chủ không thể loại trừ giáo dục như John Dewey - nhà tâm lý và cải cách giáo dục Mỹ (1859-1952) - từng khẳng định: “Dân chủ bao giờ cũng tôn sùng giáo dục” (5). Platon cho rằng: “Xã hội dân chủ bao giờ cũng bác bỏ nguyên lý của quyền lực bên ngoài, vì thế nó buộc phải tìm ra một quyền lực thay thế nằm bên trong khuynh hướng nhân cách và mối hứng thú tự nguyện, chỉ có giáo dục mới có thể tạo ra được những điều đó” (6). Tuy nhiên, mô hình giáo dục tôn trọng người học cũng không phải dễ dàng đạt được. John Dewey cũng thấy được xu hướng áp đặt trong giáo dục khi ông phát biểu: “Luôn tồn tại xu hướng chọn ra những mối quan tâm được người lớn tâm đắc và coi chúng là những mục đích, bất chấp các khả năng của người được giáo dục. Ngoài ra còn tồn tại một xu hướng đề xuất những mục tiêu quá ư giống nhau, đến nỗi người ta bỏ qua các năng lực và nhu cầu cụ thể của một cá nhân, mà quên rằng mọi sự học tập đều là điều xảy ra với một cá nhân tại một thời điểm và địa điểm cụ thể” (7). Tình trạng mà John Dewey vừa nêu ra chính là tình trạng mà đất nước ta đang vướng phải, khi các học sinh đổ xô đăng ký vào những ngành được cho là “hot” và gây ra sự mất cân bằng xã hội. (Theo thống kê trên TTCT trong bài “Du học: Từ chuyện cá nhân đến chuyện đất nước”, ra ngày 30-7-2011, “gần 40% du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ học các ngành quản trị và kinh doanh, cao nhất trong tất cả các nước”). John Dewey cũng từng đưa ra lời cảnh báo: “Trong giáo dục, sự tồn tại phổ biến của những mục tiêu được áp đặt từ bên ngoài như vậy là nguyên nhân của hai điều sau đây: đề cao khái niệm về sự chuẩn bị cho một tương lai xa vời và biến công việc của cả thầy giáo và học sinh trở nên máy móc và không có tính sáng tạo” (8). Như vậy, nhiệm vụ của cha mẹ có phải là những người tiên phong lựa chọn con đường họ cho là đúng đắn, tốt đẹp và đẩy con mình bước trên đó không? Với triết lý giáo dục vừa nêu thì lúc này, cha mẹ sẽ đóng vai trò là người đồng hành, gợi mở, thảo luận với trẻ để trẻ có thể tự nhận ra được năng lực, thế mạnh và sở thích của mình. Phụ huynh không còn là người đưa ra quyết định; ngược lại, các bậc phụ huynh phải rời bỏ lối suy nghĩ áp đặt, mà hãy sẵn sàng trao quyền quyết định và quyền tự chịu trách nhiệm cho con cái. Tất nhiên, phụ huynh không phải bỏ mặc con cái và cũng không phải theo sát theo kiểu “kiểm soát”. Có như vậy, tính cá thể của trẻ mới được tôn trọng và có chỗ đứng nhất định. Mô hình giáo dục mang tính chất khai phóng này sẽ góp phần xây dựng một xã hội mang tính dân chủ như mục tiêu mà Nhà nước ta đã đặt ra. Vậy “Con trẻ có cần phải vâng lời không?”. Thiết nghĩ các bậc phụ huynh hãy để con cái giữ được chính kiến riêng, đừng bắt chúng nhất nhất tuân phục những mệnh lệnh trong khi chúng lại không nhận được những giải thích hợp lý. Nhất là đừng biến việc đi học, lẽ ra là một sự ham thích tìm tòi, học hỏi, thành ra một thứ cực hình đối với con trẻ! __________ (1), (2) Trần Mỹ Duyệt, 2007, Giáo dục tuổi trẻ, những nguyên tắc và hướng dẫn tổng quát, NXB Ra Khơi(3) Platon (khoảng 428/427 - 348/347 TCN)(4), (5), (6), (7), (8) John Dewey, 1997, Dân chủ và giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri Thức Tags: Du họcĐi bụiCâu chuyện cuộc sốngMô hình giáo dụcÁp đặtĐộc đoán
HLV đội tuyển Lào: Việt Nam có thể tiệm cận Hàn Quốc, Nhật Bản HOÀNG TÙNG 09/12/2024 HLV trưởng đội tuyển Lào Ha Hyeok Jun đánh giá đội tuyển Việt Nam mạnh bậc nhất Đông Nam Á và nếu bổ sung thêm thể chất có thể tiệm cận trình độ của đội tuyển Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đánh bại Lào 4-1, Việt Nam giành 3 điểm đầu tiên ở ASEAN Cup 2024 QUỐC THẮNG 09/12/2024 Đội tuyển Việt Nam đánh bại Lào 4-1 để giành 3 điểm đầu tiên tại ASEAN Cup 2024 tối 9-12.
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Trung Quốc đầu tư cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi và đường sắt đô thị NGỌC AN 09/12/2024 Chiều tối 9-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp, làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn của Trung Quốc.
Ông Putin cho tổng thống Syria bị lật đổ được tị nạn tại Nga DUY LINH 09/12/2024 Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối cho biết nơi ở của ông Bashar al-Assad, sau khi có thông tin nhà lãnh đạo Syria bị lật đổ xin tị nạn ở Nga.