TTCT- Nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm, cần phải có tiền. Có khi rất nhiều tiền. Nhưng vấn đề và cũng là khó khăn lớn mà giới khoa học trăn trở là làm sao chọn đề tài xứng đáng để tài trợ. Cần giải pháp khuyến khích nghiên cứu khoa học -Thuận Thắng Thử tưởng tượng bạn đang quản lý một số tiền hàng chục triệu USD (từ tiền thuế của dân) và muốn dùng số tiền này để tài trợ nghiên cứu khoa học, bạn sẽ chọn đề tài nào để tài trợ? Đây là một quyết định không dễ dàng chút nào, vì quyết định đó đòi hỏi một sự cân nhắc hết sức cẩn thận để đáp ứng hai tiêu chí công bằng và khoa học. Quy trình bình duyệt Ở các nước phương Tây, nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học chủ yếu là từ ngân sách nhà nước. Nhưng nhà nước không trực tiếp quyết định chọn đề tài để tài trợ mà giao quyền này cho giới khoa học. Thông thường giới khoa học lập ra những hội đồng xét duyệt đề tài, mỗi hội đồng thường có khoảng 10 thành viên, và thành viên là những người có uy tín trong chuyên ngành. Uy tín của họ thể hiện qua những công trình được công bố trên các tập san khoa học chứ không phải có vai vế trong các hiệp hội chuyên môn. Mỗi hội đồng phụ trách một chuyên ngành khoa học để đảm bảo tính chuyên biệt. Hội đồng xét duyệt dựa trên những tiêu chí cụ thể để đánh giá và cho điểm một đề tài nghiên cứu. Chẳng hạn như họ đánh giá dựa vào bốn tiêu chí chính là: chất lượng khoa học, tầm quan trọng của công trình nghiên cứu, chất lượng của nhóm chủ trì đề tài nghiên cứu, tính khả thi và ngân sách nghiên cứu. Mỗi tiêu chí có một loạt tiêu chuẩn để người bình duyệt có thể cho điểm. Chẳng hạn như tiêu chí chất lượng có những tiêu chuẩn cụ thể như ý tưởng hay và mới của đề tài nghiên cứu, cách tiếp cận sáng tạo. Chất lượng của nhóm nghiên cứu cũng được đánh giá qua một loạt tiêu chuẩn về năng lực nghiên cứu trong quá khứ, thành tích công bố quốc tế và uy tín trên trường quốc tế. Một khía cạnh quan trọng khác hội đồng cũng xem xét đến là khả năng đóng góp của đề tài nghiên cứu cho sự thịnh vượng và uy danh của quốc gia trên thế giới. Như một quy luật, hội đồng chọn ra những đề tài có điểm cao nhất để tài trợ. Nhưng điểm chuẩn này thay đổi hằng năm tùy theo ngân sách nhà nước cung cấp. Ở Úc, trong ngành y sinh học chỉ có 10-15% đề cương có điểm cao nhất được đề nghị tài trợ. Bộ trưởng khoa học căn cứ vào đề nghị của hội đồng xét duyệt và ký phê chuẩn tài trợ cho công trình nghiên cứu. Đó là quy trình chuẩn trong xét duyệt tài trợ đề tài nghiên cứu. Quy trình này có tên tiếng Anh là “peer review”, mà tôi tạm dịch là “bình duyệt”, đã tồn tại trên 100 năm trong thế giới khoa học phương Tây. Quy trình chuẩn này còn được áp dụng ở rất nhiều nước trên thế giới, kể cả ở các nước đang phát triển. Tuy quy trình bình duyệt mô tả trên được xem là “chuẩn vàng” nhưng trong thực tế có rất nhiều vấn đề. Những vấn đề nổi cộm là tính chủ quan trong việc xét duyệt, mâu thuẫn quyền lợi, chủ nghĩa thân hữu, khả năng chuyên môn hạn chế và đánh giá qua loa. Các chuyên gia phục vụ trong các hội đồng xét duyệt cũng chỉ là những con người chịu sự chi phối của cảm tính và có khi rất chủ quan trong việc đánh giá. Do đó, điểm của các chuyên gia bình duyệt thường không có độ nhất quán cao. Có những đề cương nghiên cứu chuyên gia bình duyệt cho điểm rất cao nhưng lại có chuyên gia cho điểm rất thấp. Nhưng giả định là số đông sẽ trung bình hóa và đáng tin cậy hơn là cá nhân đơn lẻ. Một số người do cạnh tranh trong chuyên ngành nên có thể tìm cách “làm khó” người chủ trì đề tài nghiên cứu. Ngược lại, với nhiều trường hợp, người ngồi trong hội đồng bình duyệt có quan hệ chuyên môn hay cá nhân với chủ đề tài, do đó phán xét của họ có thể không hoàn toàn khách quan. Một vấn đề phổ biến khác là nhiều trường hợp người ngồi trong hội đồng xét duyệt không có chuyên môn tốt để đánh giá đề tài nghiên cứu, nên họ có thể đánh giá sai hoặc đánh giá qua loa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết cục của đề tài nghiên cứu. Tuy quy trình bình duyệt có nhiều vấn đề nhưng trong thực tế đó là quy trình tốt nhất hiện nay trong các phương pháp đánh giá đề tài nghiên cứu. Ở Việt Nam, trên nguyên tắc, quyết định tài trợ cho nghiên cứu khoa học cũng được giao cho giới khoa học. Chẳng hạn như quy trình xét duyệt đề tài nghiên cứu của Quỹ NAFOSTED là khá gần với quy trình chuẩn ở các nước phương Tây. Ở cấp tỉnh thành cũng có những hội đồng xét duyệt nhưng do thiếu nhân sự nên vẫn còn khá nhiều bất cập. Có những người “ngồi nhầm chỗ”, tức những người chưa bao giờ làm nghiên cứu và chưa bao giờ được tài trợ cho nghiên cứu, nhưng lại ngồi trong các hội đồng xét duyệt đề tài của người đã có tài trợ và làm nghiên cứu khoa học! Tình trạng ngồi nhầm chỗ khá phổ biến ở các cấp tỉnh thành, do một phần rất khó tìm những chuyên gia thích hợp và có tư cách khoa học (như có công bố quốc tế tốt và uy tín trong chuyên ngành) để phục vụ trong các hội đồng xét duyệt. Ngoài ra, còn có vấn đề mâu thuẫn quyền lợi và quan hệ cá nhân nên hệ quả là kết quả bình duyệt không mang tính thuyết phục cao. Nhiều đề tài nghiên cứu chất lượng thấp lại nhận được tài trợ, ngược lại những đề tài có chất lượng cao và mới thì bị bác bỏ. Sự bất cập này gây tác hại về tâm lý rất lớn đến giới nghiên cứu vì họ không tin vào tư cách chuyên môn của hội đồng xét duyệt, do đó không muốn nộp đề cương nghiên cứu. Yếu tố chính trị Tài trợ cho nghiên cứu khoa học qua quy trình bình duyệt có những điểm yếu đáng kể. Ngoài những vấn đề nêu trên, các hội đồng bình duyệt thường có xu hướng tài trợ các trường nổi tiếng hoặc các viện đẳng cấp “tinh hoa” (elite). Các hội đồng bình duyệt cũng có khuynh hướng chọn những đề tài an toàn, những đề tài tuân theo các trường phái hiện hành, do đó các đề tài mang tính đột phá thường bị bác bỏ. Thật vậy, rất nhiều đề tài nghiên cứu mà sau này được trao giải thưởng Nobel dù trước đó hay bị các hội đồng bình duyệt từ chối tài trợ. Để đáp ứng những phê phán chính đáng của giới khoa học và để yểm trợ những nhà khoa học có viễn kiến tốt, chính phủ tạo ra một cơ chế tài trợ khoa học mới và đặc biệt, mà tiếng Anh hay gọi là “academic earmarking” - có thể hiểu là quỹ đặc biệt. Đây là một cơ chế tài trợ mang tính chính trị, và do đó bỏ qua quy trình bình duyệt chuẩn trong khoa học. Chỉ riêng năm 2003, Quốc hội Mỹ dành ra một ngân sách 2 tỉ USD cho quỹ đặc biệt để tài trợ 1.964 dự án đặc biệt. Như có thể hiểu được, cơ chế tài trợ theo quỹ đặc biệt này gây ra nhiều tranh cãi dai dẳng. Giới khoa học quá quen thuộc với quy trình bình duyệt công khai gièm pha và chỉ trích các quỹ đặc biệt, vì chúng có thể đe dọa đến sự liêm chính của khoa học và giảm ngân sách cho nghiên cứu khoa học. Nhưng ngược lại, những nhà khoa học được tài trợ từ các quỹ đặc biệt thì hoan hỉ vì họ không phải bị “hành” bởi các hội đồng bình duyệt mà có khi họ không cảm thấy thuyết phục. Ở Việt Nam, ngoài quy trình bình duyệt chuẩn trên, thỉnh thoảng đó đây vẫn có những quyết định tài trợ cho khoa học mà không dựa vào một hội đồng xét duyệt nào. Những quyết định có thể mang tính chính trị như thế, trước là minh chứng cho sự quan tâm của giới lãnh đạo đến khoa học, sau là gieo một niềm tin mới cho giới khoa học, nhất là những người ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp khoa học. Dĩ nhiên, những quyết định như thế này cũng làm các nhà khoa học trong cơ chế bình duyệt cảm thấy họ không được đối xử công bằng. Rốt cuộc thì câu hỏi cần phải trả lời là nhà nước muốn tài trợ cho khoa học như thế nào? Trong khi các chương trình tài trợ theo cơ chế quỹ đặc biệt tăng theo thời gian, nhiều câu hỏi khác được đặt ra: Tài trợ cho khoa học có nên quyết định bởi những chính trị gia? Quỹ đặc biệt có hiệu quả nâng cao năng lực khoa học của các trường đại học? Quỹ đặc biệt có duy trì hay nâng cao khả năng sáng tạo khoa học của một quốc gia hay không? Một trong những nguy cơ có thể thấy trước là một khi cơ chế tài trợ khoa học từ các quỹ đặc biệt trở thành thường quy sẽ tạo ra một kỹ nghệ vận động hành lang của các trường đại học hay viện nghiên cứu với hệ quả là các chuẩn mực vàng như công bằng và khoa học sẽ bị đe dọa. ■ Tags: Nghiên cứu khoa họcTài trợ cho nghiên cứuCông bằng và khoa học
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Xuân Son giúp tuyển Việt Nam tiến gần chức vô địch ASEAN Cup 2024 ĐỨC KHUÊ 02/01/2025 Tối 2-1, tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Nguyễn Xuân Son tỏa sáng để giúp tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan 2-1.
Biển người 'đi bão' mừng tuyển Việt Nam chiến thắng, không quên dừng đèn đỏ HỒNG QUANG 03/01/2025 Sau khi tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tại trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1, đông đảo người dân đổ về các khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội để "đi bão".
CĐV Thái Lan: Việt Nam rồi sẽ như Philippines thôi! THÀNH AN 02/01/2025 Dù đội nhà bại trận 1-2 trước Việt Nam trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1 tại Việt Trì, người hâm mộ Thái Lan vẫn tự tin vào màn lội ngược dòng ở trận lượt về.
Xuân Son nói gì sau khi lập cú đúp vào lưới Thái Lan? HOÀNG TÙNG 02/01/2025 Sau lượt đi trận chung kết ASEAN Cup 2024, Quang Hải và Xuân Son thể hiện quyết tâm hướng đến chiến thắng chung cuộc để giành ngôi vô địch.