​Công tư cạnh tranh, ai cũng có lợi

Anh Nguyễn (trích dịch) 24/03/2015 03:03 GMT+7

TTCT - Các nghiệp đoàn ở Chicago đã tiết kiệm được 242 triệu USD/năm dưới phương thức “cạnh tranh có kiểm soát”, theo đó, các cơ quan công quyền sẽ phải cạnh tranh với khối tư nhân để giành các hợp đồng cung cấp dịch vụ cho chính phủ. Eric Schnurermar, chủ tịch Công ty tư vấn Public Works LLC ở Chicago, vừa viết trên The Atlantic.

Ở Chicago, nhờ thực hiện “cạnh tranh có kiểm soát”, các nghiệp đoàn đã tiết kiệm được 242 triệu USD - Ảnh: Cribbsification

Đó là cách cạnh tranh mà theo Eric Schnurermar là rất phổ biến ở nước Anh, với khoảng 3.500 mô hình tương tự. 

Ở Mỹ, các thành phố như Phoenix, Charlotte, Indianapolis và Philadelphia cũng theo đuổi các mô hình “cạnh tranh có kiểm soát” này như là chiến lược để cắt giảm chi phí và cải thiện dịch vụ.

TỪ CÚ SỐC CHO CÁC CÔNG CHỨC

Các hoạt động thu gom rác ở Phoenix trở nên nổi tiếng như sự khởi nguồn của cạnh tranh có kiểm soát. Vào cuối những năm 1970, thành phố quyết định thuê bên ngoài để thực hiện dịch vụ thu gom rác. Chính quyền chia thành phố ra thành một số khu để đấu thầu gom rác.

Đầu tiên, chính quyền thành phố so sánh giá thầu của các công ty tư nhân với mức của các cơ quan công của thành phố. Kết quả so sánh cho thấy mức giá công hoàn toàn không cạnh tranh bằng các công ty tư nhân - khu vực đầu tiên trong thành phố ngay lập tức được giao cho bên ngoài. 

Sốc với kết quả này, các công chức nhận ra rằng họ phải có cách làm mới, với thiết bị mới, có sự linh động lớn hơn về lương bổng và điều kiện làm việc. Họ bắt đầu tìm kiếm những cố vấn chuyên nghiệp hơn. Các công ty công dần dần thắng ở bốn khu còn lại trong thành phố và cuối cùng thắng nốt cả khu vực mà họ từng mất.

Cựu thị trưởng Indianapolis Stephen Goldsmith cũng nổi tiếng theo cách tương tự khi ông là người tư nhân hóa một cách sáng tạo các dịch vụ công ở thành phố mình. Năm 1992, ông Goldsmith đưa ra danh sách khoảng 80 dịch vụ công của thành phố để tư nhân hóa.

Trước thách thức này, các công chức một lần nữa hiểu ra họ có tương lai hay không phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của họ. Và nhờ cạnh tranh họ mới thắng lại được các hợp đồng. Sau lần thay đổi này, các hoạt động dịch vụ của Indianapolis phát triển tốt tới mức họ mở rộng để phục vụ các dịch vụ khác trong thành phố.

Theo ông Eric Schnurermar - người từng làm trợ lý cho nhiều thống đốc và các ứng viên tổng thống, với hầu hết kịch bản “cạnh tranh có kiểm soát” như vậy, các công chức sau thời gian đầu thất bại thì thường thắng ngược lại các đơn vị tư nhân.

Đây là lý do mà ngay cả chính quyền ủng hộ tư nhân hóa rất mạnh của George W. Bush sau một thời gian cũng chấm dứt chính sách vốn ngăn chặn việc cơ quan công quyền cạnh tranh với khối tư nhân, đưa ra nhiều chính sách để ủng hộ “cạnh tranh có kiểm soát”. Chính quyền bỏ thói quen là cứ có việc thì thuê ngay bên ngoài trước khi so sánh xem dùng cơ quan công quyền hay khối tư nhân sẽ hiệu quả hơn. 

Dù vậy, ông thừa nhận không phải dịch vụ nào cũng có thể dễ dàng đưa ra tư nhân hóa hay cạnh tranh. Việc phân định lằn ranh này không phải là dễ dàng.

Theo ông, “không có lý do gì khối tư nhân không được phép cạnh tranh để cung cấp hầu hết dịch vụ công của chính phủ, nhưng cũng không có lý do gì các cơ quan công quyền không, hay không thể, cạnh tranh lại”. 

Để giảm được giá các dịch vụ công, điều quan trọng là phải đưa các công ty công quyền ra cạnh tranh để buộc các nhà quản lý và công chức của nhà nước phải hiệu quả hơn. Mấu chốt cuối cùng “không phải là tư nhân hóa mà là cạnh tranh”.

CẠNH TRANH MANG LẠI LỢI ÍCH CHO NGƯỜI DÂN

Ở Edmonton (Canada), một hệ thống đấu thầu tương tự buộc các trường công phải cạnh tranh và trong vòng hai năm, nhờ đổi mới tốt, các trường công này khiến các trường tư hoàn toàn không thể cạnh tranh nổi. 

Một báo cáo tương tự ở Mỹ hồi năm 2005 cho thấy việc tư nhân hóa các nhà tù liên bang không giúp giảm chi phí so với cách làm truyền thống. Nhưng chỉ cần “đe dọa thuê bên ngoài” và tăng cường cạnh tranh thì sẽ khiến các nhà tù công phải thay đổi dần cách hoạt động của mình.

Hình thức này có thể áp dụng cho ngành bưu điện đang vật lộn với vấn đề tài chính ở Mỹ. Ngành bưu điện Mỹ đã được tư nhân hóa từ lâu nhưng ngay cả điều này cũng không giúp họ cải thiện nhiều tình hình tài chính, trên góc độ nào đó đây còn là thách thức mang tính toàn cầu đối với ngành bưu điện.

Vấn đề là, theo Eric, chính Quốc hội Mỹ đang ngăn cản khiến Tập đoàn bưu điện USPS nước này không hoạt động hiệu quả. Có thời điểm Quốc hội Mỹ cấm ngành này cung cấp các dịch vụ thêm như đóng gói hay photocopy. USPS đã có những sáng kiến riêng như tận dụng chuyện họ phải di chuyển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để quảng bá mẫu quần áo cho mọi loại hình thời tiết. 

Ở một số nước khác, ngành bưu điện được cạnh tranh ở nhiều mảng khác như cung cấp dịch vụ tài chính, chẳng hạn bưu điện Nhật Bản đang sở hữu một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới.

Ở nước Mỹ, nơi mà công chúng thường có ấn tượng rất xấu với các dịch vụ công, vẫn có những kêu gọi tăng cường cạnh tranh để họ có thể hoạt động hiệu quả hơn. Một lo lắng của họ là đôi khi sự độc quyền chi phối của chính các tập đoàn tư nhân quá lớn.

 Trong cuộc tranh luận về cải cách y tế hồi ông Obama mới lên làm tổng thống, giáo sư luật Richard A. Epstein của ĐH Chicago nói: “Nếu chính quyền là đối thủ hiệu quả, chúng ta nên vời họ vào mọi thị trường chứ không chỉ y tế. Chúng ta nên có các hãng hàng không và tập đoàn dầu mỏ quốc gia để thị trường tư được ổn định”.

Eric Schnurermar cho rằng cả hai bên công và tư đều có điểm yếu của mình. Tuy vậy, theo ông, các công ty công nên có cạnh tranh để có thể hoạt động hiệu quả hơn. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận