TTCT - Sau năm năm thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của 11 nhóm cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện minh bạch tài sản, thu nhập theo nghị định 37/2007 (sửa đổi bởi nghị định 68/2011), câu chuyện công khai những thông tin này - vốn được nhiều người quan tâm nhất - bắt đầu được thực hiện từ năm 2012. Và cũng chính từ đây lộ diện những khoảng trống của thực tế mà luật pháp hiện có chưa có câu trả lời. 172 cán bộ, công chức (theo quy định) thuộc Sở Tư pháp TP.HCM sẽ công khai tài sản, thu nhập của mình trong tháng 2 này bằng hình thức công bố tại “cuộc họp cơ quan”. Tăng kênh giám sát “Theo nghị định 68, thời gian công khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức được thực hiện hằng năm, trong khoảng thời gian từ ngày 31-12 đến 31-3 của năm sau, nhưng phải đảm bảo thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày. Mức xử phạt cũng được nâng lên mức “cách chức” (cao nhất) so với mức “hạ ngạch” trước đây”. Sở Tư pháp TP.HCM là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai quy định về công khai tài sản của cá nhân trong một số vị trí, cương vị công tác theo nghị định 68/2011/NĐ-CP. Từ năm 2007 đến nay, thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, cán bộ công chức tại một số cương vị nhất định đã phải kê khai tài sản, nhưng bản kê khai này chỉ được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, chỉ một số ít người có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý tại cơ quan đó biết. Để đi tới tận cùng của sự minh bạch, có thể nói công khai sẽ là một bước tiến đáng kể về vấn đề minh bạch tài sản của cán bộ, công chức - một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của việc giám sát, phòng chống tham nhũng. Nghị định 68 quy định hai hình thức công khai tài sản là công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản khai tại trụ sở làm việc. “Số người thuộc diện phải công khai tài sản tại các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Tư pháp lên tới 172 người. Bản khai của mỗi người kể cả phần kê khai bổ sung hằng năm có khi từ 6-15 trang, niêm yết công khai sẽ khó khăn trong việc chọn địa điểm để dán đầy đủ các bản kê tài sản này, chưa kể thời tiết mưa nắng” - bà Phạm Thu Lan, trưởng phòng tổ chức Sở Tư pháp TP.HCM, giải thích việc chọn hình thức công khai là “công bố trong cuộc họp cơ quan”. “Trong vòng 30 ngày, nếu cán bộ, nhân viên có quan tâm tới phần kê khai nào thì phòng tổ chức sở sẵn sàng cung cấp bản khai để người đó nghiên cứu tìm hiểu” - bà Lan cho biết. Việc công khai tài sản của cán bộ, công chức các đơn vị trực thuộc như phòng công chứng nhà nước, trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản... sẽ chỉ công khai tại trụ sở của các đơn vị này. Trong một báo cáo tại hội thảo trước thềm Đối thoại phòng chống tham nhũng lần 10 diễn ra tháng 11-2011, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cho hay dù còn nhiều hạn chế nhưng việc kê khai tài sản, thu nhập đã “có tác dụng phòng ngừa tham nhũng nhất định” và giúp công tác quản lý cán bộ, đảng viên được chặt chẽ hơn. Cơ quan này thống kê: “Đã có 13 bộ, ngành cơ quan trung ương và 11 địa phương báo cáo hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2010. Các bộ, ngành khác tuy chưa hoàn thành hết nhưng đều có báo cáo tình hình thực hiện với bình quân kê khai lần đầu đạt 96,3%, kê khai bổ sung đạt 97,7%. Đã có thêm 135.482 người kê khai lần đầu, 585.441 người kê khai bổ sung. Trong đó chỉ có ba trường hợp bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập”. Một trong những căn cứ kê khai, minh bạch tài sản là tài khoản của cán bộ, công chức song cho đến cuối năm 2011 mới có gần 44.000 cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách trả lương qua tài khoản, tức tỉ lệ khoảng 54%. Ông James Anderson, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), trong lần đối thoại phòng chống tham nhũng này đã nhắc đến bốn biện pháp “cứng rắn” mà nhiều quốc gia áp dụng khá hiệu quả, bao gồm việc tạo cơ chế độc lập cho các cơ quan điều tra, điều tra việc kê khai tài sản của các quan chức cao cấp, công khai tài sản và mở rộng tiếp cận thông tin. Công khai đến đâu? Đến nay nhiều cơ quan vẫn chưa có động thái gì về việc công khai tài sản. Nhiều thủ trưởng cơ quan khi được hỏi còn không hay biết về thời hạn công khai tài sản do “chưa thấy cấp trên trực tiếp có văn bản chỉ đạo, triển khai gì”. Niêm yết bản khai tài sản ra sao, công bố tài sản của cán bộ công chức tại cuộc họp cơ quan như thế nào đang là những thắc mắc lớn. Thậm chí có cả những thắc mắc dạng “người ngoài cơ quan biết thì có bị coi là trái quy định hay không”. Những ý kiến đề xuất việc sử dụng mạng Internet để thực hiện việc công khai tài sản của cán bộ, công chức vì “vừa thuận tiện lại vừa tiết kiệm so với việc niêm yết hàng bảng dài tại trụ sở cơ quan” đã vấp phải không ít phản đối do “luật không có quy định này”. Tách bạch giữa sở hữu tài sản cá nhân của cán bộ, công chức với tài sản của gia đình họ, nhất là những người mà vợ/chồng có hoạt động kinh doanh... cũng thiếu rõ ràng, khiến câu hỏi nếu tất cả thông tin về tài sản của gia đình cán bộ công chức này được công khai rộng rãi (nhà, đất, tài khoản ngân hàng, chứng khoán...) sẽ gây ảnh hưởng ra sao tới công việc kinh doanh của gia đình cán bộ công chức đó chưa có câu trả lời. Có người còn cho rằng việc công khai tài sản của những lãnh đạo cao cấp cũng dễ gây ra những đàm tiếu, dư luận không hay nếu vị lãnh đạo đó có khối tài sản lớn, do việc công khai chỉ nêu tài sản mà không nói về nguồn gốc sở hữu tài sản ấy. Luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, bảo vệ quan điểm “đã công khai thì không nên làm kiểu nửa vời, chỉ công khai trong đơn vị, cơ quan mình”. Việc công khai không chỉ để người trong cơ quan biết với nhau mà người dân bên ngoài cũng có thể biết tài sản của cán bộ, công chức tại cơ quan đó. Theo ông Nghiêm, chuyện những cán bộ cấp cao có sở hữu tài sản nhiều hay ít thật ra cũng không gây thắc mắc gì cho người dân nếu nguồn gốc tài sản ấy là chính đáng, được giải trình rõ ràng. “Vợ của ông cán bộ này có trang trại nuôi heo hay mở quán cà phê đắt khách, kiếm thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm cũng là hiển nhiên, chẳng ai thắc mắc. Các quốc gia khác đã thực hiện việc này một cách bình thường từ lâu. Ở Thái Lan chẳng hạn, tài sản của các quan chức được công bố hằng năm rất lớn, gấp nhiều lần thu nhập của các quan chức này - ông Nghiêm nói - Người dân biết về tài sản của cán bộ công chức bao nhiêu, mỗi năm tăng lên thế nào, nghĩa là ta có thêm con mắt để giám sát tham nhũng”. Thực tế của năm năm kê khai tài sản đã xác quyết tầm mức quan trọng của việc công khai những thông tin này, bởi đó là cách duy nhất đi đến tận cùng sự minh bạch - theo nghĩa mọi người dân có quyền, có thể biết và giám sát hữu hiệu sự liêm chính của đội ngũ “công bộc” đang nhận lương từ ngân sách nhà nước vốn chính là tiền thuế mà dân đóng góp. Nên, bất cứ giải pháp nào cũng vậy, sự thành công sẽ không đến nếu chúng chỉ được thực hiện nửa vời. Ta cứ chờ xem Giám sát sau khi công khai tài sản của cán bộ công chức là khâu rất quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng. Như vậy, công khai tài sản của cán bộ công chức rất có ý nghĩa. Người ta có thể đặt câu hỏi thế này với ông cán bộ A: lương nhà nước của ông là như thế này, sau khi chi phí cá nhân, gia đình thì khối tài sản mà ông có được theo như kê khai có nguồn gốc ở đâu? Qua công khai tài sản có thể giám sát được cán bộ công chức kê khai có trung thực với tài sản hiện có của mình hay không. Nếu thực tế người ta biết ông cán bộ này có mười căn nhà, nhưng trong bản khai chỉ có bốn, tức là còn sáu nhà đất khác đang giấu giếm. Như vậy ắt sẽ có dư luận, tố cáo về tài sản không minh bạch của cán bộ, công chức. Và khi nhận được phản ảnh, tố cáo thì cơ quan chức năng sẽ phải xác minh, yêu cầu người có tài sản phải giải thích, qua đó phát hiện được thu nhập bất thường của cán bộ công chức của mình quản lý để có biện pháp xử lý. Từ không kê khai đến buộc kê khai, từ không công khai đến chuyện phải công khai tài sản là những bước chuyển đáng kể. Chuyện người này người khác lợi dụng sơ hở để “lách luật” đương nhiên là có, hẳn sẽ có cán bộ công chức nhờ đến người thân như cha mẹ, anh chị em đứng tên tài sản giùm. Quan trọng là có cơ chế kiểm tra, phát hiện để truy ra được những bất minh này. Ví dụ như vụ ông Trần Thanh Tiến, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Tiền Giang. Trong hồ sơ đảng viên của ông Tiến không kê khai khối tài sản khổng lồ, nhưng kết quả xác minh thấy tài sản của ông Tiến lên tới mấy chục tỉ đồng gồm nhà đất, tiền, vàng gửi tiết kiệm. Ông Tiến hiện đang phải giải trình nguồn gốc tài sản từ đâu mà có. Hay vụ ông Trần Văn Xê, nguyên giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận, cũng là trường hợp cán bộ đã bị phát hiện kê khai không trung thực tài sản của mình. Theo nghị định 68 hiện nay thì việc công khai chỉ được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Như vậy vấn đề đặt ra là có giới hạn việc công khai hay không? Thực tế nếu bản kê khai tài sản được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thì người ngoài cơ quan chắc chắn sẽ biết được. Một việc chỉ cần hai người biết thì khả năng sẽ có nhiều người biết. Hoặc nếu có người chụp lại bản kê khai niêm yết để đăng lên mạng Internet thì sao? Đây cũng là một vấn đề mà Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn để các cơ quan thực hiện thống nhất, đảm bảo hiệu quả của biện pháp minh bạch, công khai tài sản của cán bộ, công chức một cách cao nhất. Tôi tin rằng trong thời gian ngắn nữa khi tất cả cơ quan đơn vị cho công khai tài sản của cán bộ, công chức sẽ có nhiều tín hiệu chuyển biến trong công tác phòng chống tham nhũng, có thêm kênh giám sát hoạt động, tài sản của cán bộ, công chức, chúng ta cứ chờ xem. Tags: Cán bộCông chứcThu nhậpKê khai tài sảnKênh giám sát
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.