"Cuộc chiến remote" trong gia đình

VĂN CƠ 20/01/2011 11:01 GMT+7

TTCT - Nhà chỉ có một tivi mà chương trình thì nhiều, kênh thì lu bù. Đã vậy, các thành viên trong nhà lại quá chênh nhau về độ tuổi và ý thích, vì thế cuộc chiến quanh cái remote hầu như diễn ra hằng ngày.

Đôi khi chúng tôi - những bậc làm cha mẹ - đã dùng quyền “phủ quyết” để giành ưu thế về mình, bất kể cảm giác của con cái ra sao.

Ảnh: googleimages

Con bé lớn dễ bảo hơn khi luôn muốn chứng minh mình là đứa biết nghe lời, nhưng con út thì không. “Con muốn coi chương trình này vì nó vừa học vừa chơi”. Thật là thuyết phục, nhưng tôi không thể từ bỏ “chủ trương” của mình. Con bé tiếp tục nằn nì: “Một lát mẹ coi chương trình của mẹ”, “Nhỡ con bấm qua chương trình người lớn thì sao?”. Nó bất ngờ ưỡn người ra, hồn hậu cam đoan: “Mẹ tin con đi, cứ đưa remote cho con, con mà coi mấy cái đó thì kỳ cục lắm, bạn bè con cũng nói vậy đó!”.

Con út làm tôi nhớ đến ngày xưa còn bé, trong nhà lúc đó có một kệ sách nho nhỏ nơi bàn làm việc của bố. Nhà không rộng nên chẳng đủ không gian riêng tư cho mỗi thành viên, nhưng khoảng trời riêng của bố thì chẳng đứa nào dám xâm phạm dù chẳng có ranh giới rõ ràng gì cả. Mẹ bắt chúng tôi phải hứa không được táy máy đến thế giới của bố và hỏi liệu chúng tôi có giữ lời hứa được không. Đứa nào cũng thấy có chút sĩ diện khi bị hỏi như vậy nhưng tự hào vì được mẹ tỏ ra tin tưởng. Sách cho bọn trẻ thì được để ngoài phòng khách còn trên kệ toàn là sách của người lớn, trong đó có vài đầu sách dành cho tuổi thiếu niên mà chỉ các anh chị của tôi được phép chạm đến.

Đối với tôi, những quyển sách đó có “quyền lực” riêng, chắc chắn phải chứa những điều bí mật rất thú vị, còn chứng tỏ sự trưởng thành của những người lớn trong nhà nữa. Dĩ nhiên, không phải lúc nào bố mẹ tôi có thể giám sát đầy đủ sinh hoạt trong ngày của bọn nhóc con chúng tôi, nhưng chẳng đứa nào dám phá phách kệ sách đó. Lúc đó tôi nghĩ một phần là do sự nghiêm khắc của bố, nhưng trong đầu óc non nớt thuở đó tôi còn hình dung ra sự xấu hổ của mình nếu bị phát hiện vi phạm vào điều bố mẹ răn dạy.

Lớn lên với biết bao thay đổi, trẻ con bây giờ độc lập hơn, tự do hơn. Có lúc tôi tưởng những lề phép xưa dường như chẳng mấy ai để ý, thậm chí có người còn cho là nó “phản sư phạm” nữa khi hạn chế khả năng học hỏi của con trẻ. Rồi lần gặp gỡ người bạn cũ mới thấy thấm thía nỗi lo của cha mẹ ngày trước.

“Mình lo lắm - cô bạn tâm sự - mình chỉ biết việc nội trợ trong khi con trai mình bây giờ chuẩn bị vào đại học rồi. Nó cứ ôm cái máy vi tính suốt, kết quả học tập của nó thì ổn nhưng mình nghe đâu trong máy vi tính có mấy trang web đen gì đó. Mình thì chẳng biết gì về vi tính, vậy làm sao kiểm tra nó. Mình bàn với bố nó đưa máy ra phòng khách xài chung, nó cự nự bảo mình không tin nó, có gì nó ra ngoài tiệm net cũng vậy thôi hà. Mình nghĩ nó nói đúng nên mình chỉ mong dạy con biết nhận thức thế nào là cần hay không cần, có ích hay vô ích. Mình chỉ biết hướng dẫn để nó biết suy nghĩ mà tự điều chỉnh mình. Phải dạy con có lòng tự trọng, biết xấu hổ nếu mình làm bậy, biết sửa khi làm sai; phải dạy con có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình”.

Tôi nghĩ bạn tôi nói đúng. Trong những điều chúng ta học được có rất nhiều điều không phải là kiến thức mà là những “công cụ” sống, trong đó học cách tự điều chỉnh mình có lẽ là điều khó nhất. Vì mình dễ nuông chiều, dễ tha thứ, dễ thỏa hiệp, dễ đầu hàng chính mình. Ai cũng có một cái remote của riêng bản thân nhưng mấy khi nghĩ đến việc dùng nó như thế nào, có khi còn làm nó bị “liệt” nữa. Đưa remote cho con thì dễ, dạy con biết cách sử dụng remote không khó, nhưng để con tự biết mình phải lựa chọn gì mới thật sự gian nan.

Tôi nhận ra bài học tự điều chỉnh mình từ cái remote. Nó khiến tôi không còn muốn điều khiển con chỉ để chứng tỏ sự “toàn năng” của mình. Nó chỉ ra nhiệm vụ định hướng của tôi đối với sự chọn lựa của con, dạy tôi cách tôn trọng và tin tưởng con, đánh thức lòng tự trọng trong niềm kiêu hãnh chứng tỏ khả năng giữ lời hứa của con với tôi. Dù sau này chúng tôi sẽ mua thêm tivi hay mỗi đứa con rồi cũng đến lúc có khả năng tự sắm cho mình một cái, “cuộc chiến remote” vẫn sẽ kéo dài bất tận.

Tôi và các con vẫn phải tiếp tục dò dẫm tính năng trên những cái remote đời mới hơn, phức tạp hơn để học được cách điều khiển và chọn lựa điều thật sự giá trị. Bài học đó cũng cần thiết khi chúng ta lớn lên với những “công cụ điều chỉnh” bản thân khác nhau trong cuộc sống, để học hỏi và vào đời...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận