9x - Những đứa con thành thị: trưởng thành theo mỗi bước đi

TS LÊ THANH HẢI (Ba Lan) 24/12/2013 04:12 GMT+7

TTCT - LTS: Kết thúc loạt bài “9x - Những đứa con thành thị”, TTCT giới thiệu phân tích của TS Lê Thanh Hải về cách nhìn nhận sự trưởng thành trong các xã hội, và tâm trạng của hai bà mẹ Việt có con đang hoặc sắp bước vào tuổi trưởng thành.

9x - Những đứa con thành thị
Trong chiếc áo không của cha mẹ mua cho
“Sung sướng quá bày đặt cô đơn”?
Di sản trưởng thành

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Tự sự của du học sinh 9x Rio Lam, và của các 9x đồng lứa, với các nhà nghiên cứu chúng tôi thì đây là cả một kho tư liệu quý giá mà nếu thực hiện bằng một dự án điều tra xã hội học sẽ tốn kém vô cùng!

Giáo sư đầu ngành xã hội học người Mỹ gốc Ba Lan Florian Znaniecki đã khai mở cả một phương pháp nghiên cứu đặt cơ sở trên hồi ký và nhật ký.

Ta có thể sử dụng chìa khóa này để nhìn vào một vài vấn đề của thế hệ trẻ 9x, qua những gì Rio Lam và các bạn 9x chia sẻ. Nội dung nổi hẳn lên trong suy nghĩ của bạn trẻ này là sự trưởng thành - thời khắc khi một đứa trẻ trở thành người lớn, một con người ở tuổi vị thành niên bước lên hàng thanh niên.

Đó cũng chính là sự trăn trở, suy tư có lẽ là lớn nhất của tuổi trẻ.

Là khi bạn tìm được câu trả lời

Rất nhiều người bạn già tôi gặp ở Mỹ, từ Việt Nam sang ở độ tuổi đã trưởng thành, đều nhận ngày đến nước Mỹ như là sinh nhật từ đầu, bởi vì từ thời điểm đó phải học lại hết tất cả từ đầu, và trưởng thành cùng ngày với con mình thành người lớn.

Mỗi một dân tộc có một cách hiểu khác nhau về sự trưởng thành của một con người. Với các bạn trẻ Ba Lan thì ngày lễ tốt nghiệp cấp III chính là ngày trở thành người lớn (matura). Bên cạnh chuyện học thi, nhiều tháng trước đó họ đã phải tập luyện để đến ngày lễ tốt nghiệp mặc lễ phục trang nghiêm cặp đôi nhảy điệu polonez. Người Đức cũng có ngày lễ tương tự khi con cái tròn 18 tuổi.

Xã hội Anh - Mỹ không đặt nặng chuyện tuổi tác hay học hành, mà chia nhỏ các tiêu chuẩn ra để các bạn trẻ có thể đạt từ từ, như là đủ tuổi để lái xe (thường là 17 tuổi nếu có người lớn ngồi bên cạnh), hay đủ tuổi để mua rượu và vào vũ trường (thường là 21 tuổi). Điều này cũng thể hiện rất rõ trong chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ trang bị kiến thức về cuộc sống cho phép học sinh sau này biết suy nghĩ độc lập, mà còn cả những giao tiếp xã hội, có nơi gọi là kỹ năng mềm, để học sinh đó biết tìm được chỗ đứng trong cộng đồng.

Quá trình dạy dỗ cả ở nhà trường và gia đình là một con đường đưa em bé dần xã hội hóa (socialization) vào cộng đồng và trở thành một công dân có đầy đủ khả năng sống trong cộng đồng đó. Đứa bé nay không chỉ biết băng qua đường, biết đi chơi không lạc đường về, mà còn biết tự kiếm sống, biết phải làm gì khi gây ra, là nạn nhân, hay chứng kiến tai nạn trên đường, biết bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác - cũng chính là gia đình mới của mình sau này.

Văn hóa Việt Nam có truyền thống coi ngày “lập thân” là lễ trưởng thành của con cái, cả gia đình nhìn cậu con trai nay có người nâng khăn sửa túi, biết bảo vợ dâng ly trà cho đấng sinh thành. Ngày nay xã hội không còn chỉ trọng nam và tuổi kết hôn không còn là độ tuổi 15-18 như trước, mỗi gia đình và địa phương bắt đầu có những chuẩn mới để xác định mốc trưởng thành cho một con người.

Điều mà Rio Lam đã băn khoăn cũng chính là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ luôn thắc mắc trong đầu: Tôi đã trưởng thành chưa? Tôi là ai trong xã hội này? Có thể nói, khi tìm được câu trả lời chính là thời điểm bạn đã trưởng thành và tự tin thể hiện điều đó với những người xung quanh.

Lớn lên cùng năm tháng và tờ báo mình yêu thích

Trưởng thành còn là sự khẳng định về bản sắc văn hóa dân tộc của bản thân, trong trường hợp bạn là sinh viên ra nước ngoài du học, như những gì Rio Lam đã khắc khoải tự vấn. Theo năm tháng, trong tất cả các môn học thời phổ thông, ta được học cách phân biệt thế giới bằng phép so sánh.

Khi nhìn thấy các vật trước mắt, thói quen sẽ gửi lệnh yêu cầu não phân biệt xem những vật đó giống nhau hay khác nhau: trái táo xếp vào cạnh trái táo, chén ăn cơm để cạnh đĩa đồ ăn, nhạc tình tự dân tộc Việt Nam cạnh dân ca Nhật Bản, còn nhạc rock Mỹ thì xếp cạnh nhạc thính phòng phương Tây chẳng hạn.

Rồi chúng ta sẽ tranh cãi với nhau về chuyện xếp như vậy là đúng hay sai, và bánh mì kẹp thịt của Lee Sandwich ở Little Saigon bên California là chính hiệu đồ ăn Việt Nam hay không... Cứ như thế, mỗi chúng ta dần bước từ không gian nhỏ hẹp của cá nhân ra biển lớn của xã hội loài người, từ ngõ nhỏ phố nhỏ của mình ra đại lộ và đường cao tốc của hệ thống giao thông quốc tế, xuyên biên giới quốc gia, xuyên lục địa để lớn thêm một chút nữa, trở thành công dân thế giới.

Cứ như vậy, mỗi chuyến đi xa là một bước trưởng thành, là thêm một câu trả lời về cái vị trí của tôi trong thế giới này. Đến ngay cả Trịnh Công Sơn, sống cả đời người qua năm tháng, tưởng chừng như đã biết được hết tất cả điều hay tiếng lạ của cõi đời này, thế mà đến cuối đời vẫn tự hỏi qua bài hát mà có lẽ chúng ta ai cũng biết: Tôi là ai?

Đó chính là sứ mệnh của con người, mỗi sáng thức dậy là bước vào dòng chảy cuộc đời của một thế giới mà triết gia người Anh gốc Ba Lan Zygmunt Bauman mô tả như là một khối chất lỏng vĩ đại không ngừng chuyển động. Mỗi chúng ta giống như đang đi trên sa mạc, và điểm đến chỉ được biết đến qua những điểm dừng mà ta đã đi qua, giống như những vết chân để lại trên cát.

Xã hội luôn thay đổi, và trong thế giới đa cực toàn cầu hóa như ngày hôm nay thì còn thay đổi với tốc độ chóng mặt nữa. Mới trưởng thành ngày hôm qua thì hôm nay mọi tiêu chuẩn trong xã hội đã thay đổi hết, đòi hỏi mỗi chúng ta phải học lại từ đầu, ngay trên chính mảnh đất mình đang sống, có khi còn từ chính con cái của mình nữa, đơn giản như chuyện làm sao bật cái điện thoại thông minh lên để tự tìm đường đi, hay gọi điện miễn phí cho mấy đứa cháu nội ngoại.

Lúc nhỏ thì còn có bố mẹ để hỏi ý kiến và dựa vào kinh nghiệm của người già để phân biệt đúng sai, giờ thì biết trông ngóng vào ai? Khi xưa chỉ cần học cho xong một cái nghề, một cái bằng đại học là đủ để có việc làm cả đời. Nhưng nay kiến thức chưa kịp tốt nghiệp đại học đã lỗi thời, ngành nghề đào tạo chưa xong đã không còn cần đến trong xã hội.

Cho nên giáo sư đại học California Rogers Brubaker mới phát hiện xu hướng của con người sẽ chọn đại một nhóm biểu hiện nào đó thường là bất kỳ (contingent) để định nghĩa bản sắc và nhất là bản sắc dân tộc của mình. Rồi sau đó thông qua phản biện xã hội, nhất là trên báo chí - như giáo sư Trường nghiên cứu văn hóa Edinburgh Stuart Hall đã tạo dựng ra cả một trường phái nghiên cứu - mà các quan điểm mang tính khu vực đó được xây dựng thành đại diện cho cả dân tộc.

Và đó chính là giá trị phổ quát nhất để đánh giá sự trưởng thành của mỗi cá nhân - trưởng thành qua năm tháng và tuổi tác cùng tờ báo mình yêu thích - chẳng hạn với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Để cả cộng đồng độc giả trưởng thành cùng một tờ báo, bên cạnh những bài viết tự sự như của Rio Lam, những bài bình luận phân tích liên quan, còn cần thêm rất nhiều tuyến bài tương tự, và nhất là nghiên cứu trở thành luận văn cử nhân, thạc sĩ hay kể cả tiến sĩ trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Đó là điều còn thiếu để dân tộc Việt Nam bước ra sánh vai cùng bốn biển năm châu, để các bạn trẻ Việt Nam không cần phải chờ đến vài năm sau ngày ra nước ngoài du học mới bắt đầu suy nghĩ và không phải ai cũng có điều kiện tìm ra câu trả lời. Những năm tháng gian khó tạo ra một thế hệ cha anh phải lớn trước tuổi, còn điều kiện vật chất đầy đủ trong hòa bình khiến thế hệ trẻ ngày nay có người đã già mà mãi không chịu lớn, như cách mô tả của các nhà xã hội học!

______________________

Là mẹ của 9x thành thị

Đọc bài viết của bạn Rio Lam trên TTCT số 45 tôi thấy bạn đã quá trưởng thành. Tôi đang có suy nghĩ biết đến khi nào con tôi, 9x đời giữa, mới được như bạn?

Theo dõi bạn của con trên Facebook, tôi thấy đa số rất hồn nhiên. Các bạn vừa qua tuổi 18, sinh viên năm thứ nhất, vẫn đang còn chưa định hình học hành (tự học, tự tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu, mở rộng đề tài học bằng suy luận...) như thế nào, lập kế hoạch tham gia sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động xã hội ra sao, các bạn vẫn còn lơ ngơ lắm!

Tôi cũng nhận thấy một điều, lớp con tôi cũng “hồn nhiên” như lớp chúng tôi tuổi 18 ngày ấy. Năm thứ nhất, thể nào cũng ra hồ Con Rùa chụp hình làm kỷ niệm. Đi chơi Sở thú. Đi hát karaoke còn nằm lăn ra sàn nhà và uống nước ngọt, ăn cơm ở siêu thị, có tiền thì kéo nhau vào KFC (rất hiếm). Nói chung, chưa vượt được cái “gông” của... cấp IV.

Điều nữa, các bạn còn mang tư tưởng như được “xả hơi” sau mấy năm cấp III “cày cuốc” không có thời gian để thở! Tôi cũng theo dõi bạn của con đang học ở nước ngoài. Có bạn phù hợp, hòa nhập nhanh, nhưng không ít bạn chán nản. Tôi vẫn thường chat với một bạn đang học ở Ukraine, bạn ấy bảo rào cản lớn nhất là ngôn ngữ, ở trường bạn học tiếng Anh, nhưng giao tiếp thì bằng tiếng Nga. Bạn đang rất nỗ lực và không biết đến khi nào thì... buông xuôi!

Không thể phủ nhận chính môi trường xã hội hôm nay khiến cha mẹ bất an khi thả con mình ra đời. Con tôi, 9x thành thị, kỹ năng sống cao nhất cũng chỉ biết làm sao không bị đói, tự lo cho mình bữa ăn đơn giản với cơm, trứng chiên, lấy nước mì gói làm canh và biết... sửa xe đạp (món quà tôi mua tặng khi cháu thi đậu đại học là... bộ dụng cụ cơ khí để cháu tự sửa chữa điện, nước, máy móc, xe... khi đi học xa nhà, với ý nghĩa khẳng định rằng con đã lớn).

Tôi dặn con phản ứng “tự vệ” khi bị tấn công là xuống nước năn nỉ, có gì nộp hết và... chạy càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không tham gia các vụ cãi vã, đôi khi mối họa chỉ từ một lý do rất cỏn con. Tôi không biết có phải mình đã dạy con... hèn từ khi chập chững vào đời hay không, nhưng tôi chắc chắn không ít cha mẹ bắt buộc phải dạy con mình như thế!

Ngoài ra, luôn căn dặn con tránh những xung đột trên các diễn đàn mạng xã hội. Từ mạng ảo bước ra ngoài đời thật là khoảng cách rất ngắn.

Còn một điều mà rất nhiều người cười tôi và cho là phi lý, đó là tôi dặn con (trai) không nên yêu đương khi còn đi học. Bởi, không chỉ chi phối việc học hành mà đôi khi có những điều rất đáng tiếc. Tôi đã thấy có những mối tình sinh viên mù quáng, một phút không tự chủ, điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Tôi cũng biết dặn là vậy, lo là vậy, “Chao ôi, yêu có ông trời cứu”, một khi con người đã vào vòng tình ái, chẳng ai có thể lèo lái được trái tim mình cả!

Tôi cũng biết rất rõ để trưởng thành con người phải vượt qua nhiều thứ, đôi lúc còn phải bị “rách rời, chắp vá” nữa. Tuy vậy, bỏ qua những lo lắng, khi nghĩ về con, tôi luôn hướng về phía trước, mong con tận hưởng những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi, hồn nhiên, vui tươi với bạn bè, với giảng đường, “cày cuốc” học hành, nghiên cứu...

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chắc không ít những người mẹ của 9x thành thị cũng có suy nghĩ như tôi: hi vọng và cả lo lắng!

KIM DUY

____________________

9x cần đối thoại

Bài viết của Rio Lam rất sâu sắc và đầy lửa, phản ánh một cái nhìn của thế hệ 9x và giống như một lời tâm sự chân thành với thế hệ đi trước. Đọc tâm sự Rio Lam cùng những bạn trẻ tiếp đó, ta thấy rõ hơn một số khuyết điểm của thế hệ cha mẹ (có thể là 7x và 6x): đã cung cấp vật chất đầy đủ, đã thay con làm mọi việc nhưng quên rằng con cái lớn lên cần nhiều giá trị khác hơn.

Các 9x hoang mang và cô đơn, được bảo bọc chở che nhiều đến nỗi một chút khó khăn cũng trở thành bi kịch, một thế hệ 9x thiếu kỹ năng sống trầm trọng. Trong túi có thẻ ngân hàng tại sao phải đói, bạn bè đâu mà phải ngủ ngoài bãi xe trong chiếc xe cũ nát, bỏ lại người yêu để du học thì có ngày quay về chứ không lẽ đi là vĩnh viễn nếu em tin rằng đó là tình yêu?...

Cho con nhiều của cải vật chất hay bảo bọc con một cách quá đáng chính là sai lầm của các bậc làm cha mẹ. Yêu con không đúng cách, cha mẹ chỉ làm cho con sống ỷ lại, dựa dẫm, yếu đuối và thiếu kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phán đoán tình huống và kỹ năng ra quyết định, thiếu hẳn sự nhường nhịn, sự sẻ chia để tạo dựng mối quan hệ bền chặt.

Thiếu những kỹ năng sống thì khi bắt đầu tự lập các em sẽ gặp vô số những “bi kịch” lớn nhỏ khác nhau. Có vấp ngã, có phép thử thì dần dần các em cũng trưởng thành lên được. Kinh nghiệm nào các em góp nhặt được cũng sẽ là một “niềm đau” nhưng thế vẫn hơn dựa dẫm và thành những thanh niên “không chịu lớn”.

Đọc bài thứ hai của Rio Lam, tôi mừng vì qua một năm sống tự lập một số giá trị mà Rio nhìn nhận lại, đó là kinh nghiệm của thế hệ đi trước và niềm tin của cha mẹ đặt vào con cái. Cha mẹ luôn cần sự đối thoại thân thiện với con cái. Rio đã làm được những thứ mà thế hệ của em chưa hẳn ai cũng làm được, đó là đối thoại cởi mở và công bằng.

Có thể Rio có cha mẹ tuyệt vời, luôn hiểu con và ủng hộ mọi quyết định của con nếu quyết định đó khiến con hạnh phúc hơn. Nhưng nếu các em khác không có cha mẹ hiểu mình thì cuộc đối thoại giữa hai thế hệ sẽ cam go hơn. Người làm cha mẹ luôn kỳ vọng ở con mà quên rằng mỗi con người sinh ra có ước mơ và có quyền đeo đuổi ước mơ của chính mình.

Cảm ơn Rio Lam đã cho thế hệ chúng tôi hiểu hơn về thế hệ các em, cảm ơn Rio Lam đã có một cuộc đối thoại hết sức sâu sắc, công bằng và cởi mở.

BẢO NHI

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận