Căng thẳng kéo dài, ung thư nặng hơn

TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG 04/11/2016 21:11 GMT+7

TTCT - Căng thẳng (stress) xảy ra hằng ngày như là “một phần tất yếu của cuộc sống” (ngày nay). Stress cũng có mặt lợi, mặt tích cực khi ở cường độ thấp, giúp chúng ta có thêm động lực và năng lượng thích ứng với môi trường, với cuộc sống. Nhưng một khi tình trạng căng thẳng quá lớn và kéo dài, nó có thể gây nguy hại đến sức khỏe.

Thể dục thường xuyên sẽ giúp giải tỏa stress-L.N.M.
Thể dục thường xuyên sẽ giúp giải tỏa stress-L.N.M.


Đặc biệt với bệnh nhân ung thư, một nghiên cứu mới đây cho thấy stress có thể làm bệnh phát tán nhanh hơn.

Cơ chế lây lan

Từ lâu, người ta vẫn nghi ngờ mức độ trầm trọng của căng thẳng có thể gây bệnh ung thư hoặc thậm chí thúc đẩy sự tiến triển của bệnh, nhưng cơ chế thật sự ra sao vẫn chưa rõ.

Qua thực nghiệm trên chuột, một nhóm các nhà nghiên cứu - đứng đầu là tiến sĩ Caroline Le và Erica Sloan của Đại học Monash (Úc) - đã chứng minh tình trạng căng thẳng mãn tính, kéo dài có thể tạo ra những biến đổi sinh lý khiến tế bào ung thư di chuyển và lây lan nhanh chóng đến các cơ quan của cơ thể.

Adrenalin, chất dẫn truyền thần kinh do chính tình trạng căng thẳng tạo ra nhằm làm tăng khả năng cảnh báo và nhanh chóng phản ứng với mối đe dọa, có một nhược điểm “chết người” đối với động vật và người bệnh ung thư: làm tăng số lượng và kích thước các mạch bạch huyết trong và xung quanh các khối u, đồng thời làm tăng tỉ lệ dòng chảy qua hệ thống mạch bạch huyết này.

Cả hai “song kiếm hợp bích” đã làm gia tăng “năng lực vận tải” của các “xa lộ” bạch huyết, đẩy nhanh tế bào ung thư đi khắp cơ thể.

Theo tiến sĩ Caroline Le, tình trạng căng thẳng làm kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, còn được biết là phản ứng “đối đầu hay bỏ chạy” (fight - or - flight), đã tác động mạnh mẽ đến chức năng bạch huyết và phát tán tế bào ung thư.

Những phát hiện này có thể dẫn đến một hướng xử trí mới nhằm cải thiện kết quả điều trị. Chẳng hạn, nghiên cứu cũng chỉ ra một nhóm các bệnh nhân dùng thuốc chẹn beta (ức chế hoạt động của adrenalin) để điều trị lo âu và tăng huyết áp ít có nguy cơ bị ung thư thứ phát hơn.

Tiến sĩ Erica Sloan nói rằng những con chuột trong nghiên cứu này bị kiềm chế theo cách chúng cảm thấy không phải đối phó với một tình huống cấp kỳ như đang bị một con chó truy đuổi, mà bắt chước cách một người cảm thấy bị căng thẳng đáng kể do chăm sóc lâu ngày một người thân đau ốm chẳng hạn.

“Những gì chúng ta đang nói đến là một tình trạng căng thẳng kéo dài, đang diễn ra mà ta không thể nào đối phó”. Những con chuột chịu đựng stress kéo dài có tỉ lệ lây lan tế bào ung thư cao hơn nhiều so với những con chuột “nhóm chứng”.

Cũng đồng quan điểm stress mãn tính làm suy yếu hệ miễn dịch, phát sinh và phát triển một số bệnh như trầm cảm, rối loạn tiêu hóa hay ung thư nhưng giáo sư Anil K. Sood (Trung tâm ung thư MD Anderson, Hoa Kỳ) cho rằng stress làm phát tán tế bào ung thư theo nhiều cách khác nữa.

“Các nội tiết tố do stress tạo ra có thể làm bất hoạt quá trình anoikis vốn được xem là quá trình tiêu diệt và ngăn ngừa lây lan của tế bào ung thư - giáo sư Sood lý giải - Tình trạng căng thẳng mãn tính cũng thúc đẩy sản xuất các yếu tố tăng trưởng nhất định làm tăng nguồn cung cấp máu, từ đó có thể làm tăng tốc độ phát triển của khối u”.

Xử lý cách nào?

Phải luôn hiểu rằng căng thẳng sẽ gây ra những hậu quả rất xấu cho sức khỏe. Một khi chúng ta cảm thấy cáu bẳn, mất năng lượng, ngủ kém... chính là những dấu hiệu của stress. Hãy tìm ra vấn đề để sửa chữa, đừng để chúng trở nên nghiêm trọng hơn.

Câu trả lời rất dễ là tìm cách loại bỏ nguyên nhân gây căng thẳng. Tuy nhiên thực tế không dễ dàng vì có đến hàng tá nguyên nhân vây bủa!

Thôi thì nếu không thể nào thoát ra được khỏi mớ bòng bong căng thẳng, hãy kiểm soát làm sao đừng để căng thẳng kéo dài biến thành mãn tính, đừng để “stress bé xé ra to” đủ để gây hại cho sức khỏe hay làm trầm trọng hơn bệnh tật của mình.

Giáo sư Lorenzo Cohen, chuyên gia về ung bướu tổng quát và khoa học hành vi của Trung tâm ung thư MD Anderson, chia sẻ một số sách lược giảm thiểu stress:

- Trò chuyện với chuyên gia, còn gọi là liệu pháp trò chuyện và liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavioral therapy - CBT), giúp bộ não bạn cởi bỏ hết mối dây nhợ những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn. Liệu pháp này cung cấp các công cụ tinh thần để kiểm soát những mối lo âu có thể đè nặng lên hệ miễn dịch.

- Tập thiền hay yoga đã được chứng minh có thể đối phó lại với những cơn căng thẳng, giải tỏa tâm trạng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nên ngồi tĩnh tâm (hoặc những kỹ thuật thư giãn tương tự) ít nhất hai lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút.

Đừng thó vào những việc gây kích thích như xem tivi chẳng hạn. Hãy ngồi yên lặng, dứt bỏ những mối bận tâm. Hãy để tâm mơ về một kỳ nghỉ hay một khu vườn tĩnh lặng. Thiền định hay yoga có thể làm não bộ vỡ vụn mối liên kết chằng chịt giữa những suy nghĩ, cảm xúc hay những biến đổi sinh học tiêu cực.

- Ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm là một món quà hết sức quý giá cho hệ miễn dịch, bồi bổ tâm thân, bộ nhớ và khả năng tập trung. Một “lịch ngủ” đều đặn, không để tivi trong phòng, tập thể dục thường xuyên... tất sẽ có những giấc ngủ ngon.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận