Cha mẹ dạy con ở 'tuổi 12 diệu kỳ' như thế nào?

THS.BS LAN HẢI 21/11/2016 21:11 GMT+7

TTCT - Nhiều bài giảng của các phụ huynh thường bắt đầu bằng câu: “Cha mẹ hồi đó…” khiến con cái ức chế, miễn cưỡng nghe mà chẳng nhập tâm được bao nhiêu. Việc “cá không ăn muối cá ươn” dẫn đến bao tội nợ cho các cô cậu học trò lứa tuổi cấp II.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


Chuyện kể rằng có ông bố muốn dạy con trai về ý chí vượt khó đã lên lớp: “Hồi bằng tuổi con, mỗi ngày bố đi bộ hơn chục cây số đến trường, rời quyển sách ra là lăn lưng làm việc đồng áng phụ giúp gia đình. Nhiều đêm đói thắt ruột vẫn thức khuya làm hết bài tập”.

Cu con ái ngại chép miệng: “Bố dại thế, sao không làm tô mì gói mà ăn?”. Khác biệt giữa hai thế hệ khiến phép so sánh chẳng đạt được tác dụng giáo dục như ý muốn.

Điều ta học được ở đây là suốt mấy mươi năm qua thế giới đã thay đổi từng ngày, đời sống hôm nay khác xa thời trước, tuổi thơ của con chẳng giống tuổi thơ “cha mẹ hồi đó”.

Khi cha mẹ là người cuối cùng

Trong đời người có một tuổi diệu kỳ. Đó là tuổi 12 - cột mốc giữa nhi đồng và thiếu niên, bậc thềm bước vào tuổi teen. Vậy mà ít được cha mẹ chú trọng, từ đó nảy sinh xung đột.

Trong khi trẻ cho rằng mình đã lớn và mong muốn được đối xử bình đẳng như một người lớn thì vẫn bị phụ huynh coi là con nít.

Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và các tổ chức khác tiến hành cho thấy có đến 47,3% trẻ mới lớn thích tâm sự với người ngoài, đối tượng trẻ tâm sự nhiều nhất là bạn bè, sau đó là tâm sự với mẹ (26,9%); với anh, chị em (12,4%); trẻ ít chia sẻ với cha mình nhất, chỉ 2,6%.

Mức độ gắn kết lỏng lẻo giữa cha mẹ với con cái trong việc chia sẻ các mối quan tâm, lo lắng chứng tỏ phụ huynh chưa phải là người mà trẻ tin cậy để dốc bầu tâm sự và tìm sự trợ giúp khi gặp khó khăn.

Các hành vi lệch chuẩn của vị thành niên (hỗn láo, yêu sớm, sống thử, nghiện game, trầm cảm, nữ sinh đánh nhau, nam sinh có hành vi bạo lực, trộm cắp, đi bụi, bị xâm hại tình dục...) thường xuất phát từ việc các em chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ đến đời sống tinh thần.

Dù đang tập làm người lớn, trẻ rất cần được định hướng, đề ra nguyên tắc, giới hạn. Đặc biệt, thời đại kỹ thuật số và mạng xã hội giúp trẻ không chỉ nhận thông tin một chiều từ cha mẹ và trường lớp, mà tự do hòa mình vào thế giới ảo đầy rủi ro, cạm bẫy.

Trẻ vuột khỏi tầm tay gia đình và có thể “hư” cả khi ở ngay trong phòng.

Chính vì hay so sánh với “hồi đó” nên phụ huynh không để ý đến các trào lưu của tuổi trước dậy thì - lứa tuổi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ bạn bè, nếu không giống mọi người xung quanh sẽ cảm thấy rất lạc lõng.

Có nữ sinh lén lấy mấy chục ngàn đồng trong túi bố để mua chiếc khăn mà các bạn gái trong lớp đều có. Người bố phát hiện mất tiền liền tra hỏi các con. Vì sợ hãi, cô bé không dám nhận lỗi. Cậu em biết thừa chị lấy nhưng vẫn nhận tội thay.

Bố hỏi lấy trộm tiền để làm gì, thằng bé không trả lời được nên bị một trận đòn thừa sống thiếu chết. Khi chị bôi thuốc cho, cậu bảo: “Chị đừng khóc kẻo lộ chuyện”.

Đấy, em trai biết tâm lý con gái tuổi ô mai nhưng chắc gì bố đã biết?

Chỉ vì bạn cùng trang lứa ai cũng có món đồ mà mình không có, một thiếu nữ ngoan hiền có thể lấy cắp tiền mồ hôi nước mắt của bố mình. Thậm chí tìm mọi cách để có bằng được số tiền đó cho “bằng chị bằng em”, kể cả bị “má mì” dụ dỗ (con trai có tí tiền là hỏng, con gái hỏng tí là... có tiền).

Cha mẹ khen để giúp con phát huy những điểm tốt và phạt để con ngoan hơn, tự giác hơn. Thế nhưng khen con quá nhiều chưa chắc đã tốt, phạt con thật nặng chưa hẳn là hay. Hai cách dạy con không hiệu quả phụ huynh có thể tham khảo:

Quá hà khắc

Áp dụng nguyên xi đường lối dạy con của “cha mẹ hồi đó” (“dạy người bằng roi, dạy voi bằng búa”, “già đòn, non nhẽ”, “thương cho roi cho vọt”) nên cha mẹ có nhiều câu nói và hành vi áp đặt, bất chấp nguyện vọng của con khiến con phản ứng.

Cha mẹ càng “quân sự”, con nói dối càng “chuyên nghiệp”. Khi trẻ phạm sai lầm mà phụ huynh trừng phạt vào thân thể (quát mắng ầm ĩ, đánh, trói, tát, bắt quỳ gối, bỏ đói...), làm con mất mặt trước đám đông thì hậu quả là trẻ sẽ trở nên hung hăng hoặc bất mãn, cộc cằn, chai lì và rắn mặt hơn, biến thành kẻ chuyên đi bắt nạt bạn, hoặc ngược lại chỉ biết ngồi im để bạn đánh. Bởi vũ lực chỉ làm trẻ sợ và đề phòng chứ không giúp trẻ nhận ra lỗi lầm và muốn sửa chữa.

Hơn nữa, dùng đòn roi là cha mẹ đánh mất cơ hội trở thành bạn của con - điều vô cùng quan trọng khi nuôi dạy con ở tuổi này. Mầm mống bạo lực làm trẻ tưởng lớn lên sẽ được phép “vô tư” đánh đập những người mình yêu thương.

Chẳng thế mà ở gia đình nọ, hằng ngày chứng kiến cảnh bố ruột say xỉn về nhà đánh mẹ, người con cả nghĩ rằng: đàn bà là phải được “dạy” đến nơi đến chốn, em kế quyết định lớn lên không lấy vợ và em út tự nhủ sẽ không đời nào làm vợ đau.

Về tâm lý, nữ sinh cấp II đã biết ngắm vuốt, làm điệu, mơ mộng, để ý đến người khác phái. Con trai bắt đầu quan tâm giới tính, luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác, thể hiện chí khí nam nhi của mình. Tâm tính thay đổi thất thường: dễ kích động, lòng tự ái cao, hay chống đối người cùng phái (cha, anh, thầy giáo, người phụ trách...).

Bốc đồng, đụng chuyện là nổi máu anh hùng nên dễ sa đà hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng. Một khi lòng tự trọng bị tổn thương, trẻ có thể làm điều dại dột, đánh nhau, bỏ học, đi hoang, bán dâm, giết người, thậm chí tìm đến cái chết.

Con ở tuổi “dở sống dở chín”, phụ huynh hãy nhớ lại tuổi nhỏ của mình năm xưa để thấu hiểu và thông cảm với con hơn. Luôn can đảm biết nuốt giận và tự chủ, kỷ luật nghiêm minh nhưng không dùng nhục hình với con. Đừng quên rằng sẽ là cả một đại họa cho toàn gia đình cũng như cho chính con cái nếu vì lầm lỗi của cha mẹ (quá tự ái, quá nóng giận, thiếu tự chủ trong lời nói, hành động) mà để mất con cái!

Cưng chiều thái quá

Vì muốn sửa sai lối giáo dục của “cha mẹ hồi đó” nên cha mẹ buông lỏng quản lý, cho con quá nhiều tự do và quyền hạn, dung túng thói xấu của con. Thổi phồng thành tích của con khiến lời khen của cha mẹ trở nên mất tác dụng, chỉ khiến trẻ thêm huênh hoang, tự cao, trịch thượng, háo danh.

Thưởng vô tội vạ, con làm việc gì cũng khen tấm tắc và tặng quà khiến nó thấy nhàm chán và tỏ ra thờ ơ, đồng thời liên tục “leo thang” đòi mua thêm những thứ mình thích.

“Mua chuộc”, “thưởng nóng” bằng tiền khác nào ngầm tác động đến mục tiêu rèn luyện của trẻ là vì tiền thưởng. Trẻ mất dần động cơ phấn đấu khi không nhận được món tiền như ý muốn hoặc tiến tới ra điều kiện với cha mẹ: “Nếu không mua cho con thứ này, con sẽ không làm việc nọ”.

Không quá lời khi một chuyên gia nhận xét: nhiều “học sinh giàu vượt sướng” là “một lớp người nô lệ, một thế hệ ăn bám” chẳng chịu lớn, chây lười, suốt ngày ỷ lại, lập gia đình thì không biết lo cho mình chứ đừng nói lo cho người khác, khi gặp thất bại thì quay lại trách ngược cha mẹ mình.

Kể tội con và kể lể công lao không mang lại kết quả răn dạy như mong muốn, mà còn khơi dậy trong trẻ cảm giác chán ghét gia đình. Hạ uy tín của người kia cũng như của bản thân, chẳng hạn khi nói với con: “Chờ bố về, mẹ sẽ cho một trận!” là mẹ đã vô tình hạ thấp bản thân hoặc bố gạt ngang: “Mẹ thì biết cái gì!” khiến con đâm nhờn với mẹ.

Dạy con thiếu nhất quán, cùng một lỗi lần này bực thì xử nặng, lần khác vui thì bỏ qua. Bố phạt con thì mẹ phản đối ngay trước mặt khiến trẻ ấm ức và không tâm phục khẩu phục, dẫn tới có thái độ chống đối, thiếu lễ phép.

Đằng sau một thiếu niên “có vấn đề” là một gia đình có vấn đề. Các cậu bé và cô bé sẽ mang toàn bộ vốn liếng tuổi 12 bước vào tuổi teen để chuẩn bị trở thành chàng trai và cô gái, từ đó quyết định con đường sống của mình, kể cả việc lựa chọn bạn đời và nghề nghiệp.

Cha mẹ phải phấn đấu trở thành người mà mình muốn con trở thành mai sau, đừng dạy con bằng điệp khúc “cha mẹ hồi đó...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận