Champagne là champagne nào?

TƯỜNG ANH 23/07/2021 22:05 GMT+7

TTCT - Đầu tháng 7, quy định mới ở Nga về thuật ngữ trên các nhãn dán champagne (ở Việt Nam được gọi nôm na là sâm banh) gây ồn ào trong giới kinh doanh rượu toàn cầu. Thậm chí nhà sản xuất champagne lớn nhất thế giới Moet Henessy lúc đầu còn tuyên bố ngưng cung cấp rượu cho Nga.


 
 Rượu champagne Nga tại một cửa hàng ở Matxcơva ngày 3-7-2021. Ảnh: AFP

Khi các tu sĩ dòng Benedictine ở làng Hautvillers của tỉnh Champagne làm ra được rượu vang sủi bọt (còn gọi là vang nổ), hẳn họ không ngờ mình đã sản xuất thứ thức uống tuyệt vời đến nỗi sau này nhiều nhà sản xuất rượu bắt chước, và từ “champagne” trở thành phong cách chính của các loại rượu vang sản xuất tại tỉnh Champagne. Hẳn họ cũng không ngờ đã đưa tên tuổi tỉnh Champagne đi xa, khiến từ “champagne” không chỉ có nghĩa là bất cứ thứ gì được sản xuất hoặc nằm ở Champagne, một tỉnh yên tĩnh của Pháp cách Paris vài giờ về phía đông, mà còn là các loại rượu vang sủi tăm, bất kể chúng được sản xuất ở nơi nào trên thế giới.

Sóng gió trên nhãn chai champagne

Nhưng tuần rồi thuật ngữ này lại là đề tài gây tranh cãi, khi ngày 2-7 Tổng thống Vladimir Putin ký một đạo luật trước đó đã được Duma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) thông qua, trong đó xác định các chi tiết cụ thể về sản xuất và lưu thông các sản phẩm rượu ở Nga. Tên đầy đủ của nó là Luật liên bang số 345-FZ “Về những sửa đổi đối với Luật liên bang về Quy định của Nhà nước về sản xuất và doanh thu của các thức uống có cồn” - văn bản chính điều tiết thị trường rượu ở Nga hiện nay.

Gây chú ý nhiều nhất cho các chuyên gia và nhà nhập khẩu trong tài liệu dài 76 trang này là cách diễn đạt mới của điều đầu tiên, trong đó nói rằng “việc sử dụng chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ liên quan đến các sản phẩm rượu vang được thực hiện trong khuôn khổ của hệ thống quốc gia Nga” theo quy định của pháp luật về trồng nho và sản xuất rượu vang.

Cái mới nhất của luật sửa đổi gây tranh cãi là loại bỏ từ “champagne” ra khỏi các chai rượu nhập, cụ thể là loại bỏ từ “champagne” khỏi phần nhãn phụ (thường nằm ở mặt sau của chai) và ở các tài liệu đi kèm, được cho là nguyên nhân khiến Moet Hennessy tạm ngưng xuất hàng sang Nga.

Các sửa đổi được công bố có hiệu lực từ ngày 6-7 này lập tức gây gấu ó. Nhiều người hiểu rằng, theo văn bản sửa đổi này, “từ nay chỉ có rượu champagne sản xuất ở Nga mới được ghi là champagne, còn những loại champagne khác phải ghi là “rượu vang sủi bọt” (“игристое вино” theo tiếng Nga, hay “sparkling wine” theo tiếng Anh). Tờ Le Monde đăng bài về việc “Nga chiếm đoạt thương hiệu Champagne”, cho rằng việc sửa đổi luật đã đảo lộn tình hình khi “từ chối quyền được mang cái tên nguyên bản Pháp của champagne”.

Vì đâu xuất hiện sửa đổi?

Ý tưởng sửa đổi luật này được một nhóm đại biểu Duma Nga đưa ra từ năm 2017, với lý do cần làm rõ và cụ thể hóa một số quy định và tiêu chuẩn, có tính đến những đặc điểm cụ thể của ngành sản xuất rượu nước nhà, để “tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển ngày càng tăng của nghề trồng nho và nấu rượu Nga”.

Các ông nghị này lưu ý “không có một cây nông nghiệp nào ở Nga cung cấp nhiều việc làm và tổng sản lượng trên một đơn vị diện tích đất như nho”. Sửa đổi này làm rõ các định nghĩa như “sản phẩm rượu” và “nguyên liệu làm rượu”; xếp cognac vào rượu vang; thống nhất các khái niệm “rượu vang sủi bọt”, cognac Nga cùng một số thức uống khác; đưa các nhà sản xuất nhỏ, các hộ kinh tế (nông dân, trang trại) vào chương trình khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ…

Tuy nhiên, khi đó chính phủ không ủng hộ dự thảo sửa đổi, chỉ ra số lượng lớn các tương phản và thuật ngữ chưa rõ ràng. Nó tiếp tục được hoàn thiện. Cuối cùng, vào tháng 6-2021, văn bản sửa đổi trên được thông qua sau hai lần đọc.

Tuy nhiên, trong lúc Chủ tịch Hạ viện V. Volodin thừa nhận “dự thảo luật rất phức tạp, ủy ban soạn thảo đã phải tốn nhiều công sức để nó được ủng hộ” thì giám đốc Tập đoàn rượu nổi tiếng Nga Simple Maxim Kashinrin phẫn nộ: “Các sửa đổi cuối cùng chỉ được đưa ra vào lần đọc thứ hai, và không hề được thảo luận với các hiệp hội sản xuất rượu”.

Còn theo Hãng tin kinh doanh RBC, thật ra các nhà sản xuất rượu đã biết về những sửa đổi này từ năm 2020, nhưng khi đó không ai chú ý đến các chi tiết mơ hồ đó.

Các nhà làm luật không phủ nhận một mục đích nữa, như một trong những tác giả dự luật, đại biểu Duma Konstantin Bakharev, thừa nhận: “Sửa đổi mới sẽ giúp bảo vệ sự tăng trưởng của ngành rượu vang Nga, đóng góp vào ngân sách đất nước”. Ông này nhắc lại rằng hơn 1/3 số nho ở Nga được dùng để sản xuất không chỉ rượu vang mà còn là các sản phẩm rượu khác như cognac… Do đó, Duma quốc gia, trong một luật khác mang tên “Về nghề trồng nho và làm rượu vang ở Liên bang Nga”, đã mở rộng chế độ tên gọi được bảo hộ cho tất cả các sản phẩm rượu vang làm từ nho Nga, chứ không chỉ cho rượu vang, như phiên bản gốc của luật tại thời điểm được thông qua năm 2019.

 
 Ảnh: newslooks.com

Champagne hay vang nổ?

Giải thích quyết định tranh cãi trên, đại biểu Bakharev nói từ “champagne” bị loại khỏi luật vì hiện nay nó không còn có nghĩa là “rượu vang sủi tăm đến riêng từ (tỉnh) Champagne, mà được dùng gọi tất cả các loại rượu vang sủi bọt, bao gồm cả Cava của Tây Ban Nha hay Prosco của Ý”.

Cần trở lại chuyện ngôn ngữ, khi từ tu viện Hautvillers, phong cách champagne được cố gắng tái tạo trên toàn thế giới và từ “champagne” bắt đầu mang tính chất của một ẩn dụ - cách thức mà theo định nghĩa của sách giáo khoa là “trên cơ sở so sánh một sự vật, hiện tượng với một sự vật, hiện tượng khác theo đặc điểm chung của chúng”. Khí carbonic hòa tan trong rượu, thoát ra khỏi cổ chai thành dòng sủi bọt tại thời điểm mở nắp là một đặc điểm chung rất thuyết phục. Khi bất kỳ loại rượu vang sủi bọt nào, ra đời ở Tây Ban Nha, Mỹ, thậm chí ở Trung Á, được gọi là champagne, thì từ champagne trở thành một ẩn dụ được sử dụng phổ biến.

Ngày nay, thế giới bước vào kỷ nguyên khoa học chính xác, rượu vang có thể được tạo bọt theo nhiều cách khác nhau, dù hương vị của rượu vang được sản xuất tại Champagne thật đặc biệt. Trong thế giới hiện nay, từ “champagne” được dùng để chỉ loại rượu vang sủi bọt. Thế nên các nhà làm luật Nga cho rằng cần phải gọi tên đúng của chúng là rượu vang sủi bọt, thay vì cái tên ẩn dụ champagne cho những thức uống không sản xuất tại tỉnh Champange.

Vụ ầm ĩ nhanh chóng mang ra quy mô quốc tế. Ngày 5-7, Ủy ban champagne Pháp kêu gọi tạm dừng các chuyến hàng sang Nga (mặc dù sau đó Moet Hennessy đồng ý dán nhãn thức uống của họ nhập sang Nga là “rượu vang sủi tăm”, giải thích việc tạm ngưng xuất rượu sang Nga là vì phải đăng ký lại sản phẩm và thay đổi nhãn mác).

Ủy ban rượu champagne liên ngành (CIVC) cũng gọi luật mới là “không thể chấp nhận được”, kêu gọi các nhà ngoại giao Pháp và EU thực hiện những nỗ lực cần thiết để sửa đổi nó. CIVC cũng dự định sẽ tham vấn với các nhà chức trách Nga về việc sử dụng tên “champagne” ở Nga , trong khi các đồng chủ tịch của CIVC là Maxime Toubar và Jean-Marie Barillier kêu gọi các thành viên ủy ban tạm ngừng cung cấp champagne cho Nga.

Hai mắc mứu

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, có lẽ sẽ không có cuộc tranh cãi vừa qua.

Vấn đề là, cùng với việc loại bỏ từ champagne khỏi nhãn phụ của những chai champagne nhập, các nhà làm luật Nga còn có “sáng kiến”, mà nói như ông Bakharev, “chúng tôi đã giới thiệu một thuật ngữ mới “rượu champagne Nga” (mặc dù ngay trong luật của Đế chế Nga năm 1914 “Về rượu nho”, khái niệm “champagne Nga” đã được sử dụng. Sau cách mạng, nó được gọi là “champagne Liên Xô”). Nếu nhà sản xuất trong nước muốn sản xuất rượu champagne, họ sẽ phải ghi rõ trên nhãn mác nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, đó chỉ có thể là nho trồng ở nước Nga”(!). Chính từ đây xuất hiện những mỉa mai cho rằng “từ nay chỉ có rượu champagne sản xuất ở Nga mới được ghi là champagne, còn những loại champagne khác phải ghi là “rượu vang sủi bọt”.

Nhà bình luận về rượu vang Nga, Igor Serdyuk, viết trên Forbes phân tích hai mắc mứu của những sửa đổi luật. Đầu tiên là định nghĩa. Serdyuk cho rằng các sửa đổi này dựa trên các định nghĩa liên quan đến “rượu vang sủi tăm” trong bộ quy chuẩn quốc tế Nga (viết tắt là GOST). Trong đó, có một khái niệm mà Forbes gọi là “tàn khốc”: “rượu vang sủi tăm có tên truyền thống”. “Tên truyền thống” này, theo GOST, “bao gồm từ champagne kết hợp với tên của nước sản xuất, thí dụ champagne Belarus, champagne Kazakhstan, champagne Nga... Vấn đề là trong số các “tên truyền thống” này lại không có tên gốc của Pháp, dường như được bảo vệ theo luật Champagné AOC (Appellation d'Origine Controlée, Chỉ định kiểm soát xuất xứ, liên kết sản phẩm với nguồn gốc địa lý của nó).

Forbes đặt câu hỏi: “Rõ ràng là bộ quy chuẩn nói trên của Nga, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, tính đến lợi ích của các nhà vận động hành lang trong ngành sao cho họ giữ được vị thế trên thị trường. Chỉ không rõ các tùy viên nông nghiệp Pháp và các nhà chức năng khác đã ở đâu trong năm 2015 - 2016 khi tài liệu này được chuẩn bị?”.

Thứ hai, như chính các doanh nhân trong ngành nhìn nhận, sửa đổi luật này thông qua khá vội, không tham khảo các hiệp hội trong ngành, không tính đến giai đoạn chuyển đổi cho các bên thích ứng. Điều này khiến người ta không coi luật mới này là bình thường.

Có phần công tâm hơn là nhận định của tổng giám đốc Câu lạc bộ chuyên gia thị trường thức uống có cồn” (Nga) Maxim Chernigovsky: “Cho đến ngày 2-7 vừa qua, luật Nga có kẽ hở, khiến các nhà nhập khẩu sử dụng nó và xuất khẩu sang Nga các loại vang nổ dưới mã hàng “champagne”, đánh lừa người tiêu dùng Nga. Giờ đây kẽ hở này đã biến mất, và khi những sản phẩm này đến với chúng tôi, chúng phải chạy qua mã “rượu vang sủi bọt”. Nhưng lẽ ra cần có ngoại lệ đối với Champagne”. Năm ngoái, Nga nhập 50 triệu lít rượu vang nổ, trong số này thức uống từ tỉnh Champagne chỉ chiếm 2%. Vì vậy, theo Chernigovsky, các sửa đổi này gây ra rắc rối chủ yếu cho các nhà sản xuất champagne của tỉnh Champagne. Theo chuyên gia này, nhiều khả năng các nhà làm luật Nga sẽ bổ sung ngoại lệ cho champagne của tỉnh Champagne!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận