Chuyện một người đàn bà đan len

PHAN PHAN 12/12/2013 04:12 GMT+7

TTCT - Từ tài sản khởi nghiệp chỉ là số vốn đủ làm mười chiếc áo len, bà Vũ Thị Kim Hòa đã bước vào thế giới của len sợi trên đôi chân tật nguyền của mình để trở thành người đàn bà đan len nổi tiếng tại Đà Lạt.

Khi đã làm chủ bảy cơ sở sản xuất dệt len ở Đà Lạt, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và hàng chục vệ tinh ở các tỉnh thành, bà Hòa vẫn từng ngày vào xưởng, tự tay gia công các sản phẩm - Ảnh: Phan Phan

“Bằng tuổi này nhưng tôi vẫn phải tập đi. Nếu việc di chuyển cơ thể tật nguyền với tôi đã khó thì việc đi và đứng vững trong làm ăn lại càng khó hơn. Vì thế trong đầu tôi luôn nghĩ phải tập đi” - bà Vũ Thị Kim Hòa, giám đốc Công ty TNHH dệt len Trúc Quỳnh, mở đầu câu chuyện.

Bị bại liệt mềm vì sốt ác tính năm lên 3 tuổi, Hòa phải tập đi nhờ hai song gỗ do người cha đóng. Ngoài thời gian học, Hòa chỉ biết đan len cùng mẹ, từ khăn quàng cổ đến búp bê. Học hết lớp 12 mà người chỉ nặng 38kg, Hòa biết rằng chỉ có thể theo nghề nhẹ nhàng như may đan. Trong gần 20 năm, cô ngồi một góc trong căn phòng nhỏ, cặm cụi tự học tất cả kỹ thuật đan, phương pháp nối, kéo sợi...

Cũng từ cái góc ấy mà Hòa đã nghĩ ra hình sóng biển trên khối len khi liên tưởng đến giấc mơ biển từ ấu thơ. Dần dần, mẫu len đan hình sóng biển trở thành một sáng tạo được thị trường ưa chuộng để cô đủ tự tin bước vào thế giới của riêng mình.

Cây đời nở hoa

Đầu năm 2005, tình cờ gặp nhóm khuyết tật ở địa phương, bà Hòa quyết định nhận năm người về làm chung. Khi ấy, số vốn ban đầu 200.000 đồng chỉ đủ may mười chiếc áo len, bán hết số áo đó mới có tiền xoay vòng mua nguyên liệu làm tiếp. Tích góp từng ít một, hai năm sau Hợp tác xã Hữu Hòa ra đời trong căn nhà gỗ rộng 20m2 của cha mẹ bà.

Những sản phẩm đầu tiên gắn mác thương hiệu ra đời. Số nhân công tăng dần lên đến 30 người, tất cả là người khuyết tật, mà chỉ có hai máy kéo sợi. Mọi người phải nhường nhau, hễ người này kéo thì người kia mày mò móc bằng tay.

Lúc ấy, thầy Linh Toàn (chùa Vạn Hạnh, P.8, TP Đà Lạt) đến thăm thấy thương cảnh ngần ấy con người khuyết tật phải chen chúc và thiếu công cụ sản xuất. Thầy liền tặng hai máy đứng kéo gấu, ba máy dệt ngồi và chiếc máy trợ thính cho một nhân viên. Cảm động trước việc làm ấy, bà Hòa luôn ghi nhớ lời thầy dặn: Sống đúng đạo thì nên làm nhiều việc tốt, như cây đời nở hoa mới bền thắm và có giá trị.

Từ dự án AACOS của phụ nữ Ý, Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM đã thành lập các cơ sở đan len cho người cao tuổi và phụ nữ dân tộc ở Lạc Dương (Lâm Đồng). Nghe tin, bà Hòa đến đề nghị giúp dạy nghề miễn phí cho học viên. Dự án nối tiếp dự án, bà Hòa vừa xoay xở tìm cơ sở mới, vừa liên kết với các nhóm từ thiện tổ chức dạy nghề, tạo việc làm.

Bà Mai Thị Kim Chi, chủ cơ sở dệt len Anh Minh (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), cho biết: “Bà Hòa tâm sự với tôi rằng còn muốn làm nhiều hơn thế, vì hơn ai hết bà biết người khuyết tật, người nghèo cần đến mình”.

Từng làm việc nhiều với bà Hòa, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, phó chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM, nhận xét: “Tôi biết chị luôn trăn trở và sáng tạo không ngừng để có những mẫu sản phẩm mới. Năm năm qua, Trúc Quỳnh sẵn sàng nhận cung ứng giá rẻ các sản phẩm mũ, áo cao cấp để hội phân phối vào hệ thống siêu thị Co.op Mart. Toàn bộ số lãi thu được sẽ dành cho các hoạt động từ thiện, công tác xã hội, nuôi dạy bảy mái ấm tình thương trên địa bàn TP.HCM.

Nhớ nhất lần làm từ thiện “Áo ấm mùa đông” ở Đắk Nông tháng 12 năm ngoái, khi tôi vừa ngỏ lời, chị đã quyết định tặng 300 áo len cho đồng bào dân tộc”.

Bà Hòa hướng dẫn cách đan tay len cho Lê Bùi Thảo Tâm, 18 tuổi. Em mắc hội chứng Down bẩm sinh, sau ba năm theo học đã có thể thực hiện những mũi đan cơ bản - Ảnh: Phan Phan

Từ những đơn hàng đầu tiên

Ngày đầu thành lập chưa tìm được nguồn ra, bà Hòa tự mang sản phẩm đi chào hàng khắp các chợ, sạp, khu du lịch... từ Đà Lạt đến Sài Gòn. Trở ngại đầu tiên là những ánh mắt e dè về chất lượng sản phẩm do người khuyết tật làm ra. Bà thuyết phục đảm bảo sẽ bồi thường gấp ba nếu sản phẩm không đạt chất lượng.

Bà nhớ nhất lần đến chợ An Đông, bước vào cửa hàng Phước Linh, nhân viên xem sản phẩm lắc đầu, bà kiên trì ra trước cửa ngồi đợi hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng ông chủ bước ra. Sau khi coi tỉ mỉ từng chiếc áo len, ông nhận 30 sản phẩm đầu tiên. Kể từ đó, bà có thêm một mối hàng lớn cho tới giờ.

Nhưng chốn thương trường luôn có những bài học đắng cay. Bà Ngô Thị Hoàng Anh, người gắn bó với bà Hòa từ những ngày đầu thành lập hợp tác xã, nhớ lại: “Có lần để giảm chi phí, Hữu Hòa nhập một lượng lớn sợi len trôi nổi trên thị trường. Mở kiện hàng ra, chủ nhiệm Hòa choáng váng: sợi bị mục, không dùng được! Cơ sở chông chênh, vốn hết sạch, đơn hàng thì đang chờ. Chị Hòa phải cắn răng vay mượn khắp nơi để bảo đảm hợp đồng. 60.000 sản phẩm làm xong nhưng công ty mua hàng ở Hà Nội biến mất tăm!”.

Giữa năm 2009, một đơn hàng bất ngờ từ Campuchia trị giá 200 triệu đồng cho hai mặt hàng truyền thống: áo nữ có thêu hình bông mai trên túi và áo nam cổ tim thêu hình móng ngựa ở ngực trái. Cánh cửa thị trường ngoài nước hé mở, bà bắt tay vào đa dạng mặt hàng từ dệt kim tới đan tay với hàng trăm mã hàng khác nhau: áo, khăn, nón, dép, đồ chơi, móc khóa, miếng lót... Sau đó, hàng lần lượt được xuất qua Mỹ, Nhật, các nước Đông Âu. Công ty TNHH dệt len Trúc Quỳnh chính thức ra mắt.

Chứng kiến nhiều công ty len danh tiếng Đà Lạt lần lượt đóng cửa do chỉ làm hàng xuất khẩu mà không chú trọng mảng nội địa, thiếu ý tưởng mẫu mã..., bà làm cả hai mảng: xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Hàng của bà rải đều ở Đà Lạt, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Đầu năm 2010, công ty đã phải bỏ một lô hàng lớn chỉ vì lỗi mốt. Nạn ăn cắp ý tưởng sản phẩm tràn lan, hàng không bán được chất đầy kho, thế là Trúc Quỳnh lập ra phòng mẫu, phòng bảo mật để cùng thực hiện những kế hoạch thay đổi mẫu mã sản phẩm. Bà tổ chức nhiều cuộc thi tay nghề sáng tạo trong xưởng, bố trí lại nhân sự đúng năng lực. Các học viên giỏi được đưa lên làm thợ chính, học các lớp đào tạo kỹ thuật nâng cao do bà trực tiếp hướng dẫn.

Từ đây, các mẫu độc quyền về ý tưởng, phức tạp trong thiết kế lần lượt ra đời: áo móc tay hình sóng, áo cánh dơi hình sóng, mũ tuần lộc hình nổi, biểu tượng linh vật cỡ lớn... kết hợp cả dệt máy và đan (móc) bằng tay.

“Phải có cái riêng, cái duy nhất mới cạnh tranh được. Trúc Quỳnh chuẩn bị xuất sang Tây Ban Nha 200.000 sản phẩm từ sợi lông cừu và sau đó sẽ bung một lượng lớn hàng ở thị trường Việt Nam. Khi ấy có làm giả cũng bị “đứng” hàng, không bán được” - bà quả quyết.

Lại phải tập đi

Công việc không cho phép bà ngơi nghỉ. Mới hôm trước vào TP.HCM tìm thị trường, ký hợp đồng, hôm sau bà đã đến các cơ sở ở Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà (Lâm Đồng), Ninh Thuận, Bình Thuận dạy nghề cho học viên, rồi lại tất bật với công việc quản lý tại cơ sở chính Đà Lạt.

Cách đây ba tháng, trên đường xuống xưởng thêu bà gặp tai nạn. Đôi chân di chuyển đã khó khăn, bị va đập mạnh lại càng yếu hơn, bà phải ngồi xe lăn. Cuộc đua thương trường còn đó, bà lại bước vào “cuộc chiến” tuy mới mà cũ: tập đi! Sáng vào xưởng tự tay gia công sản phẩm, hướng dẫn thợ; chiều về nhờ người dìu đi từng bước xung quanh nhà cho đến tối. Chiếc nẹp nhựa bên chân trái thay cho hai song gỗ của người cha đóng cho con gái tập đi năm nào. Đã bước sang tuổi 50, bà vẫn còn muốn đi nhiều nơi, thực hiện nhiều ý tưởng.

Khi được hỏi vì sao không tìm người giúp quản lý công ty, bà Hòa mỉm cười, nhìn về phía những công nhân bên chiếc máy dệt: “Cô con gái vì sợ khổ không theo nghề của mẹ. Nhiều khi muốn dừng lại yên ổn, nhưng nghĩ lại còn bao nhiêu con người đang hi vọng vào mình nên phải cố gắng. Đã đi được rồi phải đi tiếp!”.

Hiện Trúc Quỳnh có hơn 700 công nhân, với gần 100 người khuyết tật, trong đó 15 người không có gia đình được hỗ trợ ăn ở tại chỗ. Công ty đang huy động 25 thợ làm việc trong vòng ba tháng để hoàn thiện những sản phẩm cuối cùng trong số 500 áo ấm và 500 mũ len theo tàu ra đảo Trường Sa vào đợt cuối năm.

Khi nghe kể các chiến sĩ ngoài đảo xa vào ca trực phải đổi áo ấm cho nhau, bà Hòa và mọi người trong công ty quyết định trích một phần lợi nhuận để làm các áo mũ được thiết kế riêng gửi ra hải đảo, biên giới mỗi năm một đợt từ năm 2011 đến nay. Áo được thiết kế cổ cao, ôm sát người để mặc quân phục bên ngoài. Mũ len trùm kín đầu và cổ, chỉ chừa phần mắt, có gắn vành lưỡi trai.

Tháng 7-2011, chiếc chăn len có diện tích 320m2 do 20 thợ thủ công của Hợp tác xã Hữu Hòa hoàn thành sau bốn năm. Chiếc chăn được ghép từ 100m2 len đan tay của người già trong viện dưỡng lão Montpellier (Pháp) do Hội AD@IY (Hội những người bạn theo dấu chân của bác sĩ Yersin) mang sang Việt Nam.

Chiếc chăn đã được triển lãm nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam năm 2012 tại Hà Nội, dự kiến sẽ đem ra đấu giá tại TP.HCM trong tháng 12-2013, toàn bộ số tiền dành để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam trên cả nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận