Giãn cách xã hội là một đặc quyền!

THƯ KỲ 12/04/2020 16:04 GMT+7

TTCT - Không phải ai cũng có thể thoải mái ở nhà một vài tháng trong mùa đại dịch.

Người dân ở Quetta, Pakistan chờ đợi được phát đồ cứu trợ trong khi quốc gia này phong tỏa vì dịch bệnh. (Reuters)

Chú Năm ở cạnh nhà tôi là người giao hàng cho hệ thống siêu thị Co.opMart. Thấy chú vẫn xách xe đi làm, tôi hỏi vì sao chú không ở nhà trong thời gian này cho an toàn. Chú bảo đâu có được, siêu thị vẫn bán hàng qua điện thoại, bọn tôi phải có mặt để giao hàng cho khách, đâu nghỉ được.

Chú không nói nhưng tôi hiểu tiền công giao hàng đang là món thu nhập cả nhà chú trông vào để sinh sống. Người như chú Năm nhiều lắm. Xóm tôi vắng tiếng xe hơn trước nhưng vẫn nghe tiếng rao, sáng thì bánh mì, trưa ve chai, chiều xôi. Năm giờ sáng tôi đã nghe tiếng rao “muối đây, ai mua muối đây”. Và chập choạng tối vẫn nghe “bánh mì thơm bơ, năm ngàn một ổ”.

Với những người phải có mặt ngoài đường trong thời gian này, giãn cách xã hội là một đặc quyền không đến phần họ. Thử hỏi những anh “shipper” ngồi chờ trước các quán ăn để nhận đơn hàng của khách, làm sao họ ở nhà để giãn cách?

Con virus corona không phân biệt giàu nghèo, bằng chứng là có nhiều nhân vật nổi tiếng, kể cả nguyên thủ quốc gia, nhiễm bệnh. 

Thế nhưng với chiến lược giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch, những ai do mưu sinh hay do trách nhiệm công việc phải ra đường, di chuyển nhiều, tiếp tục làm những công việc thiết yếu cho đời sống ắt chịu phơi nhiễm rủi ro chạm trán virus hơn là người có thể ở yên trong nhà.

Thời gian này ngồi yên ở nhà, cần món gì gọi điện có người giao hàng tận cửa là một đặc quyền chứ gì nữa. Frances O’Grady, tổng thư ký Tổ chức Công đoàn Anh, viết trên tờ The Guardian rằng phải đến lúc có dịch mới thấy những nhân viên y tế, bán hàng, người lau dọn, nhân viên nhà kho, lái xe chở hàng… là cần thiết đến mức nào và được trả lương thấp ra sao.

Tôi chợt nhớ tới cuốn sách gây tranh cãi của David Graeber cho rằng hơn một nửa công việc trong xã hội hiện đại là loại công việc vô bổ, có cũng được, không có không chết ai (ông dùng từ “dữ dằn” hơn: “bullshit jobs”). 

Những nghề được đưa ra làm ví dụ gồm luật sư công ty, nhân viên vận động hành lang, tiếp thị qua điện thoại, chuyên gia đối ngoại… Có lẽ dịch COVID-19 và giãn cách xã hội là phép thử cho lập luận của tác giả này.

Một bài viết trên tờ The New York Times cũng về đề tài giãn cách xã hội cho biết tính đến cuối tuần trước tại hạt Milwaukee, bang Wisconsin, 81% các ca tử vong vì COVID-19 là người da đen, dù chỉ 26% dân cư hạt này là người da đen. Số liệu đó chứng minh tính dễ tổn thương của người dân trước dịch bệnh liên quan đến mức sống và cả chủng tộc nữa.

Mặc dù chiến lược giãn cách xã hội, ở yên trong nhà không ra đường nếu không thật sự cần thiết là hoàn toàn đúng đắn để chặn đà lây lan của con virus, nhưng thực tế không phải ai cũng có khả năng ở yên trong nhà, dù chỉ một thời gian ngắn.

Bài trên tờ The New York Times trích một nghiên cứu của Viện Chính sách kinh tế Mỹ cho biết cứ năm người Mỹ da đen thì chưa đến một người có khả năng làm việc từ nhà. Dễ hiểu thợ hớt tóc, người giữ trẻ, lao công, tài xế, thợ xây dựng… làm sao làm việc từ nhà? 

Sếp của họ có thể ở nhà chỉ đạo công việc qua Zoom hay Skype, nhưng họ thì thua. Nói giãn cách xã hội là một đặc quyền ý nói một chọn lựa rất đau của người yếu thế: ở nhà chịu đói hay ra đường chịu phơi nhiễm cao hơn.

Hãng thu thập và phân tích dữ liệu Cuebiq có dữ liệu của chừng 15 triệu người sử dụng điện thoại di động khắp nước Mỹ, phân nhóm theo thu nhập. 

Theo tường thuật của The New York Times sử dụng dữ liệu này, khủng hoảng COVID-19 làm mọi người di chuyển ít hơn trước rất nhiều, nhưng tỉ lệ người giàu ở yên trong nhà cao hơn hẳn người thu nhập thấp. Không chỉ vậy, xu hướng tự cách ly ở nhà diễn ra sớm hơn ở nhóm người giàu, giúp họ có hẳn một lợi thế lớn so với nhóm dân nghèo khi tính đến yếu tố lây nhiễm.

Chuyện người giàu có nhiều phương tiện để chống chọi dịch bệnh là rất bình thường nhưng với những người phải lo mưu sinh, nhà nước phải tính đến các chính sách hỗ trợ họ khi thiết kế phương án chống dịch. Chính vì thế nhiều nước châu Âu, đặc biệt là các nước Bắc Âu, thay mặt chủ tư nhân trả đến 70% lương cho công nhân để họ ở nhà - nghĩa là để họ hưởng đặc quyền “được” giãn cách xã hội!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận